Cựu “phó tướng” của Trump: Giải vây cho Ukraine ư, cần ra đòn vào 2 yếu huyệt này của Nga?
Ông John Bolton, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Trump cho rằng Nga đã để lộ 2 \”yếu huyệt\” và chỉ cần đánh thẳng vào đây, NATO sẽ giúp Ukraine \”thoát nạn\”.
Mới đây, trang “1945” đã đăng tải bài phân tích của cựu cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ ông John Bolton với tiêu đề “Russia Has Bigger Plans Beyond Ukraine And Belarus” (Nga có những kế hoạch lớn hơn bên ngoài Ukraine và Belarus).
Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn sắc sảo của người từng đóng vai trò quan trọng trong chính sách của Mỹ dưới thời Trump – liên quan tới thế đối đầu giữa Nga và Ukraine nói riêng cũng và giữa Nga và NATO nói chung, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Ukraine và Belarus chỉ là một phần “chiến lược vĩ mô” của ông Putin?
Sau khi Tổng bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev phá bỏ cam kết không triển khai tên lửa hạt nhân ở Cuba trong cuộc khủng hoảng vào năm 1962, Tổng thống Mỹ khi đó là John F. Kennedy (JFK) đã gọi ông Khrushchev là “kẻ nói dối khốn nạn” và “gã Gangster vô đạo đức”.
Nhưng chỉ vài giờ sau, JFK lại nói với các cố vấn cấp cao của mình như sau: “Chúng ta chắc chắn đã hiểu sai về những gì ông ta đang cố gắng làm ở Cuba”.
Hiện tại nhận định này có vẻ cũng đúng với Tổng thống Nga Vladimir Putin và tình hình ở Ukraine. Cũng như ở Belarus (cuộc khủng hoảng biên giới Ba Lan – Belarus), mục tiêu của Nga ở Ukraine vẫn khá là mơ hồ trong các cuộc tranh luận ở Phương Tây.
Thực tế là ông Putin đang theo đuổi một chiến lược vĩ mô xuyên suốt “các quốc gia lân cận” của Nga, trong khi cách tiếp cận của Phương Tây là vi mô.
Cần nhắc lại các bình luận của ông Putin về việc Liên Xô tan rã, hay những gì mà Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng nói về ông chủ Điện Kremlin:
“Ông ấy (Putin) không phải là 1 người Cộng sản, ông ấy là 1 người “Czarist” (ủng hộ các hệ thống của Đế chế Nga trước năm 1917)”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton vào năm 2018. Ở hậu cảnh là Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Ảnh: Reuters).
Moscow đang thăm dò toàn bộ “vùng xám” giữa biên giới phía đông của NATO và biên giới phía tây của Nga. Đó không chỉ là Ukraine và Belarus, mà còn bao gồm cả Moldova và các nước cộng hòa ở Caucasus (Kavkaz).
Nga đã tạo ra cuộc “xung đột đóng băng” giữa Moldova và Transnistria, chiếm đóng 2 tỉnh của Gruzia (Nam Ossetia và Abkhazia) và can thiệp nhằm ủng hộ người Azerbaijan trong cuộc xung đột với Armenia (Chiến tranh Nagorno-Karabakh 2020).
Tất cả đều cho thấy các chính sách bá quyền của Điện Kremlin đang lôi kéo 6 quốc gia “vùng xám”. Nếu chỉ phân tích từng cuộc xung đột đơn lẻ hơn là quan sát bằng con mắt chiến lược, chúng ta có thể “rơi vào bẫy” của ông Putin.
“Tầm nhìn” rộng lớn hơn của Điện Kremlin được thể hiện qua việc nước này gia tăng các cuộc tập trận hải quân ở Biển Đen và những lời phàn nàn ngày càng tăng về sự hiện diện mang tính “khiêu khích” của Hải quân Mỹ ở đó.
Sự thống trị của Nga ở Biển Đen sẽ đe dọa không chỉ Ukraine mà còn là Gruzia, các thành viên NATO Bulgaria và Romania và gây ra sự tức giận ở Thổ Nhĩ Kỳ – nước ngày càng thất thường dưới thời Tổng thống Erdogan.
Mối đe dọa nào của Nga sắp thành hiện thực và mối đe dọa nào chưa rõ ràng? Có lẽ tình thế tương tự như năm 1962 khi JFK lo sợ Khrushchev sẽ sử dụng Berlin như “con tin” để ngăn cản phản ứng mạnh mẽ của Washington đối với chủ nghĩa phiêu lưu ở Moscow?
Bàn chân của người Nga hiện đã in dấu tại tất cả các khu vực xung đột trong không gian hậu Xô viết.
Mỹ và NATO cần làm những gì “ngay và luôn”?
Sự bất lực của Phương Tây trong việc lên các chính sách đáp trả hiệu quả với Nga đã nhấn mạnh “chứng cận thị” của chính chúng ta.
Đối mặt với các hành vi của Điện Kremlin, Washington dưới thời ông Biden đang đáp trả bằng cách làm tự mình “đau đầu” thông qua các cuộc tập trận của NATO.
Điều này thật mỉa mai khi gợi nhớ lại thời Trump khi các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn đã kích động sự chỉ trích và những đe dọa nghiêm trọng của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Trong khi đó, Châu Âu vẫn tiếp tục coi thường tình thế. Thỏa thuận của liên minh cầm quyền mới ở Đức không đề cập đến cam kết với NATO rằng các thành viên dành ít nhất 2% GDP cho quốc phòng – nhưng lại ủng hộ sự hợp tác nhiều hơn giữa các Quân đội EU.
Tương tự, Hiệp ước Quirinale giữa Pháp và Italia (Ý) cam kết tăng cường cho chiến lược quốc phòng của EU thay vì NATO.
