30 năm Liên Xô tan rã: Nước Nga mới đã giúp nhiều người Việt \’đổi đời\’
5 giờ trước
Nhiều người dân Nga vẫn còn luyến tiếc thời kỳ hoàng kim của Liên bang Xô Viết, tuy vậy, số đông vẫn không muốn quay trở lại thời kỳ đó, và sự thật là nước Nga đã giúp nhiều người Việt đổi đời và làm giàu từ đây, ông Boristo Nguyễn trả lời BBC.
Tháng 12/1991, Liên Xô giải tán, chấm dứt hệ thống xã hội chủ nghĩa ở quốc gia lớn nhất hành tinh sau gần bảy thập niên tồn tại. Nhân dịp 30 năm Liên Xô sụp đổ, BBC News Tiếng Việt phỏng vấn ông Boristo Nguyễn từ Moscow, người sống tại Nga từ nhiều năm qua.
BBC: Câu hỏi đầu tiên là thưa ông, dịp kỷ niệm 30 năm Liên Xô tan rã được đón nhận như thế nào, nếu có trong xã hội Nga hiện nay? Trên truyền thông, các phát biểu của chính khách, các nhà hoạt động có gì đáng ghi nhận?
Ông Boristo Nguyễn: Đánh giá thế nào về sự kiện Liên Xô tan rã, về nhà nước Liên bang Xô Viết? Số đông người dân Nga luyến tiếc thời đại Xô Viết.
Theo một cuộc thăm dò của Trung tâm Điều tra Dư luận Xã hội Levada năm 2020 thì có tới 70% người dân cho rằng Xô Viết là giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử đất nước Nga. Con số này có thể thay đổi ở các thời kì khác nhau, tùy theo tình hình đất nước, nhưng nói chung đều hơn quá nửa người dân có quan điểm như vậy.
Theo tôi, người dân luyến tiếc có thể vì thời Xô Viết cuộc sống được đảm bảo và ổn định, con người ít chịu rủi ro như bây giờ, tuy không phải giàu có gì cho lắm. Một lí do nữa là người ta luyến tiếc về một đất nước hùng mạnh, cường quốc thế giới. Dân các nước lớn có tâm lí này là điều dễ hiểu, nhất là khi trong những năm 90 người Nga cảm thấy bị tổn thương vì phương Tây không tôn trọng họ. Tuy nhiên, hoài niệm thì hoài niệm, số đông vẫn không muốn quay lại thời kỳ Xô Viết.
Các chính khách, các nhà hoạt động đứng từ các góc nhìn khác nhau và có các đánh giá khác nhau, thậm chí là trái ngược. Theo tôi, hai phát biểu sau của Putin là khá điển hình cho sự đánh giá của người Nga về Liên Xô và sự tan rã của nó: \”Sự tan rã của Liên Xô là một thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 20\”, \”chỉ sau một đêm 25 triệu người Nga đã thành ở nước ngoài\” và \”Ai không hối hận về sự sụp đổ của Liên Xô người đó không có trái tim. Ai muốn khôi phục nó thành như trước đây, người đó không có đầu\”.
BBC: Trên nhiều diễn đàn mạng tiếng Việt vẫn có ít nhất hai luồng ý kiến, dư luận về các sự kiện 30 năm trước. Một là luyến tiếc quá khứ Liên bang Xô Viết từng là \”người bạn lớn\” của miền Bắc VN trong chiến tranh. Hai là coi việc Liên Xô tan rã là tất yếu, là phê phán Liên Xô \”đế quốc chủ nghĩa\”, ông nghĩ sao? Trong cộng đồng Việt Nam ở Nga thì quan điểm là thế nào, thưa ông?
