ILO và Hà Lan ký thỏa thuận hỗ trợ ngành dệt may Việt Nam
RFA
2021.12.21
Hình minh hoạ: công nhân đang làm việc trong nhà máy tại Nhà máy may Hưng Việt ở Hưng Yên hôm 30/12/2020REUTERS
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mới đây ký thỏa thuận với Chính phủ Hà Lan về việc thực hiện dự án hỗ trợ Việt Nam dự báo và giải quyết nhu cầu kỹ năng tương lai trong ngành dệt may.
Mạng Fiber2Fashion.com loan tin ngày 21/12. Theo đó ILO kỳ vọng dự án này là một bước đi quan trọng hướng tới xây dựng một ngành công nghiệp có sức chống chịu, bao trùm và bền vững hơn, đồng thời mang lại nhiều việc làm cho người lao động.
Khủng hoảng do dịch COVID-19 dẫn tới nhiều nhà máy đóng cửa; thu nhập và cuộc sống của nhiều công nhân bị ảnh hưởng; các mô hình sản xuất xanh hơn, sạch hơn để giảm thiểu biến đổi khí hậu được đẩy mạnh; mở rộng số hóa và tự động hóa trong sản xuất…
Dự án này sẽ kéo dài trong hai năm và được triển khai từ tháng 1 năm 2022. ILO sẽ hỗ trợ chính phủ, các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động tại Việt Nam hiểu được những kỹ năng mà ngành và người lao động sẽ cần hiện tại và trong tương lai. Dự án sẽ tập trung vào những người có nguy cơ mất việc làm cao nhất do hậu quả của cuộc khủng hoảng COVID-19 và sự gia tăng tự động hóa và số hóa trong các ngành công nghiệp.
Hà Lan tin rằng đây là một bước quan trọng nhằm xây dựng một ngành công nghiệp linh hoạt hơn, bền vững hơn với cơ hội làm việc tốt hơn cho người lao động để phục hồi lành mạnh sau tác động của COVID-19.
Theo ILO, dự án sẽ áp dụng những bài học kinh nghiệm từ các dự án tương tự ở Brazil, Ethiopia, Jordan và Peru, đồng thời kế thừa những thành tựu mà các chương trình phát triển kỹ năng ILO đã thực hiện trước đây tại Việt Nam.
Dự án sẽ được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ với chương trình Better Work Vietnam của IFC-ILO.
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Dệt may Việt Nam ước tính ngành dệt may sẽ đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD trong năm nay, tương đương năm 2019. Theo Bộ Công Thương, ngành dệt may của Việt Nam sử dụng khoảng 2,7 triệu lao động.