New Caledonia bác bỏ độc lập trong cuộc cạnh tranh Pháp – Trung Quốc

New Caledonia bác bỏ độc lập trong cuộc cạnh tranh Pháp – Trung Quốc

  • Phạm Cao Phong
  • Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Paris, Pháp

13 tháng 12 2021

\"A
Chụp lại hình ảnh,Một phụ nữ bỏ phiếu tại một điểm bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập trên lãnh thổ New Caledonia thuộc Pháp ở Nam Thái Bình Dương ở Nouméa vào ngày 4 tháng 10 năm 2020

Nhà báo Phạm Cao Phong nói cuộc trưng cầu dân ý tại New Caledonia với 96,28 % muốn ở lại với Pháp có thể coi là thất bại tạm thời của Trung Quốc.

Cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ Nhật vừa qua không còn dừng ở câu chuyện nội bộ chia tay hay không với nước Pháp của người bản xứ, mà yếu tố Trung Quốc đã nổi bật thành chủ đề tranh cãi gay gắt giữa phe muốn ở lại với Pháp và phe đòi độc lập.

Trung Quốc đã và đang có các hoạt động ngoại giao và kinh tế lôi kéo hòn đảo có vị trí chiến lược này vào vòng ảnh hưởng của họ nhưng không thành, theo các báo Pháp.

Đây là lần thứ ba, New Caledonia (Nouvelle Calédonie) nhóm quần đảo thuộc Pháp từ năm 1853 tổ chức các cuộc hỏi ý kiến người dân về việc đi hay ở, tách ra hay tiếp tục gắn bó với CH Pháp.

Ba cuộc trưng cầu dân ý liên tiếp, cách nhau không xa, lần thứ nhất tháng 11/2018, lần thứ hai tháng 10/2020 và lần này, Chủ Nhật ngày 12/12/2021 đặt ra câu hỏi vì sao có một cuộc chạy đua ráo riết như vậy.

Tại sao hai lần phủ định sự lựa chọn độc lập không được tôn trọng, phải làm thêm lần thứ ba, mục đích là phải có bằng được thể chế này, bất chấp các kết quả sau hai lần nói \’không\’ của người dân ở đây ?

Lịch sử Tân Đảo với người gốc Việt

Tên tiếng Pháp là \’Nouvelle Calédonie\’, xứ sở ở Thái Bình Dương không xa lạ với Việt Nam. Người gốc Việt đến từ thời thuộc địa Pháp, nay chiếm tới 1% cư dân, đông hơn cả người gốc Hoa ở đây.

Theo tôi tìm hiểu thì kể cả sau chiến tranh Đông Dương kết thúc vào năm 1954, vẫn có nhiều người Việt từ đây hồi hương.

Trước đó, họ là nhóm xuất thân từ các gia đình Pháp đưa tới để khác thác mỏ, đường xá, đồn điền có quá khứ từ những chuyến di dân năm 1881, 1895, 1930 . Họ đa số có gốc gác ở đồng bằng Bắc Bộ, từ Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình… và có cả cựu tù nhân được chuyển tới từ các trại tù Đông Đương, Côn Đảo.

Từ \’Việt kiều Tân Thế Giới\’ và \’Việt kiều Tân Đảo\’ dùng để chỉ những người từ -đây trở về Việt Nam. Sự tích lũy của họ sau những thế hệ tha hương không ít tò mò, ghen tỵ với một tập thể dân chúng vừa trải qua chiến tranh ở Việt Nam.

Nhưng về con cháu những người vẫn ở lại New Caledonia thì sự thăng trầm của cộng đồng \’Chân Đăng\’ (tiếng Việt những thế kỷ trước dịch từ tiếng Pháp : travailleurs engagés), phản ánh sự gắn đó lịch sử gắn với chùm đảo này của người gốc Việt. Nếu ta so sánh hình ảnh kẻ về nước, kẻ ở lại thuộc địa Pháp, và tâm tư của họ là gì hẳn sẽ có là một đề tài thú vị.

Lãnh hải 350 dặm vuông của New Caledonia còn giàu có nguồn cá, hải sản, các rặng san hô phong phú với dân số chỉ có 268.767 theo điều tra nhân khẩu vào năm 2020, trên diện tích 18.575 km2.

Về quân sự, từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, New Caledonia đã trở thành một căn cứ hậu phương quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống hải quân Nhật Bản. Hạm đội Hoa Kỳ gồm hàng không mẫu hạm USS Enterprise thường trú ở đây, đã góp phần trong trận hải chiến \’San hô\’ – The Battle of the Coral Sea- đánh bại hải quân phát-xít Nhật muốn vươn xuống Úc và Nam Thái Bình Dương.

Mỹ đầu tư vào hạ tầng cơ sở, hiện đại hóa cầu đường, mở rộng đường băng các sân bay cũ, xây dựng các sân bay mới La Tontouta, Magenta Airport… Lối sống Mỹ, văn hóa Mỹ lan tỏa trên các đảo thuộc New Caledonia, thậm chí sau chiến tranh, một cộng đồng đã được thỉnh cầu Washington để biến New Caledonia trở thành tiểu bang thứ 51 của Hoa Kỳ.

