Chuyện về vị cố mệnh đại thần triều Lý được so sánh với Gia Cát Lượng. (Ảnh: Tổng hợp)
Chuyện về vị cố mệnh đại thần triều Lý được so sánh với Gia Cát Lượng
Bình luậnNguyên Phong • 17/12/21
Thời Tam Quốc, Trung Hoa có Gia Cát Lượng là vị quân sư tài ba và đức độ bậc nhất, là quan tể tướng và phụ chính đại thần tận tụy trung thành, tiếng thơm lưu muôn thuở. Nhưng không nhiều người biết rằng nước Nam ta cuối triều Lý cũng từng có một vị đại thần được sánh với Gia Cát Lượng. Tên ngài là Tô Hiến Thành.
Xuất thân của Tô Hiến Thành
Tô Hiến Thành (1102 – 1179) người xóm Lẻ, hương Ô Diên, huyện Vĩnh Khang, thành Thăng Long (nay là xóm Lẻ, thôn Hạ Mỗ, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội).(1) Ông từng đỗ khoa thi Minh kinh bác học (tiến sĩ) khoa Mậu Ngọ (1138) đời vua Lý Thần Tông.(2) Ông tài kiêm văn võ, ra trận tướng võ vào triều quan văn; vừa là võ tướng tài ba dẹp Chân Lạp, phạt Chiêm Thành, tiễu trừ phản loạn Thân Lợi…; vừa là quan văn liêm khiết, đức độ, một cố mệnh đại thần trung thành “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”; vừa để lại những bài học dùng người xứng đáng làm mẫu mực cho hậu thế.
Ra trận tướng võ
Năm 1140, Thân Lợi tự xưng là con trai của tiên vương Lý Nhân Tông và nổi loạn chống lại vua Lý Anh Tông ở khu vực phía bắc (nay là Thái Nguyên).(3) Lực lượng của Thân Lợi bị quân đội nhà Lý do Thái úy Đỗ Anh Vũ dẹp tan, bản thân người này bị Tô Hiến Thành bắt được và bị chém đầu cùng với 20 người thân tín theo lệnh của Lý Anh Tông vào tháng 10 năm 1141.(4) Gần 400 người theo Thân Lợi bị xử lưu đày nhưng sau được Tô Hiến Thành tâu xin với vua, dẫn việc nhân đức đời Nghiêu Thuấn, nên họ được tha cả. Tô Hiến Thành mong muốn vua Lý Anh Tông làm yên bụng dân chúng miền biên giới – lực lượng chính theo Thân Lợi – để đảm bảo an ninh của Đại Việt.(5) Sự việc khiến chúng ta nhớ đến cách Gia Cát Lượng đối đãi với Mạnh Hoạch và quân phản loạn, bắt rồi lại thả, cốt để người Man tâm phục khẩu phục mà hàng, mới có ổn định chính trị ở khu vực biên giới phía Nam.
Khi ấy có quân Chiêm Thành thường vượt biển vào cướp bóc nhân dân ở miền duyên hải. Tô Hiến Thành phụng mệnh đi đánh, kéo quân vào đến nước Chiêm (nay là Bình Định, Phú An). Trước hết ông gửi thư thống trách chúa Chiêm đã không giữ lễ phiên thần triều cống, lại bày tỏ điều lợi hại để chiêu dụ, chúa Chiêm sợ phải sai sứ đem trân châu phẩm vật, vào cống hiến để xin giảng hòa. Lúc đó Tô Hiến Thành mới phụng mệnh đem quân về.(6)
Giỏi việc chinh chiến, nhưng Tô Hiến Thành không lấy việc sát phạt chém giết làm đầu. Ông sử dụng lối dùng binh của vương giả: “tiên lễ hậu binh”, trước hết phân tích lợi hại phải trái, đem chính nghĩa mà khuyên bảo địch nhân, lại làm họ thấy khó mà nhụt chí, tâm phục khẩu phục mà lui binh để tránh cho sinh linh đồ thán. Cũng như Gia Cát Vũ Hầu, Tô Hiến Thành xuất thân là một người đọc sách, ông hiểu rõ cái lẽ “không đánh mà khuất phục được địch, đó mới là tướng giỏi nhất trong những tướng giỏi” trong “Mưu công” của binh pháp Tôn Tử.
Tô Hiến Thành còn phụng mệnh dẹp các cuộc phản loạn của người Ngưu Hống và Ai Lao, bắt nhiều tù binh, trâu bò ngựa và vàng bạc châu báu. Nhờ công này mà được phong làm Thái úy.
Thái úy Tô Hiến Thành đã cùng vua Lý Anh Tông dẹp phản loạn, mở bờ cõi… khiến cho vị thế của Đại Việt dưới thời vua Lý Anh Tông trở nên lớn mạnh so với lân bang kể cả với Đại Tống, buộc nhà Tống phải công nhận Đại Việt vào năm 1164.Đoàn sứ triều Lý (phải) dẫn hai con voi sang triều Bắc Tống, phía bên trái là đoàn sứ Đại Liêu. (Phạm vi công cộng)
Nhập triều quan văn
Trước khi trở thành một tể tướng, một cố mệnh đại thần, công lao lớn nhất trong vai trò một văn thần của Tô Hiến Thành là tổ chức khai hoang lấn biển ở duyên hải thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa và Hà Tĩnh ngày nay, đặc biệt đối với vùng đất ven biển Hải Dương nay là Vĩnh Bảo – Hải Phòng.
Theo “Việt sử thông giám cương mục”, hồi đầu đời Lý, Văn miếu thờ chung cả Chu Công và Khổng tử. Đến năm 1156, Tô Hiến Thành xin lập miếu riêng để thờ Khổng Tử. Vua Lý Anh Tông y lời, lập miếu Khổng Tử ở phía Nam thành Thăng Long. Ý nghĩa của việc này là tôn cao Nho học, xây dựng nền văn hiến cũng như tuyển chọn nhân tài cho nhà nước… đều có công lao của Tô Hiến Thành cả.
Nhưng trong đời Tô Hiến Thành, có thể việc khiến ông khó xử chính là phụng mệnh vua để “thanh lý môn hộ” trong hoàng thất. Trước kia là với Thân Lợi, nay là với thái tử Lý Long Xưởng.
Thái tử Lý Long Xưởng là người con trưởng của vua Lý Anh Tông, từ khi chào đời đã được định sẵn làm kẻ kế vị. Nhưng vị thái tử này phẩm hạnh không đoan chính, ăn chơi phóng đãng khiến vua Lý Anh Tông không hài lòng. Năm Giáp Ngọ, Lý Long Xưởng bị tố cáo tư thông với cung phi của vua cha. Sự việc khiến vua Lý Anh Tông rất giận dữ, bèn bàn định với tể tướng Tô Hiến Thành để phế ngôi thái tử của Lý Long Xưởng, khiến Long Xưởng bị truất phế làm thứ dân, lại bị bắt giam một thời gian.
