Bầu cử Hồng Kông: Truy nã người kêu gọi tẩy chay, một nửa cử tri có thể không đi bầu
Đăng ngày: 18/12/2021
Trọng Thành
Ngày 19/12/2021, hơn 4,5 triệu cử tri Hồng Kông được kêu gọi bỏ phiếu bầu Nghị Viện, lần đầu tiên kể từ cuộc cải cách hệ thống bầu cử, được tiến hành theo chỉ đạo của Bắc Kinh. Ẩn số lớn nhất là tỉ lệ đi bầu. Một nửa cử tri có thể không đi bầu, theo thăm dò dư luận : một con số kỷ lục. Chính quyền Hồng Kông hôm nay 18/12 ra lệnh truy nã 5 nhà tranh đấu ở nước ngoài, bị cáo buộc kích động cử tri tẩy chay bầu cử.
Không đi bỏ phiếu, bỏ phiếu trắng hay phiếu không hợp lệ vẫn hợp pháp tại Hồng Kông. Ngược lại, kể từ năm nay, việc cổ vũ cho các hành động này bị coi là phạm pháp.
Hôm nay, chính quyền Hồng Kông ra lệnh truy nã 5 nhà tranh đấu hiện đang ở nước ngoài, trong đó có cựu dân biểu đối lập La Quán Thông (Nathan Law), đang tị nạn tại Anh. Hôm thứ Năm, 16/12, nhà đối lập la Quán Thông cùng bốn nhà tranh đấu Sunny Cheung, Timothy Lee, Carmen Lau và Kawai Lee đã tổ chức một chương trình vận động tẩy chay bầu cử trên các mạng xã hội.
Những người bị buộc tội tẩy chay bầu cử có thể bị phạt tới 3 năm tù, và 200.000 đô la Hồng Kông (tương đương hơn 22 nghìn euro). Hồi tháng trước chính quyền Hồng Kông đã ra lệnh truy nã hai nhà tranh đấu ở nước ngoài, vì kêu gọi tẩy chay bầu cử. Riêng tại Hồng Kông, theo báo chí địa phương, có ít nhất 10 người bị bắt vì bị cáo buộc kêu gọi cử tri không đi bầu.
Một thăm dò của Viện nghiên cứu dư luận Hồng Kông cho biết chỉ 51% cử tri dự định đi bỏ phiếu, con số thấp kỷ lục, trong lúc có hơn 80% cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử Nghị Viện năm 2016.
Vì sao các nhà tranh đấu Hồng Kông kêu gọi tẩy chay bầu cử ? Cuộc bầu cử Nghị Viện Hồng Kông có kế hoạch diễn ra cuối năm 2020, nhưng bị chính quyền hoãn lại một năm với lý do đại dịch Covid-19. Kể từ đó chính quyền gia tăng đàn áp đối lập.
Cùng với các đàn áp, theo AFP, sau cuộc cải cách hệ thống bầu cử Nghị Viện Hồng Kông dưới sự chỉ đạo của chính quyền trung ương (tháng 3/2021), toàn bộ các ứng cử viên ra tranh cử Nghị Viện đều phải chứng tỏ là « yêu nước », trung thành với đảng Cộng Sản Trung Quốc, trước khi được chính quyền chấp thuận.
Nhìn chung, tại Hồng Kông, các ứng cử viên đối lập hoặc bị bỏ tù, hoặc phải chạy ra nước ngoài, hoặc không được phép ra ứng cử (do các cải cách hệ thống bầu cử). Theo báo Hồng Kông South China Morning Post, « chỉ có 3 trong số 153 ứng cử viên » vào Nghị Viện lần này được coi là gần gũi với phong trào dân chủ.
Lãnh đạo Hồng Kông: Người dân ít đi bỏ phiếu bởi tin tưởng chính quyền
Theo ông Eric Lai (tức Lê Ân Hạo), chuyên gia về các phong trào công dân và chính trị Hồng Kông, làm việc tại Đại học Georgetown (Hoa Kỳ), « số lượng cử tri đi bầu là một yếu tố quan trọng đối với chính quyền » đặc khu, bởi việc tham gia đông đảo của cử tri « sẽ cho cộng đồng quốc tế thấy được là cuộc cải cách hệ thống bầu cử Hồng Kông được cử tri ủng hộ », nền dân chủ tại Hồng Kông vẫn được duy trì.
Để có được tỉ lệ cử tri đi bầu cao, ngoài việc truy nã, bắt giữ những người kêu gọi tẩy chay, chính quyền Hồng Kông cũng đưa ra nhiều biện pháp để khuyến khích người dân đi bầu (metro miễn phí ngày Chủ Nhật, nhiều doanh nghiệp thưởng phép cho người đi bỏ phiếu…). Bên cạnh đó, để chuẩn bị sẵn cho kịch bản cử tri vắng mặt cao, lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga khẳng định trên truyền thông Trung Quốc: « tỉ lệ người đi bầu thấp không phải là vấn đề », « khi chính quyền làm việc tốt và uy tín cao, sự tham gia của cử tri sẽ thấp hơn, bởi người dân không có nhu cầu bầu lên các đại diện mới ».
Theo giới quan sát, trên thực tế chế độ bán dân chủ tại đặc khu Hồng Kông đã cáo chung, kể từ khi Bắc Kinh áp đặt Luật an ninh quốc gia mới, tháng 6/2020. Trả lời đài France 24, nhà Trung Quốc học Michel Bonnin, giám đốc nghiên cứu EHESS (Paris), chuyên gia về Hồng Kông, khẳng định : « Cuộc bầu cử này không còn khiến ai quan tâm nữa », bởi « lý do đơn giản là kết quả đã được quyết định từ trước ».