Tranh cãi trong Liên Âu về đề xuất xóa bỏ những từ ngữ liên quan đến Thiên Chúa Giáo
Đăng ngày: 22/12/2021
Chi Phương
Tại phiên họp cuối cùng của năm 2021 ở Nghị Viện Châu Âu, các nghị sỹ đã tranh luận căng thẳng về việc nên nói « kỳ nghỉ lễ Giáng sinh » hay « lễ cuối năm », xoay quanh quyển hướng dẫn sử dụng từ ngữ do uỷ viên châu Âu phụ trách về quyền bình đẳng đề xuất. Sự việc đặt ra hai vấn đề : nguồn gốc Thiên Chúa Giáo ở Liên Âu và ảnh hưởng của luồng tư tưởng mới « wokisme » – bảo vệ nhóm thiểu số.
« Merry Chrismast », « Joyeux Noel »,« Giáng sinh vui vẻ » hay « Chúc mừng kỳ nghỉ lễ cuối năm ». Chưa bao giờ vào phiên họp cuối cùng của năm tại Nghị Viện Châu Âu, các nghị sỹ khi kết thúc bài phát biểu của mình bằng những lời chúc chứa đầy sự tức giận và mỉa mai đến vậy. Cuộc chiến từ vựng tại Nghị Viện xảy ra Hôm thứ tư, 15/12/2021, sau khi bà Helena Dalli, ủy viên châu Âu, phụ trách về quyền bình đẳng, đã đề xuất quyển hướng dẫn giao tiếp nội bộ với ngôn ngữ thể hiện tính bình đẳng và mang tính bao trùm. Mục đích là để phản ánh sự đa dạng trong văn hoá châu Âu và tôn vinh các giá trị, chống lại sự bất bình đẳng về tôn giáo, giới tính, hay chủng tộc.
Được ví như quyển « Hồng bảo thư », đề xuất của bà Helena Dalli đưa ra một loạt danh sách các từ ngữ nên tránh hoặc cấm sử dụng. Cụ thể là, khi đề cập đến giới tính, thay vì nói « Thưa Quý ông, Thưa quý bà », thì nên sử dụng từ « Thưa quý đồng nghiệp », và viện lý do là cộng đồng LGBT gia tăng. Điều gây tranh cãi nhiều nhất trong công luận Liên Âu và tại Nghị Viện đó là đề xuất loại bỏ tất cả các tham chiếu liên quan đến từ Noel hay còn gọi là Giáng sinh trong ngôn ngữ giao tiếp nội bộ của Liên Âu. Ví dụ như thay vì nói là kỳ nghỉ lễ Giáng sinh thì nên sử dụng từ “ kỳ nghỉ lễ cuối năm’, để xoá bỏ các khía cạnh ám chỉ tôn giáo được cho là thống trị ở châu Âu. Bà Helena Dalli cũng đề xuất tránh sử dụng các tên có nguồn gốc Thiên Chúa Giáo, và đưa ra ví dụ như thay tên « Marie và John » bằng « Malika và Julio ».
Việc loại bỏ nguồn gốc Thiên Chúa Giáo đã khiến các nghị sỹ châu Âu của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (PPE) của Liên Âu bất bình. Đối với nghị sỹ François-Xavier Bellamy của đảng PPE, điều này quả thực là « sự điên rồ », và « đả kích lòng căm thù nhắm đến cội rễ đã làm nên châu Âu ». Theo ông, Giáng sinh không chỉ là một cái cớ cho kỳ nghỉ lễ. Đây là ngày mà « thế giới mà chúng ta thừa hưởng được sinh ra » (…). « Từ chối những gì kết nối chúng ta là phá hủy mọi khả năng thuộc về một nền văn hóa chung, mọi hy vọng về sự đồng hóa và do đó mở đường cho sự tan rã của xã hội chúng ta ».
