Dầu hỏa, tiền và vũ khí trong quan hệ Qatar với Mỹ và Trung Quốc
Đăng ngày: 30/11/2021
Thanh Hà
« Tương lai kinh tế đặt ở Trung Quốc » : Năm 2009 Cheikh Hamad ben Khalifa al Thani, cố lãnh đạo Qatar đã thấy rõ điều đó. Nhưng Doha vẫn lệ thuộc vào Hoa Kỳ về mặt an ninh để tự vệ trước những đối thủ trong khu vực như Ả Rập Xê Út hay Bahrein, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Cuộc đối đầu Mỹ-Trung khiến bài toán của Doha thêm phần nan giải.
Tương tự như rất nhiều các đồng minh châu Á và châu Âu của Hoa Kỳ, chính quyền Doha rất sợ sẽ phải chọn đứng về phe nào khi đã mở rộng hợp tác với Trung Quốc về thương mại và thậm chí là cả trong lĩnh vực quân sự, nhưng an ninh lại hoàn toàn lệ thuộc vào Mỹ. Liệu Qatar có đang rời xa quỹ đạo của Mỹ để ngả vào vòng tay Trung Quốc hay không ?
Chìa khóa tăng trưởng đặt tại Bắc Kinh
Là một quốc gia với chưa đầy ba triệu dân, có diện tích bằng 1/3 so với Đài Loan, nhờ có dầu khí, (đem về đến hơn 60 % GDP và chiếm 85 % tổng kim ngạch xuất khẩu), Qatar thiết lập được kênh đối thoại đặc biệt với Trung Quốc. Tương tự như nhiều nước trong vùng Vịnh Ba Tư, Qatar đã trở thành một mắt xích không thể thiếu trong dự án « Một Vành Đai, Một Con Đường » của Bắc Kinh.
Từ năm 2014 nhờ một hiệp định hợp tác, Trung Quốc được mời tham gia vào kế hoạch « Tầm Nhìn Quốc Gia Qatar 2030 ». Qua đó hai tập đoàn dầu khí PetroChina và Sinopec đầu tư, mở rộng các hoạt động tại mỏ khí đốt North Field của Qatar.
Trả lời RFI tiếng Việt, chuyên gia về Trung Đông, Jean- Loup Samaan thuộc Đại Học Quốc Gia Singapore và Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI nhấn mạnh đến sự gắn kết càng lúc càng chặt chẽ giữa Qatar và Trung Quốc về mặt thương mại và kinh tế. Ông cũng là tác giả bài tham luận mang tựa đề « Qatar trước sự kình địch Mỹ-Trung : Thế lưỡng nan của một vương quốc trong vùng Vịnh », đăng trên trang mạng của IFRI tháng 11/2021.
Jean-Loup Samaan : « Thoạt đầu, trao đổi chủ yếu giới hạn trong lĩnh vực khí đốt. Doha là một trong những nguồn cung cấp quan trọng của Trung Quốc, bảo đảm khoảng 35 % nguồn khí đốt nhập khẩu của nước này. Tuy nhiên trong những năm gần đây, mậu dịch giữa Trung Quốc và Qatar, từng bước, mở rộng ra nhiều lĩnh vực. Trung Quốc đầu tư vào Qatar, một số tập đoàn của Trung Quốc tham gia vào các công trình trùng tu cơ sở hạ tầng cho quốc gia trong vùng Vịnh này, nâng cấp các hải cảng và thậm chí là Hoa Vi đang trở thành một trong những đối tác chính của Qatar để xây dựng hệ thống mạng 5G ».
Từ 2000 đến 2020 tổng trao đổi mậu dịch hai chiều đang từ 50 triệu đô la nhảy vọt lên tới 10 tỷ. Bên cạnh vế mậu dịch, Doha và Bắc Kinh còn thúc đẩy quan hệ trong hai lĩnh vực khác là ngoại giao và quân sự. Lãnh đạo Qatar hiện nay Cheikh Tamim ben Hamad al Thani lên cầm quyền năm 2013 cùng lúc với chủ tịch Tập Cận Bình và ông đã hai lần công du Bắc Kinh.
Hợp tác quân sự Qatar-Trung Quốc
Điều cộng đồng quốc tế ít biết đến hơn là hợp tác giữa Doha với Bắc Kinh về mặt quân sự : Năm 2017 ít lâu sau khi bị các nước láng giềng là Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Bahrein phong tỏa với lý do Qatar bao che cho quân khủng bố, Doha đã ký kết với Bắc Kinh một thỏa thuận « chống khủng bố ». Giới quan sát coi đây là một bước ngoặt quan trọng và là một tín hiệu mạnh. Song còn quá sớm để kết luận rằng Qatar ngả về phía Trung Quốc kể cả về quân sự.
