Tham nhũng trong ngành y tế bùng phát mạnh thời dịch COVID-19
RFA
2021.12.21
Một bộ kit test COVID-19 AFP00:00/06:59
Chiều 19 tháng 12 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký ban hành công văn gửi các bí thư tỉnh ủy, thành ủy; chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành về việc tăng cường các biện pháp phòng chống tham nhũng trong đấu thầu, mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế. Công văn nêu rõ không để xảy ra tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì trao đổi với Bộ Y tế hoặc các bộ quản lý chuyên ngành để phối hợp giải quyết.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu nêu nhận định với RFA vào sáng 21 tháng 12 về việc này:
“Việc phòng chống tham nhũng thì trong luật có nhiều ngành và nhiều cấp. Nếu không kiểm soát tốt thì sẽ xảy ra tham nhũng, thí dụ như ngành y tế. Vừa rồi Bộ Y tế thấy mấy vụ vi phạm trong đấu thầu, mua bán trang thiết bị, vật tư ngành y tế nên mới ra công văn để tăng cường các biện pháp cũng như kiểm soát chống tham nhũng trong đấu thầu.
Công văn này chỉ nhắc lại nếu xảy ra thì kiên quyết xử lý. Bộ Y tế đề nghị các địa phương, các sở y tế phải họp lại, phối hợp và rà soát lại kế hoạch mua sắm. Phải công khai, minh bạch trong đấu thầu và mua sắm.
Trong luật hình sự thì người ta định lượng để định tội, căn cứ vào giá trị thiệt hại cũng như việc gây bức xúc trong dư luận nhân dân làm ảnh hưởng đến hoạt động của nhà nước Việt Nam, gây mất uy tín trong ngành y tế nên phải xử lý nghiêm.”
Thực tế, tình trạng tham nhũng trong ngành y tế đã xảy ra từ nhiều năm qua. Điều này từng được nêu ra tại phiên Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 6 tổ chức ngày 26 tháng năm 2009 tại Hà Nội. Lúc bấy giờ, Cơ quan Thanh tra Chính phủ xác định tham nhũng trong ngành y tế Việt Nam có tính chất nghiêm trọng, được tìm thấy trong cả ba lĩnh vực.
Lĩnh vực thứ nhất là quản lý nhà nước trong ngành y tế, từ việc cấp phép, mua sắm, tuyển dụng và thăng chức tới quản lý tài chính. Lĩnh vực thứ hai là cung cấp dịch vụ tại các cơ sở y tế và mối quan hệ với các cán bộ trong ngành y tế. Lĩnh vực thứ ba là bảo hiểm y tế. Việc lạm quyền thông qua bảo hiểm y tế có thể thấy rõ trong quan hệ giữa nhà bảo hiểm và các bác sĩ cũng như nhà bảo hiểm và các bệnh nhân.
12 năm sau, tại phiên thảo luận của Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, đại biểu Vũ Trọng Kim, đoàn Nam Định cho rằng: “Từ vấn đề kinh tế, đất đai, thầu, khoán bây giờ lây sang lĩnh vực mà tôi nghĩ không nên có trong xã hội như ngành y tế, lợi dụng dịch bệnh để mua bán vật tư thiết bị y tế, những chỗ mà tôi thấy xâm hại lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, nhìn vào đó chúng ta thấy đau lòng”.
Nhận định về vấn nạn tham nhũng nói chung và trong lĩnh vực y tế nói riêng, một số chuyên gia cho rằng rất khó diệt dưới sự quản trị của một thể chế độc tài. Quyền lực không được kiểm soát và không có tính độc lập.
Một chuyên gia y tế không muốn nêu tên ở Hà Nội từng nêu vấn đề này với RFA hôm 29 tháng 11:
“Thực tế mà nói thì ngành nào cũng có tham nhũng, hối lộ hết. Nó phổ biến trong xã hội Việt Nam hiện nay, chỉ có điều chỗ nào họ khui ra, họ bắt thì mới biết. Cũng có khi họ để cho ăn, đến khi nhiều quá không giấu được hoặc ‘chơi’ nhau thì phanh phui ra.
