Hàng loạt quốc gia phương Tây lên tiếng phản đối Việt Nam bỏ tù các nhà bất đồng chính kiến

Hàng loạt quốc gia phương Tây lên tiếng phản đối Việt Nam bỏ tù các nhà bất đồng chính kiến

RFA
2021.12.17

\"Hàng 

AFP/ báo Bảo vệ pháp luật/ RFA edited

Hàng loạt các cơ quan ngoại giao của Mỹ, Canada, Liên Minh Châu Âu, Anh Quốc, và New Zealand… lên tiếng phản đối bản án mà chính quyền Việt Nam đưa ra đối với những nhà bất đồng chính kiến trong ba phiên tòa gần đây.

Úc thất vọng 

Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc hôm 17/12 đăng tải dòng trạng thái ngắn trên tài khoản Twitter của cơ quan này bày tỏ: \”Australia thất vọng vì bà Phạm Đoan Trang – nhà báo và tác giả được quốc tế công nhận đã bị kết án 9 năm tù. 

Với tư cách là bạn thân và Đối tác chiến lược, Australia sẽ tiếp tục khuyến khích Việt Nam duy trì các cam kết về nhân quyền.\”

Hôm 14/12, Tòa án Hà Nội tuyên một bản án 9 năm tù đối với nhà báo Phạm Đoan Trang trong phiên tòa mà các luật sư đã chỉ ra các sai sót về mặt tố tụng. 

Anh: Bà Trang nhận \”mức án 9 năm tù là vô cùng đáng lo ngại\”

Hôm 15/12/2021, Tòa đại sứ Vương Quốc Anh tại Hà Nội đăng tải tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này trước kết quả phiên tòa. 

Bà Amanda Milling – Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Phát triển phụ trách khu vực châu Á của Anh, bày tỏ: 

Việc nhà báo Việt Nam Phạm Đoan Trang phải nhận mức án 9 năm tù là vô cùng đáng lo ngại. Bỏ tù các nhà báo chỉ vì họ bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa gửi thông điệp sai trái tới những người ủng hộ sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam.

Bà này cũng lặp lại quan điểm của Nhóm làm việc của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện, từng đưa ra về vụ bắt bà Trang là có tính chất tuỳ tiện và vi phạm các cam kết và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam về quyền con người. 

Quan chức ngoại giao của Anh Quốc gửi đi thông điệp mạnh mẽ và thẳng thắn khi kết luận rằng thông qua bản án mà nhà báo Phạm Đoan Trang phải chịu, thì chính quyền Việt Nam \”gửi đi thông điệp chống lại quyền tự do ngôn luận.

\"tuyenbo_1080.jpg\"

Pháp lấy làm tiếc 

Trong cùng ngày, Người phát ngôn của Bộ Châu Âu và Ngoại giao Cộng hòa Pháp có tuyên bố bày tỏ, \”lấy làm tiếc về việc nhà báo Phạm Đoan Trang đã bị kết án 9 năm tù\”. 

Đồng thời, kêu gọi trả tự do cho nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng và cũng kêu gọi Hà Nội tôn trọng các cam kết quốc tế mà quốc gia Đông Nam Á đã tự nguyện tham gia. 

Liên Âu: \”Việt Nam vi phạm các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người\” 

Hôm 16 tháng 12, đến lượt cơ quan ngoại giao của Liên minh Châu Âu bày tỏ quan điểm chính thức sau chuỗi ba phiên tòa chính trị liên tiếp mà chính quyền Việt Nam thực hiện chỉ trong tháng cuối năm 2021. 

Cơ quan này gọi các bản án mà chính quyền Việt Nam áp đặt lên nhà báo Phạm Đoan Trang, các nhà hoạt động quyền đất đai gồm Nguyễn Thị Tâm và Trịnh Bá Phương, và nhà hoạt động chống “BOT bẩn” Đỗ Nam Trung, là “các phán quyết chống lại những người bảo vệ nhân quyền.” 

Người phát ngôn chính thức của Cơ quan chính sách đối ngoại EU Peter Stano cho rằng, việc bắt giữ tùy tiện người biểu tình ôn hòa và các nhà báo là “một điều trái ngược trực tiếp với luật nhân quyền quốc tế”, và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho những người này.

Phái đoàn Liên Âu tại Việt Nam đăng tải lại tuyên bố trên trang Facebook chính thức cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi tình hình nhân quyền ở Việt Nam, và làm việc với các cơ quan chức năng nhằm cải thiện tình hình nhân quyền ở quốc gia độc đảng này. 

New Zealand quan ngại sâu sắc

Tòa án Hà Nội và Nam Định tuyên tổng cộng 35 năm tù giam đối với bốn nhà hoạt động ôn hòa, quốc gia mới nhất bày tỏ sự phản đối trước các bản án này là New Zealand. 

Hôm 17 tháng 12, Đại sứ quán của quốc gia thuộc châu Đại Dương này cho biết họ bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về các bản án mà bốn nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền trong các phiên toà ngày 14, 15, và 16 tháng 12. Và “phản đối mạnh mẽ việc bỏ tù những nhà hoạt động thể hiện ý kiến một cách ôn hòa.”

Việc chính quyền Việt Nam đem nhà báo Phạm Đoan Trang, các nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thị Tâm, Trịnh Bá Phương, và Đỗ Nam Trung ra xét xử và tuyên những bản án nặng nề từ 6 đến 10 năm tù, đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. 

Trước đó thì Hoa Kỳ và Canada, cùng với các tổ chức nhân quyền và các nhà xuất bản quốc tế cũng đã lên án các bản án mà chính quyền Việt Nam áp đặt lên những người bất đồng chính kiến. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment