Xoè Thái trở thành văn hoá phi vật thể của nhân loại trước nguy cơ bị mai một
18/12/2021
Xoè Thái vừa được UNESCO đưa vào danh sách Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, một điều mà cộng đồng người Thái của Việt Nam vui mừng đón nhận vì sẽ giúp bảo tồn môn nghệ thuật đang đứng trước nguy cơ bị mai một
Môn nghệ thuật múa được xem là độc đáo của Việt Nam được Uỷ ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể công nhận là một hình thức văn hoá cần được bảo tồn tại một phiên họp ở Paris, Pháp, hôm 15/12.
Đây là văn hoá phi vật thể thứ 14 của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản của thế giới. Ca Trù, Nhã nhạc cung đình Huế và Đờn ca tài tử Nam Bộ nằm trong số những môn nghệ thuật của Việt Nam được công nhận trước đây.
Mô tả về điệu múa đặc trưng của người Thái, một trong 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam ngoài dân tộc Kinh, UNESCO nói rằng Xoè là một điệu múa với các động tác tượng trưng cho các hoạt động của con người trong nghi lễ, sinh hoạt văn hoá, đời sống và lao động của người Thái, từ đám cưới cho đến lễ hội làng.
“Được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong các gia đình, nhóm múa, trường học, điệu Xoè đã trở thành biểu tượng của lòng hiếu khách và dấu ấn bản sắc quan trọng của người Thái ở Tây Bắc của Việt Nam,” theo UNESCO.
Từ Điện Biên, một trong 4 tỉnh ở Tây Bắc có cộng đồng người Thái sinh sống, Phó Chủ tịch tỉnh Vừ A Bằng cho VOA biết lãnh đạo đại diện các tỉnh – gồm cả Lai Châu, Sơn La và Yên Bái – hôm 15/12 đã dự buổi công bố trực tuyến tại trụ sở Bộ Văn hoá Thể Thao và Du lịch ở Hà Nội với Uỷ ban liên chính phủ của UNESCO ở Paris về việc thông qua điệu Xoè Thái vào danh sách di sản phi vật thể thế giới. Theo ông Bằng, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các đại diện của Việt Nam đã không thể đến thủ đô của Pháp để dự sự kiện này.
Ông Bằng cho biết cộng đồng người Thái vui mừng vì sự vinh danh của UNESCO đối với môn nghệ thuật truyền thống của họ nhưng cũng cho rằng điều quan trọng nhất lúc này là “phải có kế hoạch gìn giữ bảo tồn vì nó là di sản chung của một cộng đồng dân tộc.”
‘Có người Thái là có Xoè’
Trong tiếng Thái, “xoè” có nghĩa là múa và chủ thể của nghệ thuật Xoè là cộng đồng người Thái, cư trú chủ yếu ở vùng núi Tây Bắc của Việt Nam, với nghề canh tác chủ yếu là trồng lúa nước.
“Xoè Thái rất quan trọng đối với dân tộc Thái,” bà Lường Thị Đại, một người nghiên cứu Xoè Thái ở Điện Biên nói với VOA và cho biết rằng có dân tộc Thái ở đâu là có điệu Xoè ở đó vì họ dùng điệu Xoè trong mọi hoạt động của cuộc sống. “Lên nhà mới cũng tổ chức Xoè, đám cưới đám xin cũng tổ chức Xoè, và tất cả những giao lưu khác đều dính đến Xoè hết. Cho nên người Thái từ bé tí đã biết và tham gia Xoè từ cộng đồng.”
Giải thích vì sao điệu múa Xoè lại phổ biến đến như vậy trong cộng đồng người Thái, bà Đại, 77 tuổi, cho biết rằng người Thái của mọi lứa tuổi, mọi giới tính và mọi địa vị xã hội đều có thể tham gia môn nghệ thuật đại chúng mang tính gắn kết cộng đồng này.
Ngoài các lễ hội, điệu Xoè còn được người Thái múa trong các buổi lễ tâm linh như cầu mùa màng tươi tốt hay thậm chí cả trong các đám tang cho người đã khuất núi.
Theo nhận định của UNESCO, múa Xoè “phản ánh thế giới quan và vũ trụ quan của người Thái, được trình diễn vào dịp Tết, trong lễ hội, các cuộc vui, liên hoan” và đây là môn nghệ thuật dành cho mọi người.
Xoè Thái đáp ứng đủ 5 tiêu chí mà UNESCO đề ra để công nhận một di sản văn hoá phi vật thể, trong đó gồm việc Xoè Thái đi kèm âm nhạc của các nhạc cụ dân tộc; nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của những vũ đạo truyền thống; có các biện pháp bảo vệ Xoè trong cộng đồng người Thái; sự tham gia đông đảo của cộng đồng; và Xoè được đưa vào danh mục kiểm kê quốc gia.
Trước nguy cơ mai một
Có khoảng 30 điệu múa Xoè được chia thành 3 loại chính, gồm Xoè vòng, Xoè trình diễn và Xoè nghi lễ. Theo mô tả về môn nghệ thuật này trên trang di sản phi vật thể của UNESCO, Xoè vòng là phổ biến nhất, trong đó mọi người nối nhau thành vòng tròn, thực hiện các động tác múa cơ bản biểu trưng cho khát vọng về sức khoẻ và hoà hợp cộng đồng.
Các điệu Xoè trình diễn và nghi thức được đặt tên theo các đạo cụ được sử dụng đi kèm trong các buổi biểu diễn, như khăn, nón, quạt, tính tẩu, sáo hay kèn.
Môn nghệ thuật này được sinh ra trong quá trình lao động của người Thái và dần trở thành chất liệu gắn kết các dân tộc trên vùng cao Tây Bắc, theo truyền thông trong nước.
Tuy nhiên điệu múa, mà theo nhà nghiên cứu Lường Thị Đại nói là có từ lâu đời nhưng không biết chính xác từ bao giờ, đang đối diện với nguy cơ bị mai một vì không được lớp trẻ yêu thích nhiều hay muốn học hỏi.
“Người trẻ Thái bây giờ rất ít học điệu múa (Xoè),” anh Vũ Văn Phú, một phóng viên tại Điện Biên cho biết và giải thích rằng Xoè Thái hiện nay ít được tổ chức diễn trong cộng đồng hơn trước đây nên những người trẻ không có động lực để học môn nghệ thuật này như những người thuộc thế hệ trước.
Việc các dân tộc thiểu số hội nhập với nhiều nền văn hoá hiện đại do sự phát triển của nền kinh tế cũng làm ảnh hưởng tới việc giới trẻ ít quan tâm tới điệu múa truyền thống này.
Theo bà Đại, những điệu múa Xoè trong cộng đồng giờ đây bị lai căng bởi làn sóng hội nhập với văn hoá hiện đại.
“Những cuộc vui chơi, những đám cưới đám xin hiện nay bây giờ họ toàn dùng nhạc ‘xập xình’ nên nó không đúng bản chất,” bà Đại, người từng làm nghiệp vụ cho Sở Văn hoá Điện Biên và hiện nay tham gia giảng dạy ngôn ngữ, lịch sử và văn hoá cho những người học múa Xoè, nói.
Còn theo phó chủ tịch tỉnh Điện Biên, đây là mối quan ngại chung của cả cộng đồng Thái hiện nay.
“Trong xu thế hội nhập hiện nay và những tác động của yếu tố nền kinh tế thị trường rồi nhiều vấn đề tác động khác về mặt xã hội nên mình mà không lưu giữ thì nó bây giờ đang từng bước bị mai một,” ông Bằng nói và cho biết cộng đồng người Tây Bắc đang phải cố gắng làm sao để lưu giữ môn nghệ truyền thống này.
Cả ông Bằng và bà Đại đều cho biết cộng đồng người Thái vui mừng vì điệu Xoè được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại bởi điều này sẽ giúp cho môn nghệ thuật truyền thống của người Thái được gìn giữ và lưu truyền đến muôn đời sau.