Vua Anh Tôn mới họp quần thần lại dụ rằng: “Ngôi thái tử là cội rễ trong nước, nay Long Xưởng đã làm điều bất đạo, trẫm muốn lập Long Cán để nối đại thống, nhưng e tuổi còn thơ ấu, sợ rằng không kham nổi chăng?”. Vừa khi ấy quan nội hầu ẵm hoàng tử Long Cán mới lên ba tuổi ra chơi, trông thấy khăn ngự của vua đội, nhất định đòi cho được, vua chưa kịp cho, thì lại khóc ré lên. Vua phải hạ khăn xuống đưa cho, thì Long Cán cười lớn. Vua Anh Tôn lấy làm lạ, mới quyết định lập Long Cán làm thái tử. Bèn cho Tô Hiến Thành làm Thái phó, gia phong vương tước, để phù lập Long Cán nối ngôi.(7)
Vị cố mệnh đại thần trung thành, liêm khiết, không sợ uy quyền
Năm Tân Sửu, Lý Long Xưởng xuất ngục, ông này bất mãn nên đã tụ tập bọn vô lại bất lương làm việc cướp bóc. Đến năm 1175 vua Anh Tông băng hà, truyền di mệnh lại để Tô Hiến Thành phò trợ ấu chúa Long Cán tức Lý Cao Tông. Bấy giờ chính thất khi trước của Anh Tông là Chiêu Linh hoàng hậu Vũ thị, nay là Chiêu Linh Thái hậu, bèn sai đem cả mâm vàng đến hối lộ vợ của Tô Hiến Thành, những mong ông sửa đổi di chiếu để lập con trai mình là Long Xưởng lên ngôi. Tô Hiến Thành mới nói rằng: “Ta là đại thần, nhận tờ di chiếu giúp ngôi ấu chúa; nếu lại tham lấy của hối lộ, bỏ vua này, lập vua khác, thì còn mặt mũi nào trông thấy đấng tiên đế ở dưới suối vàng nữa.”Chiêu Linh Thái hậu bèn sai đem cả mâm vàng đến hối lộ vợ của Tô Hiến Thành, những mong ông sửa đổi di chiếu để lập con trai mình là Long Xưởng lên ngôi.
Chiêu Linh Thái hậu lại vời Hiến Thành đến khuyên dỗ trăm đường, ông nhất định không nghe, nói rằng: “Làm điều bất nghĩa mà được phú, quý, người trung thần, nghĩa sĩ không thèm làm. Phương chi lời đấng tiên đế dặn lại hãy còn văng vẳng ở bên tai, tôi đâu lại dám cãi lời; Thái hậu lại chẳng nghe chuyện Y Doãn, Hoắc Quang đời trước à!” Thái hậu khuyên dỗ mãi cũng không lay chuyển. Khi Cao Tông lên nối ngôi, Thái hậu lại họp cả quần thần lại để mưu chuyện phế, lập; quần thần đều thưa rằng: “Quan Thái phó đã tuân tờ di chiếu, lập ngôi ấu chúa, chúng tôi không dám trái lời.” Bởi vì khi ấy Tô Hiến Thành quản cấm binh, phụ quốc chính, hiệu lệnh nghiêm mật, thưởng phạt công minh, trong nước đều quy phục cả, nên mưu ấy cũng tự tan.(8)
Một cố mệnh đại thần không chỉ là giúp quân chủ non trẻ gánh vác việc nước, mà còn là xử lý tốt mối quan hệ trong hoàng thất và phải cảnh giác với tham vọng của chính mình, trọng trách này ít ai làm nổi. Khi hoàng thất lắm phe nhiều phái, thì cố mệnh đại thần phải giữ mình trong sạch, tránh bị lợi dụng, lại không đắc tội với họ. Hơn nữa, nắm đại quyền trong tay mà không lộng quyền, phản chúa, trong khi đó phải ra sức tài bồi cho ấu chúa mau trưởng thành, thì chỉ có người trung trinh, liêm khiết, có công phu tu dưỡng như Tô Hiến Thành mới làm được mà thôi.
Xem như sau này nhà chúa Trịnh có Quận Huy Hoàng Đình Bảo, nhà chúa Nguyễn có Trương Phúc Loan, đều làm phụ chính đại thần và đều lộng hành tác oai tác quái vì tham lam quyền lực, truy cầu danh lợi, dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Trịnh, Nguyễn… thì mới thấy rằng phụ chính đại thần như Tô Hiến Thành quả có mấy ai.
Ông chính là mang phong thái một bậc đại trượng phu mà như bậc thầy Mạnh Tử nói: “sống trong cảnh giàu sang phú quý mà tâm trí không mê loạn, nghèo hèn không làm tiết tháo thay đổi, bị người dùng vũ lực nhưng không khuất phục.”
