Ổn định tại Libya, viễn cảnh còn xa vời
Đăng ngày: 23/12/2021
Thanh Hà
Libya vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm. Hai ngày trước cuộc bầu cử tổng thống, hôm 22/12/2021 Tripoli thông báo « dời lại vô hạn định » sự kiện chính trị rất được mong đợi này. Mười năm sau ngày lật đổ chế độ Kadhafi, sau hai cuộc nội chiến, viễn cảnh vãn hồi hòa bình và ổn định tại quốc gia dầu hỏa này vẫn xa vời. Bài toán thêm nan giải khi Libya trở thành mặt trận để phương Tây, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu.
Trên nguyên tắc ngày 24/12/2021 gần hai triệu rưỡi cử tri Libya được kêu gọi bầu lại tổng thống. Liên Hiệp Quốc ủng hộ tiến trình bầu cử này vì xem đây là lối thoát duy nhất đưa Libya ra khỏi một chu kỳ hỗn loạn 10 năm kể từ khi chế độ trong tay nhà độc tài Mouamma Kadhafi bị lật đổ năm 2011. Tuy nhiên ai cũng biết, tổ chức bầu cử tại Libya là nhiệm vụ bất khả thi và cho dù cử tri có đến được các phòng phiếu đi chăng nữa thì Libya vẫn trong tình trạng hỗn loạn.
Vậy thì tại sao cho đến tận phút chót, cộng đồng quốc tế vẫn kỳ vọng nhiều vào cuộc bầu cử này ?
Tính chính đáng của các ứng cử viên
Theo danh sách chính thức có gần 100 người cùng muốn tranh một chiếc ghế « tổng thống ». Có những gương mặt nổi bật nào ra tranh cử tổng thống Libya và vì sao chỉ cần nhìn vào danh sách đó cũng đủ để giới phân tích thấy trước rằng tổ chức bầu cử ngày 24/12/2021 là « nhiệm vụ bất khả thi » ?
Trong số 98 ứng cử viên, 73 người chính thức được ủy ban bầu cử chấp thuận nhưng giới quan sát ghi nhận toàn cảnh chính trị Libya bị chia rẽ đến nỗi « ngay cả nhóm 73 ứng cử viên chính thức đó vẫn bị các đối thủ coi là những ứng viên bất hợp pháp ». Ba gương mặt nổi bật trong số này gồm :
Thứ nhất là Saif al Islam Kadhafi, 49 tuổi, con trai cố lãnh đạo Kadhafi. Saif al Islam vốn đang bị Tòa Án Hình Sự Quốc Tế truy nã về đợt đàn áp người biểu tình trong cuộc nổi dậy ở Libya hồi từ tháng 2 cho đến tháng 10/2011 khi chế độ Kadhafi sụp đổ. Tháng trước, khi Saif al Islam Kadhafi chính thức thông báo ra tranh cử tổng thống, Tòa Án Hình Sự Quốc Tế trong thông cáo nhấn mạnh lệnh truy nã con trai cố đại tá Kadhafi vẫn « còn tính thời sự ».
Ứng cử viên thứ nhì muốn giành được quyền lực tại Tripoli là thống chế Khalifa Haftar, 78 tuổi. Từ khoảng 2015-2016, nhân vật này đứng đầu Lực Lượng Quân Đội Quốc Gia Libya (LNA) chống thánh chiến Hồi giáo. LNA tung hoành ở miền đông Libya và kiểm soát thành phố lớn thứ nhì trên toàn quốc Benghazi. Thống chế Haftar đã toan chiếm luôn cả thủ đô Tripoli trong tay chính Chính Phủ Đoàn Kết Dân Tộc GNA nhưng đã không thành. Thống chế Khalifa Haftar được Nga, Ả Rập Xê Út, Ai Cập và cả Mỹ, Anh và Pháp ủng hộ.
Nhân vật thứ ba được quốc tế nhắc tới nhiều là đương kim thủ tướng lâm thời Abdelhamid Dbeibah, 62 tuổi. Tháng 2/2021 ông này được chỉ định lãnh đạo chính phủ lâm thời thay thế thủ tướng Sarraj nhưng đổi lại, Abdelhamid Dbeibah đã cam kết giữ thế trung lập, không tham gia cuộc tranh cử lần này.