Châu Âu vẫn đang hướng tới việc thành lập một liên minh quân sự thay thế NATO?
Sự phân tâm này rõ ràng tạo cơ hội cho ông Putin có thời gian cơ động đáng kể cho các chiến thuật chiến tranh hỗn hợp nhằm đáp ứng các mục tiêu ngắn hạn của Moscow – đồng thời tạo tiền đề cho các cuộc đấu tranh trong tương lai.
Hiện tại, những hành động khiêu khích mới có thể xảy ra không phải vì Nga muốn chứng minh sức mạnh mà vì việc Moscow lo ngại sự suy yếu về chính trị hoặc kinh tế sắp xảy ra.
Người Nga hiện có thể kết luận rằng lợi thế của họ hiện tại chỉ là tạm thời – do vậy họ sẽ có thêm động lực để tấn công trước khi cán cân thay đổi.
Trong một viễn cảnh tệ hơn, ông Putin có thể phối hợp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, liên quan tới vấn đề Eo biển Đài Loan nhằm chuyển hướng chú ý khỏi mối đe dọa của Nga ở Châu Âu, để đổi lấy các khoản viện trợ “có đi có lại” từ Moscow tới Bắc Kinh hoặc ngược lại.
Phương Tây phải thừa nhận rằng Moscow đang theo đuổi một chiến lược dài hạn hơn, rộng hơn và tương quan hơn so với những gì chúng ta đã thừa nhận trước đây.
Ngay cả ông Putin cũng đang “tùy cơ ứng biến” và gần như chắc chắn là ông chủ Điện Kremlin sẽ nắm bắt các mục tiêu đem lại cơ hội khi chúng xuất hiện – điều cho thấy sự nhanh lẹ của người Nga.
Một dân quân thân Nga ở Donbass khoe chiếc áo thun có hình ông Putin khi tham chiến trong Trận Debaltseve vào năm 2015 (Ảnh: Reuters).
Vì vậy, việc tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, tấn công vào Nord Stream II, tẩy chay dầu mỏ của Nga và các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao khác vẫn sẽ là không đủ.
Washington phải vượt qua chính mình, đáp trả các hành động khiêu khích của Nga thông qua NATO, không phải EU.
Trò chơi của Nga hiện tại mang tính chính trị và quân sự nhiều hơn là kinh tế. Câu hỏi địa chiến lược trọng tâm của NATO là làm thế nào để giải bài toán tổng hợp về “vùng xám”.
Điểm dừng của sự mở rộng về phía đông của NATO hay hậu quả đối với các nước nằm ngoài Liên minh – trong “vùng xám” của Nga chưa bao giờ được cân nhắc một cách thỏa đáng.
Nhiệm vụ trước mắt không phải là đổ lỗi cho các quyết sách trong quá khứ, mà là quyết định xem nước trong “vùng xám” nào là ứng cử viên nghiêm túc cho NATO, tháo gỡ “sự kìm kẹp” của Điện Kremlin với họ và ngăn chặn các mối ràng buộc mới được áp đặt (ví dụ như nguy cơ đảo chính ở Ukraine).
Moscow rõ ràng sẽ phải nghe rõ cả ý định và ý chí của chúng ta để đạt được chúng.
Đối với những nước còn lại trong “vùng xám”, NATO phải quyết định làm thế nào để bảo vệ lợi ích của chúng ta và ngăn chặn người Nga, thừa nhận rằng các quốc gia này dễ bị tổn thương hơn các thành viên NATO.
Một người lính Ukraine tại chiến hào ở Donbass vào năm 2016 (Ảnh: EPA).
Trong khi chúng ta vật lộn với những quyết định mang tính sống còn này, NATO nên nói với Nga rằng những thay đổi bằng quân sự đối với hiện trạng là không thể chấp nhận được. Nhưng việc ông Putin có tính tới cảnh báo của chúng ta hay không là điều vẫn chưa chắc chắn.
Sau khi đã quyết định, NATO nên bắt đầu làm sáng tỏ các “xung đột đóng băng” và những vướng mắc khác mà Nga đã áp đặt lên các nước tương lai có thể là thành viên NATO.
Một ưu tiên đó là loại bỏ cái gọi là Cộng hòa Transnistria, một thực thể nhân tạo hoàn toàn phụ thuộc chính trị và quân sự vào Nga. Việc gây sức ép với Moscow về việc tái thống nhất Moldova sẽ khiến ông Putin chuyển hướng sự chú ý khỏi Ukraine.
Một “điểm nóng” khác sẽ làm gia tăng sự chú ý của quốc tế đó là Abkhazia và Nam Ossetia.
Việc Phương Tây không phản kháng trước cuộc tấn công của Nga vào Gruzia (2008) đã trực tiếp dẫn đến việc Nga sáp nhập Crimea (2014) và Chiến tranh Donbass (2014-2015) sau này.
Các hành động “ưu ái” Moscow này sẽ làm giảm bớt căng thẳng Nga – Ukraine, đồng thời cũng làm nổi bật các hành vi của Nga mà NATO cần phải đảo ngược.
Rõ ràng là còn nhiều việc phải làm. Rõ ràng, chỉ giả định các tư thế phòng thủ trước các động thái hiếu chiến của Điện Kremlin không phải là con đường dẫn tới hòa bình và an ninh của NATO cũng như của Châu Âu.
Đặc biệt là trong bối cảnh thảm họa Mỹ – NATO rút khỏi Afghanistan, giờ là lúc Liên minh cho thấy họ vẫn tồn tại và khỏe mạnh. Thông điệp gửi tới Moscow nên là: “Phía trước sẽ không có ngày nào dễ dàng”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nguồn SOHA