Ngành y tế thì phổ biến là nâng giá thiết bị. Thứ nhất là ăn tiền từ ngân sách Nhà nước, thứ hai là ăn tiền từ bệnh nhân. Nó ăn theo đường dây với nhau. Thông thường các thiết bị y tế lớn được các tỉnh đấu thầu theo giá của Hà Nội. Nếu BV Bạch Mai mua một máy với giá này thì các bệnh viện khác không dám mua với giá thấp hơn, mà cũng không công ty nào dám bán với giá thấp hơn. Không ai dám thành lập hội đồng đấu thầu để ‘đánh nhau’ cả. Cho nên tham nhũng ở Việt Nam có tính Đảng và có tính tập thể. Nó khép kín. Đã vào guồng thì không tránh được.”
Nói đến tham nhũng trong ngành y tế mùa dịch COVID-19 thì không thể không nói đến những bộ xét nghiệm được kê khai mỗi nơi một giá.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương hôm 26 tháng 9 năm 2021, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam cho biết, một bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 mua giá sỉ ở nước ngoài giá chỉ khoảng 35.000 đồng nhưng các tỉnh thành đang đấu thầu với giá cao gấp đôi.
Trao đổi với truyền thông Nhà nước về vấn đề này, lãnh đạo Vụ Trang thiết bị – Công trình y tế nói rằng: “Giá test xét nghiệm do doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Các địa phương có thể tham khảo trong triển khai đấu thầu mua sắm. Bộ Y tế hiện không đàm phán cũng như không kiểm soát giá thiết bị y tế này do chưa có quy định”.
Dư luận cho rằng, một số cơ quan chức năng của nhà nước cũng ‘dính’ vào vụ tham nhũng giá xét nghiệm khi cả hai thành phố lớn là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội từng bị yêu cầu đem dân ra xét nghiệm ‘thần tốc’.
Hôm 15 tháng 8 năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch 2716 về việc triển khai công tác xét nghiệm COVID-19 trên địa bàn thành phố từ ngày 15 tháng 8 đến ngày 15 tháng 9. Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, muốn kiểm soát được dịch bệnh thì phải biết được F0. Muốn biết được F0 phải xét nghiệm. Muốn xét nghiệm phải thực hiện chiến lược mới.
Đến ngày 6 tháng 9 năm 2021, chính quyền thành phố Hà Nội cũng ra quyết định xét nghiệm thần tốc COVID-19 toàn bộ dân thành phố, quét nhiều vòng để bóc tách nhanh các ca F0 ra khỏi cộng đồng.
TS.BS Võ Xuân Sơn, Phòng khám Quốc Tế EXSON ở TP.HCM cho rằng, không ai đi xét nghiệm cả thành phố gần 10 triệu dân để đi tìm người nhiễm, ngoại trừ người ta cần phải tiêu thụ lượng kit, test nào đó, phục vụ lợi ích cho các tập đoàn dược.
“Không ai đem hết dân của một thành phố ra mà xét nghiệm cả. Giả dụ hôm nay xét nghiệm 10 người thì có ba người dương tính, bảy người âm tính. Ngày mai trong bảy người âm tính có thể có thêm một người dương tính, mốt thêm một người nữa thì chuyện xét nghiệm nó trở thành vô nghĩa.”
Hiện dư luận xã hội đang quan tâm vụ kit xét nghiệm COVID-19 của công ty Việt Á. Theo thông tin được truyền thông nhà nước loan hôm nay thì bộ kit của Công ty Việt Á nhiều lần nằm số một danh sách sinh phẩm được cấp sổ đăng ký theo thông báo của Bộ Y tế gửi địa phương, giá bán công bố 470.000 đồng/sản phẩm.