ASEAN và vấn đề khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân
Bài phân tích của Nguyễn Trường
2021.12.16
Hình minh họa: Ngoại trưởng các nước ASEAN bắt tay nhau tại một phiên họp của SEANWFZ nhân hội nghị các ngoại trưởng ASEAN tại Naypyitaw, Myanmar hôm 8/8/2014 Reuters
Bước vào nửa sau thập niên 1960, trong khi Mỹ đang sa lầy trong cuộc chiến tranh Việt Nam, các nước Đông Nam Á đã buộc phải tìm bước đi mới của mình để thích ứng với thời kỳ “sau Việt Nam”.
Bên cạnh đó, đối với Indonesia, thì nước này còn có tham vọng bá chủ trong khu vực trong khi Malaysia và Singapore thì lại muốn dùng ASEAN để kiềm chế Indonesia, đưa nước này vào một khuôn khổ mang tính hợp tác hơn.
Ba động lực tạo ra ASEAN là mục đích xây dựng đất nước và mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị và an ninh. Chính vì thế, vào ngày 8/8/1967: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập trên cơ sở Tuyên bố Bangkok với mục tiêu là tăng cường hợp tác kinh tế, văn hoá-xã hội giữa các nước thành viên, tạo điều kiện cho các nước hội nhập sâu hơn với khu vực và thế giới. ASEAN có mục đích bảo vệ và chấn hưng chủ nghĩa quốc gia.
10 năm sau khi thành lập (1967-1976), các thành viên ASEAN vẫn còn nhiều bất đồng nghiêm trọng về biên giới lãnh thổ, tôn giáo, sắc tộc… Điều này đã buộc ASEAN phải tìm hướng đi mới.
Trong hoàn cảnh cộng sản thắng lợi ở ba nước Đông Dương, “Đứng trước một Đông Nam Á yếu và chia rẽ trước một Đông Dương thống nhất và mạnh, điều đó đã buộc ASEAN chôn vùi những bất đồng của mình từ sau năm 1975”, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á ( TAC) và Tuyên bố về sự Hòa hợp ASEAN. Mong muốn thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực thông qua việc tôn trọng công lý và luật pháp và nâng cao khả năng tự cường khu vực của các nước ASEAN tiếp tục được thể hiện trong Hiệp ước về Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), được các Nhà lãnh đạo ký thông qua ngày 24/2/1976 tại Bali, Indonesia nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ nhất.
Một trong những thành tố cơ bản của Tuyên bố Kuala Lumpur năm 1971 là ý tưởng thiết lập khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, do những khó khăn nội bộ của các nước thành viên cũng như bối cảnh chính trị của khu vực, đề xuất chính thức của ý tưởng này chỉ được đưa ra vào giữa những năm 1980. Sau 10 năm đàm phán, Hiệp ước về Khu vực Đông Nam Á không có Vũ khí Hạt nhân được chính thức ký tại Bangkok ngày 15/12/1995, nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ năm. Theo đó, các bên tham gia Hiệp ước không được phát triển, sản xuất, tìm cách sở hữu, kiểm soát hoặc lắp đặt vũ khí hạt nhân; không cung cấp nguồn hoặc các vật liệu hoặc thiết bị hạt nhân cho các quốc gia không có vũ khí hạt nhân. Hiệp định được đi kèm một Nghị thư mở ngỏ cho sự tham gia của các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, bao gồm Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ. Hiện nay các nước ASEAN đang tiến hành tham vấn, thúc đẩy năm quốc gia này tham gia vào Nghị định thư.
26 năm sau, chiều ngày 2/8/2021, tiếp tục chương trình làm việc trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 và các Hội nghị liên quan, Hội nghị Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) đã họp trực tuyến. Tại Hội nghị, các nước ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của Hiệp ước SEANWFZ đối với an ninh khu vực, cam kết duy trì khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, đồng thời bảo đảm quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì các mục đích hòa bình của các nước.
