NATO – Ukraina: Mỹ không chấp nhận nhiều đề xuất của Nga về bảo đảm an ninh
Đăng ngày: 20/12/2021
Thu Hằng
Ngày 20/12/2021, người phát ngôn điện Kremlin cho biết Nga chưa nhận được phản hồi cụ thể của các nước phương Tây về những đề xuất liên quan đến an ninh được Nga công bố hôm 17/12, trong đó yêu cầu NATO cam kết từ bỏ mọi hoạt động quân sự ở Đông Âu và ở Ukraina, cũng như việc kết nạp Ukraina vào tổ chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương. Đối với Hoa Kỳ, có rất nhiều yêu cầu không thể chấp nhận được.
Từ New York, thông tín viên RFI Loubna Anaki tường trình :
« Về mặt chính thức, Hoa Kỳ muốn chờ thêm trước khi trả lời. Vì thế những lời bình luận được đưa ra đều là ẩn danh. Và đây là dấu hiệu cho thấy các nhà ngoại giao ở Washington muốn thận trọng và tránh một cuộc leo thang căng thẳng.
Nếu như các quan chức của chính quyền tổng thống Biden cho biết sẵn sàng thảo luận, thì họ đánh giá rất nhiều yêu cầu của Nga là không chấp nhận được. Một quan chức cấp cao nói rõ : « Hoa Kỳ sẽ không gây nguy hiểm cho an ninh của các nước châu Âu ». Thực vậy, Matxcơva yêu cầu NATO rút hết mọi cơ sở quân sự được triển khai sau năm 1997 ở các nước Đông Âu.
Một quan chức khác thì cho biết « Có nhiều điểm khác có thể thảo luận được », nhưng lại không nêu thêm chi tiết. Nhưng người ta đã biết là Nga và Mỹ đang thảo luận về nhiều hồ sơ liên quan đến vũ trang và các cuộc tập trận.
Washington cho biết cũng chuẩn bị một danh sách riêng các đề xuất đang trong quá trình tham vấn với các đồng minh châu Âu. Danh sách sẽ được gửi đến Nga trong tuần này để mở đường đàm phán ».
Bộ trưởng Quốc Phòng Đức : Nga không thể « áp đặt quan điểm » với NATO
Tân bộ trưởng Quốc Phòng Đức, bà Christine Lambrecht, dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Litva, nơi Đức đứng đầu NATO về số quân đồn trú. Trả lời họp báo ngày 19/12 với đồng nhiệm Arvydas Anusauskas, bộ trưởng Quốc Phòng Đức phản đối Nga « áp đặt quan điểm đối với những đối tác NATO », khi nêu những yêu cầu « không thể triển khai được ».
Theo bà Christine Lambrecht, « cần phải giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay (tại vùng biên giới Ukraina) vừa qua đường ngoại giao, vừa sử dụng biện pháp răn đe ».