Mất hơn 777 hecta rừng sao chỉ \’kiểm điểm rút kinh nghiệm\’?

Mất hơn 777 hecta rừng sao chỉ \’kiểm điểm rút kinh nghiệm\’?

RFA
2021.12.20

\"MấtẢnh minh họa: Dự án Nhà máy thủy điện Bạch Đằng chỉ có công suất 5MW nhưng cũng lấy đi 46,96ha rừng. Courtesy tainguyenmoitruong.vn00:00/00:00 

Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng hôm 18/12 công bố kết luận thanh tra cho biết 777,22 hecta rừng đã bị phá khi thực hiện 19 dự án đầu tư trên địa bàn trong giai đoạn từ năm 1992 đến nay.

Ban lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho rằng trách nhiệm chính thuộc các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng. Và lãnh đạo ngành nông nghiệp tại tỉnh này qua các thời kỳ cũng phải chịu trách nhiệm.

Cụ thể, năm người là giám đốc, phó giám đốc, nguyên giám đốc, nguyên phó giám đốc Sở NN&PTNT để mất hơn 777 hecta rừng, đều chỉ bị nhận hình thức ‘kiểm điểm rút kinh nghiệm’.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên – Môi trường, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 20/12, nhận định:

“Tôi cho rằng cách xử lý như vậy là không đúng, vì sự thật mà nói thì ở đây là làm mất tài nguyên thiên nhiên. Mà tài nguyên thiên nhiên thì thuộc sở hữu công, là rừng hình thành từ tự nhiên giao cho đại phương quản lý, mà để mất tức là tài sản công bị mất… nên tôi cho rằng phải xử lý theo những cách thức thỏa đáng hơn, chính xác hơn với hành vi vi phạm như vậy. Chứ nếu chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm thì hoàn toàn không đúng.”

Tài nguyên thiên nhiên thì thuộc sở hữu công, là rừng hình thành từ tự nhiên giao cho đại phương quản lý, mà để mất tức là tài sản công bị mất… nên tôi cho rằng phải xử lý theo những cách thức thỏa đáng hơn, chính xác hơn với hành vi vi phạm như vậy. Chứ nếu chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm thì hoàn toàn không đúng.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ

Trong số hơn 777 hecta rừng bị mất ở tỉnh Lâm Đồng, thì tại huyện Đức Trọng có 17 dự án để xảy ra phá 677,56 hecta rừng. Tại huyện Lâm Hà, hai dự án của Công ty Việt Remax và Công ty Tân Mai để xảy ra phá 99,96 hecta rừng.

Trong khi trước đó vào 2/11/2021, Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước của LHQ về biến đổi khí hậu – COP26, diễn ra tại Glasgow, Scotland, Việt Nam cùng hơn 100 quốc gia vừa cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030… Thì liệu cán bộ quản lý rừng để mất hàng trăm hecta rừng chỉ bị \’kiểm điểm rút kinh nghiệm\’… có đủ tính răng đe để Việt Nam thực hiện cam kết với thế giới?

Liên quan vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ, cho rằng:

“Rừng tự nhiên ngoài tính chất là một tài nguyên, thì nó còn một chức năng rất lớn là đóng góp vào việc bảo vệ toàn trái đất. Tôi cho rằng cam kết của chính phủ VN là rất tích cực, được thế giới hoan nghênh… Thế nhưng đi kèm những cam kết đó thì thật sự tôi chưa nhìn thấy những giải pháp, biện pháp, phương pháp… để đảm bào cam kết đó mang tính khả thi, có thễ thực thi cam kết đó tại VN. Ngay trường hợp mới đây nhiều người được giao quàn lý rừng thì lại để mất rừng, ngoài việc để mất tài sản chung còn làm Việt Nam vi phạm cam kết với quốc tế. Các nơi mà cứ để mất rừng thì chắc chắn cam kết của VN sẽ không thành.”