Các nước cũng cam kết tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động tăng cường Hiệp ước SEANFWZ giai đoạn 2018-2022, nhất trí tiếp tục tham vấn, thúc đẩy các nước sở hữu vũ khí hạt nhân sớm ký kết Nghị định thư Hiệp ước SEANWFZ.
Hội nghị nhấn mạnh cần tiếp tục nâng cao vai trò và quảng bá giá trị của Hiệp ước, đặc biệt là tại Liên Hợp Quốc, qua đó đóng góp cho nỗ lực không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu.
Hội nghị ghi nhận các nỗ lực của các cơ quan chuyên ngành ASEAN trong thúc đẩy hợp tác kỹ thuật cũng như mở rộng quan hệ hợp tác với các nước đối tác và tổ chức quốc tế trong các lĩnh vực bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân, sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Trong đó, các nước hoan nghênh Mạng lưới các cơ quan pháp quy về năng lượng nguyên tử ASEAN (ASEANTOM) và Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và quản lý thảm họa (AHA) phối hợp xây dựng Quy tắc ASEAN về sẵn sàng ứng phó khẩn cấp với sự cố hạt nhân/phóng xạ.
Trong cuộc họp trực tuyến ngày 22/11/2021 với lãnh đạo các quốc gia ASEAN, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói nước này \”ủng hộ các nỗ lực xây dựng khu vực không vũ khí hạt nhân\” và sẵn sàng ký \”càng sớm càng tốt\” nghị định thư của Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).
Chưa có nước nào trong số năm cường quốc hạt nhân thế giới gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc ký tham gia SEANWFZ. Trung Quốc từng tuyên bố sẵn sàng ký vào hiệp ước trong vài năm tới.
Theo Dai Fan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Philippines tại Đại học Tế Nam ở Quảng Châu, mong muốn tham gia SEANWFZ được ông Tập đưa ra trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực leo thang liên quan đến tình hình Biển Đông và eo biển Đài Loan.
Hai cường quốc hạt nhân là Mỹ và Anh mới đây cũng ký thông qua hiệp ước AUKUS với Australia, trong đó có điều khoản hỗ trợ Canberra đóng 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi gặp người đồng cấp Malaysia và Brunei hồi tháng 9 nói rằng liên minh AUKUS và kế hoạch phát triển tàu ngầm hạt nhân của Australia \”có thể phá vỡ mục tiêu thiết lập khu vực phi hạt nhân ở Đông Nam Á\”.
Thật sự Trung Quốc muốn gì khi đề nghị gia nhập SEANWFZ?
Báo cáo mới công bố của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 3/11/2021 cảnh báo, Trung Quốc đã tăng tốc sản xuất vũ khí hạt nhân, mở rộng chương trình tên lửa và Washington lo ngại sẽ có một cuộc Chiến tranh Lạnh lần 2.
Chỉ một ngày sau khi báo cáo của Lầu Năm Góc được công bố, Bắc Kinh cáo buộc chính Washington đang đưa thế giới đến gần hơn với chiến tranh hạt nhân. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói: “Trung Quốc luôn tuân thủ chiến lược hạt nhân tự vệ của mình; tuân thủ chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân lần đầu vào bất kỳ lúc nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng thời cam kết dứt khoát không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia không sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các khu vực không có vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc chưa từng tham gia vào bất kỳ hình thức chạy đua vũ trang hạt nhân nào, cũng như chưa từng triển khai vũ khí hạt nhân ra nước ngoài”. Đồng thời, ông Uông Văn Bân lập luận rằng, điều tương tự có thể xảy ra với Mỹ và chỉ ra rằng kho vũ khí lớn hơn nhiều của Mỹ đang chứa khoảng 5.550 đầu đạn.
Hiện, ngân sách quân sự của Mỹ vẫn cao hơn Trung Quốc và Washington “đã chi hàng nghìn tỷ USD để nâng cấp kho vũ khí hạt nhân, hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân và mở rộng phạm vi các cuộc tấn công hạt nhân”.
Theo tin từ hãng CNN, hôm 3/11/2021, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố “Báo cáo thường niên về sự phát triển quân sự và an ninh của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, bao gồm một loạt đánh giá về Trung Quốc và Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc – lực lượng vũ trang được cho là lớn nhất thế giới. Trong số những phát hiện về khả năng hiện đại hóa và tiềm lực quân sự của Trung Quốc, đáng chú ý là Lầu Năm Góc nhận xét rằng Bắc Kinh đang “đẩy nhanh việc mở rộng quy mô lớn các lực lượng hạt nhân”, tìm cách “hiện đại hóa” và “đa dạng hóa”.
Báo cáo lưu ý rằng số lượng đầu đạn hiện tại của Trung Quốc được cho là “ở mức thấp hơn 200 đầu đạn” nhưng con số này dự kiến sẽ tăng lên. Báo cáo cũng đề cập đến các nền tảng quân sự chiến lược trên bộ, trên không và trên biển mà Trung Quốc đang phát triển. “Tốc độ mở rộng hạt nhân ngày càng nhanh của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có thể cho phép nước này có tới 700 đầu đạn hạt nhân vào năm 2027.
Trung Quốc có thể có ít nhất 1.000 đầu đạn vào năm 2030, vượt quá tốc độ và kích thước mà Bộ Quốc phòng dự kiến trong báo cáo năm 2020”, báo cáo có đoạn viết. Chưa hết, “số lượng đầu đạn trên các tên lửa đạn đạo trên đất liền của Trung Quốc cũng được đánh giá là sẽ tăng lên con số 200 trong vòng năm năm tới và có khả năng đe dọa an ninh Mỹ.
Trọng tâm của quá trình phát triển vũ khí hạt nhân là các khả năng siêu thanh thế hệ tiếp theo, bao gồm khả năng che chắn các phương tiện bay siêu thanh có thể né tránh tốt hơn các hệ thống phòng thủ hiện có. Cả Mỹ và Nga đều đã công khai bắt đầu thử nghiệm các nền tảng như vậy và các báo cáo gần đây trên Financial Times cho thấy Trung Quốc đã tiến hành ít nhất hai cuộc thử nghiệm trong năm nay. Và dù báo cáo của Lầu Năm Góc không mô tả vụ thử tên lửa siêu thanh gần đây của Trung Quốc hồi mùa hè nhưng giới chức quốc phòng Mỹ cũng nhiều lần nói đến vấn đề này. Chẳng hạn, tại Diễn đàn An ninh Aspen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mark Milley cho biết công nghệ siêu thanh chỉ là một lĩnh vực mà Trung Quốc đang đạt được những bước tiến đáng kể nhưng nó là một phần của bức tranh rộng lớn hơn liên quan đến khả năng quân sự đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, mà theo ông là “sự thay đổi cơ bản” trong chiến tranh vốn đang định hình lại các yếu tố của trật tự quốc tế.
Năm ngoái, Trung Quốc đã triển khai DF-17, một tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng phóng phương tiện lướt siêu thanh. Trong khi đó, Phó Chủ tịch sắp mãn nhiệm của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân John Hyten nói với các phóng viên tại một hội nghị bàn tròn rằng, “tốc độ di chuyển và quỹ đạo của Trung Quốc sẽ vượt qua Nga và Mỹ nếu chúng ta không làm điều gì đó để thay đổi”.
Zhao Tong, một thành viên cấp cao về chương trình chính sách hạt nhân tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, cho biết trọng tâm của Trung Quốc đã chuyển sang các mối quan hệ khu vực.
