Tên lửa chống vệ tinh : Điểm cốt lõi trong học thuyết quân sự Nga
Đăng ngày: 30/11/2021
Minh Anh
Thứ Hai, 15/11/2021, Nga dùng tên lửa bay thẳng (ASAT) phá hủy vệ tinh Cosmos-1408, đã ngưng hoạt động từ gần 40 năm qua, làm văng ra hơn một chục ngàn mảnh vỡ trên quỹ đạo. Nếu như vụ việc đã làm dấy lên nhiều chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, thì hành động này còn để chứng tỏ rằng quân đội Nga vẫn nằm trong cuộc đua của một trong những lĩnh vực quan trọng nhất : Đó là Không gian.
Vụ việc còn mang tính biểu tượng, bởi vì, không gian, một vùng chiến lược, có nguy cơ lại trở thành một mặt trận đối đầu cho những tham vọng từ trái đất, như đã từng xảy ra trong suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Tuy nhiên giới nghiên cứu lưu ý, chớ có nhầm lẫn giữa « quân sự hóa không gian » và « xây dựng hệ thống vũ khí trong không gian » : một bên là sử dụng các phương tiện không gian cho các mục tiêu quân sự như sử dụng vệ tinh như là điểm phát nhận các tín hiệu liên lạc ở khoảng cách rất xa, là phương tiện để giám sát và thu thập thông tin. Và bên kia là triển khai các loại vũ khí trên quỹ đạo, từng được Mỹ và Liên Xô thử nghiệm trong suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.
Sau một thời gian dài tạm ngưng cho đến tận những năm gần đây, học thuyết thứ hai này có xu hướng được tăng cường trở lại. Nhiều cuộc thử nghiệm trong không gian về những năng lực tấn công tiềm tàng cho thấy cuộc cạnh tranh giữa các đại cường đang lan rộng sang cả mặt trận quỹ đạo.
Nga, một cường quốc không gian quá khứ
Trong cuộc đua không gian này, nước Nga, trong một thời gian dài từng là cường quốc không gian hàng đầu nay đã bị Mỹ và Trung Quốc bỏ xa. Trên thực tế, vệ tinh dọ thám và quan sát là những công cụ quý giá, nhân đôi sức mạnh quân sự. Mọi thông tin tình báo mà các camera giám sát không gian có thể cung cấp mang lại nhiều lợi thế chiến lược, từ không gian ba chiều của địa hình (topologie), vị trí các đạo quân, cho đến điều kiện khí tượng thủy văn…, những yếu tố có thể mang tính quyết định trong trường hợp xảy ra xung đột.
Và trong lĩnh vực này, Hoa Kỳ gần như thống lĩnh với một mạng lưới dầy đặc các vệ tinh quân sự, viễn thông dân sự và tình báo. « Thế ưu việt này của Mỹ đã khiến Nga lo ngại », Gustav Gressel, chuyên gia về các vấn đề quân sự Nga tại Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Quốc tế nhận định với France 24.
Bà Isabelle Sourbès-Verger, nhà địa lý học, chuyên gia về chính sách không gian, còn ghi nhận hình bóng của Nga mờ nhạt dần trên trường không gian quốc tế trong những năm gần đây (Diplomatie số ra tháng 10-11/2020). Nếu chỉ tính riêng trong lĩnh vực không gian dân sự, thị trường phóng vệ tinh của Nga mỗi lúc một thu hẹp. Tính đến tháng 7/2020, Nga chỉ có 170 vệ tinh trên quỹ đạo quanh Trái đất, so với con số hơn 1.300 của Mỹ, 360 vệ tinh Trung Quốc.
Nhưng cùng lúc, « giới quân sự Nga cũng hiểu rằng những chiếc vệ tinh đó còn là một trong những điểm yếu của cường quốc quân sự Mỹ », theo như phân tích của ông Gustav Gressel. Bởi một lẽ đơn giản, bảo vệ một mạng lưới không gian như vậy còn phức tạp hơn nhiều so với việc bảo vệ lãnh thổ trên đất.
