Tập Cận Bình khóa chặt Hoa lục sau bốn thập niên mở cửa
Cũng về Trung Quốc, Le Figaro Magazine dành trang bìa cho ông chủ tịch nước trong bộ áo đại cán kiểu Mao, với hàng tựa lớn « Hoàng đế kiêm nhà độc tài Tập Cận Bình làm thế nào để khóa chặt Trung Quốc », kết thúc bốn thập niên mở cửa với thế giới.
Tờ báo mô tả khu vực cách ly đại quy mô đang được xây dựng ở ngoại ô Quảng Đông, gồm mấy chục tòa nhà ba tầng với 5.000 phòng, được canh giữ cẩn mật, vừa hiện đại như « Chiến tranh giữa các vì sao » lại vừa giống thế giới của Orwell.
Hành khách vừa được đưa đến từ sân bay, sau xét nghiệm PCR được hướng dẫn về phòng bằng một trong 10.000 màn hình thông minh. Một bộ phận theo dõi thân nhiệt giúp các viên chức từ trung tâm kiểm soát, trang bị như một nhà máy nguyên tử, biết được tình hình thực tế của người khách. Trong phòng, một bộ máy giám sát các dấu hiệu sinh học của khách, thu thập dữ liệu và khi có dấu hiệu bất thường sẽ cảnh báo cho người có trách nhiệm. Có những robot phun thuốc khử khuẩn trong hành lang, các robot mang bữa ăn đặt trước phòng cho khách.
Đại dịch Covid đã đẩy nhanh giấc mộng kiểm soát toàn dân của chế độ độc tài kỹ thuật số. Sau bốn thập niên mở cửa kinh tế giúp Trung Quốc đói nghèo trở nên giàu có, Tập Cận Bình mở ra kỷ nguyên đóng chặt cánh cửa Hoa lục ngay trong thế kỷ 21. Từ gần hai năm qua, cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới bị bọc kín trong quả bóng khổng lồ, 1,4 tỉ dân được bảo vệ khỏi Covid lẫn các « ý tưởng nổi dậy » từ bên ngoài.
Vac-xin kém hiệu quả, Trung Quốc sẽ còn tự cô lập đến 2034 ?
Số khách ngoại quốc giảm trên 80% trong năm 2020, và 150 triệu du khách Trung Quốc từng đi thăm các nước trong năm 2019 được lệnh ở nhà. Ngày 28/03/2020, Bắc Kinh đơn phương hủy bỏ tất cả các chiếu khán và giấy phép cư trú của người ngoại quốc đang ở ngoài Hoa lục, giảm tối đa các chuyến bay quốc tế, làm chia rẽ các gia đình và các công ty thiếu lao động. Bộ Ngoại Giao không gia hạn hộ chiếu trừ các chuyến đi làm ăn cần thiết và cho sinh viên, chỉ cấp 2% so với năm 2019.
Công xưởng thế giới còn tự cô lập được bao lâu ? Một sự đóng cửa dài hạn sẽ vẽ lại hình ảnh toàn cầu hóa, và đe dọa viễn cảnh tăng trưởng của Trung Quốc, vốn cất cánh được nhờ tự do hóa thương mại, được phương Tây chấp nhận cho gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Phía sau thành trì, Tập Cận Bình tổ chức tấn công ngoại giao bằng các « chiến lang », căng thẳng với nước Mỹ của Joe Biden, khoe cơ bắp trên đỉnh Himalaya trước Ấn Độ, tiếp tục xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông bất chấp Liên Hiệp Quốc, chà đạp Hồng Kông và không giấu diếm dã tâm xâm lược Đài Loan, gây lo sợ cho các láng giềng châu Á.
Trung Quốc sẽ không nới lỏng gọng kềm trước Thế vận hội và Đại hội Đảng, thậm chí đến 2023 hay 2024, theo như nhà dịch tễ học nhà nước Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan). Giáo sư Nicholas Thomas, City University ở Hồng Kông phân tích, Bắc Kinh lo sợ không dám mở cửa vì vac-xin Trung Quốc kém hiệu quả trước biến thể Delta, và hệ thống y tế kém cỏi.
Biến thể Omicron có thể gây nhiều thiệt hại cho kinh tế Trung Quốc
The Economist cho biết trước khi xảy ra đại dịch, Trung Quốc chỉ có 3,6 giường hồi sức trên 100.000 dân, trong khi tỉ lệ này ở Singapore cao gấp ba lần. Điều đáng ngạc nhiên là con virus biến đổi nhanh chóng, nhưng chính sách đối phó của Bắc Kinh lại bất biến.
Biến thể mới Omicron sẽ càng khiến Trung Quốc siết chặt kiểm soát. Kinh tế Trung Quốc sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn các cường quốc khác, không phải vì con virus lây lan mạnh mẽ, mà ngược lại, vì chính quyền Bắc Kinh cố ngăn chận nó. Tiêu thụ giảm sút, đặc biệt là dịch vụ ăn uống, và sáng tạo bị hạn chế vì các chuyến đi xuyên quốc gia không thực hiện được. Nếu Omicron lây nhiễm nhanh hơn các biến thể khác, các vụ phong tỏa sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Theo tính toán của tuần báo Anh dựa trên cơ sở mô hình từ Golman Sachs, nếu phong tỏa hẳn một quý, GDP Trung Quốc sẽ thiệt mất gần 130 tỉ đô la.
Omicron không phải là mối đe dọa duy nhất cho kinh tế Trung Quốc. Trước khi biến thể này xuất hiện, đa số chuyên gia dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại 4,5 đến 5,5% trong năm tới, do Bắc Kinh đàn áp các tập đoàn tư nhân và lãnh vực địa ốc trở nên ảm đạm. Cho đến nay, những khuyết điểm của địa ốc được che giấu sau các lãnh vực khác : xuất khẩu đóng góp vào 40% tăng trưởng nhờ cung cấp các sản phẩm mà người tiêu dùng phương Tây cần đến trong thời gian bị phong tỏa, nhưng sắp tới sẽ giảm đi.