Ông Boristo Nguyễn: Theo tôi, cộng đồng người Việt ở Nga có đặc thù là hầu hết lo làm ăn, không quan tâm nhiều đến chính trị như người Việt ở một số nước khác. Người Việt ở Nga giờ không còn nhiều người ở lại từ thời Liên Xô như trước, khác với các diễn đàn mạng tiếng Việt mà đa phần các thành viên là những người đã từng ở Liên Xô trước đây.
Vì vậy, câu hỏi đánh giá về Liên bang Xô Viết không được quan tâm nhiều. Tất nhiên, cũng có người có ý kiến này, người có ý kiến khác, không hoàn toàn giống nhau.
Tôi có một nhận xét mang tính chủ quan là người Việt đã từng ở Liên Xô ngày trước hay ở Nga sau này, tuy có thể có những trải nghiệm vui buồn khác nhau, người thành công người thất bại nhưng về nước sau một thời gian đa phần đều hoài niệm, nhớ lại đất nước này. Có rất nhiều diễn đàn mạng xã hội, các nhóm hoài niệm nước Nga/Liên Xô với số lượng thành viên rất đông, điều mà các nước khác không có.
Tôi không thể giải đáp tại sao lại có hiện tượng này. Có lẽ do sức hút của nền văn hóa Nga, do tính cách cởi mở, dễ gần (tuy đôi khi hơi thô) của người Nga?
BBC: Quá trình ông học, quay lại sống tại Nga đến nay là bao nhiêu năm, xin ông có thể kể ra một vài câu chuyện?
Ông Boristo Nguyễn: Tôi ở Nga cho đến nay là 34 năm. Hơn nửa đời người, số phận đã gắn bó tôi với nước Nga, qua đủ thăng trầm, vui cũng nhiều và buồn cũng không ít. Tuổi thanh xuân vô tư lự của thời sinh viên, những khó khăn của những năm sau khi Liên Xô tan rã vừa phải lăn lộn kiếm sống vừa phải làm luận án, những vùng đất thiên nhiên vô cùng đẹp, những sự đổi thay của nước Nga…
Chuyện thì có nhiều, tôi xin chỉ kể một câu chuyện sau.
Những năm 90, nước Nga rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Đời sống vô cùng khó khăn, lạm phát hơn 1000%, thất nghiệp, lương thấp không đủ sống. An ninh rất kém, trấn lột mafia hoành hành, mỗi lần mở cửa ra khỏi nhà là một lần phải rất cẩn thận.
Mọi cái đều thay đổi nhưng tôi nhận thấy có hai điều không thay đổi, vẫn như thời Liên Xô ngày trước. Đó là hệ thống tàu điện ngầm ở Moscow. Hàng ngày tàu vẫn chạy đều, giờ cao điểm chưa tới một phút một chuyến, đêm muộn 5-6 phút. Điều thứ hai là hệ thống trường nhạc sơ cấp thiếu nhi. Ở Moscow lúc đó có khoảng hơn 150 trường với đủ các bộ môn: piano, violon, kèn, guitar, sáo… đấy là chưa nói đến câu lạc bộ, trung tâm tư nhân.
Trẻ con Nga hầu hết ngoài học trường phổ thông đều được đi học nhạc, vẽ hay thể thao. Học không mất tiền, chỉ đóng học phí một khoản tượng trưng không đáng kể. Giáo viên rất nghèo, lương không đủ sống nhưng mỗi khi đưa con đi học, bước vào qua cửa trường nhạc là như bước vào một thế giới khác. Mọi nhiễu nhương của xã hội như dừng lại bên ngoài cánh cửa nhà trường. Bên trong trường là thế giới của âm nhạc, thầy cô hết lòng truyền thụ cho trẻ tình yêu với âm nhạc.
Bà hiệu trưởng, người trực tiếp dạy đàn piano cho con gái tôi. Bà quý và quan tâm đến con tôi không kém gì cha mẹ. Khi bà mất, tại lễ tang bà, tôi có phát biểu đại ý thế này: nước Nga đang trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn, đứng trước một thách thức vô cùng lớn nhưng có những người gìn giữ và bảo toàn văn hóa, tinh thần Nga như bà thì nước Nga mãi trường tồn, khó khăn nhất định sẽ qua, tương lai chắc chắn sẽ tốt đẹp.