Bài học mẫu mực về cách dùng người dành cho hậu thế
Năm 1179, khi vua Lý Cao Tông mới lên 6 tuổi thì Tô Hiến Thành ốm nặng. Khi Hiến Thành sắp mất, có quan Tham tri chính sự là Vũ Tán Đường thường ngày đêm xuống hầu hạ thuốc thang luôn, còn quan Gián nghị đại phu là Trần Trung Tá vì bận việc nên ít khi đến. Một hôm Đỗ Thái hậu ra thăm, hỏi Hiến Thành về sau ai có thể thay ông được? Hiến Thành thưa rằng: “Có người Trung Tá.” Đỗ Thái hậu ngạc nhiên nói rằng: “Tán Đường hầu thuốc thang luôn ở đây, sao ông không cử đến.” Hiến Thành đáp rằng: “Ngài cốt hỏi người thay tôi để giúp nước, thì tôi cử Trung Tá. Nếu ngài hỏi người hầu hạ, thì tôi mới cử Vũ Tán Đường.” Thái hậu khen là trung trực.(9)
Bài học ở đây là dùng người đúng vị trí phù hợp với năng lực, và phải công tâm. Nếu Tô Hiến Thành không lấy việc quốc gia đại sự làm trọng, thì có thể ông sẽ tiến cử người vì tư tình, vì ơn huệ cá nhân, cụ thể là tiến cử Vũ Tán Đường – người ngày đêm chăm sóc hầu hạ ông trước lúc lâm chung. Nhưng việc dùng sai người sẽ gây hậu họa cho nước, cho dân, vị trí càng cao gây họa càng lớn.
Thực tế là sau khi Tô Hiến Thành mất, triều đình nhà Lý đã không nghe lời ông để chọn Trần Trung Tá, mà chọn một nhân vật khác là Đỗ An Di, em trai của Đỗ thái hậu. Người này bất tài kém đức, vì thế vua Cao Tông không được dạy bảo điều hành chính sự mà chỉ lo ăn chơi khiến nhà Lý đi vào suy vong.
Cũng tương tự như khi Gia Cát Vũ Hầu nhắm mắt xuôi tay thì Hậu chủ Lưu Thiền không có ai dạy dỗ quản thúc, cuối cùng để mất nước.
Bình luận về việc này, sử quan Ngô Sĩ Liên viết: “Tô Hiến Thành nhận việc ký thác con côi, hết lòng trung thành, khéo xử trí khi biến cố, tuy bị gió lay sóng đập nhưng vẫn đứng vững như cột đá giữa dòng, khiến trên yên dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần đời xưa. Huống chi cho tới lúc sắp chết còn vì nước tiến cử người hiền, không vì ơn riêng, Thái hậu không dùng lời nói của Hiến Thành là việc không may cho nhà Lý vậy”.
Còn các sử quan triều Nguyễn trong “Việt sử thông giám cương mục” có lời nhận định rằng: “Sau Gia Cát Vũ hầu chỉ có một người ấy thôi”.
Cũng như Gia Cát Lượng với nhà Hậu Hán, Tô Hiến Thành gánh vác trọng trách quốc gia Đại Việt khi mà khí vận nhà Lý đã suy vong, thù trong giặc ngoài không ngớt, ấu chúa còn nhỏ mà hoàng thất phân ly, nhiều người có mưu đồ riêng, quả là Tô Hiến Thành như cây “cột đá giữa dòng”. Sau khi cây cột đỡ ấy mất đi không có ai thay thế nổi, nước nhà cũng lụn bại, rốt cuộc nhà Lý mất nghiệp.
Nguyên Phong
Chú thích:
(1): Theo “Từ điển Bách khoa Toàn thư Việt Nam”.
(2): Theo \”Từ Liêm huyện đăng khoa chí\” do Cử nhân Bùi Xuân Nghi biên tập thời Tự Đức
(3): Theo Trần Trọng Kim 1971, tr. 45–46.
(4): Theo Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 135–137.
(5): Theo National Bureau for Historical Record 1998, tr. 165.
(6), (7), (8), (9): Theo “Nam Hải Dị nhân Liệt truyện” của Phan Kế Bính