Ủy viên Helena Dalli cho rằng tham chiếu liên quan đến Thiên Chúa Giáo được xem như là một sự « xúc phạm đối với các tôn giáo khác », và nên tránh việc giả định tất cả những người trong Liên Âu đều theo đạo Thiên Chúa. « Không phải tất cả mọi người đều mừng lễ Noel và không phải tất cả những người theo đạo Thiên Chúa nào cũng mừng lễ Giáng Sinh cùng một ngày. Chính vì thế cần phải nhạy cảm với việc mọi người theo tôn giáo và bộ lịch khác nhau ».
Đề xuất được đưa ra từ cuối tháng 10/2021, quyển hướng dẫn giao tiếp bằng từ ngữ bao trùm đã bị bà Ursula Von Der Leyen, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu thu hồi vào cuối tháng 11, ngay sau khi báo chí châu Âu chỉ trích những đề xuất này. Nhưng không vì thế mà cuộc chiến từ vựng này bị chôn vùi. Một cuộc tranh luận đã được đưa vào chương trình làm việc của phiên họp cuối cùng ở Nghị Viện Châu Âu vào tuần trước. Thế nhưng, tác giả của bản « Hồng bảo thư » lại vắng mặt, thay vào đó là phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, ông Margarítis Schinás phải lên tiếng khẳng định rằng Ủy ban không có ý định xoá bỏ lễ Giáng Sinh, cũng như xoá bỏ nguồn gốc 2000 năm của Do Thái – Thiên Chúa và nhấn mạnh việc quyển hướng dẫn sử dụng từ ngữ bao trùm « chưa từng được đọc qua » bởi Ủy Ban. Việc thu hồi là do không tuân thủ các chỉ tiêu về chất lượng của Ủy ban. Theo báo Le Point, các giải thích này quá hời hợt, bởi vì trước đó một số thông tin cho biết, các chương trình đào tạo sử dụng từ ngữ mới này đã được lên kế hoạch đối với một số ban bệ trong Ủy Ban Châu Âu. Trong một bài đăng trên Twitter, bà Helena Dalli cho biết sẽ đưa ra các chỉnh sửa phù hợp, quyển hướng dẫn sử dụng ngôn ngữ bao trùm gây nhiều tranh cãi vẫn nằm trên trang mạng của Ủy Ban Châu Âu
Về việc này, RFI Tiếng Việt đã trao đổi với ông Olivier Roy, nhà khoa học chính trị, giảng viên tại Viện Đại học châu Âu tại Ý, chuyên nghiên cứu mối quan hệ giữa chính trị và tôn giáo.
RFI Tiếng Việt xin kính chào ông Olivier Le Roy. Như đã trình bày ở trên, theo ông, việc đề xuất xoá bỏ từ Noel khỏi hệ thống từ vựng dùng trong nội bộ Liên Âu có đáp ứng được việc bảo vệ nhóm thiểu số tôn giáo như mục đích mà quyển hướng dẫn sử dụng từ ngữ bao trùm hướng đến :
Đầu tiên phải nói rằng, đây không phải là yêu cầu của nhóm tôn giáo thiểu số nào cả. Nghĩa là những người theo đạo Hồi chưa bao giờ yêu cầu không mừng lễ Noel cả, trong các gia đình Hồi giáo, thậm chí họ có cả cây thông Noel, tôi nói là thông thường chứ không phải lúc nào cũng vậy. Điều này rất vô lý khi yêu cầu thay thế từ kỳ nghỉ Noel bằng từ kỳ nghỉ cuối năm. Bởi vì người dân sẽ vẫn tiếp tục trang trí cây thông Noel để mừng Noel. Vì thế, thay đổi một từ mà không thay đổi thực tế của nó, điều này rất vô lý.
RFI : Trong cuộc tranh luận tại Nghị Viện Châu Âu, chủ tịch của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, ông Manfred Weber, nhắc đến việc bảo vệ ADN của châu Âu, và giá trị Thiên Chúa giáo mà châu Âu kế thừa, liên quan đến 300 triệu người Liên Âu. Một số nghị sỹ châu Âu khác cũng phản đối mạnh mẽ việc đề xuất sử dụng từ ngữ trung lập, muốn loại bỏ từ Noel và đưa ra lập luận về cội rễ của đạo Thiên Chúa là giá trị chung của châu Âu, nhất là vai trò của lễ Giáng sinh đối với công dân Liên Âu. Vậy ông đánh giá các nhận định này như thế nào ?