Jean-Loup Samaan : « Hợp tác quân sự giữa hai nước đã bắt đầu có, nhưng vẫn còn ở mức độ khiêm tốn và chúng ta cần căn cứ vào những số liệu để thấy rõ được điều đó. Các dịch vụ mua bán trang thiết bị quân sự giữa Trung Quốc với Qatar trong 10 năm qua ước tính lên tới khoảng hơn một trăm triệu đô la. Ít hơn rất nhiều so với hàng ngàn tỷ đô la mà Doha chi ra để mua trang thiết bị quân sự của Mỹ hay của Pháp và thậm chí là cả của Nga.
Ngay cả hợp tác với Nga cũng quan trọng hơn nhiều so với đối tác Trung Quốc trong lĩnh vực này. Tuy nhiên một số yếu tố khiến Washington không được thoải mái. Ví dụ như hồi năm 2017 chính quyền Doha đã phô trương tên lửa đạn đạo Trung Quốc và khi đó mọi người mới vỡ lẽ là Qatar đã âm thầm mua vũ khí Trung Quốc.
Thứ nhất Qatar trang bị vũ khí của Trung Quốc và thứ hai là đã không hề thông báo trước với Washington. Về khối lượng, số vũ khí mua của Trung Quốc không nhiều nhưng thái độ úp mở đó của chính quyền Doha gây tranh cãi và đừng quên rằng kèm theo việc sắm vũ khí Trung Quốc còn có cả một thông điệp có lẽ Qatar muốn gửi tới Hoa Kỳ bởi vì một hợp đồng mua bán vũ khí không bao giờ là một cử chỉ hời hợt. Câu hỏi kế tiếp là sau Qatar liệu các quốc gia khác trong khu vực có chuyển sang trang bị vũ khí Trung Quốc hay không ».
Trong bài nghiên cứu, đăng trên trang mạng của viện IFRI Jean-Loup Samaan nói rõ hơn : Doha mua tên lửa đạn đạo tầm ngắn loại SY-400 của Trung Quốc tuy nhiên theo số liệu của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế SIPRI trong giai đoạn 2010-2020 Qatar mua vào 118 triệu đô la vũ khí của Trung Quốc. Con số này không thấm vào đâu với hơn 3 tỷ đô la với Mỹ trong cùng thời kỳ. 70 % vũ khí và trang thiết bị quân sự của Qatar là hàng « made in USA ». Nói cách khác, hợp tác quân sự giữa Qatar và Trung Quốc trước mắt mang tính tượng trưng.
Tuy nhiêu câu hỏi đặt ra là cả Doha lẫn Bắc Kinh muốn gì và có cho rằng Qatar đang chuyển hướng lao vào quỹ đạo Trung Quốc hay không ?
Jean-Loup Samaan : « Thực ra về phía Bắc Kinh, rõ ràng là Trung Quốc muốn bắt rễ vào Vịnh Ba Tư, khu vực từ trước đến nay vẫn được xem là sân sau của Hoa Kỳ. Thắt chặt quan hệ với Qatar cho phép củng cố thêm uy tín, mở rộng ảnh hưởng với khu vực mà ai cũng nghĩ là Trung Quốc không chen chân được tới. Nhìn từ phía Doha, cũng có nhiều lý do giải thích cho việc hợp tác, kể cả về quân sự với Bắc Kinh.
Trước hết, Qatar trang bị tên lửa Trung Quốc có nghĩa là mua vào những loại vũ khí mà Mỹ, vì những lý do khác nhau từ chối cung cấp cho quốc gia này và một số nước khác trong vùng Vịnh. Washington tránh xuất khẩu vũ khí cho nhiều nước Ả Rập do không muốn những loại vũ khí đó có thể đe dọa đến an ninh của Israel. Thành thử, nhập khẩu vũ khí Trung Quốc cũng có thể là một cách để cảnh cáo Hoa Kỳ rằng Doha có thể tìm được một giải pháp thay thế và giải pháp thay thế đó có thể là Trung Quốc. Đây là động lực thứ nhì khiến Qatar quay sang Bắc Kinh.
Tuy nhiên khó khẳng định là Qatar đã nghiêng về phía Trung Quốc vì nhiều lẽ. Thứ nhất về mặt ngoại giao, Doha luôn tỏ ra rất thận trọng. Điều này đã được chứng minh qua những hồ sơ khác nhau. Thứ hai, Qatar vẫn nằm trong quỹ đạo của Hoa Kỳ. Đừng quên rằng đây là trung tâm của bộ chỉ huy Mỹ tại Trung Đông. Trong cuộc đọ sức Mỹ-Trung, Qatar trong thế quan sát : Xem Trung Quốc có đề xuất gì không về mặt quân sự trong bối cảnh Hoa Kỳ chủ trương ngừng đóng vai trò sen đầm thế giới.
