Bắc Triều Tiên 10 năm dưới quyền Kim Jong Un : Thêm vũ khí, bớt lương thực
Đăng ngày: 09/12/2021
Thanh Hà
2011-2021, Bắc Triều Tiên vẫn là một ẩn số với công luận quốc tế, vẫn là một quốc gia bị cô lập, bị nạn đói rình rập. Điểm son duy nhất là ông Kim Jong Un đã ba lần bắt tay tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump và tăng cường đáng kể kho vũ khí chiến lược của Bắc Triều Tiên.
Ngày 17/12/2011, Bình Nhưỡng loan báo tin buồn lãnh tụ Kim Jong Il đột ngột qua đời. Cộng đồng quốc tế khám phá lãnh đạo mới Bắc Triều Tiên, mới 27 tuổi, với gương mặt tròn trĩnh, với vóc dáng còn vụng về. Giới quan sát khi đó đưa ra cùng một nhận định : « ông chủ mới ở Bình Nhưỡng », Kim Jong Un không có một chút kinh nghiệm chính trị nào. Kèm theo đó là nhiều nghi vấn về sự tồn tại của « chế độ độc tài cha truyền con nối » Bắc Triều Tiên.
Bên quân đội và những gương mặt kỳ cựu thuộc thế hệ cha, chú của nhà lãnh tụ trẻ tuổi này liệu có thuần phục trước một nhà lãnh đạo còn quá trẻ hay không ? Thay đổi một thế hệ lãnh đạo có là cơ hội để người dân Bắc Triều Tiên vùng lên sau nhiều năm đói kém, sau hàng thập niên sống dưới gọng kềm của đảng Lao Động Triều Tiên ?
Về đối ngoại, tương lai Bắc Triều Tiên đi về đâu dưới sự dẫn dắt của một nhà lãnh đạo từng được đào tạo ở Thụy Sĩ về ? Liệu rằng Bình Nhưỡng có tiếp tục theo đuổi tham vọng hạt nhân hay không ?
Một chục năm sau, Kim Jong Un đã giải đáp tất cả những câu hỏi trên. Trên đài RFI tiếng Việt, Olivier Guillard chuyên nghiên cứu về các xung đột tại châu Á thuộc Đại Học Québec Montréal, Canada và Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp phân tích về những chuyển biến tại Bắc Triều Tiên từ 2011 đến nay.
RFI : Kính chào Olivier Guillard. Câu hỏi đầu tiên : một thập niên qua dưới chính quyền Kim Jong Un, hình ảnh của Bắc Triều Tiên trong mắt cộng đồng quốc tế có thay đổi gì hay không ?
Olivier Guillard : « Từ 2011 đến 2021, Bắc Triều Tiên không thay đổi gì nhiều. Mười năm trước đây, quốc gia này đã trong thế bị cô lập, phải chịu nhiều biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế do các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Dù vậy trong thập niên qua, Bình Nhưỡng vẫn liên tục tiến hành thử nghiệm vũ khí và tiếp tục bị trừng phạt. Cũng trong 10 năm kể từ Kim Jong Un lên nắm quyền, bang giao giữa Bình Nhưỡng với nhiều quốc gia trên thế giới vẫn rất tồi tệ. Tôi muốn nói đến trường hợp với Hàn Quốc, hay Nhật Bản và nhất là với Hoa Kỳ. Tương tự như hồi 2011 Bắc Triều Tiên vẫn không có nhiều nước bạn, ngoại trừ hai điểm tựa là Trung Quốc và ở một mức độ thấp hơn, là Nga. Trung Quốc là cột trụ về mặt kinh tế và cả ngoại giao của chế độ Bình Nhưỡng. Trong quan hệ với Mỹ, Hoa Kỳ đã trải qua ba đời tổng thống, từ Obama đến Donald Trump và giờ đây là chính quyền Biden, nhưng đối thoại với Washington vẫn bế tắc.
Cũng không có dấu hiệu đôi bên có triển vọng mở lại đàm phán do quá thiếu tin tưởng vào nhau và cũng hoàn toàn không hiểu nhau. Tựu chung, không có một sự thay đổi nào tại quốc gia khép kín này, đến nỗi một số nhà quan sát quên mất rằng 10 năm đã trôi qua ».
RFI : Tuy nhiên công luận quốc tế biết nhiều hơn một chút về Bắc Triều Tiên sau một loạt các thượng đỉnh : Năm 2018 tổng thống Hàn Quốc và lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã nhiều lần gặp nhau. Nổi bật nhất là thượng đỉnh Mỹ- Bắc Triều Tiên tại Singapore vào tháng 6/2018 và sau đó là tại Hà Nội tháng 2/2019 cho dù là từ đó tới nay hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên vẫn bế tắc. Một điểm thứ ba nữa là Bắc Triều Tiên thường xuyên bị tố cáo sử dụng các toán tin tặc để tống tiền phương Tây. Nhưng về đối nội, đời sống của người dân Bắc Triều Tiên dưới thời Kim Jong Un có khá hơn chút nào so với đời thân phụ ông hay không ?
Olivier Guillard : « Về mặt xã hội, kinh tế, chính trị và tự do thì quyền hạn của người dân Bắc Triều Tiên vẫn rất, rất hạn hẹp. Quốc gia này luôn bị nạn đói đe dọa, khi thì do mất mùa, lúc do thiên tai, hay tai ương do biến đổi khí hậu … Cuộc sống khó khăn đối với 25 triệu dân nước này và có tới khoảng 40 % trong số ấy có thường xuyên bị đe dọa đói kém nghiêm trọng. Dân Bắc Triều Tiên cần được cộng đồng quốc tế giúp đỡ, cần được các cơ quan của Liên Hiệp Quốc viện trợ nhân đạo. Dân chúng tại đây sống dưới gọng kềm của một chế độ độc tài theo mô hình cha truyền con nối. Điều đó hoàn toàn không có gì thay đổi so với thời điểm 2011 khi Kim Jong Un thừa kế thân phụ ông để lãnh đạo đất nước.
