Việt Nam và bài \’Cô gái vót chông\’: Hai hoa hậu, hai thái độ về nước Mỹ?
29 tháng 11 2021
Biểu diễn một nhạc phẩm chống Mỹ và bày tỏ chất lượng không khí Mỹ dễ thở hơn Việt Nam của hai Hoa hậu Việt Nam đang gây chú ý.
Trên trang Facebook cá nhân, Hoa Hậu Việt Nam 2008, Thùy Dung viết: \”Không hiểu sao về Việt Nam mình thấy không khí khó thở hơn ở Mỹ.\”
Tại cuộc thi Miss World 2021 đang diễn ra ở Puerto Rico, Hoa Hậu Việt Nam 2020, Đỗ Thị Hà biểu diễn bài Cô gái vót chông, một bài hát chống Mỹ.
Đối với nhiều người Việt, kể cả với những người trẻ, đây là những biểu hiện kỳ quặc.
Người Việt vẫn chống Mỹ?
Ca khúc Cô gái vót chông là một nhạc phẩm được nhà nước Việt Nam phát sóng rộng rãi nhiều năm.
Ca khúc chống Mỹ này nay được một Hoa hậu, đại diện cho Việt Nam biểu diễn trên đất Mỹ, sau hơn 25 năm bình thường hóa quan hệ hai quốc gia.
Lời bài hát có đoạn:
\”Mỗi mũi chông nhọn hoắt căm thù.
Xiên thây quân cướp nào vô đây.
Còn giặc Mỹ cọp beo, khi còn giặc Mỹ cọp beo.
Em chưa ngừng tay vót chông rào buông rẫy.\”
VnExpress mô tả Đỗ Thị Hà Hoa hậu Việt Nam thể hiện tiết mục đánh đàn T\’rưng với tác phẩm Cô gái vót chông trong phần thi tài năng.
Tờ Tiền Phong viết: \”Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như tiết mục độc đáo của mình, Đỗ Thị Hà đã xuất sắc ghi danh tại vòng bán kết của phần thi tài năng.\”
\”Chúc nàng hậu của chúng ta thêm tự tin và thành công hơn nữa trên đấu trường sắc đẹp quốc tế!\” là thông điệp được đăng tải trên nhóm sinh viên của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Mặc dù bài hát này được Hoa hậu biểu diễn là một tiết mục nhạc không lời, nó vẫn làm nhiều người bức xúc, bị cho là phảm cảm.
Bày tỏ trên diễn đàn Ta tự hỏi mình, danh khoản Nhím Xinh viết: \”Thời nào rồi mà vẫn cứ lải nhải mấy cái bài hát gợi hận thù như vậy… Văn hóa tối thiểu của một Hoa hậu Việt Nam để đâu mà kém cỏi đến mức ấy? Nếu cuộc thi này tổ chức ở Trung Quốc thì liệu cô ta có dám đánh bài \”Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới\” không nhỉ?\”
Bạn Ha Ngo cho rằng: \”Tụi nó duyệt hết rồi đó chứ không phải xơi xơi thích gì làm nấy đâu? Còn em này mà đi thi thì nó sẽ hát vang bài: Việt Nam – Trung Hoa, núi liền núi sông liền sông nhé.\”
Không khí ở Việt Nam dễ chịu hơn Mỹ?
Nội dung được cho là phát ngôn trên trang cá nhân của Hoa hậu Thùy Dung với đại ý, không khí ở Việt Nam không dễ thở bằng Mỹ.
Báo chí Việt Nam cũng đưa tin về việc này. Tờ Thanh Niên chạy tựa: \”Hoa hậu Thùy Dung gây tranh cãi với phát ngôn \’ở Việt Nam khó thở hơn Mỹ.\”
Bài báo này dẫn một số nhận định khác nhau, sau đó viết: \”Thùy Dung từng vướng nhiều lùm xùm ngay sau khi cô đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2008. Thông tin người đẹp gốc Đà Nẵng chưa tốt nghiệp trung học phổ thông đã đi thi bị công chúng phản ứng dữ dội.\”
Trang tin Kênh 14 viết: \”Ngay lập tức, cô trở thành tâm điểm chỉ trích của khán giả. Sau đó, nàng Hậu viết tâm thư dài nhắn nhủ với antifan giữa ồn ào và tiếp tục bị \”ném đá.\”
Ngoài ra trang tin này còn đăng cả bảng điểm của cô và cho rằng: \”Bảng điểm của Hoa hậu Thuỳ Dung từng gây tranh cãi.\”
Nhưng có lẽ một trong những điều gây ngạc nhiên hơn cả chính là phản ứng của cộng đồng mạng, được cho chủ yếu là giới trẻ.
Viết trên một trang có hơn bảy trăm ngàn người theo dõi, Trần Kim Hường công kích: \”Việt nam là quê hương nơi mình sinh ra còn có ông bà tổ tiên ở Việt Nam nữa, đi nước ngoài về sau lại chảnh chẹ vậy hoa dại ở rừng.\”
Một bạn có danh khoản là Cường cho rằng: \”Chắc chị sửa lỗ mũi nhỏ quá cảm thấy khó thở chứ ai đâu ở Việt Nam mà thấy khó thở.\” David DU phát biểu: \”Còn tôi đang ở Việt Nam thấy dễ chịu hơn bên Mỹ…\”
Bên cạnh những bình luận ủng hộ tự do biểu đạt của Hoa hậu, có rất nhiều bình luận có tính chất khiếm nhã mà chúng tôi không trích dẫn.
Được biết, hiện cô đã phải tắt chế độ bình luận sau đó, vì nhận nhiều chỉ trích.
Hoa hậu và những cuộc thi sắc đẹp luôn gây chú ý và được báo chí quan tâm đăng tải. Nhưng hiếm khi trong cùng một khoảng thời gian, có tới hai Hoa hậu Việt Nam phát biểu và biểu diễn ít nhiều liên quan đến Hoa Kỳ, vốn có quan hệ được cho là nhạy cảm với Việt Nam.
Cùng lúc việc tôn trọng sự khác biệt và quyền tự do biểu đạt vẫn chưa phải là giá trị phổ quát trong nhận thức của một số người dân và quan chức Việt Nam.
Trong khi, ca khúc thời chiến thì lại được trình diễn có vẻ như theo một truyền thống \”cách mạng\” vẫn tiếp tục bằng quán tính.