Một đời thanh liêm, gương mẫu cống hiến hết lòng cho quốc gia, Lê Tần còn để lại cho đời một người con mà sau này tuy mất sớm nhưng cũng gan dạ hiển danh sử sách không kém gì ông. (Tranh vẽ của ML)
Lê Tần: Vị dũng tướng Việt Nam đầu tiên đại chiến với quân Mông Cổ
Đội tượng binh to lớn của quân Trần dàn hàng chữ nhất, đồng loạt xông lên che chắn cho lục quân phía sau tiến lên đánh quân Mông Cổ. Đoàn ngựa chiến Trung Á hoảng sợ trước những thớt voi đồ sộ, quay đầu bỏ chạy. Tiền quân kỵ binh Mông Cổ rối loạn. Quân Trần thừa thắng hăm hở reo hò, ồ ạt tràn lên.
Lê Tần bảo vệ vua Trần Thái Tông trong đại chiến Bình Lệ Nguyên. (Ảnh ML)
Hẳn ai cũng biết sự tích anh hùng Triệu Tử Long ở trận Đương Dương – Trường Bản trong “Tam Quốc diễn nghĩa”. Tử Long một mình một ngựa xông pha giữa vạn quân huyết chiến. Nhưng dù sao Tử Long cũng chỉ là một danh tướng trong nội chiến Trung Hoa khi quân Tào nhận lệnh không được bắn tên nên mới thành nổi danh lịch sử. Giả sử Tử Long tả xung hữu đột như vậy trong trận chiến với quân Mông Cổ, thì kết cục có lẽ ai cũng biết…
Ở Việt Nam vào thế kỷ 13, trong trận chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất (năm 1258) có một danh tướng mà sự vũ dũng và mưu trí tuyệt luân đã đi vào sử sách, không hề thua kém mà lại có phần vượt trội hơn Triệu Tử Long. Đó là Lê Phụ Trần, tức Lê Tần, người Ái Châu, là danh tướng phục vụ trải ba đời vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông.
Sử sách không ghi chép gì về ngày tháng năm sinh cũng như mất của ông. Trong “Đại Việt sử ký toàn thư”, những ghi chép đầu tiên về Lê Tần bắt đầu từ năm 1250 và kết thúc vào năm 1278, khi vợ ông là Chiêu Thánh công chúa qua đời.
Trần Bá Chí căn cứ vào “Cổ Mai bi ký” và “Lê triều miêu duệ” cho rằng Lê Tần là con của Lê Khâm, dòng dõi hoàng đế Lê Đại Hành. Lê Khâm là một công thần đầu thời Trần, có công giúp Trần Thái Tổ và Thái sư Trần Thủ Độ đánh sứ quân Nguyễn Nộn, được phong chức Thượng vị hầu.
Hoàng đế Lê Đại Hành (Lê Hoàn) là một trong những vị vua nổi tiếng vũ dũng, bách chiến bách thắng của Việt Nam với các chiến công bình Tống phá Chiêm, bất bại trên đời từ lúc xuất đạo cho đến lúc quy tiên. Đến thời Trần, dòng họ Lê vẫn còn mang trong mình dòng máu tướng quân can trường. Có lẽ nhờ vào nền móng thâm hậu của gia tộc mà Lê Tần tôi luyện được bản lĩnh văn võ toàn tài, giúp vua trị quốc như thế, bình thiên hạ như thế.
Đại chiến Bình Lệ Nguyên, dũng khí đứng đầu ba quân
Nhà Trần kế thừa truyền thống nhà Lý, tiếp tục xây dựng một đội quân tinh nhuệ, đánh đâu thắng đó. Quân đội Đại Việt thời Lý Trần có thể xem là đạo quân hùng mạnh nhất của Đông Nam Á, ngay cả nhà Tống cũng phải đại bại trước đội quân này. Về trình độ quân sĩ cũng như khả năng tác chiến thì quân đội Lý Trần đã vượt rất xa quân nhà Tống thời điểm đó.