“Trung Quốc không có đề xuất thực chất nào về nghị định thư từ góc độ kỹ thuật. Nhưng các quốc gia sử dụng vũ khí hạt nhân khác, bao gồm cả Mỹ, vẫn có những quan ngại và lo lắng rằng giao thức này sẽ hạn chế việc triển khai các nền tảng vũ khí hạt nhân của họ”, ông nói. \”Thể hiện sự ủng hộ đối với nghị định thư cũng là một cách để xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với ASEAN\”.
Tóm lại, Trung Quốc luôn muốn đẩy các cường quốc bên ngoài, đặc biệt là Mỹ, ra khỏi khu vực Biển Đông, để Trung Quốc sẽ làm bá chủ khu vực này. Chính vì vậy, Bắc Kinh sẽ tận dụng SEANWFZ để chia rẽ mối quan hệ giữa các nước thành viên ASEAN và Mỹ – đối tác hàng đầu của AUKUS và là nước phản đối mạnh mẽ nhất hiệp ước của Đông Nam Á trong nhóm P-5.
Mặc khác, các tàu thuyền hoặc máy bay có vũ khí hạt nhân vẫn có thể đi qua khu vực này mà không có bất kỳ sự cản trở, miễn phù hợp với UNCLOS. Do đó, SEANWFZ sẽ không làm ảnh hưởng gì đến sức mạnh hạt nhân của của Trung Quốc trong khu vực.
Quan điểm của Việt Nam
Ngày 2/12/2021, Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc đã họp trực tuyến nghe báo cáo của ba cơ quan trực thuộc. Đại sứ Tunisia Tarek Ladeb, Chủ tịch Ủy ban 1373 về chống khủng bố; Đại sứ Na Uy Trine Skarboevik, Chủ tịch Ủy ban 1267/1989/2253 về ISIL/Da’esh và Đại sứ Juan Ramon de la Fuente, Ủy ban 1540 về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt báo cáo cuộc họp về công việc của các Ủy ban. Đại sứ de la Fuente báo cáo chung về hợp tác giữa các Ủy ban.
Ủy ban 1267/1989/2253 là ủy ban trừng phạt, có chức năng duy trì danh sách trừng phạt ISIL/Da’esh và các tổ chức, cá nhân liên quan; Ủy ban 1373 là phái bộ chính trị đặc biệt, có chức năng theo dõi tình hình thực hiện các Nghị quyết về phòng, chống khủng bố; Ủy ban 1540 có chức năng hỗ trợ, theo dõi thực hiện Nghị quyết 1540 thông qua đối thoại, hỗ trợ hợp tác giữa các nước, tổ chức trong lĩnh vực phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Từ năm 2017, trên cơ sở Nghị quyết 2325 của HĐBA, 3 cơ quan trực thuộc nêu trên có báo cáo chung lên HĐBA về tình hình hợp tác giữa các cơ quan.
Các báo cáo nhấn mạnh vai trò bổ trợ lẫn nhau của các Ủy ban, tập trung vào việc thu thập thông tin, tình hình, nguy cơ khủng bố, kể cả nguy cơ khủng bố tiếp cận, sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện các Nghị quyết liên quan của HĐBA.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, khẳng định chủ nghĩa khủng bố và vấn đề phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt tiếp tục là mối đe dọa nghiêm trọng hòa bình và an ninh quốc tế. Đại sứ Phạm Hải Anh đánh giá cao kết quả công việc của các Ủy ban, khắc phục thách thức do đại dịch COVID-19, duy trì trao đổi, tăng cường năng lực, chia sẻ thông tin cho các nước. Đại sứ đề nghị các Ủy ban tiếp tục hợp tác, điều phối hoạt động, hỗ trợ kỹ thuật cho các nước trong thực hiện các nghị quyết của HĐBA. Đại sứ tái khẳng định cam kết của Việt Nam thực hiện đầy đủ các Nghị quyết của HĐBA về chống khủng bố và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, phối hợp với các cơ quan Liên hợp quốc và tất cả các đối tác trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.