Úc vỡ mộng về tàu ngầm hạt nhân của Mỹ ?
Đăng ngày: 10/12/2021
Thanh Hà
Ba tháng sau khi thông báo chuyển hướng sang Hoa Kỳ, hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp, Úc trong một vùng « sương mù ». « AUKUS đau đầu vì tàu ngầm nguyên tử hạt nhân », còn Pháp « vẫn hy vọng » đảo ngược được tình huống : Đó là nội dung hai bài báo dài trên Le Monde ngày 10/12/2021.
Cuối tháng 9/2021, hai tuần sau khi Luân Đôn, Canberra và Washington thông báo khai sinh liên minh quân sự AUKUS, cựu thủ tướng Úc Malcom Turnbull rất bực mình vì các bên chưa ấn định bất kỳ điều gì về hợp đồng mua bán tàu ngầm, từ giá cả đến phương án thiết kế … Điều chắc chắc duy nhất là « giá thành sẽ đắt hơn nhiều » so với thỏa thuận đã thông qua với Pháp. Cũng ông Turnbull quả quyết, nếu chọn Paris, Canberra sẽ thu ngắn được đến 10 năm thời gian đợi chờ để có hàng mới. Khoảng thời gian đó rất quý giá bởi à Úc đang « nhanh chóng » cần có những công cụ phòng thủ hiện đại hơn.
Ngoài hai điểm nhậy cảm mà truyền thông quốc tế đã nhiều lần lưu ý là Úc không thuộc câu lạc bộ các cường quốc nguyên tử và chiến lược của Canberra có nguy cơ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, tác giả bài báo, Isabelle Dellerba nêu lên những thách thức khác chờ đợi chính quyền của thủ tướng Scott Morrison trong hợp đồng với Mỹ. Trước hết, Canberra sẽ « chọn kiểu tàu ngầm nào » giữa lớp Astute của Anh hay Virginia của Hoa Kỳ.
Marcus Hellyer, Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Úc, thiên về giải pháp thứ nhì. Anh Quốc không có được những lợi thế về mặt công nghiệp như Hoa Kỳ và cũng không có được vị trí tại Ấn Độ -Thái Bình Dương như Mỹ. Nhưng chọn lớp Virginia cũng không phải là dễ, vì hiện tại « hai xưởng sản xuất ở Hoa Kỳ đều đang hoạt động hết công suất và để đáp ứng nhu cầu của Úc, sẽ phải mở thêm một cơ sở thứ ba ». Hiện tại, « không một chuyên gia nào » tin vào kịch bản đó. Đây là khó khăn thứ nhì Canberra phải nhanh chóng vượt qua.
Trong bối cảnh cảnh căng thẳng khu vực càng lúc càng lớn, bang giao giữa Canberra và Bắc Kinh xuống cấp nghiêm trọng trong những năm gần đây, nước Úc của thủ tướng Morrison hiện chỉ có thể trông cậy vào 6 chiếc tàu ngầm « cổ lỗ » lớp Collins của Thụy Điển mà trên nguyên tắc sẽ chính thức ngừng hoạt động vào năm 2026. Chỉ sau 5 năm nữa, khả năng phòng thủ trên biển của Úc sẽ chỉ có thể trông cậy vào những chiếc tàu ngầm « cổ lỗ và rệu rã nhất thế giới » như báo bảo thủ The Australian ghi nhận.
Canberra quay đầu lại Paris, một giấc mơ điên rồ ?
Vậy tránh để rơi vào thế kẹt đó, Úc có thể « đi thuê » tàu ngầm của các đồng minh đáng tin cậy hòng tăng cường khả năng phòng thủ hay không ? Theo Marcus Hellyer, câu trả lời là không, bởi hiện tại Anh và Mỹ đều không « dư giả » để cho đồng minh Úc vay mượn. Thế còn kịch bản Canberra nối lại « mối tình xưa » với Paris ?
Philippe Ricard của tờ Le Monde quả quyết: 3 tháng sau vố tát tai của chính phủ Úc, Pháp cũng như tập đoàn chế tạo tàu ngầm Naval Group đang « thầm hy vọng » Canberra hiểu được là chơi với Anh, Mỹ « không dễ ». Một nguồn tin thông thạo « không loại trừ khả năng Úc lại trở mặt », nhưng lần này là để quay lại với Paris.
Đây không hoàn toàn là một « giấc mơ điên rồ » bởi vào tháng 6/2022, Úc sẽ bầu lại Quốc Hội, không chắc đảng cầm quyền giữ được đa số. Bản thân thủ tướng Morrison đang bị chỉ trích mạnh mẽ ngay cả trong nội bộ về hồ sơ hạt nhân và liên minh quân sự AUKUS. Trong viễn cảnh đó, Pháp tuy vẫn giữ thái độ « lạnh như băng » với Úc, nhưng chính tập đoàn Naval Group lại rất « kín tiếng » trên hồ sơ này và không mấy nặng lời chỉ trích đối tác đã thất hứa.