Quân đội Đại Việt thời Lý Trần có thể xem là đạo quân hùng mạnh nhất của Đông Nam Á (Ảnh Võ Minh Công)
Ví dụ cụ thể chính là cuộc nổi loạn của Nùng Trí Cao thời Lý. Người tù trưởng này dẫn quân tung hoành ở Khâm Châu (Quảng Tây) đánh cho quân Tống tan tác nhiều trận, giết người đốt thành, chiếm đất xưng đế. Cả nước Tống không thể làm gì, mãi cho đến khi Địch Thanh lãnh quân chinh chiến mới bình định được. Trong khi đó, Nùng Trí Cao ở Việt Nam hễ đụng độ quân nhà Lý là thua liểng xiểng, có thể nói là không làm nên trò trống gì. Trí Cao liên tục bị bắt sống và được các vua nhà Lý phủ dụ, cho hàng. Điều đó nói lên rằng quân đội Lý Trần rất ưu việt so với quân Tống và các nước trong khu vực.
Giữa thế kỷ 13, đội quân kiêu dũng này cuối cùng cũng phải đối đầu với đối thủ sừng sỏ nhất trong lịch sử – quân Mông Cổ dưới sự lãnh đạo của Ngột Lương Hợp Thai. Năm 1258, sau khi thôn tính được lãnh thổ Trung Quốc thì Mông Kha, vua Mông Cổ đã sai tướng Ngột Lương Hợp Thai – lúc này vừa đánh bại vương quốc Đại Lý năm 1254 (vùng Vân Nam Trung Quốc) đem quân đánh thốc xuống nước ta.
Ngột Lương Hợp Thai (1200-1271) là tướng chỉ huy quân sự kiệt xuất của quân đội Nguyên Mông, sinh ra trong một gia đình danh tướng bậc nhất đế quốc Mông Cổ. Cha của Ngột Lương Hợp Thai là Tốc Bất Đài, chiến tướng số một của Thành Cát Tư Hãn, người san bằng châu Âu, Nga và chiếm Tây Hạ.
Trước khi tiến vào, Ngột Lương Hợp Thai đã nhiều lần cho sứ sang dụ vua Trần hàng phục. Nhưng Trần Thái Tông (1218-1277) đã cương quyết từ chối. Ông cho bắt giam tất cả sứ giả của nhà Nguyên đồng thời xúc tiến công cuộc chuẩn bị kháng chiến, xuống chiếu cử Trần Quốc Tuấn chỉ huy các tướng phòng thủ vùng biên giới Lạng Sơn.
Thấy âm mưu dọa dẫm vua Trần thất bại, Ngột Lương Hợp Thai cho quân tiến vào xâm lược nước ta. Cánh quân đi đầu của Mông Cổ tiến dọc theo bờ sông Thao, lấn sâu vào đất Đại Việt. Còn một cánh do con trai của Ngột Lương Hợp Thai là A Truật đi sau một đoạn để yểm trợ. Hai cánh quân này vừa tiến vừa thăm dò tình hình quân Trần để cấp báo cho đại quân phía sau.
Sau khi nhận được tin, vua Trần Thái Tông đã bàn bạc với các tướng sĩ và quyết định tổ chức một trận đánh chính diện lớn có tính chất quyết chiến ở Bình Lệ Nguyên. Đây là cánh đồng cao bên cạnh khúc sông Cà Lồ, có nhiều chỗ uốn lượn, tạo ra một bãi chiến trường tương đối bằng phẳng nhưng khá phức tạp và bị sông chia cắt.
Chọn chiến trường ở đây, với sông Cà Lồ làm chiến hào thiên nhiên chặn quân Mông Cổ, trong điều kiện khả năng đánh bộ của ta và Mông Cổ tương đương, vậy trên lý thuyết thì thế địa lợi đã thuộc về Đại Việt. Nhưng điểm sai lầm là quân nhà Trần không lường trước được sự dũng mãnh cơ động của kỵ binh Nguyên Mông do chưa từng chạm trán. Bình Lệ Nguyên xác thực mới chính là nơi dành cho kỵ binh tung hoành. Con sông Cà Lồ cũng không thể ngăn được bước tiến của người ngựa quân Nguyên.
