Trung Quốc gia nhập WTO : 20 năm sau phương Tây mới sáng mắt !
Đăng ngày: 09/12/2021
Thụy My
Hai mươi năm sau khi được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Trung Quốc đã thay đổi nhanh chóng như thế nào. Đó là chủ đề chiếm năm kỳ báo của Le Monde, với bài đầu tiên đăng hôm nay và tựa trang nhất « Hai mươi năm đã đẩy vọt Trung Quốc ». Tương tự, Les Echos chạy tựa trên nền đỏ « Hai mươi năm đã thay đổi Trung Quốc » và dành hai trang khổ lớn để phân tích « Thương mại : Trung Quốc đã lừa gạt chúng ta ra sao ».
Lo ngại « chó sói » phương Tây, nay Trung Quốc là « chiến binh sói »
Le Monde ghi nhận, là quốc gia nằm trong số những nước nghèo nhất cách đây nửa thế kỷ, Trung Quốc nay sắp sửa vượt qua Hoa Kỳ. Phương Tây ngỡ rằng việc mở cửa Hoa lục sẽ đi kèm với dân chủ hóa, nhưng đã lầm lẫn lớn.
Đúng 20 năm về trước, ngày 11/12/2021, Trung Quốc trở nên thành viên thứ 143 của WTO. Thay vì kỷ niệm sự kiện này, tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức trong hai ngày 09 và 10/12 hội nghị thượng đỉnh các nền dân chủ, được coi là « chống Trung Quốc ».
Vào đầu thế kỷ 21, tổng sản phẩm nội địa (GDP) tính trên đầu người của Trung Quốc chưa đến 1.000 đô la, kém Mỹ đến 36 lần, nhưng nay đã tăng lên 10.500 đô la, khoảng cách chỉ còn 6 lần. Một so sánh khác : trọng lượng kinh tế Trung Quốc từ tương đương với Pháp nay đã bằng toàn khu vực đồng euro. Năm 2020, có đến 124 công ty Trung Quốc nằm trong số 500 tập đoàn hàng đầu thế giới, nhiều hơn cả Bắc Mỹ (121). Hai mươi năm trước, không ai hình dung được sự tăng tốc chưa từng thấy này, nhưng dân chủ tại Hoa lục vẫn chỉ trong mơ.
Hồi cuối 1997, những công ty quốc doanh thuộc các lãnh vực cho là bị đe dọa nhiều nhất và các vùng nghèo nhất đã kiến nghị Bắc Kinh hoãn lại tiến trình gia nhập hơn một chục năm. Và sau vụ NATO oanh tạc đại sứ quán Trung Quốc ở Serbia năm 1999, thủ tướng Chu Dung Cơ (Zhu Rongji) từng bị chỉ trích là « phản bội » vì không ngưng thương lượng với Washington. Nếu không có sự kiên quyết của nhà cải cách này và của chủ tịch Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) thì Bắc Kinh khó thể hoàn tất tiến trình.
Đối với nhiều người cộng sản và nhà trí thức Hoa lục, gia nhập WTO là mở cửa cho « những con sói đang rình rập ». Ngày nay, chiếc búa gõ của chủ tịch phiên họp người Qatar thời đó và cây bút do bộ trưởng Thương Mại Thạch Quảng Sinh (Shi Guangsheng) sử dụng được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Quốc gia Bắc Kinh, bên cạnh những bảo vật của đảng Cộng Sản. Kinh tế gia David Goldman nhận xét : « Đặng Tiểu Bình đã biến nông dân Trung Quốc thành công nhân, và Tập Cận Bình biến con cái công nhân thành kỹ sư ».