BBC: Ông nhận thấy xã hội Nga thay đổi như thế nào so với những năm sau 1991?
Ông Boristo Nguyễn: Tôi sống ở Moscow, chỉ vài năm gần đây mới hay đi thăm một số thành phố khác chứ không biết nhiều về nông thôn nên nhận xét của tôi có thể phiến diện.
Có thể tạm chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn khủng hoảng của thập kỉ 90 và đầu những năm 2000, giai đoạn phát triển cho đến trước năm 2014 khi xảy ra vấn đề Ukraine và giai đoạn từ sau năm 2014 cho đến nay khi quan hệ với các nước phương Tây căng thẳng, Nga thường xuyên bị cấm vận, trừng phạt kinh tế.
Ở giai đoạn đầu chắc mọi người cũng đã biết, đói kém, an ninh rất tồi.
Giai đoạn thứ hai, nước Nga phát triển, đời sống an sinh xã hội được cải thiện khá nhanh, an ninh tiến bộ nhiều. Nếu trước đây người dân phải vật lộn để tồn tại, \”nước Nga là Moscow và các phần còn lại\” thì trong năm 2014 có gần 43 triệu lượt người đi du lịch nước ngoài. Đây không còn chỉ là những \”Người Nga mới\” (ám chỉ một số nhỏ giàu bứt lên trong những năm 90, nhiều khi bất chính), chỉ là dân Moscow mà đã là dân thường từ mọi vùng khác nhau. Nếu như trước đây an ninh là tồi tệ thì bây giờ có thể đi chơi phố nửa đêm cũng không phải lo sợ.
Ở giai đoạn cuối, do ảnh hưởng của cấm vận, trừng phạt của phương Tây, do giá dầu không được cao như trước và do đại dịch Covid kinh tế của Nga cũng có không ít khó khăn. Không phát triển được với tốc độ như trước nhưng có lẽ kinh tế của Nga vẫn giữ được ổn định ở mức độ nhất định. Moscow ngày một khang trang, năm này đẹp hơn năm trước.
Nước Nga chưa giàu như Mỹ hay một số nước khác nhưng người dân được hưởng khá nhiều phúc lợi xã hội, ví dụ bảo hiểm y tế miễn phí toàn dân, trẻ em đi học không mất tiền (thậm chí còn được ăn sáng ở trường), người về hưu được đi các phương tiện giao thông công cộng miễn phí, trong các công viên tại Moscow có wifi miễn phí và thường xuyên tổ chức các buổi dạy yoga, dạy nhảy hay biểu diễn âm nhạc miễn phí…
Theo thói quen, nhiều người vẫn coi nước Nga là XHCN như Liên Xô ngày xưa. Hoàn toàn không đúng như vậy. Nước Nga giờ không đi theo con đường XHCN, một trong những điều khác trước là sự phân chia giàu nghèo ngày càng lớn.
BBC: Theo ông, cộng đồng người Việt tại Nga hiện nay như thế nào trong xã hội nước Nga thời Tổng thống Vladimir Putin?
Ông Boristo Nguyễn: Người Việt ở Nga là một cộng đồng khá lớn, trải qua đủ thăng trầm cùng với nước Nga. Hiện tại, theo tôi nghĩ, người Việt không đông như trước nhưng vẫn còn khá đông. Người về cũng có, người tiếp tục sang vẫn rất đông. Hầu hết bà con sang đây là để làm ăn, kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Người thành công, giàu lên rất nhiều, người vất vả, khó khăn cũng không ít. Người tốt, người xấu đủ cả, như một xã hội Việt Nam thu gọn.