Dù vậy đa số người Bắc Triều Tiên vẫn trung thành với chế độ, với lãnh tụ và từ một thập niên qua không hề có phong trào nổi dậy nào được ghi nhận trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên. Người dân vẫn cúi đầu tuân thủ những quyết định của chính phủ cả về mặt hành chính lẫn quân sự ».
RFI : Kim Jong Un đã xua tan những nghi vấn ban đầu về khả năng lãnh đạo đất nước, áp đặt quyền lực đối với các phe phái trong nội bộ Đảng, với bên quân đội ?
Olivier Guillard : « Trong một chục năm Kim Jong Un đã thành công trong việc củng cố quyền lực. Uy tín và quyền lực của ông đã vững vàng. Năm 2011, khi đó mới 27 tuổi, Kim Jong Un không có kinh nghiệm điều hành đất nước. Nhiều nhà quan sát cho rằng, ông sẽ bị bên quân đội, tình báo áp đảo, và phải chịu áp lực của những lão thành trong Đảng, đáng vai cha chú. Nhưng rồi vị lãnh đạo trẻ tuổi này đã vượt lên trên được tất cả những cái bẫy chính trị đó. Ông đã thu phục được bên quân đội kể cả bằng phương pháp thanh trừng những đối thủ. Tôi muốn nói đến trường hợp của nhân vật số hai trong chế độ Bắc Triều Tiên khi đó là ông Kim Song Taek. Năm 2013 chính Kim Jong Un ra lệnh xử tử chồng của cô ruột mình. Nạn nhân thứ nhì là người anh cùng cha khác mẹ với Kim Jong Un. Ông Kim Jong Nam đã bị ám sát tại Malaysia để phòng ngừa kịch bản Kim Jong Nam quay về Bình Nhưỡng đòi chia sẻ quyền lực hay tệ hơn nữa là khai thác bất mãn trong xã hội vì tham vọng chính trị cá nhân. Hiện thời Kim Jong Un chưa tới 40 tuổi đang cai trị đất nước với một bàn tay sắt và ông dựa trên một nhóm khá nhỏ các cộng tác viên thân tín. Được biết đến nhiều trong số đó là cô em gái Kim Yo Jong. Người ta xem cô như sứ giả của Kim Jong Un ».
RFI : Về quan hệ Liên Triều, từng có nhiều hy vọng Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên sưởi ấm quan hệ dưới chính quyền của tổng thống Moon Jae In. Nhưng kết quả không được như mong đợi. Thêm vào đó Hàn Quốc chuẩn bị bầu lại tổng thống vào tháng 3/2021 : Phải chăng thời kỳ tan băng giữa hai nước Triều Tiên đã qua ?
Olivier Guillard : « Moon Jae In là một chính khách theo đường lối tự do và ông có tham vọng khởi động giai đoạn tan băng trong quan hệ liên Triều. Chính sách chìa bàn tay thân thiện đó khiến ông bị một phần dư luận Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ. Tới nay thiện chí và nỗ lực của chính quền Seoul không cho phép đem lại nhiều kết quả cụ thể. Seoul có hàng loạt các dự án hợp tác, từ kinh tế đến nhân đạo … với Bình Nhưỡng nhưng tất cả vẫn bị bế tắc do đối thoại về hạt nhân giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ vẫn dậm chân tại chỗ. Nghịch lý ở đây là đối thoại Seoul –Bình Nhưỡng phải đi vòng qua Washington trước cái đã. Do vậy tổng thống Hàn Quốc trong thế chờ đợi ».
RFI : Xin một câu hỏi cuối cùng. Theo ông có triển vọng Kim Jong Un trở lại đàm phán với Mỹ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên ?
Olivier Guillard : « Có rất nhiều chủ đề phức tạp vào chông gai chia cách Bình Nhưỡng với Washington. Một trong những hồ sơ đó liên quan đến kho vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Nhiều nghiên cứu đưa ra những con số khác nhau về khối lượng đầu đạn hạt nhân chế độ Kim Jong Un đang nắm giữ. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên có vũ khí nguyên tử và có tên lửa đạn đạo. Chính quyền nước này phớt lờ mọi đe dọa và trừng phạt của quốc tế để vẫn tiếp tục mở rộng các chương trình hạt nhân trong suốt thập vừa qua. Khó thẩm định một cách chính xác Bình Nhưỡng đang có trong tay bao nhiêu uranium và plutonium nhưng ai cũng biết vũ khí của Bắc Triều Tiên càng lúc càng tối tân. Để nối lại đàm phán, Mỹ và cộng đồng quốc tế đòi Bắc Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân, ngừng thử tên lửa đạn đạo. Bình Nhưỡng hoàn toàn không có ý định chiều theo ý đó. Bề ngoài Bắc Triều Tiên cam kết để cộng đồng quốc tế đến giám sát các cơ sở, các nhà máy nguyên tử tại quốc gia này, nhưng cùng lúc chế độ Kim Jong Un tiếp tục cho phát triển các loại vũ khí mới và Bình Nhưỡng chưa bao giờ có ý định từ bỏ tham vọng hạt nhân. Do vậy, đôi bên đã vấp phải trở ngại ngay từ điểm khởi đầu để Mỹ và Bắc Triều Tiên có thể đối thoại về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên ».
Olivier Guillard chuyên nghiên cứu về các xung đột tại châu Á thuộc Đại Học Québec Montréal, Canada và Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp.