Khủng hoảng người tị nạn: Giáo hoàng \”nổi giận\” với Liên Âu
Đăng ngày: 06/12/2021
Trọng Thành
Pháp bán được gần 100 chiến đấu cơ Rafale cho một quốc gia vùng Vịnh. Chủ tịch vùng Ile de France (bao gồm thủ đô Paris và một số tỉnh phụ cận) – bà Valérie Pécresse – được chọn làm ứng cử viên tranh cử tổng thống Pháp. Giáo hoàng Phanxicô tới Hy Lạp nhằm gây áp lực với giới chính trị châu Âu, công luận châu Âu, về tình trạng khốn cùng của người nhập cư bị ngăn chặn nhập cảnh, bị giam giữ. Trên đây là các chủ đề lớn của báo Pháp hôm nay, 06/12/2021.
« Người di cư : Giáo hoàng nổi giận với Liên Âu » là tựa trang nhất báo Công Giáo La Croix, trên nền hình ảnh người đứng đầu Tòa Thánh xoa đầu một em bé tị nạn tại đảo Lebos, Hy Lạp (giáp với Thổ Nhĩ Kỳ). « Từ đảo Chyprus đến Hy Lạp, giáo hoàng tố cáo ‘‘chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy khắp nơi’’ và việc người châu Âu đóng cửa với dân tị nạn » là hàng tựa phụ. La Croix dành xã luận và nhiều bài báo đầu tiên cho hồ sơ này.
Hy Lạp nằm ở cửa ngõ đông nam của Liên Âu, nơi đổ về làn sóng người tị nạn từ Trung Cận Đông và cả những người đến xa hơn từ châu Phi, Trung Á. Các trại giam giữ người tị nạn trên các đảo Hy Lạp đã trở thành một biểu tượng cho cuộc khủng hoảng tị nạn châu Âu. Giờ đây không chỉ có Hy Lạp và các nước nam Âu, mà khủng hoảng còn lan sang khu vực phía tây bắc châu Âu.
Nhưng Hy Lạp cũng chính là cái nôi của nền dân chủ châu Âu. « Nền dân chủ do người Hy Lạp sáng tạo ra… đã trở thành một phần của bản sắc châu Âu », La Croix nhấn mạnh. Chính theo nghĩa đó mà Hy Lạp là một biểu tượng. Bài xã luận La Croix, mang tựa đề « Trung thành », chất vấn Liên Hiệp Châu Âu : Liệu các nền dân chủ châu Âu có « trung thành » với các giá trị của chính mình hay không ? Liệu châu Âu có muốn tiếp tục truyền thống dân chủ ấy, bảo vệ nó « trước các đe dọa từ chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc… »?
Cuộc chiến của Lương Tri: « Tiếng kêu giữa sa mạc » của Phanxicô
La Croix khẳng định: « dù là người Achentina, giáo hoàng Phanxicô hiểu rất rõ các vấn đề mà người châu Âu chúng ta đang tranh luận. Ông hiểu rằng các cuộc thăm dò dư luận và các cuộc tranh cử đang khiến giới lãnh đạo của chúng ta bị bó lại trong một khuôn khổ chật hẹp, và ngày càng chật hẹp hơn nữa ».
Giáo hoàng có chuyến công du Hy Lạp ba ngày « trong bối cảnh căng thẳng và đầy ưu tư này ». Nhật báo La Croix lưu ý người đứng đầu đạo Công Giáo « đã chọn chính thời điểm này để dốc toàn lực cho cuộc chiến của lương tri ». Hành động của ông có thể ví như « tiếng kêu giữa sa mạc », của nhà tiên tri, buộc Liên Âu phải « đối diện với những mâu thuẫn của chính mình ». « Tiếng kêu giữa sa mạc » là một đoạn trích trong Kinh Thánh, được giáo hoàng dẫn lại hôm qua, Chủ Nhật 05/12, tại đảo Lebos.
Châu Âu đã hứa với toàn thế giới, « tôn trọng con người và nhân quyền », nhưng đã không bảo đảm cam kết đó được tôn trọng. La Croix nhấn mạnh: « Giáo hoàng đã xoáy đúng vào chỗ đau ». Ông kêu gọi người châu Âu đừng quên, hãy « một lần nữa đặt lại câu hỏi nhức nhối » về « bản sắc của mình », về « những bản sắc của mình ».
La Croix dành riêng một bài để nói về « tiếng kêu » của giáo hoàng Phanxicô trong ngày công du thứ tư tại bờ đông Địa Trung Hải. Bài viết mang tiêu đề « Hãy ngừng đánh đắm cả một nền văn minh ! ». Cũng tại Lebos, nơi cách nay 5 năm ông có chuyến viếng thăm đầu tiên, giáo hoàng Phanxicô dường như đã ghi nhận sự « thất bại » của châu Âu, trong việc tiếp nhận có tổ chức người nhập cư tị nạn. Thất bại trong khả năng tổ chức, nhưng có thể cũng là thất bại trong việc đánh thức lương tri người châu Âu, bất kể những lời tố cáo, lên án « mạnh mẽ » được « thường xuyên » đưa ra.
Giáo hoàng: « Hãy ngừng đánh đắm cả một nền văn minh ! »
Trở lại đảo Lebos 5 năm sau. Người đứng đầu đạo Công Giáo có những lời lẽ mạnh mẽ hơn nữa: « Tôi cầu xin quý vị, hãy ngừng đánh đắm cả một nền văn minh ! », đừng để Địa Trung Hải biến thành « một nghĩa trang lạnh lẽo không bia mộ ». Giáo hoàng dùng hẳn cụm từ « chiếc gương của tử thần » để nói về thảm kịch « vùng biển chết » Địa Trung Hải, mồ chôn bao người liều mình tìm miền đất tị nạn.
Phát biểu của giáo hoàng nhắm đến nhiều đối tượng. Nhiều quốc gia châu Âu đã từ chối trách nhiệm về phần mình, trong lúc Hy Lạp và đảo Chyprus gánh vác gấp bội so với khả năng. Giáo hoàng lên án một số lãnh đạo châu Âu tìm cách tranh thủ thiện cảm trong công luận « bằng cách gieo rắc nỗi sợ người khác », tức sợ người nhập cư. Người đứng đầu đạo Công Giáo cũng lên án các tín đồ Thiên Chúa Giáo « từ chối tiếp nhận người nhập cư nhân danh việc bản sắc Thiên Chúa giáo có nguy cơ biến mất » do việc đón nhận những người có đức tin khác.
Cũng về chuyến công du Địa Trung Hải của giáo hoàng, Le Monde có bài « Giáo hoàng lên án các trại giam giữ, tra tấn người tị nạn ». Về chủ đề người tị nạn, La Croix trong một bài viết khác, tố cáo việc châu Âu « trở mặt », khi siết chặt các điều kiện nhập cư đối với khoảng 2.000 người muốn xin tị nạn tại châu Âu, hiện có mặt tại vùng biên giới Ba Lan, Latvia và Litva.