Trung Quốc, quốc gia sản xuất những bóng ma
Đăng ngày: 26/11/2021
Thanh Phương
Vụ mất tích trong 18 ngày của ngôi sao quần vợt nữ Bành Súy và sự tái xuất hiện của cô theo sự dàn dựng của chính quyền làm nổi rõ một các hành xử quen thuộc của chế độ Cộng sản Trung Quốc: gạt bỏ những người “gây khó chịu” bằng cách làm họ biết mất. Đó là thực tế mà nhật báo Công Giáo La Croix nêu bật trong bài viết tựa đề “ Trung Quốc, quốc gia sản xuất những bóng ma”.
Bành Súy còn sống nhưng không hề được tự do. Theo La Croix, ngày 2/11, khi tố cáo một lãnh đạo rất cao cấp của Đảng Cộng sản đã cưỡng hiếp cô, ngôi sao quần vợt Trung Quốc đã khởi động một tiến trình “khốc liệt”. Bản thân phụ nữ trẻ 35 tuổi này không ngờ mình lại trở thành tâm điểm của một vụ tai tiếng gây ầm ĩ toàn cầu, mà chính các cơ quan tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc cũng bị choáng ngợp bởi phản ứng phẫn nộ của quốc tế sau lời tố cáo can đảm này.
Tờ La Croix nhắc lại, làm biến mất những kẻ “ gây rối”: nghệ sĩ, nhân vật nổi tiếng, chính khách hay quan chức cao cấp vẫn là cách hành xử quen thuộc trong chính sách đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ khi đảng này ra đời cách đây một thế kỷ. Đây là điều mà các tổ chức nhân quyền vẫn tố cáo. Các quốc gia khác thì bày tỏ phẫn nộ hoặc lên án lấy lệ. Nhưng chế độ Bắc Kinh vẫn bác bỏ những cáo buộc đó, qua những thông cáo chỉ trích “ những sự can thiệp của bên ngoài vào công việc nội bộ của Trung Quốc”. Vụ Bành Súy chỉ thêm vào một danh sách rất dài gồm hàng trăm người Trung Quốc, Tây Tạng, hay Duy Ngô Nhĩ, nổi tiếng hay vô danh, đã bị biến thành các “bóng ma” ở Trung Quốc.
La Croix trích lời Benedict Roger, sáng lập viên tổ chức nhân quyền Hongkong Watch: “ Chế độ Cộng sản Trung Quốc hoạt động giống như là một băng đảng chuyên bắt cóc, khủng bố và hăm dọa.” Ông nhắc lại trường hợp điển hình nhất, mà nay gần như bị quên lãng, đó là trường hợp của Ban Thiền Lạt Ma Gedhun Choekyi Nyima, năm nay 36 tuổi. Vào năm 6 tuổi, ông đã được Đức Đạt Lai Lạt Ma chọn là hóa thân của Ban Thiền Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần đứng hàng thứ hai của Phật Giáo Tây Tạng. Nhưng chỉ ba ngày sau, ông đã bị chế độ Bắc Kinh bắt cóc và giữ tại một nơi bí mật cho tới nay.
Theo giải thích của Phelim Kine, cố vấn châu Á của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, việc giam giữ một người tại một nơi bí mật, cắt đứt hoàn toàn liên lạc với bên ngoài đã được hợp pháp hóa trong hệ thống tư pháp Trung Quốc.