Thế khó của Mỹ trong việc vận động ASEAN tham gia « mặt trận đoàn kết » khống chế Trung Quốc
Đăng ngày: 13/12/2021
Thu Hằng
Trong sáu tháng, bốn quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ đến Đông Nam Á và một cuộc họp thượng đỉnh được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa tổng thống Joe Biden và lãnh đạo các nước ASEAN. Chuyến công du bốn ngày từ 13 đến 16/12/2021 của ngoại trưởng Antony Blinken cho thấy Washington đề cao vai trò của khu vực Đông Nam Á trong kế hoạch khống chế và cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc.
Cân bằng vai trò các nước ASEAN trong chiến lược đối ngoại của Mỹ
Hoa Kỳ khéo léo tránh để các ASEAN có cảm giác bị hạ thấp vai trò. Sau khi bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin và phó tổng thống Kamala Harris lần lượt công du hai nước Singapore và Việt Nam trong tháng 7 và 8, việc ngoại trưởng Antony Blinken chọn Indonesia mở đầu chuyến công du ba nước ASEAN là « một cử chỉ ngoại giao tích cực », « nhấn mạnh đến tầm quan trọng » của Indonesia đối với chính quyền Biden sau khi ông Austin và bà Harris không đến Jakarta, theo nhận định của giáo sư quan hệ đối ngoại Muhamad Arif, đại học Indonesia, được báo mạng South China Morning Post trích ngày 13/12.
Tương tự, ông Blinken sẽ tới Malaysia và Thái Lan, một trong những đồng minh lâu năm của Mỹ trong khu vực. Riêng Cam Bốt, hiện có mối quan hệ căng thẳng với Washington sau khi chính quyền tổng thống Biden quyết định cấm vận vũ khí, cố vấn bộ Ngoại Giao Derek Chollet vừa kết thúc chuyến công du để bàn về tình hình Miến Điện, trong bối cảnh Cam Bốt giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2022.
Tìm kiếm đối tác kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc
Chuyến công du của ngoại trưởng Blinken có ý nghĩa quan trọng để tăng cường hợp tác giữa Hoa Kỳ và ASEAN, đặc biệt là lĩnh vực quốc phòng, trong bối cảnh Trung Quốc và Nga bị các nước G7 ngầm coi là « những kẻ xâm lược thế giới » tại hội nghị ngoại trưởng ở Liverpool. Giáo sư danh dự Carl Thayer, đại học New South Wales, không tỏ ra lạc quan khi cho rằng « mục tiêu của Mỹ thành lập mạng lưới đồng minh và đối tác sẵn sàng chống Trung Quốc ít khó có khả năng thành hiện thực ».
Washington muốn hoàn thiện bức tường phòng thủ vây sườn đông Trung Quốc, từ Nhật Bản xuống Đông Nam Á. Nhà nghiên cứu Collin Koh, trường Chính Sách Công Lý Quang Diệu ở Singapore, nhắc lại các nước Đông Nam Á sẽ không chọn bên. Có lẽ Washinton sẽ tiếp tục dùng « mối đe dọa ngày càng gia tăng của Trung Quốc làm công cụ để giải thích và thúc đẩy các kiểu hợp tác » quân sự.
Trên thực tế, Mỹ và nhiều nước Đông Nam Á vẫn duy trì hoạt động nâng cao năng lực quốc phòng, như với Singapore, Thái Lan, Philippines dù không nhằm trực diện Trung Quốc. Tương tự, với Indonesia, « Hoa Kỳ tự hào là đối tác quốc phòng lớn nhất về số các cuộc tập trận và sự kiện được tổ chức hàng năm ». Ông Collin Koh cho rằng Mỹ cần tập trung cải thiện quan hệ với Cam Bốt và Lào và xa hơn là kéo hai nước phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc này vào các cuộc tập trận đang được duy trì với các nước trong vùng. Nói một cách khác, mọi cam kết về an ninh của Washington ở Đông Nam Á không nên được đề cập dưới « khía cạnh Trung Quốc » dù « Trung Quốc là nhân tố chiếm vị trí chủ đạo ».
Hợp tác an ninh mạng
Một lợi thế có thể giúp Mỹ thúc đẩy hợp tác với ASEAN, đó là lĩnh vực an ninh mạng, để chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc. Theo báo cáo đầu tháng 12 của công ty an ninh mạng Insikt, cả 10 nước ASEAN đều bị tin tặc Trung Quốc, được Nhà nước hậu thuẫn, tấn công trong 9 tháng đầu năm, theo cấp độ khác nhau, trong đó Việt Nam, Malaysia và Philippines bị nặng nhất do có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, vẫn theo nhà nghiên cứu Collin Koh, an ninh mạng là « lĩnh vực mới nổi nhưng lại nhạy cảm » và hiện chỉ thu hút được các nước có quan hệ quốc phòng với Mỹ, như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore.
Một trở ngại khác là chính quyền Biden vẫn thiếu một cấu trúc kinh tế chính thức với ASEAN sau khi tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP. Ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương cho biết Hoa Kỳ sẽ tập trung vào việc tạo điều kiện cho trao đổi kinh tế kỹ thuật số, phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu hướng sang Đông Nam Á để tránh phụ thuộc vào công xưởng Trung Quốc, đầu tư vào năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng với dự án 3BW (Buil Back Better World) cạnh tranh với Con đường tơ lụa mới của Bắc Kinh. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, những dự án này vẫn chưa có chi tiết cụ thể.