Liên Hiệp Châu Âu chi kỉ lục cho quốc phòng nhưng thiếu hợp tác trong khối
Đăng ngày: 06/12/2021
Thu Hằng
Các nước Liên Âu chi 198 tỉ euro cho quốc phòng trong năm 2020. Đây là mức chi cao nhất kể từ năm 2006. Tuy nhiên, theo báo cáo được Cơ Quan Quốc Phòng Châu Âu (AED) công bố ngày 06/12/2021, đầu tư cho các dự án chung của các nước châu Âu lại sụt giảm.
Theo Reuters, chi phí cho quốc phòng năm 2020 của các nước Liên Hiệp Châu Âu đã tăng 5% so với năm 2019 và tương đương với 1,5% GDP của các nước thành viên, trừ Đan Mạch đã rút khỏi dự án phòng thủ chung châu Âu. Mức chi này gần đạt chỉ tiêu được Hoa Kỳ kêu gọi là chiếm 2% GDP mỗi nước thành viên NATO.
Tuy nhiên, báo cáo của Cơ Quan Quốc Phòng Châu Âu (AED) ghi nhận ngân sách cho các dự án chung bị giảm, ví dụ chi phí cho mua chung trang thiết bị quốc phòng là 4,1 tỉ euro, giảm 13% so với năm 2019. Ông Jiri Sedivy, giám đốc AED, cho rằng « xu hướng giảm chi phí cho các dự án chung châu Âu là điều quan ngại đặc biệt » vì từ cuối năm 2017, Liên Hiệp Châu Âu có Hiệp ước phòng thủ chung nhằm huy động chung ngân sách và chấm dứt tình trạng cạnh tranh trong ngành công nghiệp quốc phòng mỗi nước.
Cơ quan AED cũng ghi nhận các khoản đầu tư cho nghiên cứu và công nghệ quốc phòng cũng rời rạc và thiếu hợp tác, trong khi Liên Hiệp Châu Âu có 60 dự án quân sự chung và hướng đến việc thành lập một lực lượng phản ứng nhanh.
Chi phí quân sự năm 2020 lại lập kỷ lục bất chấp Covid-19
Việc tăng chi phí cho quân sự của Liên Hiệp Châu Âu cũng nằm trong xu hướng chung của thế giới. Ngành công nghiệp quốc phòng là một trong những lĩnh vực hiếm hoi không bị đại dịch Covid-19 tác động.
Theo báo cáo ngày 06/12 của Viện Nghiên cứu quốc tế về Hòa bình (SIPRI), trụ sở tại Stockholm, năm 2020 là năm thứ 6 liên tiếp mà 100 đại tập đoàn sản xuất vũ khí ghi nhận doanh thu kỉ lục, lên đến 531 tỉ đô la, tăng 1,3% so với năm 2019, trong khi tăng trưởng kinh tế thế giới giảm 3%.
Hoa Kỳ có 41 công ty nằm trong danh sách 100 công ty hàng đầu, có tổng doanh thu là 285 tỉ đô la, chiếm hơn một nửa số hợp đồng vũ khí của top 100. Trung Quốc đứng thứ hai về số doanh nghiệp bán nhiều vũ khí nhất, với tổng doanh thu tăng 1,5% so với năm 2019, bỏ xa các nước Anh, Nga và Pháp. Theo SIPRI, sự phát triển ấn tượng của Trung Quốc là do nước này muốn « tự chủ trong sản xuất và nhờ vào các chương trình đầy tham vọng về hiện đại hóa » quân đội.