Điểm thứ nhì là bản thân Trung Quốc cũng rất thận trọng. Chưa bao giờ Bắc Kinh bày tỏ nguyện vọng thay thế Mỹ trong vùng Vịnh. Trung Quốc không muốn thay thế Hoa Kỳ để bảo đảm an ninh cho các quốc gia trong vùng bởi đó là một nước cờ vừa tốn kém vừa đầy rủi ro. Điểm thứ ba nữa là Doha thừa biết Trung Quốc không phải là điểm tựa về mặt an ninh và cũng không thể trông chờ vào Bắc Kinh như là Qatar đang dựa vào Mỹ trong lĩnh vực quân sự. Không có chuyện Trung Quốc điều quân sang vùng Vịnh trong trường hợp Qatar bị tấn công.
Thành thử đây là một giai đoạn khá sôi động và rất thú vị để quan sát những chuyển biến trong quan hệ giữa Qatar với hai siêu cường là Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên theo tôi đến một lúc nào đó Doha sẽ phải chọn đứng về phía nào, không thể duy trì mãi thái độ mập mờ giữa hai đối tác chiến lược ».
Trung Quốc chưa thể soán ngôi Hoa Kỳ
Cũng trong bài nghiên cứu nói về thế đi dây của Qatar trong cảnh Mỹ và Trung Quốc đối đầu, Jean-Loup Samaan đưa ra nhiều yếu tố cho thấy Qatar vẫn trong quỹ đạo của Mỹ. Trước hết về kinh tế, thương mại, đành rằng Trung Quốc đã trở thành đối tác hàng đầu, nhưng Mỹ vẫn là một « bạn hàng không hể thiếu » của Doha. Tổng trao đổi mậu dịch hai chiều với Mỹ năm 2019 đạt 7 tỷ đô la thay vì 10 tỷ so với Trung Quốc.
Kế tới, khác với Mỹ, Trung Quốc không chỉ trích Qatar vi phạm nhân quyền. Nhưng hồ sơ người Duy Ngô Nhĩ là cái gai trong quan hệ ngoại giao giữa Doha với Bắc Kinh. Điểm thứ ba, như ông Samaan vừa giải thích về mặt chiến lược và an ninh, Qatar biết rõ không thể trông cậy vào Trung Quốc.
Cuối cùng, song song với việc mở rộng giao thương với Trung Quốc, Qatar liên tục thắt chặt quan hệ với đồng minh truyền thống là Hoa Kỳ. Năm 2013 Doha và Washington triển hạn thêm 10 năm Hiệp định hợp tác phòng thủ được ký nết năm 1992. Mỹ từ năm 2002 lập trung tâm chỉ huy tại Qatar và quốc gia vùng Vịnh này cũng là nơi hơn 10.000 quân nhân Mỹ đồn trú trong khuôn viên căn cứ không quân Al Udeid.
Nhà nghiên cứu Samaan lưu ý : Năm 2017 khi bị các nước láng giềng phong tỏa, Doha đã vững tâm nhờ có điểm tựa là Hoa Kỳ. Gần đây nhất cộng đồng quốc tế thấy rõ Qatar đóng vai trò then chốt trên hồ sơ Afghanistan cả về mặt ngoại giao lẫn hậu cần. Cũng căn cứ quân sự Al Udeid của Qatar là địa điểm đón hơn 40.000 người Mỹ và các cộng tác viên của Hoa Kỳ di tản khỏi Afghanistan hồi tháng 8/2021.
Vào lúc Nhà Trắng dưới chính quyền Trump kỳ kèo đòi các đối tác quân sự đóng góp nhiều hơn, chia sẻ gánh nặng với Mỹ, thì Doha dễ dàng đề nghị đài thọ toàn bộ khoản tốn kém 1,8 tỷ đô la để nâng cấp căn cứ không quân của Mỹ tại Al Udeid.
Jean-Loup Samaan đại học Singapore và chuyên gia thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp kết luận : Doha không hề xa cách Washington để ngả về phía Bắc Kinh mà trái lại Qatar đã thắt chặt thêm quan hệ với Hoa Kỳ đặc biệt là trong giai đoạn từ 2017 đến 2021 khi chính quyền của ông Cheikh Tamim bị ba nước láng giềng chung quanh phong tỏa. Chính dưới áp lực của Mỹ mà Ả Rập Xê Út gần đây đã « miễn cưỡng » làm hòa với Qatar.
Dù vậy tác giả bài nghiên cứu mang tựa đề Qatar trước sự kình nghịch Mỹ-Trung : thế lưỡng nan của một vương quốc trong vùng Vịnh nhìn nhận khó thể đoán trước những thay đổi trong chiến lược của Qatar giữa hai ông khổng lồ là Mỹ và Trung Quốc. « Một phần lớn câu trả lời tùy thuộc vào những cân nhắc tại Washington về chính sách của Mỹ tại Trung Đông ». Điều hiển nhiên nhất hiện tại là liên hệ ngày càng khắng khít giữa Qatar với Trung Quốc về kinh tế, đầu tư và thương mại. Kèm theo đó sẽ là những « ảnh hưởng về phương diện ngoại giao và quân sự » trong tương lai.