Vì sao Pháp trở thành thị trường lớn thứ hai của manga Nhật Bản?

Đăng ngày: 24/12/2021

Minh Anh

Tại Pháp, « manga » – truyện tranh Nhật Bản, giờ là một trong những món quà không thể thiếu trong các dịp lễ Noel, Tết mừng năm mới. Năm 2021, số lượng manga bán ra ở Pháp đã đạt con số kỷ lục : 50% truyện tranh bán ra là các tập manga Nhật Bản. Vì sao người Pháp lại mê truyện tranh Nhật Bản đến thế ?

Ngày 08/12/2021, tập thứ 100 của One Piece – bộ truyện tranh Nhật Bản bán chạy nhất tính từ năm 1997 (25 triệu bản tại Pháp) – đã ra mắt giới hâm mộ với 250.000 ấn bản. Một con số tương đương với một tác phẩm văn học được trao giải Goncourt. Đây chỉ là một phần trong thị trường manga đang nở rộ tại Pháp.

Khủng hoảng dịch tễ không thể ngăn cản mức tăng trưởng với ba con số ấn tượng trong thị trường truyện tranh ở Pháp : 124%. Năm 2021, lần đầu tiên số đầu sách bán ra đạt mức kỷ lục 28 triệu bản trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8/2021, so với con số 20 triệu bản truyện tranh truyền thống, theo số liệu từ Viện GfK.

Manga : Truyện ba xu đổ bộ đến lãnh địa của Tintin

Đối với các nhà phát hành tại Pháp, « thị trường manga đang trong thời kỳ hoàng kim ». Xuất hiện lần đầu ở Nhật Bản trong những thập niên 1930, « Manga » – còn có nghĩa là mạn họa, du nhập vào Pháp vào những năm 1990. Vào thời điểm đó, thể loại truyện tranh Nhật Bản này bị phản đối, từng bị ví là loại truyện tranh ba xu, rẻ tiền, ngôn từ nghèo nàn, bạo lực. Đến mức tại nước láng giềng, đích thân vua Bỉ tìm cách cấm đoán loại truyện tranh mà ông cũng cho là bạo lực và vô bổ.

Nhưng bất chấp những chỉ trích mạnh mẽ, thị phần manga Nhật Bản không ngừng tăng. Mười lăm năm sau ngày « đổ bộ », manga chiếm đến 38% thị trường truyện tranh ở Pháp. Tính đến 31/12/2005, đã có đến 628 đầu sách của 231 tác giả được dịch sang tiếng Pháp. Và 15 năm tiếp theo, năm 2021, thị phần manga Nhật Bản lên đến 50%.

Làm thế nào mà manga, một thể loại truyện tranh dân gian dài tập, chủ yếu dựa trên những hình thức thái quá, đối đầu, và khoái cảm nhục dục, lại có thể gây được tiếng vang ở Pháp ? Trước hết, giới chuyên ngành đều nhìn nhận công đầu thuộc về Jacques Glénat và Dorothée. Người thứ nhất đã cho du nhập lọai truyện tranh từ Nhật Bản. Người thứ hai đã biết cách thổi bùng ngọn lửa nhu cầu. Để rồi từ đó, lần lượt các bộ One Piece, Naruto, Dragon Ball – 7 viên ngọc rồng… lần lượt đổ bộ lên mảnh đất của Tintin, Gaston Lagaffe hay Asterix.

Trả lời báo Les Echos, bà Marion Glénat, Corveler, con gái Jacques Glénathồi tưởng : « Vào cuối những năm 1980, cha tôi có một chuyến đi đến Tokyo. Trong va-li của mình, ông mang theo bộ truyện tranh \”Les passagers du vent\” với hy vọng bán được cho các nhà xuất bản Nhật. Họ nghe ông ấy một cách rất lịch sự, nhưng lại nói với cha tôi rằng họ cũng có vài thứ để đề nghị. Cuối cùng, cha tôi đi về với chiếc va-li chất đầy manga và tự nhủ : Thử xem sao ! »

Nhưng nhà nghiên cứu Jean-Marie Bouissou, trong một bài viết đăng trang mạng CAIRN.INFO hồi năm 2006, từng lưu ý rằng công nghệ văn hóa Nhật Bản là nhà vô địch về « truyền thông hỗn hợp », chia nhỏ lợi nhuận và mở nhiều kênh tuyên truyền để có thể luồn lách các chính sách bảo hộ tại nhiều nước.