Song Pháp đã ngăn chặn được ảnh hưởng này lan rộng và giữ New Caledonia trong khối liên hiệp Pháp một cách khéo léo.

Nhưng ngày nay, lãnh thổ dùng tiếng Pháp gồm nhóm đảo ít dân dân lại đối mặt với các vấn đề rất mới.

Trung Quốc nhìn vào khoáng sản quý và địa chính trị

Ngày nay, quần đảo vốn được cho là tách khỏi lục địa Úc châu khoảng 66 triệu năm trước có nickel chiếm tới một phần tư trữ lượng toàn thế giới. Đây là nguyên liệu không thể thiếu trong các công nghiệp mũi nhọn, ví dụ đơn giản như việc chuyển đổi năng lượng xanh rất cần nickel cho việc chế tạo ắc quy chạy điện.

Cho đến nay, Pháp đã bảo vệ được lãnh thổ hải ngoại này trước sự dòm ngó của Nhật vào đầu thế kỷ 20, của Mỹ sau Đệ nhị Thế chiến, rồi đến Úc và New Zealand, và nay Trung Quốc là cường quốc tiếp theo muốn đặt chân vào.

Zack Cooper, nhà nghiên cứu tại Viện American Enterprise Institute (AEI) được báo Pháp La Croix trích lời nói từ những năm qua, Trung Quốc \”không chỉ chú ý đến việc chống lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại môi trường cận biên: Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam…mà đã vươn ra vùng Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng Phương Tây.\”

Nhưng hiện nay Trung Quốc tạm thời thất bại tại New Caledonia.

Ngay từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2018, Paris đã nhận ra Bắc Kinh đã nhúng bàn tay thao túng vào chính trị New Caledonia.

Trong tuần qua, báo Pháp đăng nhiều tin về cuộc trưng cầu dân ý và ảnh hưởng của Trung Quốc tại lãnh thổ hải ngoại.

Bằng cách lập những tài khoản giả trên mạng xã hội như Facebook, một làn sóng vận động cho \’New Caledonia độc lập\’ bỗng bùng nổ.

Xu hướng độc lập cũng được doanh nhân gốc Việt tên là André Dang, biệt danh \’Ngài Nickel\’, ủng hộ.

Nhân vật giàu có, nhiều ảnh hưởng là giám đốc SMSP-Công ty hầm mỏ Nam Thái Bình Dương một trong ba công ty khai khoáng lớn nhất quần đảo. Từ giữa những năm 2000, André Dang thường xuyên đi lại Trung Quốc để làm ăn…

Nhắc lại rằng, xuất khẩu nickel của New Caledonia lên đến con số 900 triệu đô la năm 2018, nên việc lôi kéo được New Caledonia vào quỹ đạo của mình sẽ giúp Bắc Kinh kiểm soát 25% nguồn dự trữ nickel của thế giới. Hiện tại 73% xuất khẩu nickel của New Caledonia là để phục vụ cho thị trường Trung Quốc.

\"Kanak
Chụp lại hình ảnh,Những người ủng hộ độc lập Kanak vẫy cờ sau cuộc trưng cầu dân ý về độc lập ở Nouméa

Tháng 10/2017, Bắc Kinh gửi một phái đoàn Trung Quốc hùng hậu đứng đầu là đại sứ Trung Quốc tại Paris Zhai Jun (Địch Tuấn), một quan chức cao cấp trong Đảng Cộng sản, từng giữ chức thứ trưởng ngoại giao bay đến đến quần đảo xa xôi giữa Thái Bình Dương. Ông ta có nhiệm vụ \”phải thay đổi tận gốc rễ nhận thức của toàn bộ các viên chức có quyền lực ở đảo, bất kể họ tập quán hay thuộc xu hướng nào, đòi độc lập hay không. Dưới bóng của viên chức ngoại giao sừng sỏ này là hàng chục các cố vấn sẵn sàng giải thích cặn kẽ việc hợp tác với Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích gì cho Nouvelle Calédonie\’\’. Dân biểu địa phương Philippe Gomès trả lời tuần báo chính trị l\’OBS số 2-8/12/2021 như vậy.

Đại sứ Trung Hoa mở ra viễn ảnh tươi sáng giúp đỡ vô tư New Caledonia về mọi mặt, ngư nghiệp, cơ sở hạ tầng, đưa khách từ Đại lục đến du lịch.

Philippe Gomès cũng được phái đoàn thăm viếng vì mười năm trước, vốn là nghị sĩ đảng \’Parti loyaliste Calédonie \’ ủng hộ sự trung thành với Pháp, nhưng ông là người đề xuất mở lãnh sự Trung Quốc tại New Caledonia để thuận tiện cho việc phát triển du lịch. Nay trước viễn cảnh New Caledonia có thể trở nên độc lập, quan chức TQ không còn cần ông nữa và quay ngoắt 180 độ. Cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai chỉ cách biệt vỏn vẹn 9000 phiếu, rất dễ đảo lộn kết quả.

Theo ông Gomes, đại sứ Địch Tuấn nhắc đi nhắc lại: \”chúng tôi chỉ muốn giúp đỡ, giúp đỡ và chỉ giúp đỡ các bạn. Chúng tôi giúp về ngư nghiệp, chúng tôi giúp hoàn thiện đường xá, cầu cống, chúng tôi giúp xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp đánh bắt hải sản, chúng tôi giúp phát triển du lịch bằng cách gửi các chuyến bay charters chở khách Trung Quốc đến đây.\’\’

Trong đại dịch Covid, đã có các cuộc biểu tình chống biện pháp tiêm ngừa Covid-19 ở New Caledonia khiến cơ quan an ninh Pháp đặt dấu hỏi, tình trạng bất ổn này có lợi cho ai?

Hôm 11/12/2021, trang FranceTVInfo đặt câu hỏi cuộc trưng cầu dân ý lần ba này có phải là \’Cú phục kích (embuscade) của Trung Quốc\’?

Sau khi Úc liên minh với Anh, Mỹ thành lập liên minh quân sự AUKUS khiến Bắc Kinh nổi giận thì vai trò của các đảo ở Thái Bình Dương gần Úc càng trở nên quan trọng.

Một New Caledonia độc lập, tách hẳn khỏi Pháp không chỉ cho Trung Quốc thêm được một lá phiếu ủng hộ ở Liên Hiệp Quốc và còn đẩy nơi đồn trú của quân đội Pháp khỏi khu vực và khiến chiến lược liên kết đồng minh Úc và Hoa Kỳ mất giá trị.

Một câu đáp trả dứt khoát và rõ ràng

Kết quả bỏ phiếu trưng cầu dân ý lần thứ ba, đồng thời được quy định là lần cuối cùng ngày 12/12/2021 của New Caledonia đã mang tới một câu trả lời minh bạch và không thể nghi ngờ.

Trong cuộc bỏ phiếu năm 2018, phe chống ly khai đã giành được 56,5% phiếu.

Lần bỏ phiếu năm 2020, cử tri tham gia đông đảo hơn, con số này là 53, 26%.

Năm nay, con số bác bỏ đề nghị chia tay với nước Pháp tăng lên mức kỷ lục, ở mức đầy thuyết phục là 96,5%.

Có thể nói việc xử lý đại dịch COVID 19, sự thiếu minh bạch trong việc hợp tác với các nước trong việc tìm hiểu virus và các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông đã \”gậy ông đập lưng ông\” với Bắc Kinh.

Phe đòi ly khai với nước Pháp \’Kanaky\’ không thuyết phục được người dân New Caledonia trước những rủi ro về nợ nần hoặc nguồn thủy sản bị Trung Quốc làm cho cạn kiệt, một khi hiểm họa một nước Kanaky độc lập sẽ sớm rơi vào tay Bắc Kinh.

Công luận toàn khu vực Thái Bình Dương hoàn toàn lo lắng với đầy đủ bằng chứng trước việc tàu đánh cá Trung Quốc làm cạn kiệt nguồn hải sản trong các ngư trường mà họ được phép đánh bắt, hoặc số lượng tăng vọt của các dự án cơ sở hạ tầng có tiềm ẩn tạo bẫy nợ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay sau kết quả kiểm phiếu đã xuất hiện trên truyền hình hoan nghênh kết quả của cuộc bỏ phiếu, trong đó hoàn toàn bác bỏ nền độc lập của New Caledonia. Ông nói :

\”Pháp đẹp hơn vì New Caledonia đã quyết định ở với chúng ta\”.

Bài phát biểu của ông nhấn mạnh : \”Đối mặt với cuộc khủng hoảng sức khỏe, tình đoàn kết dân tộc đã được chứng minh cụ thể hơn\”.

Tổng thống Macron nói: \”Ở New Caledonia, cũng như mọi nơi trên lãnh thổ quốc gia, hành động của Nhà nước chỉ có một ưu tiên: cứu sống, hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất. Vào ngày này, tôi muốn chia sẻ với tất cả những ai bị mất mát những người thân yêu.\”

Ông nhấn mạnh : \”Mối quan hệ gắn kết New Caledonia trong gia đình nước Pháp không chỉ là hợp pháp. Đó còn là mối ràng buộc thể xác, mối dây đoàn kết và tình nhân ái. \”

Bài phát biểu tuy ngắn ngủi nhưng hàm xúc của tổng thống Pháp nói lên những giá trị đạo lý, tinh thần của nền văn hóa và sức mạnh dân chủ đủ sức đối chọi với những ý đồ bành trướng mới của các thế lực quốc tế.

Bài thể hiện quan điểm riêng của nhà báo tự do Phạm Cao Phong từ Paris, Pháp.

Bài Liên Quan

Leave a Comment