Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết liên quan đến công nhân Việt bị cưỡng bức ở Serbia
18/12/2021
Nghị viện châu Âu vừa thông qua một nghị quyết bày tỏ quan ngại về tình trạng lao động cưỡng bức đối với công nhân Việt Nam tại nhà máy lốp xe Trung Quốc Linglong ở Serbia.
Nghị quyết được thông qua hôm 16/12 với đa số áp đảo, trong đó có 586 phiếu thuận, 53 phiếu chống và 44 phiếu trắng.
Nghị quyết nhấn mạnh mối quan ngại của Nghị viện về các cáo buộc lao động cưỡng bức, vi phạm nhân quyền và buôn người đối với khoảng 500 công nhân Việt Nam tại nhà máy lốp xe Linglong do Trung Quốc làm chủ ở Zrenjanin, miền bắc Serbia.
Nghị quyết kêu gọi các nhà chức trách Serbia điều tra vụ việc một cách cẩn thận và đảm bảo tôn trọng các quyền cơ bản của con người trong nhà máy, đặc biệt là quyền lao động, cung cấp cho EU kết quả điều tra và buộc các thủ phạm phải chịu trách nhiệm.
Lưu ý về việc Serbia đang “cấp cho Trung Quốc và các nhà công nghiệp Trung Quốc ngày càng nhiều đặc quyền hợp pháp trong nước, ngay cả khi những đặc quyền này trái với luật của EU”, Nghị viện châu Âu bày tỏ quan ngại về những ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Serbia và trên toàn vùng Tây Balkan nói chung.
Nghị viện kêu gọi Serbia với tư cách là một quốc gia ứng cử viên của EU hãy “cải thiện cho phù hợp với luật lao động của EU và tuân thủ các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế liên quan mà nước này đã phê chuẩn”.
Các nghị viên châu Âu cũng nhấn mạnh rằng đây không phải là một nghị quyết chống lại Serbia và người dân Serbia, mà là một lời cảnh báo đối với chính phủ Serbia khi nước này đang muốn trở thành thành viên của EU.
Tháng trước, các tổ chức phi chính phủ của Serbia đưa ra một báo cáo cho thấy tình trạng bóc lột và có thể liên quan đến buôn người đối với khoảng 500 công nhân Việt Nam được thuê mướn làm việc cho nhà máy sản xuất lốp ô tô đầu tiên của Trung Quốc tại châu Âu.
Báo cáo cho biết các công nhân Việt Nam đã được đưa sang Serbia qua công ty môi giới với giá từ 2.200 đến 4.000 đô la. Sau đó, họ được Tập đoàn Kỹ thuật Năng lượng Trung Quốc Tianjin Electric Power Construction thuê, với hợp đồng không có ngày bắt đầu và thanh toán bằng tiền mặt.
Họ phải làm việc theo ca 9 tiếng/ngày, 26 ngày/tháng và tất cả chi phí trang bị bảo hộ cá nhân đều bị trừ vào tiền lương. Nếu làm không đủ ngày, họ sẽ bị mất toàn bộ tiền lương tháng. Nếu đi làm muộn, họ có nguy cơ bị mất tiền lương cả ngày. Hộ chiếu của các công nhân đều bị tịch thu.
Mặc dù các nhà chức trách Serbia khẳng định điều kiện làm việc của họ vẫn ổn, nhưng các cuộc điều tra độc lập cho thấy những điều khoản trong hợp đồng mà công nhân Việt Nam ký với nhà thầu phụ của Công ty Shandong Linglong Tire của Trung Quốc là vi phạm luật lao động của Serbia, từ điều khoản về giờ làm việc cho đến ngày nghỉ và các hình phạt về tài chính.