Teresa Mai, nữ ca sĩ gốc Việt đầu tiên được đề cử giải thưởng Grammy danh giá
Lần đầu tiên giải âm nhạc Grammy danh giá của Mỹ đề cử một nữ ca sĩ sĩ gốc Việt, tạo nên một cột mốc lịch sử cho nghệ sĩ gốc Á.
Đó là ca sĩ opera Teresa Mai (Sangeeta Kaur).
“Khi nghe Grammy thông báo album của mình được đề cử ngày 23 Tháng Mười Một, tôi vui mừng không tả nổi,” cô bày tỏ với nhật báo Người Việt. “Tôi rất hãnh diện vì đây là một thành tựu cho bản thân.”
Album “Mythologies” của cô hát cùng nữ ca sĩ Hila Plitmann được đề cử trong hạng mục “Album Thanh Nhạc Cổ Điển Xuất Sắc Nhất” cho giải Grammy lần thứ 64.
Giải thưởng Grammy được trao lần đầu tiên vào năm 1959, để công nhận thành tựu mà các nghệ sĩ đạt được trong năm.
Những ca sĩ tên tuổi thế giới từng thắng giải Grammy có thể kể đến là Beyonce, Taylor Swift, Lady Gaga, Bruce Springsteen, Stevie Wonder, Adele…
Lễ trao giải Grammy lần này sẽ được tổ chức ngày 31 Tháng Giêng, 2022.
Cái duyên với âm nhạc
Ca sĩ Teresa Mai, tên khai sinh là Mai Xuân Loan, sinh ra ở Montclair, California.
Teresa là tên Thánh và cũng là tên gắn liền với thời thanh xuân cho đến khi cô đổi nghệ danh thành “Sangeeta Kaur.”
Cô lớn lên ở Manhattan Beach và vùng Little Saigon. Cô cũng là cựu học sinh trường La Quinta High School, Westminster, và trường Los Amigos High School, Fountain Valley.
Cô Teresa bén duyên với âm nhạc từ rất sớm nhưng chỉ dừng ở mức đam mê. Cô cũng chơi violine và hát trong ban hợp xướng của trường học.
Cô cho biết rất thích nhạc cổ điển và cơ duyên đến với thể loại này cũng là một kỷ niệm đẹp.
“Tôi nhớ hồi nhỏ cha tặng tôi băng VHS ‘The Sound of Music,’ hay ‘Giai Điệu Hạnh Phúc,’ một phim nhạc kịch nổi tiếng của Mỹ. Ôi, tôi thích lắm và cứ nghêu ngao các bài hát suốt,” cô cười kể.
Cô hào hứng tiếp: “Tôi ‘copy’ mọi thứ từ giai điệu cho đến cách diễn… Tôi nghĩ mình xem bản nhạc kịch này cũng khoảng 70 lần.”
Và từ đó “Giai Điệu Hạnh Phúc” đã đánh thức đam mê nghệ thuật của cô bé 4 tuổi.
Tuy nhiên, như bao gia đình gốc Á khác, cô nghe lời cha mẹ chọn ngành Sinh Học ở đại học Santa Ana College.
“Tuy tôi nghĩ mình sẽ trở thành bác sĩ nhi khoa nhưng không vì thế mà tôi ‘bỏ quên’ âm nhạc. Tôi luôn năng nổ tham gia các ban nhạc hợp xướng, và học thêm thanh nhạc cùng luyện giọng song song với việc học ở trường,” cô nhớ lại.
“Tôi khám phá đủ các thể loại nhạc như pop, rock, cổ điển… Khi tôi trưởng thành thì giọng cũng dần thay đổi. Tôi nhớ lần đầu tiên hát bài opera mà giáo viên thanh nhạc đề nghị, tôi đã rất bất ngờ vì không nghĩ mình lại có tiếng hát ngân như thế,” cô hào hứng kể.
Cô tâm sự rằng chưa bao giờ nghĩ mình trở thành ca sĩ hát opera.
“Đến trong mơ tôi cũng không ngờ tới vì tôi nghĩ mình không có khả năng luyện opera,” cô nói.
Giáo sư thanh nhạc nhận ra tố chất của cô sinh viên Teresa Mai nên khuyến khích cô theo đuổi âm nhạc.
“Giáo sư thanh nhạc nói rằng nếu tôi thật sự ‘yêu’ ca hát đến thế thì tôi phải tập trung học một thứ và khổ luyện chứ khó có thể học hai ngành cùng một lúc. Họ khuyến khích, tin tưởng, và ủng hộ tôi tiếp bước với âm nhạc,” cô cảm kích nói.
Sau một năm, cô chuyển sang chuyên ngành Âm Nhạc.
Tiếp theo, cô tốt nghiệp cử nhân ngành Biểu Diễn Opera tại nhạc viện Bob Cole Conservatory of Music, thuộc đại học Cal State Long Beach, California.
Sau đó, cô tốt nghiệp cao học ngành Biểu Diễn Thanh Nhạc ở nhạc viện Boston Conservatory of Music, Massachusetts. Ngoài ra, cô còn học luyện giọng hai năm ở Venice, Ý.
Với tông giọng soprano đầy nội lực nhưng không kém phần da diết, có khi lại trong trẻo, pha chút thanh cao, nữ ca sĩ lay động đông đảo khán giả khi trình diễn opera khắp Hoa Kỳ và Châu Âu.
Dùng âm nhạc xoa dịu tâm hồn
“Luyện thanh opera thay đổi con người tôi,” cô bộc bạch. “Càng luyện tập âm vực của tôi càng phát triển, quãng giọng cao hơn, ngân lâu hơn. Không chỉ tông giọng, hơi thở, mà cơ thể và tâm trí tôi cũng thay đổi theo opera.”
“Sự đổi thay ấy thay đổi tôi một cách tự nhiên theo chiều hướng rất tích cực,” cô bày tỏ.
Không chỉ âm nhạc, năm 1999, Teresa Mai bắt đầu hứng thú với môn yoga và thiền.
Khi sống và làm việc ở New York, cô gặp những người hướng dẫn về tâm linh, dẫn bước cô đến với Phật Giáo Tây Tạng cùng các trường phái thiền yoga như Kundalini Yoga, Yoga of Lady Niguma, và The Yoga of Sound and Mantra.
Những “môn đệ” theo trường phái yoga thường có tên tâm linh.
“Sangeeta Kaur” chính là tên mà “sư phụ” yoga đặt cho cô ca sĩ và được cô dùng làm nghệ danh.
“‘Sangeeta Kaur’ nghĩa là ‘nữ hoàng của âm thanh và giai điệu,’” cô Teresa giải thích.
Cô kể, lúc đầu cũng hơi phân vân với cái tên mới mẻ này nhưng khi càng hòa mình với thiền yoga cô càng trân trọng “Sangeeta Kaur” và quyết định dùng nghệ danh này năm 2010.
“Có người gọi tôi là Loan, cũng có người gọi là Teresa Mai, hay Sangeeta Kaur, tôi đều thích và yêu quý những cái tên này vì đó chính là con người tôi,” cô tâm sự.
Thêm vào đó, cô Teresa cũng là một giáo viên dạy yoga, và thành lập Empower with Art Productions, một tổ chức nghệ thuật bất vụ lợi có mục đích “thực hiện những sáng tạo âm nhạc đem lại sự lạc quan tích cực cho cuộc đời.”
“Hai từ ‘âm nhạc’ rất quyền năng! Âm nhạc khơi dậy sự tích cực, cũng như đánh thức ‘miền tâm linh’ trong mỗi chúng ta,” nữ ca sĩ tâm đắc.
Kết hợp hai niềm đam mê với nhau, nữ nghệ sĩ trình diễn những ca khúc mang tính giao thoa giữa các giai điệu du dương và thiền trầm lắng để “xoa dịu tâm hồn.”
Năm 2012, cô ra mắt “Yoga is Love,” album đầu tiên mang hơi hướng “chân ngôn thần chú,” tức âm thanh thanh tịnh đầy năng lực.
Trong thời gian “bay bổng” với âm nhạc, nữ ca sĩ đoạt nhiều giải thưởng và cũng ra mắt một số album với các sắc thái riêng.
Thêm vào đó, cô còn trình diễn trong chương trình “Sangeeta Kaur and Friends,” trong chuỗi chương trình “Front and Center” của đài PBS, được phát hình toàn nước Mỹ. Để xem phần trình diễn mới nhất của ca sĩ, xin vào trang web www.youtube.com/watch?v=5YeSe5OJR6U.
Ngoài tập trung cho các sản phẩm âm nhạc, cô còn trình diễn opera ở các buổi hòa nhạc của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ.
“Tôi tham gia vào Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ khoảng năm 2013-2014. Nhạc sĩ Lê Văn Khoa và nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng đã dẫn dắt và chỉ bảo tôi rất nhiều,” cô kể.
Cô cho biết thêm cô sẽ tham gia chương trình “Dạ Tiệc Mùa Đông” sắp tới của hội, sẽ diễn ra vào ngày 19 Tháng Mười Hai.
Thế hệ trẻ nên mạnh dạn theo đuổi nghệ thuật
“Mythologies,” album đề cử Grammy được nhà soạn nhạc Danae Xanthe Vlasse sáng tác những tác phẩm dựa trên thần thoại Hy Lạp, để hai nữ nghệ sĩ cùng hòa giọng hát đầy “huyễn hoặc và nội lực” với những cung nhạc cổ điển bất hủ của thế giới.
“Album này thực hiện trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Đây là chương trình được tạo nên qua tình bạn gắn kết lâu năm giữa hai người bạn thân của tôi, tác giả Danae và ca sĩ Hila,” cô Teresa bộc bạch.
Cô thêm: “Không gì tuyệt bằng khi chúng tôi làm nhạc cùng nhau và cùng được đề cử giải Grammy nên tôi rất vui sướng.”
“Tuy sinh ra ở Mỹ, nhưng tôi luôn nhớ về nguồn cội vì đã lớn lên với cộng đồng Việt Nam nên tôi rất hạnh phúc khi đạt được vinh dự này,” cô tâm sự.
Cô còn tri ân gia đình, giáo viên thanh nhạc, và những người đã chắp cánh cho ước mơ âm nhạc của mình.
“Cha mẹ tôi dù lúc đầu cũng hơi lo ngại về quyết định theo nghiệp ca hát, nhưng khi thấy đam mê mãnh liệt của con gái, hai người ngày càng ủng hộ,” cô cảm động cho hay.
“Cha mẹ tham dự tất cả những buổi biểu diễn của tôi. Cha là một người ít khi bày tỏ cảm xúc nhưng một lần ông nói khẽ rằng nhìn tôi biểu diễn như một thiên thần. Tôi rất sung sướng và cảm động với lời nói đầy khích lệ ấy,” cô thêm.
Ca sĩ Teresa Mai cũng chia sẻ thêm rằng người Việt Nam có thiên bẩm về nghệ thuật nhưng thế hệ cha ông không có cơ hội vì khi qua Mỹ tị nạn họ phải lo “cơm, áo, gạo, tiền.”
Cô khuyến khích thế hệ trẻ nên đi theo “tiếng gọi” của đam mê.
“Các bạn trẻ hãy mạnh dạn theo đuổi mơ ước mơ để được sống với nghệ thuật, làm nghệ thuật và lan tỏa niềm vui ấy,” ca sĩ Teresa Mai bày tỏ.
Theo Người Việt