Ngoại trưởng Đức : Nord Stream II sẽ ngừng hoạt động nếu căng thẳng Nga-Ukraina gia tăng
Đăng ngày: 13/12/2021
Thùy Dương
Viện dẫn thỏa thuận giữa Đức và Mỹ, tân ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tối Chủ Nhật 12/12/2021 tuyên bố, đường ống dẫn khí đốt Nord Stream II nối từ Nga sang Đức qua Biển Baltic sẽ không đi vào hoạt động nếu căng thẳng giữa Nga và Ukraina tiếp tục leo thang.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã đưa ra lời cảnh báo này trên kênh truyền hình ZDF, trong bối cảnh Tây phương lo ngại về khả năng quân đội Nga tấn công Ukraina. Ngoại trưởng Đức kêu gọi các bên tập trung vào các nỗ lực ngoại giao để làm giảm căng thẳng giữa Ukrain và Nga.
Thông điệp G7 gửi đến Putin
Leo thang căng thẳng quân sự giữa Nga-Ukraina là một trong những hồ sơ quan trọng được đề cập đến trong hội nghị các ngoại trưởng nhóm G7 diễn ra trong hai ngày 11 và 12/12/2021 tại Liverpool, Anh Quốc. Nhóm 7 nước có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới cảnh báo Nga sẽ phải gánh chịu hàng loạt hậu quả nặng nề, phải trả giá đắt nếu chính quyền Vladimir Putin tấn công quân sự nước láng giềng Ukraina. Hôm qua, tại hội nghị, các ngoại trưởng G7 đã bày tỏ tình đoàn kết để đối phó với Nga.
Trong thông cáo chung, ngoại trưởng Canada, Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Nhật và Ý cũng như lãnh đạo Ngoại Giao châu Âu đã gửi « một thông điệp rõ ràng đến Vladimir Putin », kêu gọi Nga « xuống thang » và « tìm kiếm các giải pháp ngoại giao », khẳng định « đoàn kết » trong việc tố cáo việc Nga tăng cường sự hiện diện quân sự ở biên giới với Ukraina và những phát biểu của Matxcơva nhắm vào Kiev. Các ngoại trưởng cũng tái khẳng định « hoàn toàn ủng hộ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina ».
Thái độ cứng rắn đối với Iran
Không chỉ nhắm vào Nga, hội nghị ngoại trưởng nhóm G7 còn có những lời lẽ cứng rắn với Iran. Ngoại trưởng Anh, Liz Truss, hôm qua 12/12 cảnh báo Iran sẽ chỉ còn « một cơ hội cuối cùng » để có thể thương lượng nghiêm túc nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Theo AFP, trong cuộc họp báo ở Liverpool, ngoại trưởng Anh kêu gọi phái đoàn Teheran đến đàm phán với « một đề xuất nghiêm túc » và đây là « điều quan trọng sống còn » bởi nhóm G7 « sẽ không để Iran trang bị vũ khí hạt nhân ».