Thuyền binh của Đại Việt chở quân lính, voi, ngựa chiến đến Bình Lệ Nguyên. Quân lính, voi và ngựa đổ bộ lên cánh đồng, dàn trận san sát. Vua Trần thân chinh chỉ huy sáu quân đoàn đi chống giặc (sáu quân là các quân Thiên Thuộc, Thiên Chương, Thánh Dực, Chương Thánh, Thần Sách, Củng Thần). Đó cũng là toàn bộ quân chủ lực của nhà Trần lúc đó. Thuyền được đưa xuống bến Lãnh Mỹ ở khúc sông phía dưới (nay là xóm Bến, làng Thịnh Kỷ, Mê Linh, Vĩnh Phúc), có nhiệm vụ đón bộ binh nếu thế trận trên bờ bất lợi.
A Truật cho quân đi do thám, biết được tình hình chuẩn bị ứng chiến của quân đội nhà Trần liền thông báo cho cha. Được tin báo, ngày 12 tháng Chạp âm lịch (17/1/1258), Ngột Lương Hợp Thai tiến vào và hồi quân cùng hai cánh đi trước ở Việt Trì ngày nay. Hợp quân xong, đại quân Mông Cổ tiến đến nơi quân Trần chốt giữ và dàn trận bên kia bờ để chuẩn bị tấn công.
Ngột Lương Hợp Thai tưởng dễ thắng nên ra lệnh cho viên tướng tiên phong của y là Triệt Triệt Đô rằng: “Quân ngươi khi đã qua sông, đừng đánh vội, chúng tất đến chống ta. Một cánh quân ta cắt hậu quân của chúng, người rình cướp lấy thuyền. Quân “man” sẽ tan vỡ chạy, song không có thuyền tất bị ta bắt”.
Kế hoạch tác chiến lợi hại của Ngột Lương Hợp Thai đã bị phá sản do nhiệt huyết chiến đấu của vị tướng tiên phong. Triệt Triệt Đô vừa sang được sông, leo lên bờ, gặp quân Trần là đánh ngay, quên mất nhiệm vụ cướp thuyền, thành ra chỉ một đạo tiên phong Mông Cổ đã lọt vào trận địa trùng điệp của nhà Trần. Lúng túng trước tình thế ấy, Ngột Lương Hợp Thai vội vã xua đại quân vượt sông tiếp ứng. Ngay cả cánh quân có nhiệm vụ cắt đường tiếp viện của ta cũng xông vào trận địa quân Trần xuất mà đánh.
Đội tượng binh to lớn của quân Trần dàn hàng chữ nhất, đồng loạt xông lên che chắn cho lục quân phía sau tiến lên đánh quân Mông Cổ. Đoàn ngựa chiến Trung Á hoảng sợ trước những thớt voi đồ sộ, quay đầu bỏ chạy. Tiền quân kỵ binh Mông Cổ rối loạn. Quân Trần thừa thắng hăm hở reo hò, ồ ạt tràn lên.
Nhưng đại quân Mông Cổ lại gồm những chiến binh thiện xạ bách phát bách trúng và giàu kinh nghiệm trận mạc. A Truật phất hiệu lệnh, đội kỵ binh chia làm tả hữu dạt sang hai cánh, những tay cung thiện xạ Mông Cổ giương cung tên bắn vào đội tượng binh Trần. Những yếu điểm của voi là mắt, vòi, tai bị ghim đầy tên, những con voi này hoảng sợ, lồng lên tháo chạy. Đến lượt quân Trần bị hỗn loạn, bầy voi lung chạy càn, giẫm đạp, xé nát các cánh quân, quản tượng hết phương điều khiển.
Thế trận nhà Trần bất lợi dần. Trần Thái Tông nghiến răng tuốt kiếm cùng chiến đấu với quân lính. Tinh thần quân Trần phấn khởi trở lại. Nhưng chẳng được lâu, hàng hàng lớp lớp kỵ binh tinh nhuệ Mông Cổ nhắm thẳng vào hướng vua Trần Thái Tông xông tới, quyết giết bằng được quân chủ của Đại Việt. Hỗn chiến dữ dội ngay chỗ của vua Trần, binh sĩ hộ vệ vua ai ai cũng bận tay chống cự giặc.