Trang bị vũ khí cho không gian : Mục tiêu mới của Nga ?
Chính bối cảnh này, cùng với cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc trong mọi lĩnh vực kể cả công nghệ không gian, nhà nghiên cứu Sourbès-Verger, cho rằng Nga đã quyết định trở lại với vị trí hàng đầu trong gam mầu không gian quân sự, đặc biệt là « biến không gian thành hệ thống vũ khí ». Vụ bắn thử tên lửa phá hủy vệ tinh vừa qua có thể được xem như là một ví dụ điển hình.
Một quan điểm cũng được Alexandre Vautravers, chuyên gia về an ninh và vũ khí, tổng biên tập Tạp chí Quân sự Thụy Sĩ (Revue Militaire Suisse – RMS), đồng chia sẻ khi khẳng định với kênh truyền hình quốc tế France 24 rằng, « tên lửa chống vệ tinh là điều cốt lõi trong học thuyết quân sự của Nga ».
Về điểm này, Xavier Pasco, giám đốc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS), trên đài RFI, giải thích rõ mục tiêu của cuộc thử nghiệm vừa qua là nhằm thể hiện rõ Nga đủ khả năng thách thức vai trò dẫn đầu của Mỹ, và có thể vô hiệu hóa thế ưu việt thông tin của Mỹ.
« Điều cần hiểu ở đây chính là trong lĩnh vực vũ khí không gian, người ta có liên hệ chặt chẽ với một lĩnh vực khác : đó là vũ khí chống tên lửa, và tên lửa đạn đạo. Nghĩa là, từ những năm 1980 thậm chí là trước đó nữa, tại Mỹ, cũng như ở Liên Xô, và nhất là với cuộc chiến tranh các vì sao của Ronald Reagan, dự án này vẫn luôn còn đó để các đại cường chứng tỏ rằng họ có khả năng bắn chặn các tên lửa hạt nhân của đối thủ.
Nhưng chiếc tên lửa đặc biệt được sử dụng cho cuộc bắn thử phá vệ tinh, còn là một loại tên lửa được dùng để bảo vệ nước Nga trước hỏa lực tên lửa đạn đạo. Trong một chừng mực nào đó, người ta có cảm giác là bên cạnh những vật thể không gian, còn có một thông điệp được gởi đến cho các chiến lược gia quân sự trong lĩnh vực hạt nhân và đạn đạo, để nói rằng Nga thật sự đang có một chương trình không gian. Và điều quan trọng là phải chứng tỏ Nga có năng lực nhắm trúng mục tiêu bằng tên lửa. »
Những bệ phóng mặt đất : Một điểm yếu khác của không gian ?
Giờ đây, bị chỉ trích mạnh mẽ, Nga phản bác, cho những cáo buộc đó là « đạo đức giả ». Bởi vì, trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên có một cuộc bắn tên lửa phá hủy vệ tinh kiểu này. Ông Xavier Pasco nhắc lại : « Đây chính là những gì Trung Quốc đã làm năm 2007, người Mỹ thực hiện năm 2008, rồi đến lượt Ấn Độ hồi tháng 3/2019 ».
Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm của Nga vừa rồi khiến người ta chợt nhận ra rằng chưa có lúc nào các hoạt động của nhân loại bị lệ thuộc nhiều vào các vệ tinh – những cơ sở hạ tầng thông tin thiết yếu cho tất cả các nước. Chỉ có điều, như lưu ý của ông Jean-Luc Lefèvre, cựu sĩ quan không quân, nhà nghiên cứu về chiến lược, với đài RFI, người ta nói nhiều về chiến tranh giữa các vì sao, cuộc chạy đua vũ trang không gian, mà quên mất vai trò của những căn cứ trên mặt đất.