Điều này đặt ra hai vấn đề. Nếu nói vậy có nghĩa là \”lễ Giáng sinh\” là của châu Âu, trong khi điều đó là không đúng. Tức là họ giả định rằng đạo Thiên Chúa xuất phát từ châu Âu. Nhưng họ bỏ qua tính phổ cập của đạo Thiên Chúa. Không sai, lễ Noel là lễ của đạo Thiên Chúa, và không ai nghi vấn điều này cả, đó là ngày chúa Jesus sinh ra. Nhưng Noel trở nên toàn cầu hoá với hình ảnh ông già Noel. Ngay cả người Hồi giáo và người theo đạo Do Thái cũng mừng lễ Noel. Đó là trường hợp ở Israel, với sự xuất hiện của ông già Noel trong dịp này, mặc dù xã hội Israel chủ yếu là người Do Thái. Và cả ở Trung Quốc, Nhật Bản hay Hồng Kông cũng tương tự, họ cũng mừng lễ giáng sinh. Điều mà tôi thấy nực cười ở đây đó chính là lập trường của các nghị sỹ, giống như là lập trường của « chủ nghĩa đế quốc » khi cho rằng đạo Thiên Chúa là của châu Âu. Thế nhưng nguồn gốc của đạo Thiên Chúa lại xuất phát từ Trung Đông. Rồi sau đó được thế tục hoá qua hình ảnh ông già Noel.
RFI : Thưa ông Olivier Roy ông cũng là tác giả của tiểu luận ‘l’Europe est-t-elle chrétienne ? tạm dịch là «châu Âu có phải là Thiên Chúa », vậy nhận định thế nào về việc phải bảo vệ “bản sắc Thiên Chúa” mà một số nghị sỹ châu Âu đề cập đến trong buổi tranh luận, và ảnh hưởng của tôn giáo này tại châu Âu ngày nay, ngay cả khi Giáo hội và một số lãnh đạo tại châu Âu không công nhận điều đó ?
Về mặt giá trị, châu Âu không còn là Thiên Chúa giáo nữa. Mặc dù đó là tôn giáo thống trị tại châu Âu vẫn là Thiên Chúa giáo, nhưng người dân không còn là tín đồ nữa. Người ta không đến nhà thờ nữa. Thiên Chúa giáo đã kết thúc. Tại Pháp, 5% dân số đi đến nhà thờ, tại Đức là 5,6 %. Giáo Hội cũng không ngừng nhắc đến việc châu Âu không còn những giá trị Thiên Chúa giáo. Giáo Hội cũng không ngừng đấu tranh chống lại Nghị Viện, do Nghị Viện không ngừng thông qua các luật chống lại các giá trị của tôn giáo này. Ví dụ như việc cho phép hôn nhân đồng giới, đó không phải là giá trị Thiên Chúa. Theo tôi, dù sao thì cũng rất phi lý khi đấu tranh lại điều này (như đề xuất của ủy viên châu Âu). Phi lý khi áp đặt trở lại một tôn giáo mà người ta không còn là tín đồ nữa, nhưng cũng phi lý khi đấu tranh chống lại những gì mà « văn hóa tôn giáo » còn sót lại.
RFI : Một số tờ báo như Figaro và Le Point chỉ ra rằng việc đề xuất sử dụng từ ngữ thể hiện sự bình đẳng và mang tính bao trùm, xuất phát từ chủ nghĩa wokisme, du nhập từ Mỹ sau phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người da đen Black Lives Matters. Phong trào wokisme sau đó được mở rộng ra, thể hiện sự nhận thức về các bất bình đẳng gây ra một cách có hệ thống bởi hệ thống chính trị và xã hội, hướng tới bảo vệ quyền lợi của nhóm thiểu số, trong mọi lĩnh vực như tôn giáo, sắc tộc, hay giới tính. Vậy ông có đồng ý với nhận định rằng châu Âu đang dần bị xâm lấn bởi chủ nghĩa mới này, dẫn đến vụ việc gây tranh cãi xung quanh quyển hướng dẫn sử dụng ngôn ngữ hòa nhập ?