Lên nắm quyền từ cuối 2012, Tập Cận Bình không ngừng ca ngợi toàn cầu hóa, nhưng dần dà đóng cửa Hoa lục. « Con đường tơ lụa mới » được lăng-xê từ 2013 đánh dấu một bước ngoặt với các thỏa thuận song phương mù mờ và mất quân bình. Hố ngăn cách ngày càng sâu : Obama « xoay trục sang châu Á », Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu từ chối công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường, trừng phạt của chính quyền Donald Trump, trả đũa của Bắc Kinh với Mỹ, Úc và mới đây là Litva cho thấy chủ nghĩa đa phương đã lỗi thời. Nếu 20 năm trước, Bắc Kinh lo ngại sẽ là mồi ngon cho những « con sói phương Tây » thì nay chính Trung Quốc bị coi là những « chiến binh sói ».
Hai mươi năm Bắc Kinh thủ lợi từ thương mại quốc tế
Trong bài xã luận « Trung Quốc : Bài học từ những sai lầm của chúng ta », Les Echos nhận định, do phương Tây 20 năm trước ngây thơ, nay thì cay đắng nhận ra đang ở thế thủ trước Bắc Kinh. Hai mươi năm tham gia vào WTO là 20 năm Trung Quốc thủ lợi, bị tố cáo vi phạm những quy định thương mại quốc tế.
Bắc Kinh làm mọi cách để tài trợ cho kỹ nghệ quốc doanh, ngăn cản một số công ty đầu tư vào Hoa lục hay bắt buộc họ chuyển giao công nghệ, tiết kiệm được nhiều thập kỷ nghiên cứu. Là người bắt chước, nay Trung Quốc dẫn đầu trong nhiều lãnh vực, từ hỏa tiễn siêu thanh, thuốc trị ung thư cho đến siêu máy tính, bình điện. Sai lầm lớn của phương Tây là không đưa ra những quy định ràng buộc nhiều. Bruxelles đã đưa ra những công cụ mới để trả đũa, nhưng các biện pháp tự vệ này chưa đủ để tái lập sức mạnh châu Âu, và theo tờ báo, phòng vệ không thể thay thế được tiến công.
Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc từ 2000 đến 2020 từ 84 tỉ vọt lên 255 tỉ đô la, còn Liên Hiệp Châu Âu (EU) từ 50 lên 180 tỉ. Sản xuất của Âu, Mỹ không tăng lên trên lãnh thổ mình mà tại Hoa lục, quá trình phi công nghiệp hóa khiến người lao động bị thiệt thòi. Các tập đoàn đa quốc gia cũng phải chịu một phần trách nhiệm vì chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt : giá nhân công rẻ, thị trường 1 tỉ người, tuy nhiên nếu họ không chấp nhận chuyển giao công nghệ thì công ty cạnh tranh cũng sẽ làm. Thế nên ngày nay tàu cao tốc Trung Quốc giống hệt tàu Đức.
Bắc Kinh tận dụng tối đa những lỗ hổng trong quy định của WTO. Chẳng hạn Trung Quốc tiếp tục áp thuế hải quan 25% chứ không phải 10% như trong thỏa thuận gia nhập, đối với phụ tùng xe hơi nếu chiếm ít nhất 60% chiếc xe. Canada, EU và Hoa Kỳ đã kiện lên WTO, và năm 2008 Bắc Kinh đã rút lại biện pháp nhằm ưu đãi cho kỹ nghệ Hoa lục. Nhưng đã quá muộn, hầu hết các nhà sản xuất thiết bị đã di dời sang Trung Quốc. Hoặc pin mặt trời, công nghệ của Mỹ và được Đức hoàn thiện. Bắc Kinh trợ giá ồ ạt cho doanh nghiệp trong nước thông qua nhiều kênh như cho vay ưu đãi, ưu tiên cấp đất…nhấn chìm sản phẩm Âu Mỹ. Khi EU kiện chống phá giá năm 2012, cũng đã quá muộn : ngành kỹ nghệ này ở châu Âu đã biến mất. Dưới thời Tập Cận Bình, Nhà nước lại càng siết chặt nền kinh tế, Trung Quốc rời xa quỹ đạo dự kiến cách đây 20 năm.