Chính sách hung hăng của Trung Quốc đẩy châu Âu về phía Đài Loan
Đăng ngày: 13/12/2021
Anh Vũ
Khi Trung Quốc theo đuổi chiến lược cô lập Đài Loan, hòn đảo này những năm qua đã mất đi nhiều sự ủng hộ ngoại giao theo như mong muốn của Bắc Kinh. Ngược lại, châu Âu đang xích gần lại với Đài Bắc qua việc coi hòn đảo là một đối tác trong lĩnh vực an ninh mạng cũng như cùng chia sẻ các giá trị dân chủ.
Hôm 09/12 vừa rồi, Nicaragua thông báo cắt đứt quan hệ với Đài Loan, vốn vẫn bị Trung Quốc coi là một tỉnh nổi loạn của họ. Đây là một đòn nặng về ngoại giao đối với hòn đảo nhỏ trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Khi Bắc Kinh đang đẩy mạnh nỗ lực cô lập Đài Bắc, từ năm 2016 đã có 6 đồng minh của chính phủ Đài Loan ngả theo Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong khi các mối ủng hộ chính thức suy giảm đi, Đài Loan vẫn tiếp tục thu hút được thiện cảm của nhiều nền dân chủ trên thế giới. Đó là trường hợp của Liên Hiệp Châu Âu (EU). Trong những năm qua Liên Âu bắt đầu chủ trương xích gần lại với hòn đảo, gây bất lợi cho Bắc Kinh.
Đối mặt với chiến dịch gây ảnh hưởng hung hăng của Trung Quốc, Liên Âu giờ đây đã thấy Đài Loan như một đối tác chiến lược, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh mạng.
EU đối phó với một « đối thủ hệ thống »
Năm 2019, Liên Hiệp Châu Âu đã nhận thấy phải dè chừng với đà gia tăng sức mạnh của Trung Quốc. Bruxelles đánh giá người khổng lồ châu Á như là « đối tác hợp tác », « cạnh tranh kinh tế » nhưng cũng là « đối thủ có hệ thống ». Từ khi nổ ra đại dịch Covid-19 thì lập trường này càng được củng cố thêm.
Tháng 06/2020, khi cuộc khủng hoảng dịch lan rộng, Ủy Ban Châu Âu đã tố cáo Trung Quốc tiến hành chiến dịch thông tin sai lệch trong Liên Âu về Covid-19. Lần đầu tiên Bruxelles chỉ đích danh Bắc Kinh là nguồn gốc bóp méo thông tin. Không lâu sau đó, trong một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến EU- Trung Quốc, bà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, một lần nữa cáo buộc Trung Quốc có trách nhiệm trong một loạt vụ tấn công tin tặc nhằm vào các bệnh viện của châu Âu.
Một báo cáo sâu rộng về chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới được Viện nghiên cứu chiến lược thuộc trường Quân Sự Pháp công bố hồi tháng 9 vừa qua cũng đã đề cập đến các chiến dịch bóp méo thông tin của Trung Quốc nhằm vào Thụy Điển. Theo các nhà nghiên cứu, Bắc Kinh định dùng đất nước Bắc Âu này như là con ngựa thành Troie để xâm nhập và làm mất ổn định các định chế của Liên Âu.
Những chiến dịch thù địch như vậy, cộng thêm với việc thắt chặt các quyền tự do ở Hồng Kông, vi phạm nhân quyền ở Tân Cương cũng như là các hành động đe dọa quân sự với Đài Loan đã làm dấy lên những chỉ trích mạnh mẽ trong Liên Hiệp Châu Âu và Bruxelles cũng bắt đầu rắn giọng với Bắc Kinh.
Những biến chuyển như thế có lợi cho Đài Loan. Hòn đảo giờ đây được EU nhìn nhận như là một đối tác chiến lược vì các lý do như có các giá trị dân chủ và sự kháng cự trước Trung Quốc, cũng như có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh lĩnh vực an ninh mạng.
Chống can thiệp và đối tác công nghệ
Ngày 21/10 vừa qua, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua nghị quyết về tăng cường các quan hệ với Đài Loan, đánh giá hòn đảo là « đối tác chủ chốt » trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Nghị Viện Châu Âu kêu gọi cần có quan hệ đối tác toàn diện và tăng cường với Đài Bắc, trong đó bao gồm đề nghị củng cố hoạt động của Văn phòng Kinh tế và Thương mại của châu Âu tại Đài Loan, ký thỏa thuận đầu tư song phương và đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vự chống bóp méo thông tin và đe dọa tin tặc.
Dù không mang tính ràng buộc, nhưng nghị quyết này chứng tỏ nỗ lực gia tăng của Liên Âu nhằm xích gần lại với Đài Loan nhưng vẫn tôn trọng khuôn khổ « chính sách một nước Trung Quốc duy nhất ». Đầu tháng 11, Nghị Viện Châu Âu còn cử một đoàn đại biểu chính thức đầu tiên gồm 7 thành viên ủy ban đặc biệt chống can thiệp nước ngoài và bóp méo thông tin, đến thăm Đài Bắc.
Đoàn nghị sĩ này đã gặp gỡ các quan chức cao cấp của chính phủ Đài Loan và các tổ chức xã hội dân sự để tìm hiểu kinh nghiệm của Đài Loan trong lĩnh vực chống can thiệp nước ngoài. Bởi hoàn đảo nhỏ này luôn ở tuyến đầu trước chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc nhằm phá hoại cac định chế dân chủ của Đài Loan.
Bà Marleta Gregorova, nghị sĩ châu Âu của Cộng Hòa Séc, thành viên trong đoàn cho France 24 biết về mục đích chuyến đi: « Chúng tôi mong muốn khai thác hơn nữa kỹ năng của Đài Loan qua việc hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và các chuyên gia trong vùng và nếu có thể thì chia sẻ với các đồng minh dân chủ khác trên thế giới ».
Liên Hiệp Châu Âu cũng mong muốn phát triển qua hệ đối tác công nghệ với Đài Loan. Bruxelles đang cố gắng thuyết phục nhà sản xuất bán dẫn của Đài Loan, TSMC, đặt nhà máy ở châu Âu. Bởi vì Đài Loan có kỹ năng đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ mũi nhọn này mà giờ đây không thể thiếu trong công nghệ chế tạo từ máy điện thoại thông minh cho đến trí tuệ nhân tạo. Trong khủng hoảng Covid-19, khan hiếm bán dẫn đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp xe hơi của châu Âu. « Với bộ luật liên quan đến vi mạch điện tử của châu Âu, Bruxelles sẽ gia tăng nỗ lực để nâng cao sản xuất, nhưng chúng tôi cũng muốn hợp tác với các đối tác có chia sẻ các giá trị với chúng tôi như Đài Loan », bà Sabine Weyland, tổng giám đốc bộ phận thương mại của Ủy Ban Châu Âu đã phát biểu trong hội nghị trực tuyến về đầu tư EU – Đài Loan hồi tháng 10 vừa qua như vậy.
Xích lại gần nhau lâu dài ?
Không bất ngờ, chuyến đi của các nhà lập pháp châu Âu đến Đài Loan đã khiến Trung Quốc nổi giận. Bắc kinh tố cáo Nghị Viện Châu Âu « vi phạm nghiêm trọng cam kết của EU về chính sách một nước Trung Quốc duy nhất », đồng thời đe dọa trả đũa.
Sau chuyến thăm Đài Loan, Nghị Viện Châu Âu đã tuyên bố các đại biểu đã thăm dò hướng đối tác mới, đặc biệt việc lập tại Đài Bắc một cơ sở chung để chống bóp méo thông tin. Nhưng dù Ủy Ban Châu Âu ngỏ ý muốn tiếp tục các « quan hệ sâu hơn về lĩnh vực thương mại và đầu tư » với Đài Loan, đến giờ vẫn chưa có một thỏa thuận cụ thể nào. Cơ quan hành pháp của châu Âu vẫn giữ thận trọng hơn trên vấn đề này so với Nghị Viện.
Việc theo đuổi các hợp tác với Đài Loan sẽ phụ thuộc trước hết vào chính sách đối ngoại của các nước thành viên. Trong lúc này, chính phủ mới ở Đức vừa bắt đầu hoạt động và nước Pháp đang bận chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 04/2022.
Những nhân vật thuộc đảng Xanh, giờ lãnh đạo bộ Ngoại Giao Đức, hứa sẽ cứng rắn với Bắc Kinh trên các giá trị dân chủ, khép lại thời kỳ của Merkel vốn ưu tiên trước hết các thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Ba đối tác liên minh trong chính phủ mới của Đức cũng bảo vệ quan điểm mở rộng quan hệ với Đài Loan.
« Việc làm của Nghị Viện Châu Âu đã góp phần coi quan hệ hợp tác với đảo Đài Loan như là ‘bình thường’ và thúc đẩy Liên Âu có cách nói ủng hộ Đài Loan », bà Zsuzsa Anna Ferenczy, nhà nghiên cứu, cựu cố vấn chính trị tại Nghị Viện Châu Âu phân tích. « Đài Loan đã thành công tạo được cho mình sự ủng hộ quốc tế, với những nền dân chủ sẵn sàng ủng hộ họ. Biến chuyển này là do các chính sách hung hăng của Trung Quốc. Bắc Kinh thực ra đang góp phần nhiều hơn chứ không phải ít đi cho Đài Loan hiện diện ở châu Âu».
(Theo france24.com)