Khủng hoảng chính trị không hồi kết
Jamal Benoma, cựu phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cảnh báo, chỉ nội việc các ứng viên phủ nhận tính chính đáng của các đối thủ báo trước, cho dù có tổ chức được bầu cử đi chăng nữa thì kết quả sau cùng không bao giờ được tất cả mọi người công nhận. Ông bi quan hơn khi cho rằng, có dời lại ngày bầu cử với hy vọng bảo đảm « những điều kiện cho một cuộc bầu cử tự do và công bằng » thì đó cũng chỉ là một ảo vọng, bởi vì « công luận Libya bị chia rẽ quá sâu đậm để có thể chấp nhận kết quả từ cuộc bỏ phiếu đó ».
Jamal Benomar giải thích thêm : Những vấn đề cốt lõi thách thức Libya từ 2012 đến nay vẫn « còn nguyên vẹn ». Hàng loạt những chia rẽ trong hàng ngũ quân đội, cảnh sát, trong các định chế của Nhà nước … đẩy Libya vào tình thế bất ổn.
Làm thế nào để cử tri của cả nước Libya chấp nhận kết quả bầu cử trong bối cảnh ứng viên Khalifa Haftar đang kiểm soát toàn bộ miền đông đất nước nhưng trong mắt dân cư vùng Tripolitaine, ở miền tây bắc Libya thì nhân vật này vẫn bị coi là « kẻ thù số một » ? Làm sao có thể chấp nhận kết quả bầu cử nếu như một thành viên trong gia đình Kadhafi trở lại nắm quyền ? Và trong trường hợp quyền lực về tay thủ tướng lâm thời Abdelhamid Dbeibah làm sao có thể tin tưởng vào lời nói của một người dễ dàng « nuốt lời hứa » không ra tranh cử ?
Anas el Gomati, giám đốc Viện nghiên cứu độc lập Sadeq Institute trụ sở tại thủ đô Tripoli trả lời phần nào các câu hỏi trên. Theo ông nếu như con trai cố lãnh tụ Kadhafi giành được quyền lực, Libya sẽ lao vào một « cuộc chiến do phe chống Kadhafi khởi động hay một cuộc tổng tấn công nhắm vào Tripoli do tường Haftar dẫn đầu ». Cũng không ai để yên cho ông Abdelhamid Dbeibah ngồi vào chiếc ghế tổng thống. Mọi người đều biết thủ tướng đương nhiệm Libya là một doanh nhân từng một thời thân cận với chế độ Kadhafi.
Quốc tế can thiệp : từ nhiệm vụ « bảo vệ thường dân » đến lật đổ chế độ Kadhafi
Gần bảy triệu dân Libya mệt mỏi vì hai cuộc nội chiến kéo dài trong một thập niên qua : kinh tế kiệt quệ cho dù Libya là một trong 10 quốc gia có dự trữ dầu hỏa lớn nhất thế giới, cho dù trong quá khứ Libya từng là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển và thịnh vượng nhất tại khu vực Bắc Phi. Trong giai đoạn « tan băng » từ 2003 khi Tripoli đấu dịu với cộng đồng quốc tế (nhìn nhận trách nhiệm trong vụ cướp máy bay năm 1988 làm 259 người chết, ký hiệp định chống phổ biến vũ khí hạt nhân), doanh nhân Pháp, châu Âu ồ ạt đầu tư vào Libya. Các tập đoàn dầu khí Mỹ vẫn quan tâm đến những kho dự trữ dầu hỏa lớn của quốc gia Bắc Phi này.
Ngày 26/02/2011 vụ một nhà đấu tranh nhân quyền bị bắt tại Benghazi châm ngòi cho cuộc nổi dậy tại Libya, tiếp nối theo các phong trào dân chủ tại Tunisia, Ai Cập. Chính quyền Kadhafi thẳng tay đàn áp người biểu tình nhưng vẫn không ngăn được vết dầu loang. Đầu tháng 3/2011 Paris tiếp đại diện của mặt trận giải phóng Libya. Ngày 17/03/2011 Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết 1973 cho phép cộng đồng quốc tế can thiệp quân sự vào Libya để « bảo vệ thường dân ». Nga và Trung Quốc không tham gia cuộc biểu quyết.
Dưới sự điều phối của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, phương Tây và các nước Ả Rập tiến hành các đợt oanh kính nhắm vào lực lượng quân sự của đại tá Kadhafi. Tháng 10 cùng năm, tại Washington ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố « ngày tháng tồn tại của chế độ Kahdafi được đếm trên đầu ngón tay ».
Ngày 20/10/2011 Mouammar Kadhafi bị giết tại Syrte, cách thủ đô Tripoli 450 km về phía đông. Nhưng đó mới chỉ là hồi kết của giai đoạn mà nhà địa chính trị Pháp, Pascal Boniface, giám đốc IRIS Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược, gọi là « cuộc nội chiến lần thứ nhất tại Libya mở ra từ tháng 2 đến tháng 10/2011 » làm từ 20.000 đến 30.000 thường dân thiệt mạng.
Bầu cử tự do tháng 7/2012 – lần đầu tiên từ năm 1965, vẫn không cho phép Libya thực sự vãn hồi ổn định. Tệ hơn nữa quốc gia này trở thành cửa ngõ của các làn sóng nhập cư châu Phi tìm đường vào châu Âu. Libya trong cảnh hỗn loạn trở thành đất dụng võ của các tổ chức thánh chiến Hồi giáo cực đoan, gây bất ổn cho khu vực.
2015-2016 là giai đoạn tướng Khalifa Haftar, nổi lên như cồn : bị thất sủng dưới chế độ Kadhafi, ông này sống lưu vong tại Mỹ từ 1987, cách không xa trụ sở của tình báo Hoa Kỳ CIA. Năm 2011 tướng Haftar trở về nước tham gia cuộc nổi dậy. Ông chiêu dụ được một số cựu sĩ quan của Kadhafi, thành lập Lực Lượng Quân Đội Quốc Gia Libya LNA và được từ Mỹ đến các đồng minh của Hoa Kỳ trong thế giới Hồi giáo ủng hộ (Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất). Anh, Pháp cũng kỳ vọng nhiều vào thống chế Haftar trong nỗ lực chống khủng bố và ngăn chận người nhập cư vào châu Âu.
Libya, sân chơi của các cường quốc
Nga qua trung gian của « hàng ngàn lính đánh thuê Wagner », không che giấu cảm tình với tướng Haftar. 2018-2019 thống chế tự phong Khalifa Haftar thừa thắng xông lên, muốn kiểm soát luôn cả vùng Tripolitaine – tây bắc Libya, trong tay thủ tướng Sarraj. Thổ Nhĩ Kỳ nhập cuộc. Ankara điều 7.000 dân quân sang Libya, trang bị quân sự và máy bay tự hành đến hỗ trợ chính quyền Tripoli. Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi hai mục tiêu : một là làm đối trọng với sự hiện diện của Nga và hai là giành quyền kiểm soát một phần các khoản dự trữ dầu hỏa quý giá của Libya ngoài khơi Địa Trung Hải gần khu vực vùng Tripolitaine.
Hội nghị Berlin tháng 6/2021 rồi hội nghị Paris tháng 11/2021 về Libya liên tục xoáy vào việc cần phải chấm dứt sự « can thiệp của nước ngoài vào Libya ». Cả Nga lẫn Thổ Nhĩ Kỳ cùng cam kết ngừng giúp đỡ Tripoli và Benghazi thành trì của hai phe Chính Phủ Đoàn Kết Dân Tộc GNA và Lực Lượng Quân Đội Quốc Gia Libya LNA. Nhưng vẫn ông Boniface ghi nhận « không bên nào tôn trọng lời hứa đó ».
Cùng lúc Liên Hiệp Quốc xem cuộc bầu cử 24/12/2021 là ngõ thoát để trao trả lại Libya cho người dân xứ này tự quyết định lấy vận mệnh. Giám đốc viện nghiên cứu IRIS của Pháp, Pascal Boniface kết luận : Libya là bài học mới cho thấy « sự can thiệp của phương Tây là một thất bại » mà những nạn nhân đầu tiên là người dân Libya, là những những thuyền nhân bỏ mình ở Địa Trung Hải bởi xem Libya là cửa ngõ để vào Liên Âu.
Cũng chính sự can thiệp của phương Tây năm 2011 đã biến Libya thành đất dụng võ của các nhóm thánh chiến Hồi giáo gây bất ổn cho toàn khu vực trong vùng Sahel châu Phi gồm 5 nước Mali, Bukina Faso, Niger, Mauritania và Cộng Hòa Tchad và đẩy Pháp vào cái bẫy quân sự trong cuộc chiến chống khủng bố ở Sahel, một dải đất dài từ bờ đông sang bờ tây châu Phi.