Phương thức làm ăn chính là bán hàng ở chợ và những việc xung quanh đó. Ngày trước thì hàng hóa nhập từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam… nhưng về sau thì có phong trào mở xưởng may ngay tại Nga để rút ngắn thời gian từ khâu sản xuất đến tay người mua.
Kinh doanh chợ búa của người Việt cũng ngày càng khó nên một vài năm trở lại đây có phong trào mở hàng ăn. Lí do vì đại dịch Covid, kinh tế khó khăn cũng có nhưng đúng hơn, có lẽ là do quy luật phát triển.
Ngày xưa thiếu thốn, mô hình ốp, chợ phát triển. Bây giờ siêu thị mọc như nấm, hàng hóa giá cả cạnh tranh lại được tiếng là chất lượng. Khái niệm shopping, đi mua sắm bây giờ cũng khác, người dân đi siêu thị không chỉ để mua hàng mà còn dạo chơi, ăn uống… Vì vậy, kinh doanh chợ ngày càng khó, đấy là chưa nói đến việc chính quyền ngày càng muốn đưa vào quy củ, quản lý chặt thuế nên không khuyến khích mô hình chợ búa.
Có người thành công, có người thất bại nhưng nói gì thì nói nước Nga đã giúp cho rất nhiều người Việt đổi đời, thoát khỏi đói nghèo, và cả làm giàu.
BBC: Xin ông cho biết nước Nga ngày nay coi Việt Nam ở đâu trong quan hệ bang giao? Quan hệ Nga-Trung có vẻ ngày càng gần gũi, nhưng với Việt Nam thì sao, thưa ông?
Ông Boristo Nguyễn: Sau khi Liên Xô tan rã, một thời gian dài Nga ít quan tâm đến Việt Nam vì bản thân họ có quá nhiều vấn đề phải lo. Sau thời kì khủng hoảng, nước Nga dần hồi phục thì họ bắt đầu và quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam.
Hai nước có chung nhiều điều trong lịch sử, tình cảm người dân hai nước cũng có nhiều đồng điệu; tuy nhiên, cũng cần phải hiểu là nước Nga bây giờ họ cũng thực dụng, vì lợi ích của đất nước họ. Khi có cùng lợi ích thì quan hệ sẽ càng gần gũi, khi không còn lợi ích thì sự gần gũi cũng bớt đi. Việt Nam với Nga có quan hệ đối tác chiến lược, tuy nhiên tôi cảm thấy trên thực tế tầm quan hệ kinh tế giữa hai nước chưa được cao lắm.
Nga ngày càng quan tâm nhiều đến Việt Nam có lẽ vì mấy lí do: vị thế chính trị của Việt Nam ngày càng được nâng cao, vai trò Việt Nam và sự quan tâm của Nga đến khu vực Đông Nam Á cũng như Thái Bình Dương, và quan hệ đối trọng giữa Nga và Mỹ.
Theo tôi, Nga với Trung Quốc là hai nước lớn, lại có chung biên giới nên khó có thể là đồng minh lâu dài. Họ là đối thủ tiềm năng. Quan hệ Nga-Trung giờ gần gũi cũng chỉ là xu thế tạm thời, giải pháp tình thế để đối trọng với Mỹ. Mọi hệ thống muốn cân bằng và tồn tại phải có đối trọng.
Nga và Trung Quốc giờ không chấp nhận thế giới một cực do Mỹ cầm đầu (tồn tại từ sau khi Liên Xô tan rã). Ngược lại, Mỹ không muốn phá vỡ trật tự cũ.
Quan hệ với Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ thế nào phải nhìn từ bàn cờ địa chính trị, các mối quan hệ với quyền lợi hay xung đột giữa các nước lớn để đưa ra phương án tối ưu, cân bằng nhất là một thách đố với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Phụ thuộc vào chính sách đối ngoại và hành động cụ thể của Việt Nam mà Nga sẽ ngày càng gần với Việt Nam hay không.