Nhà vua chiến đấu một hồi, nhìn quanh tả hữu không còn ai, chỉ còn thấy mỗi một vị tướng sắc mặt không động, một người một ngựa tung hoành trong muôn trùng vây quân địch, dũng mãnh che chắn cho vua nhiều đòn tấn công. Vị tướng đó chính là Ngự sử trung tán Lê Tần. Nhờ sự dũng mãnh của Lê Tần, các quan quân hộ vệ mới có thời cơ xốc lại đội ngũ, bảo vệ cho vua. Tuy vậy trận thế của Đại Việt cứ bất lợi dần, quân lính chết càng nhiều do sức mạnh vượt trội của kỵ binh Mông Cổ…
Lúc ấy, có người khuyên đức hoàng đế dừng lại để chỉ huy chiến đấu. Lê Tần cố sức can: “Như thế thì bệ hạ chỉ đánh một ván dốc túi thôi! Hãy nên tạm lánh chúng, sao lại có thể dễ dàng tin lời người ta thế!“ – (Đại Việt sử ký toàn thư).
Bấy giờ, Thái Tông mới lui quân đóng ở sông Lô, Lê Tần giữ phía sau. Kỵ binh Mông Cổ truy kích, bám theo thuyền của quân Trần đang xuôi dòng. Vừa phóng ngựa dọc bờ, vừa ra sức bắn tên như mưa hòng giết vua Trần. Lê Tần nhanh trí vớ tấm ván thuyền che cho vua. Đến khi chiến thuyền vượt khỏi tầm bắn, tấm ván chi chít tên cắm như lông nhím. Đoàn thuyền xuôi dòng về Phù Lỗ.
Quyết chiến Đông Bộ Đầu, thủy quân Việt đập nát kỵ binh Mông Cổ
Sau cuộc chiến Bình Lệ Nguyên, Lê Tần đã trở thành cánh tay phải tâm phúc của Trần Thái Tông. Lúc đó thế giặc rất mạnh, Thái Tông lại phải lui giữ sông Thiên Mạc. Lê Tần theo vua bàn những việc cơ mật, rất ít người biết được điều đó. Ông cũng chính là một trong những thành viên chủ chốt đưa ra kế sách và thực thi chiến dịch phản công Đông Bộ Đầu quét sạch quân Mông Cổ ra khỏi Thăng Long.
Sau cuộc chiến Bình Lệ Nguyên, Lê Tần đã trở thành cánh tay phải tâm phúc của Trần Thái Tông. Ông cũng chính là một trong những thành viên chủ chốt đưa ra kế sách và thực thi chiến dịch phản công Đông Bộ Đầu quét sạch quân Mông Cổ ra khỏi Thăng Long (Ảnh Võ Minh Công).
Quân Mông Cổ ở Thăng Long chỉ hơn một tuần thì nhuệ khí và sức chiến đấu suy giảm mạnh so với thời điểm ban đầu mới tiến sang. Một mặt quân Mông lâm vào cảnh thiếu thốn lương thực, mặt khác chúng bị các làng xóm xung quanh Thăng Long kiên quyết chống cự. Quân Mông Cổ đã mất dấu triều đình Đại Việt nên có muốn tiếp tục cuộc rượt đuổi giữa kỵ binh và thuyền chiến cũng không được.
Tình hình đã dần nằm ngoài sự suy tính của Ngột Lương Hợp Thai. Viên tướng được mệnh danh bách chiến bách thắng trong quân đội Mông Cổ lần này phải đối mặt với một thế trận không giống bất cứ nơi đâu mà y từng chinh chiến. Các dân tộc đã bị quân Mông tiêu diệt thì khi mất kinh đô sẽ rối loạn mà đầu hàng. Nhưng người Việt lại coi kinh đô như một cái áo rách, nói bỏ là bỏ chẳng hề bận tâm. Rõ ràng là thắng to trận đầu nhưng lại chẳng làm tổn thương một thủ lĩnh Đại Việt nào. Dân chúng cũng chẳng sợ sệt binh uy của “Thiên triều”, quan quân ra ngoài kiếm chác còn bị phục kích đánh cho tan tác. Đại Việt quả là một xứ sở kỳ quái, không thể lường trước được điều gì.