Phong trào wokisme mới rộ lên cách đây không lâu, thế nên theo tôi, phong trào này nằm trong một nhận thức mới về tư tưởng, giá trị mới. Nhưng phong trào wokisme không phải là nguyên nhân dẫn đến đề xuất về từ ngữ mang tính bao trùm của bà Dalli. Những đề xuất tương tự bắt đầu rất lâu trước đó. Theo tôi, đó là chủ nghĩa đa văn hoá, bắt đầu từ những năm 1990, đã có nhiều cuộc tranh luận. Và sự phát triển của chủ nghĩa đa văn hoá hướng đến thay vì ca ngợi những nền văn hoá khác nhau thì không ca ngợi bất kỳ nền văn hoá nào. Logic của chủ nghĩa đa văn hóa là đặt các nền văn hóa ngang nhau. Phải nhắc đến đề xuất của Hội đồng Stasi vào năm 2004, khuyến nghị việc không nên chỉ tổ chức mừng lễ Giáng sinh, mà cũng phải mừng các lễ tôn giáo khác như lễ Hanuka, lễ hội cừu của ngườii do Thái, nhưng sau đó người ta nhận ra rằng điều này không khả thi vì còn có rất nhiều lễ khác như lễ Rửa Tội, lễ Phục Sinh, lễ Ấn Độ…vv Theo hướng này, thì logic của chủ nghĩa đa văn hoá đó là làm các nền văn hoá biến mất, hay trung hoà văn hoá. Tức là sự chấm dứt của tất cả các tham chiếu văn hoá, và đó là không khả thi vì tất cả xã hội đều được xây dựng trên một nền văn hoá sẻ chia.
RFI : Một số nhà quan sát cho rằng phong trào wokisme đang xâm lấn châu Âu. Vào tháng 10, bộ trưởng bộ Giáo Dục Pháp, ông Jean Michel Blanquer, đã lập ra một tổ chức tư vấn với mục tiêu chính là cuộc chiến chống lại chủ nghĩa wokism. Thậm chí, trong một cuộc phỏng vấn với Le Monde, ông Balnquer giải thích rằng “Nước Pháp và giới trẻ cần phải thoát khỏi hệ tư tưởng này, đồng thời nói thêm rằng Cộng hòa là hai cực ngoài chủ nghĩa “wokism”. Theo ông liệu chủ nghĩa tư tưởng mới wokisme nói có thể trở thành một xu hướng ảnh hưởng mới tại châu Âu ?
Đây là một hình thức đấu tranh bảo vệ các nhóm thiểu số, và bên trong đó thì có rất nhiều trường phái khác nhau. Trước kia người ta nói đến chủ nghĩa cộng sản, sau đó là chủ nghĩa đạo Hồi, và bây giờ là chủ nghĩa wokism, vì thế cần phải nhìn nhận rõ luồng tư tưởng mới này là gì. Chủ nghĩa wokism là một phong trào văn hoá, nhưng không manh tính toàn diện. Luồng tư tưởng mới này không có liên quan gì tới sinh thái học, kinh tế cũng như quan hệ quốc tế. Nó chỉ là một nỗ lực hướng đến về việc xem xét lại quyền lợi của các nhóm thiểu số. Nó chỉ là một hình thức đấu tranh chứ không tạo ra một quan điểm toàn thể về thế giới.
RFI xin cảm ơn ông Olivier Roy, nhà khoa học chính trị, giảng viên tại Viện Đại học châu Âu tại Ý, và cũng là tác giả của cuốn \” Liệu châu Âu có là Thiên Chúa\” ?