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, kèm theo những cam kết của chính phủ VN rất được thế giới ủng hộ, thì từ trung ương tới địa phương phải đưa ra một chương trình cụ thể để thực hiện cam kết. Ông Võ nói thêm:

“Nói cách khác, nếu chúng ta cam kết bảo vệ rừng thì mọi việc có thể làm mất rừng thì chúng ta phải có giải pháp đối phó. Ví dụ như cháy rừng thì phải trồng bù như thế nào, dập lửa như thế nào? Mất rừng do khai thác lậu, phá rừng… thì có giải pháp ra sao? Phải chấm dứt ngay hành vi khai thác, đồng thời thu hồi gỗ và phạt để làm sao bù đắp việc phá hoại rừng… ”

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, Việt Nam có nhiều cam kết rất tiến bộ, nhưng giải pháp đi kèm theo thường không cụ thể và thiếu tính mạnh mẽ trong thực thi. Cũng như không có giải pháp cụ thể để thể hiện việc thực hiện cam kết với thế giới.

\"341984f5-5d17-483e-8cef-2e92246f7983-700.jpg\"
Ảnh minh họa: Rừng bị phá ở tỉnh Dak Lak trước đây. AFP PHOTO.

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam và các nước đã cam kết làm việc chung để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030 đồng thời mang lại phát triển bền vững. Tăng cường nỗ lực chung để bảo tồn rừng và các hệ sinh thái trên cạn khác, tạo thuận lợi cho các chính sách thương mại không làm mất rừng…

Vậy hiện Việt Nam bảo vệ rừng như thế nào và thực trạng phá rừng tại nước này ra sao?

Trường hợp mới đây nhiều người được giao quàn lý rừng thì lại để mất rừng, ngoài việc để mất tài sản chung còn làm Việt Nam vi phạm cam kết với quốc tế. Các nơi mà cứ để mất rừng thì chắc chắn cam kết của VN sẽ không thành.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu tại Đại học Cần Thơ, khi trả lời RFA cho rằng, thật ra số liệu dựa vào ảnh vệ tin cho thấy diện tích rừng bao phủ ở VN có vẻ như tăng lên, nhưng cái tăng này chủ yếu là rừng trồng và rừng sản xuất, còn rừng tự nhiên đang có khuynh hướng giảm đi. Mà theo ông Tuấn, rừng trồng không thể bằng rừng tự nhiên, vai trò sinh thái của rừng tự nhiên cao hơn nhiều trong việc chống sạt lở. Tiến sĩ Tuấn cho rằng, VN cần phải nỗ lực hơn nữa để bảo vệ rừng cho đất nước:

“Nhiều nhà khoa học rất lo ngại đôi khi chủ trương chung của nhà nước là bảo vệ rừng, nhưng thực tế các địa phương có những dự án của những tập đoàn hay của những nhà đầu tư khác nhau, khi khai thác đất ảnh hưởng đến diện tích rừng. Mặc dù về luật cho phép khi lấy đất rừng có xin phép và phải trồng bù đủ lại diện tích rừng, nhưng chúng tôi cho là đây không phải là giải pháp tốt. Do đó chính phủ cần phải rất thận trọng trong việc cấp phép những dự án động chạm đến tự nhiên.”

Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều cam kết, nhưng đôi khi thực hiện không như mong muốn lúc cam kết:

“Cũng có nhiều dự án của Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ cộng đồng địa phương trồng lại rừng… nhưng tôi lo ngại tốc độ trồng rừng và tốc độ phá rừng không cân bằng với nhau. Hoặc đôi khi bên này phá, rồi trồng lại bên kia, nhưng ở nơi phá lại gây nguy hại nhiều hơn.”

Vì vậy Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng, các tổ chức chính phủ hoặc phi chính phủ khi tài trợ phải buộc chính quyền địa phương cam kết sau khi dự án hoàn tất phải tiếp tục bảo vệ và mở rộng diện tích trồng rừng, thì lúc đó mới gọi là bền vững được.

Bài Liên Quan

Leave a Comment