Thời điểm đó tại Thiên Mạc, quân Đại Việt hừng hực khí thế phản công. Kể từ sau trận Bình Lệ Nguyên, vua Trần Thái Tông đặc biệt tin cậy Ngự sử trung tán Lê Tần. Hằng ngày Lê Tần đều cùng vua và Thái sư Trần Thủ Độ bàn việc cơ mật, lên kế hoạch chiếm lại kinh thành. Trong lúc đại quân còn đang chuẩn bị ở Thiên Mạc, thì Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư đã tự thống lĩnh đội gia binh của mình liên tiếp cơ động ở gần đại doanh của Mông Cổ, tổ chức nhiều trận mai phục nhỏ tiêu diệt những toán quân đi lẻ tẻ cướp bóc.
Vị tướng trẻ Trần Khánh Dư bấy giờ đương tuổi thiếu niên, với cách đánh xuất quỷ nhập thần cùng đội quân của mình đã làm cho quân địch thêm phần hoang mang, càng cổ vũ nhuệ khí quân ta dâng cao. Mọi việc bàn định và chuẩn bị xong, cuối tháng 1/1258 binh thuyền Đại Việt nối tiếp nhau xuôi dòng sông Hồng tiến thẳng về thành Thăng Long, quyết chí thu phục lại kinh đô, đuổi giặc khỏi bờ cõi.
Chiến thuyền Đại Việt thời này vừa đông đảo lại vừa đa dạng về chủng loại, với nhiều chức năng chiến đấu khác nhau. Chiếm số lượng nhiều nhất trong hạm đội là những chiến thuyền loại Mông Đồng. Loại thuyền này mạn thấp, mũi thuyền vút cao, có mái che tên, mỗi chiếc chở được khoảng 60 người. Trong đó có khoảng 30 tay chèo, 30 thủy binh. Khi lâm trận, tùy tình huống mà người chèo thuyền cũng có thể cầm vũ khí tham gia chiến đấu như binh lính.
Hoàng thái tử Trần Hoảng (sau là vua Trần Thánh Tông) bấy giờ mới 18 tuổi, được vua Trần Thái Tông giao quyền đồng chỉ huy, trực tiếp thống lĩnh đội lâu thuyền (thuyền chiến có nhiều tầng lầu) đi tiên phong. Vua Trần Thái Tông đích thân ngự lâu thuyền dẫn toàn quân còn lại theo sau tiếp ứng.
Nửa đêm ngày 28, rạng sáng ngày 29/1/1258 (ngày 24 tháng Chạp năm Đinh Tỵ 1257), quân Đại Việt tắt hết đèn đuốc, âm thầm chèo thuyền đến gần bến Đông Bộ Đầu, nơi quân Mông Cổ đóng đại doanh. Ngay sau khi tiếp cận thành công, thình lình trống trận quân Đại Việt nổi lên, đèn đuốc thắp sáng rực một khúc sông. Những làn mưa tên từ đoàn chiến thuyền Đại Việt bắn tới tấp vào các chốt lính canh.
Kế đến, hàng lớp chiến thuyền lớn nhỏ nhanh chóng đưa quân đổ bộ lên bờ, đánh sâu vào doanh trại địch. Lợi thế lớn ở chiến thuyền giúp cho quân Đại Việt có thể đổ bộ một cách dễ dàng. Quân Mông Cổ bị tấn công vào nửa đêm, sau những tổn thất ở vòng ngoài và hoảng loạn ban đầu thì mới gấp gáp định thần, mặc giáp cầm gươm ra chống đỡ.