Tại Pháp, đất nước mà manga vấp phải thái độ thù nghịch từ các bậc phụ huynh, các nhà giáo dục, giới truyền thông, các cơ quan công quyền và nhiều nhà xuất bản truyện tranh lớn, việc thâm nhập được tiến hành thông qua các loạt phim hoạt hình nhiều tập, tiếp đến là các loại trò chơi điện tử và các lá bài như Pokemon, Yu Gi Oh. Nghiên cứu của Jean-Marie Bouissou nhận thấy 95% những người được hỏi cho biết họ đã đến với manga đều thông qua các phương tiện trên.

Về điểm này, Grégoire Hellot, giám đốc sưu tập nhà xuất bản Kurokawa, trong một chương trình của đài France Inter hồi năm 2018, có nhớ lại như sau :

«  Điều này cũng tương tự cho tất cả các nước khác Tây Ban Nha, Ý, bắt đầu từ loạt phim Goldorak, Candy, Albator, đổ vào Pháp cuối những năm 1970. Trẻ em thời kỳ đó rất thích những bộ phim này. Rồi sau đó, còn có chương trình truyền hình câu lạc bộ Dorothe kết hợp với các loạt phim hoạt hình như Những hiệp sĩ của cung hoàng đạo, Những kẻ sống sót, v.v…

Phim hoạt hình Nhật Bản cung cấp một phong cách kể chuyện và những câu chuyện sâu sắc hơn nhiều so với phim hoạt hình Mỹ thời bấy giờ, phải nói là quá nghiêm túc. Trong khi đó, phim hoạt hình Nhật Bản nói đủ chuyện, người ta có thể nói là họ cố gắng không đánh lừa trẻ em. Họ giới thiệu nhiều câu chuyện giàu cảm xúc, khiến trẻ em cảm động.

Những câu chuyện đó đi theo trẻ cho đến khi chúng trở thành thanh thiếu niên vào cuối những năm 90. Nhưng nghị sĩ thời kỳ đó là Ségolène Royal đã làm đảo lộn mọi thứ khi cho rằng phim hoạt hình Nhật Bản làm cho người ta trở nên điên rồ và thế là không còn phim hoạt hình Nhật Bản trên truyền hình nữa.

Do vậy, có một nhu cầu và nhờ vậy mà vào thời điểm đó những bộ truyện tranh giấy đầu tiên được xuất bản. Những người trẻ tuổi, thanh thiếu niên đã từng được xem phim hoạt hình và không còn xem phim hoạt hình nữa, nhưng vẫn tiếp tục yêu thích chúng đã đắm mình vào truyện tranh và rồi từ đó mà truyền tai nhau. »

Manga và những phân khúc thị trường

Một điểm khác khiến manga dễ dàng chinh phục thị trường truyện tranh Pháp đó là sự đa dạng phân khúc thị trường, theo giới tính, đủ mọi lứa tuổi… Trong thể loại này, người ta có « shônen manga » (dành cho nam thiếu niên) và « shôjo manga » (dành cho thiếu nữ). Rồi còn có những loại manga dành cho các đối tượng trưởng thành hơn như « seinen manga » (dành cho người lớn trẻ tuổi), loạt truyện dài tập lịch sử, rồi còn có « shakai manga » (chuyên nói về những vấn đề xã hội) hay như « gekiga » (chuỗi tập truyện cho người lớn thường bạo lực và u tối).

Đối với anh Grégoire Hellot, đây chính là thế mạnh để manga Nhật Bản có thể cạnh tranh trực diện với các thể loại « Comics » của Mỹ và truyện tranh truyền thống Pháp – Bỉ.

