Pháp: Tổng thống Macron khởi động \”chiến dịch quyến rũ cử tri\”
Đăng ngày: 17/12/2021
Trọng Thành
Tranh cử tổng thống Pháp với cuộc phỏng vấn dài trên truyền hình của đương kim tổng thống Emmacron, hôm thứ Tư, 15/12, bốn tháng trước cuộc bầu cử, là chủ đề chính của nhiều báo Pháp hôm nay, 17/12/2021.
Le Monde chạy tựa trang nhất : \”Chiến dịch quyến rũ cử tri của Macron với đích ngắm 2022\”. Tờ báo tóm lược một số nét lớn của cuộc trả lời phỏng vấn ngày 15/12 với hai đài truyền hình TF1 và LCI. Mục tiêu chính của cuộc phỏng vấn là để nguyên thủ Pháp bảo vệ các thành quả của nhiệm kỳ tổng thống 5 năm sắp khép lại. Điểm đáng chú ý là, trong cuộc phỏng vấn này, ông Macron đã cố gắng thể hiện thái độ khiêm nhường và đồng cảm, bảo đảm là đã \”học\” được nhiều từ \”các sai lầm\”.
Chuyến bay đang tốt, \”có nên thay phi công ?\”
Tổng thống Emmanuel Macron chưa chính thức ra tái tranh cử, nhưng cuộc phỏng vấn nói trên có thể coi như là một hoạt động tranh cử thực sự, theo bài xã luận của Le Monde, có nhan đề \”Cuộc biện hộ của người gần như là ứng cử viên\”. Bài viết nhận xét : nguyên thủ Pháp tìm cách tránh đòn và phản công lại các đối thủ, tuy không chỉ đích danh ai. Không chỉ đích danh, nhưng theo Le Monde, đối thủ chính của ông Macron không ai khác hơn là bà Valérie Pécresse, ứng cử viên đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR), \”đối thủ nguy hiểm nhất\” sau chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của LR.
Ứng cử viên Valérie Pécresse đã từng tấn công trực diện vào \”thành tích\” của Macron với nhận định một \”nhiệm kỳ 5 năm không mang lại gì\”. Hiện tại, tăng trưởng kinh tế và thất nghiệp được đẩy lùi mang lại lợi thế cho Macron, vị tổng thống từng hứa hẹn sẽ mang lại \”sự thay đổi\”. Cải cách về bảo hiểm thất nghiệp và cải cách liên quan đến công chức cấp cao là những điểm mạnh của tổng thống Macron.
Nhưng theo Le Monde, cuộc cải cách chế độ hưu trí không được thực hiện, vốn là một cam kết chủ yếu của Macron, sẽ trở thành điểm yếu căn bản của ứng viên tái tranh cử, có thể bị cánh hữu lên án là \”bảo vệ nguyên trạng\”. Về vấn đề này, Macron khẳng định sẽ tiếp tục dự án dang dở này sau năm 2022, với một kế hoạch mở rộng, bao gồm việc đầu tư cho những người tàn tật, \”một lĩnh vực bị bỏ rơi khác\”. Thay đổi cách quản lý y tế, quản lý giáo dục, đào tạo sẽ tiếp tục là các ưu tiên lớn… Tất cả những điều đó được nói ra với ẩn ý mà Le Monde muốn nêu bật. Đó là « bởi vì ‘‘có nhiều thứ đang thay đổi’’, vậy thay thế phi công có tốt không ? ».
Tóm lại, theo Le Monde, cương lĩnh tranh cử của ông Macron vẫn giống như năm 2017, đó là « người tạo thay đổi », tái lập lại giá trị của « công trạng, tài năng và trách nhiệm » (vốn được coi là các giá trị cơ bản được cánh hữu tôn vinh). Tuy nhiên, nhật báo cánh trung cũng nhấn mạnh là « sự thức dậy của cánh hữu cũng khiến Macron không được quên các cử tri cánh tả đã từng bầu cho ông cách nay 4 năm ». Khi khẳng định các giá trị của « tương trợ » và « đoàn kết », tổng thống Macron khẳng định ông đứng về phía phe Xã hội – Dân chủ. Macron lên án chủ trương « thô bạo » của ứng cử viên cánh hữu cắt giảm mạnh số lượng công chức (với khoảng 200.000 người, theo bà Pécresse).
Tổng thống xin lỗi về những lời xúc phạm
« Macron tìm cách nối lại quan hệ với người Pháp » là một bài chính của Le Monde về chủ đề này. Trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình, nguyên thủ Pháp đã thừa nhận sai lầm, liên quan đến những câu nói « gây xúc phạm », hồi mới nhậm chức, khi ông đối lập « những người thành đạt » với những người « không là gì cả », khi ông nói với một thanh niên chỉ cần « bước sang bên kia đường » là có được một chỗ làm. Tổng thống Macron thừa nhận sai lầm, thừa nhận đã hành động thiếu tôn trọng, và « cam kết không lặp lại ».
Mức sống, chủ đề tranh cử chính
Khẳng định « sức mua » (hay mức sống) của những người nghèo nhất tại Pháp không sụt giảm kể từ năm 2017 là một thông điệp chủ yếu khác của tổng thống. Về hồ sơ này, Le Monde có bài « Sức mua, một chủ đề căn bản trong cuộc tranh cử ». Bài viết giới thiệu kết quả khảo sát của Viện Chính sách Công (IPP), phản bác quan điểm của chính phủ, theo đó, « mức sống của 5% người Pháp nghèo nhất sụt giảm trong nhiệm kỳ tổng thống, trong lúc 1% giàu nhất lại kiếm được nhiều tiều hơn phần còn lại của xã hội ». Viện tư vấn Terre Nova đứng về phía Viện Chính sách Công (IPP), phản bác các kết luận của bộ Tài Chính, rút ra từ số liệu của INSEE.
Muốn được « mọi gia đình nhắc đến trong bữa cơm Giao thừa »
Cuộc trả lời phỏng vấn của tổng thống Emmanuel Macron tiếp tục là một chủ đề chính của Le Figaro thiên hữu hôm nay, sau khi đã dành trang nhất và xã luận hôm qua với tựa đề « Tự khen ngợi » để chỉ trích ông Macron. Trang nhất Le Figaro hôm nay dành một hồ sơ trang nhất cho chủ đề « Chiến dịch truyền thông của ông Macron trước dịp Noel ».
Về chủ đề này, Le Figaro có bài phân tích về việc tổng thống Macron muốn ông trở thành chủ đề trong các cuộc trò chuyện trong gia dình người Pháp bên bàn ăn đón Giao thừa. « Ba lần phát biểu » của tổng thống liên tiếp « trong vòng chưa đầy mươi hôm » được Le Figaro ví với ba món « Khai vị, món chính và tráng miệng » trong bữa tiệc giao thừa của dân Pháp.
Le Figaro đặc biệt chú ý đến cuộc trả lời phỏng vấn hơn mười phút, được phát vào giờ vàng, trong đó tổng thống trả lời các em nhỏ về đủ loại chủ đề, từ khủng hoảng y tế, bóng đá, đến quyết định ứng cử tổng thống…, với khẳng định ông sẽ suy nghĩ về việc ra ứng cử trong kỳ nghỉ Noel – Năm mới.
Nhật báo thiên hữu chế giễu đương kim tổng thống sử dụng thủ đoạn « con gà Tây Noel », tự đặt mình vào vị trí tâm điểm của các chủ đề được thảo luận trong các gia đình người Pháp trong dịp này, thời điểm mà các quan điểm thường bắt đầu định hình trong các trao đổi. Le Figaro dẫn lời một người được coi là « thân cận với tổng thống », khẳng định : đó là chiến thuật hành xử của một người thách đấu, nỗi sợ bị quên, những thiếu hụt về uy tín cần được lấp đầy…
Thăm dò của Odoxa-Backbone : Phỏng vấn không thuyết phục
Một bài viết khác của Le Figaro lạnh lùng hơn, nhận định cuộc trả lời phỏng vấn dài gần hai giờ của tổng thống trên hai đài TF1 và LCI ít thuyết phục dân Pháp. Theo thăm dò dư luận của Odoxa-Backbone Consulting cho Le Figaro, chỉ có 9% dân Pháp theo dõi đầy đủ, 16% theo dõi một phần (thấp hơn hẳn so với số lượng 64% hay 71% người Pháp trong các cuộc nói chuyện trước đó trên truyền hình của tổng thống). Trong số những người đã coi, chỉ có 37% cảm thấy quan điểm của tổng thống là thuyết phục.