Ngột Lương Hợp Thai ra sức hô hào chỉnh đốn hàng ngũ. Từ các lều trại, quân Mông vội lên ngựa ùa ra kịch chiến với quân Đại Việt. Lúc này Đại Việt đã tấn công sâu lên bờ với lợi thế áp đảo về quân số, sĩ khí, lại là quân no đánh quân đói nên trận tuyến Đại Việt hoàn toàn áp đảo quân địch. Thái tử Trần Hoảng cùng vua Trần Thái Tông ngự trên lâu thuyền chỉ huy toàn trận đánh.
Những chiến tướng Đại Việt như Trần Quốc Tuấn, Trần Khánh Dư, Lê Tần… chia quân làm nhiều mũi công kích giặc trên các hướng. Quân Mông Cổ dồn quân chỗ cự mặt này thì lại hở mặt kia do thiếu quân và bất lợi ở trời tối. Trần Khánh Dư quan sát được sơ hở của địch, thúc quân đánh thọc sâu vào trận địa làm hàng ngũ Mông Cổ càng thêm rối loạn và tổn thất nặng nề.
Khí thế Đại Việt ngút trời, dần hình thành thế bao vây quân địch. Là một tướng lão luyện, Ngột Lương Hợp Thai nhanh chóng nhận ra thế trận đã được định đoạt. Y lập tức hạ lệnh rút lui gấp về hướng bắc để bảo toàn lực lượng. Tính tổng cộng quân Mông Cổ chỉ ở Thăng Long được 9 ngày. Quân Mông Cổ rút theo đường cũ, men theo sông Nhị, sông Thao mà chạy một mạch về biên giới tây bắc Đại Việt.
Hơn 50.000 quân hùng hổ kéo sang chưa đến 1 tháng đã cụp đuôi chạy trốn còn có hơn 5.000 người khi hội quân với Hốt Tất Liệt, Ngột Lương Hợp Thai sau đó bị tịch thu binh quyền. Ngột Lương Hợp Thai đã bất hạnh gặp phải kẻ địch lớn nhất đời y, không chỉ một người mà là cả một vương triều.
Ngoài võ trong văn, thầy dạy cho Thái tử
Tháng Giêng năm 1258, Trần Thái Tông định công phong tước, phong Lê Tần làm Ngự sử đại phu, lại đem Chiêu Thánh công chúa gả cho. Thái Tông nói: “Trẫm không có khanh thì đâu có ngày nay. Khanh hãy cố gắng để cùng được trọn vẹn về sau” – (Đại Việt sử ký toàn thư).
Vừa tạm nghỉ việc chinh chiến, Lê Tần cùng Chu Bác Lãm được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc, thực hiện chủ trương hòa hiếu với Mông Cổ, gìn giữ hòa bình cho đất nước. Lúc này, sứ Nguyên sang đòi lễ vật hằng năm, đòi tăng thêm tiến cống, thái độ rất không hữu hảo. Với tài ngoại giao của mình, Lê Tần đã khiến triều đình Mông Cổ thôi đòi lễ vật tiến cống hằng năm mà quy định cứ 3 năm mới phải triều cống một lần.
Ngày 24 tháng 2 âm lịch năm 1258, Trần Thái Tông nhường ngôi cho con là Trần Hoảng để làm Thái Thượng hoàng. Trần Hoảng lên ngôi, tức vua Trần Thánh Tông. Tháng 6/1259, Thánh Tông giao cho Lê Tần làm Thủy quân đại tướng quân.
Đến tháng 12/1274, Thánh Tông phong ông làm Thiếu sư, kiêm Trừ cung giáo thụ, tức là thầy học của Thái tử Trần Khâm. 5 năm sau đó, Thái tử lên ngôi vua. Đó là Trần Nhân Tông (1258-1308), vị vua văn võ toàn tài đã lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông Cổ thắng lợi sau này. Đức độ và tài năng của Trần Nhân Tông có được là nhờ công dạy dỗ của người thầy Lê Tần.
Sau khi đánh bại nhà Tống và thôn tính toàn bộ Trung Quốc, năm 1285, giặc Mông Nguyên lại đem 50 vạn quân ồ ạt tiến sang nước ta lần thứ hai. Lần này, lão tướng quân Lê Tần cùng Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản đem 3 vạn quân vào giữ đất Nghệ An, kìm bước tiến quân của giặc đánh từ trong ra. Ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và góp phần đáng kể vào chiến thắng quân Mông Nguyên lần thứ hai của nhà Trần.