« Các hoạt động không gian sẽ chẳng thể vận hành được nếu không có khoảng hai chục căn cứ phóng vệ tinh đang hoạt động trên thế giới. Những nước lớn nhất như Mỹ và Trung Quốc, mỗi nước có 5 cơ sở, nước Nga có 4, trong đó có một cơ sở nằm ngoài lãnh thổ, bởi vì căn cứ Bakounour là ở Kazakhstan. Nhật Bản có hai và cả khối Liên Hiệp Châu Âu chỉ có một, nằm ở Kourou tại Guyane. Ở đây, chỉ cần người ta phá hủy hay vô hiệu hóa một căn cứ không gian để ngăn cấm một cường quốc khác có được các hoạt động không gian là đủ. »
Còn theo ông Xavier Pasco, nếu như ngày mai chiến tranh có xảy ra trên mặt đất, không gian cũng sẽ bị liên lụy.
« Người ta có thể phá hủy các vệ tinh hay như ngăn chặn chúng vận hành không chỉ bằng cách làm tan vỡ thành hàng ngàn mảnh, mà người ta có thể can thiệp bằng cách bắn đi các sóng điện từ làm cho các vệ tinh không thể truyền tải các thông điệp. Chẳng hạn người ta thấy có nhiều thử nghiệm dùng vũ khí năng lượng có điều khiển như tia laser để chọc mù tạm thời hay vĩnh viễn các vệ tinh quan sát, hay thử nghiệm điều khiển vệ tinh trên quỹ đạo tiến gần đến vệ tinh của đối thủ để có thể nghe lén, dọ thám, thậm chí tiếp xúc và nối liên lạc với những chiếc vệ tinh đó. »
Cơ sở pháp lý : Lỗ hổng lớn trong việc sử dụng hòa bình không gian
Cuối cùng, trên bình diện luật pháp quốc tế, liệu hành động này của Nga là có hợp lệ ? Về điểm này, nhà nghiên cứu Xavier Pasco nhìn nhận có rất ít các văn bản pháp lý, ngoại trừ Hiệp ước ký kết ngày 27/01/1967. Văn bản này nghiêm cấm đưa vũ khí hủy diệt hàng loạt như đưa bom hạt nhân lên quỹ đạo xung quanh Trái đất cũng như là có hành vi hung hăng với một nước khác. Tuy nhiên, hiệp ước này lại không nghiêm cấm phát triển vũ khí hay có thể tiến hành các cuộc thử nghiệm.
Ông Philippe Achilleas, giáo sư công pháp quốc tế, đại học Paris-Saclay, giám đốc Viện Luật Công nghệ Không gian, trên đài RFI, giải thích thêm rằng vì sao Hoa Kỳ ngăn cản một hiệp ước khác tại Liên Hiệp Quốc.
« Điểm thú vị ở đây là vì hiệp ước 1967 có nhiều lỗ hổng nên Nga và Trung Quốc đã đề nghị một văn bản khác mà họ muốn thông qua ở Liên Hiệp Quốc. Dự thảo này nhắm đến việc cấm các hoạt động không chỉ quân sự mà cả các hành động hung hăng trên không gian. Họ muốn cấm việc đặt vũ khí trên quỹ đạo nhưng Hoa Kỳ cho rằng trên thực tế đằng sau văn bản này chính là một chiến lược nhằm ngăn cản Mỹ thúc đẩy các chương trình quân sự không gian. »
« Một vụ thử vô trách nhiệm », « kẻ phá hoại không gian ». Mỹ và Pháp đã nhanh chóng có phản ứng. Bởi vì thành công này của Nga cũng có một giá đắt. Cả một lớp quỹ đạo hoàn toàn không thể sử dụng được trong nhiều thế kỷ. Và hơn 15.000 mảnh vỡ vệ tinh « sẽ đe dọa trong nhiều thập niên tới, những vệ tinh và nhiều vật thể không gian thiết yếu khác cho an ninh, kinh tế, và nhiều lợi ích khoa học của nhiều nước khác », như lời chỉ trích của ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken.