Lào –Trung Quốc : một tuyến đường sắt xây trên núi nợ
Đăng ngày: 19/12/2021
Thanh Hà
Ngày 18/12/2021 Vientian thông báo mở cửa đón du khách nước ngoài trở lại. Lào kỳ vọng đường xe lửa vừa khánh thành nối thủ đô Vientiane với Côn Minh của Trung Quốc tạo đà cho ngành du lịch hậu giai đoạn Covid-19. Nhưng trước mắt, giới phân tích báo động : Lào đang rơi vào bẫy nợ Trung Quốc.
Hơn hai tuần đường xe lửa Vientiane – Côn Minh bắt đầu hoạt động câu hỏi đặt ra là Lào có khả năng thanh toán « món nợ khổng lồ » cho Trung Quốc hay không ?
Hôm 03/12/2021 khi cắt băng khánh thành tuyến đường xe lửa mới nhất này, chủ tịch Lào Thongloun Sisoulith tuyên bố « giấc mơ của người dân lào nay trở thành hiện thực » và ông báo trước, « một thời đại mới về phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại đang mở ra » cho đất nước. Chính quyền kỳ vọng bắt đầu « thu về được lãi kể từ năm 2027 ».
Qua cầu truyền hình, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có lời chúc mừng một nước bạn có được tuyến đường sắt mới nhờ hợp tác trong khuôn khổ công trình Vành Đai Con Đường.
Hãng tin Pháp ngày 19/12/2021 không phác họa ra bức tranh màu hồng như quan điểm của lãnh đạo hai nước Lào và Trung Quốc. Lý do : tuyến đường xe lửa Vientiane –Côn Minh « được xây trên núi nợ ».
Trung Quốc kiểm soát toàn bộ ?
Nợ công của Lào hiện lên tới 13,3 tỷ đô la, tương đương với 75 % GDP và 47 % trong số đó trong tay chủ nợ Trung Quốc. Chỉ riêng đường xe lửa mới hoạt động trị giá gần 6 tỷ đô la.
Theo giới tài chính, đường xe lửa vừa được khánh thành đang đẩy nước Lào xích vào gần hơn quỹ đạo Trung Quốc. Trong báo cáo của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á, Jonathan Andrew Lande thận trọng nêu lên câu hỏi : liệu rằng các bên có kỳ vọng quá nhiều vào những thành quả về kinh tế và thương mại từ tuyến đường sắt nối liền quốc gia có 7 triệu dân như Lào với vùng Con Minh bên Trung Quốc đem lại hay không ? Có vay thì có trả, chính phủ Lào sẽ phải tăng thuế của dân để trả nợ cho Eximbank.
Vốn là một nước nghèo liệu rằng trả nợ một công trình trị giá 5,9 tỷ đô la có quá sức đối với 7 triệu dân Lào hay không ?
Theo AidData, một nghiên cứu của viện đại học Mỹ William &Mary Trung Quốc nắm dao đằng chuôi : tổng dự án lên tuyến đường sắt Vientiane –Côn Minh tới 5,9 tỷ đô la. 30 % trong số đó do phía Lào đảm nhiệm ; 70 % còn lại do một tổ hợp bao gồm ba tập đoàn nhà nước Trung Quốc đài thọ. Nhưng 70 % đó là một khoản tín dụng được chia ra như sau : 3,54 tỷ đô la do ngân hàng Eximbank của Trung Quốc cấp vốn ; 2,36 tỷ được tài trợ từ vốn của tư nhân.
Riêng về phần nước Lào, để huy động được 730 tỷ đô la, chính quyền Vientiane đã phải ký giấy đi vay thêm 480 triệu. Chủ nợ cấp cho Lào số tiền này chính là Eximbank. Theo AidData hình thức chồng chéo này không hơn không kém là hiện tượng « nợ trá hình ».
Câu hỏi kế tiếp là nếu như Vientiane không thanh toán nợ đáo hạn hay bị các « đối tác Trung Quốc bỏ rơi » thì chuyện gì sẽ xảy ra ? Cũng nghiên cứu của đại học Mỹ nhắc lại trong khoản thời gian từ 2008 đến 2019 Vientiane đã vay của Trung Quốc 5 tỷ đô la tín dụng. Cơ quan thẩm định tài chính Moody\’s và Fitch Ratings cùng coi đó là « nợ xấu ». AidData tiết lộ thêm « đầu năm 2021 Lào đã bị đe dọa vỡ nợ và đã phải điều đình với phía Trung Quốc » nhưng Bắc Kinh hiếm khi tỏ ra hào phóng với các con nợ.
Trung Quốc không có thói quen « xóa nợ hay kéo dài thời gian thanh toán »
Tháng 9/2021 Lào đã phải « bán lại cho Trung Quốc một công ty phân phối điện lực » với giá 600 triệu đô la để trả nợ cho… ngân hàng Trung Quốc. Fitch dự báo « những đợt chuyển nhượng kiểu này còn sẽ tiếp diễn ».
AFP nhắc lại : Lào không là trường hợp duy nhất. Sri Lanka cũng đang trong hoàn cảnh tương tự sau khi « được » Trung Quốc xây dựng cho cảng Hambantota và vì không đủ khả năng thanh toán, từ 2017 hải cảng này được đặt dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc. Ben Bland thuộc viện nghiên cứu Úc, Lowy Institute không chút lạc quan cho rằng, « Vientiane không có sự chọn lựa nào khác » và cũng không « bất kỳ một đối tác nào muốn thay thế vào chỗ của Trung Quốc » để đầu tư tại Lào.