Sử gia Ngô Sĩ Liên đã nhận định: “Lê Phụ Trần… dũng lược đứng đầu ba quân, một mình một ngựa xông pha trong lúc gian nguy, mà tài văn học của ông đủ để dạy bảo Thái tử”.
Khí tiết thanh cao, xứng bậc Nho tướng hiền thần
Do Lê Tần có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất (năm 1258), vua Trần Thái Tông đem công chúa Chiêu Thánh (tức Lý Chiêu Hoàng) gả cho Lê Phụ Trần. Đây vừa là đặc ân đồng thời cũng là một việc làm gây nhiều tranh cãi của đời sau vì công chúa Chiêu Thánh chính là vợ cũ của Trần Thái Tông.
Có thể nói Trần Thái Tông một đời anh minh nhưng quyết định này lại có vẻ không mấy gì sáng suốt. Đối với những người khác việc này có lẽ chính là điều sỉ nhục lớn, gây nên nỗi oán hận không nhỏ và còn di họa đến về sau. Nhưng Lê Tần vẫn không oán không hối, một lòng một dạ chung sống với công chúa Chiêu Thánh.
Năm ấy, Chiêu Thánh đã ngoài 40 tuổi nhưng tương truyền nhan sắc vẫn còn rất mặn mà. Ông sinh sống hạnh phúc với công chúa, có được hai người con với bà. Sử sách đã bàn nhiều về mối nhân duyên hy hữu của một đại tướng quân và vị vua cuối cùng triều Lý này. Chấp nhận ân sủng đặc biệt và điều chỉnh một cách thuận hòa như vậy càng chứng tỏ Lê Phụ Trần là bậc chính nhân quân tử, rất biết giữ phép tắc, nghi lễ triều chính, đạo vua tôi, nề nếp gia phong.
Lê Phụ Trần là bậc chính nhân quân tử, rất biết giữ phép tắc, nghi lễ triều chính, đạo vua tôi, nề nếp gia phong (Ảnh Võ Minh Công).
Hậu duệ hào hùng, rạng danh tiên tổ
Một đời thanh liêm, gương mẫu cống hiến hết lòng cho quốc gia, Lê Tần còn để lại cho đời một người con mà sau này tuy mất sớm nhưng cũng gan dạ hiển danh sử sách không kém gì ông. Đó chính là Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng. Nhân thân của Trần Bình Trọng trong sử sách không ghi rõ cha mẹ, chỉ nói ông vốn họ Lê, dòng dõi vua Lê Đại Hành. Tuy nhiên, các nhà sử học cho rằng ông chính là con trai của tướng Lê Tần và Lý Chiêu Hoàng.
Lý Chiêu Hoàng bị truất ngôi hoàng hậu ở tuổi 19 sau 12 năm chung sống với Trần Thái Tông, trở lại với danh vị công chúa do không thể sinh con. Và hơn 20 năm sau, ở tuổi tứ tuần, bà bị chính chồng cũ đem ra làm phần thưởng cho công thần. Thái Tông gả bà cho Lê Tần, người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất được vua đổi tên là Lê Phụ Trần, rồi sau này ban cả quốc tính.
Cuộc hôn nhân gượng ép này, kỳ lạ thay, lại đem đến cho Lý Chiêu Hoàng niềm an ủi cuối đời, đó là hạnh phúc được làm mẹ. Dù lớn tuổi, bà vẫn sinh được hai người con, con gái sau được phong Ứng Thụy công chúa, con trai là Tông, cũng được phong hầu. Các nhà sử học cho rằng, rất có thể vị hầu tước tên Tông đó chính là Trần Bình Trọng.
Tại sao vậy? Vì nhân thân của Lê Tần cũng được chép là: Dòng dõi vua Lê Đại Hành, giống như Trần Bình Trọng. Mặt khác, Lê Tần cũng được vua Trần phong là hầu tước với danh hiệu là Bảo Văn hầu. Ở thời Trần, chữ đầu tiên trong tước hiệu có thể cho biết vị quý tộc đó xuất thân từ gia đình nào. Chẳng hạn, các vị vương gia con của vua Thái Tông đều có chữ đầu là “Chiêu” (Chiêu Minh vương, Chiêu Văn vương, Chiêu Quốc vương…), các vị vương gia con cháu của Trần Liễu đều có chữ “Hưng” (Hưng Đạo vương, Hưng Ninh vương, Hưng Vũ vương…). Trần Bình Trọng có tước hiệu là Bảo Nghĩa hầu, trong khi tước hiệu của Lê Tần là Bảo Văn hầu.
Mặt khác, Trần Bình Trọng vốn gốc họ Lê chứ không phải trong vương thất nhà Trần. Người ngoại tộc muốn được phong hầu phải có công lao cực lớn. Trần Bình Trọng mới ít tuổi, trước trận Thiên Mạc thì chưa thấy có công lao to lớn nào được chép lại mà đã là hầu tước, lại mang họ vua, chỉ có thể vì ông có người cha được phong hầu và ban quốc tính. Ở thế hệ cha của Trần Bình Trọng, làm gì có nhân vật họ Lê – dòng dõi Lê Đại Hành – nào khác được ban quốc tính và phong hầu, ngoài Lê Tần?
Mặt khác, Lý Chiêu Hoàng được gả cho Lê Tần vào năm 1258, trong khi Trần Bình Trọng sinh năm 1259, rất phù hợp. Trần Bình Trọng trong trận chiến bên bờ Thiên Mạc đã chiến đấu đến người cuối cùng cầm chân quân giặc để triều đình rút lui an toàn. Câu nói của ông lẫm liệt trước quân thù vẫn còn vọng lại đến ngàn năm: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc“. Quả thật là hổ phụ sinh hổ tử vậy.
Lời kết
Chiến thắng của nhà Trần trước quân Mông Cổ là chiến thắng của chính nghĩa, là tuân theo ý Trời mà bảo tồn các giá trị văn hóa Thần truyền. Nhà Trần là một trong những triều đại oai hùng nhất trong lịch sử Việt Nam với chiến thắng oanh liệt ba lần chống quân Nguyên Mông ngay tại thời toàn thịnh đỉnh cao của đế quốc này.
Đây là một triều đại rất đặc biệt khi suy tôn Phật giáo trở thành quốc giáo (từ vua đến dân đều đi tu), nhưng lại rất tôn trọng và dùng nguyên lý Nho gia để trị nước. Chính điểm đặc biệt này đã khiến cho nhà Trần trở thành nơi tỵ nạn của rất nhiều tướng lĩnh cũng như các nhân tài văn hóa khi nhà Tống sắp sụp đổ ở bên kia biên giới. Điều này vô hình trung đã biến nhà Trần thành cái nôi lưu giữ giá trị văn hóa cổ truyền phương Đông.
Thiên thượng muốn bảo toàn nước Việt để lưu lại cho nhân loại những giá trị văn hóa về sau nên đã khiến vô số anh hùng, thần tướng kỳ tài và quân chủ vĩ đại đầu thai vào quốc gia “nhỏ như nắm tay” này (trích lời vua Trần) để làm nên công trạng ngàn đời lưu danh. Một quốc gia từ vua đến dân đều chú trọng đạo đức, sống lương thiện thì sẽ giàu mạnh và được Trời che chở, cho dù phải đối mặt với quân địch mạnh nhất trần gian.
Bài viết này chỉ bàn về một vị tướng quân nhưng cũng phản ánh đặc điểm của thời đại với những con người đạo đức chính nghĩa chiến thắng oanh liệt kẻ bạo tàn. Một người sống đạo đức sẽ đem lại cho bản thân cuộc sống hạnh phúc, cả quốc gia sống đạo đức sẽ cùng nhau tạo nên Thần tích. Cả ba lần chiến thắng Nguyên Mông há chẳng phải Thần tích hay sao?
Minh Bảo