« Manga Nhật Bản bắt đầu từ cho trẻ nhỏ và có rất nhiều phân khúc thị trường. Có những tập truyện dành cho nam giới, nhưng cũng có loại truyện dành cho nữ giới. Truyện cho phụ nữ đi làm, cũng như là truyện cho các bà nội trợ. Nhưng đối tượng chính của manga vẫn là lứa tuổi thanh thiếu niên.

Truyện tranh phương Tây, bất kể là Mỹ hay Pháp người ta thường có xu hướng xấu hổ hay bối rối khi nói về những câu chuyện yêu đương trong lĩnh vực giải trí. Trong khi đó manga Nhật Bản không ngần ngại đi sâu vào tâm lý của các nhân vật. Nghĩa là quý vị có thể sẽ thấy những nhân vật siêu anh hùng có thể đấm vỡ một bức tường, hay một cô gái xuất hiện nói ấp a ấp úng. Những nhân vật mà một thanh thiếu niên có thể dễ dàng tìm thấy chính mình. » 

Điểm cuối cùng làm nên lợi thế cho manga Nhật Bản là có kích cỡ nhỏ, dễ dàng bỏ túi để có thể đọc trên tầu điện ngầm. Giá một tập manga cũng « mềm » chỉ tầm từ 6-10 euro, thay vì là từ 15-19 euro đối với một tập truyện tranh có kích cỡ lớn hơn một chút một tờ giấy khổ A4.

Manga : Một phần di sản văn học

Với hơn 28 triệu ấn bản (40 triệu theo Les Echos) trong năm 2021, nước Pháp được ví như là « tổ quốc » thứ hai của manga. Truyện tranh Nhật Bản gần như là sản phẩm văn hóa không thể thiếu tại các hiệu sách, bất kể quy mô lớn nhỏ. Tại Montpellier, hiệu sách Sauramps, lớn nhất của thành phố, từ 15 năm qua đã dành hẳn một gian riêng cho manga Nhật Bản.

Trả lời RFI Tiếng Việt, Leslie Bonnet, một nhân viên phụ trách gian sách manga cho biết, mỗi tháng hiệu sách bán ra khoảng 16.000 quyển manga cho khoảng 300 đầu sách, cho đủ mọi lứa tuổi từ 8 đến trên 50. Theo lời cô Bonnet, nhu cầu về sách tăng vọt đến mức hiệu sách phải tính đến chuyện mở rộng thêm gian hàng trong sắp tới : « Từ hai năm nay, nhu cầu về truyện tranh Nhật Bản bất ngờ bùng phát. Đến mức hiện tại chúng tôi thiếu cả chỗ để sách. Nếu muốn đáp ứng được nhu cầu thị trường, sớm hay muộn gì chúng tôi cũng sẽ phải nới rộng gian hàng. Đúng là trong vòng có hai năm, gian hàng này đã được cơi nới thêm gần như một gian rưỡi nữa. »

Cũng theo Leslie Bonnet, doanh thu từ manga hiện nay là bằng một nửa của truyện tranh. « Về mặt doanh số, đúng là doanh số bán ra của manga là bằng một nửa truyện tranh. Điều đó có nghĩa là để có thể bằng với doanh số của truyện tranh truyền thống, số đầu sách manga bán ra phải nhiều hơn gấp 3 lần. Bình thường một tập truyện tranh giá khoảng 15 euro, trong khi một tập manga chỉ có 6 đồng. »

Trước nhu cầu ngày càng lớn và thế hệ « phim hoạt hình Nhật Bản » nay cũng đã trưởng thành, một thế hệ nhà bán sách mới, đam mê manga, ra đời. Một lợi thế cho nhiều nhà sách nhỏ để có thể cạnh tranh, đồng thời cho phép nhiều người hâm mộ được chìm đắm trong thế giới nhân vật ưa thích của mình. « Đúng vậy, cần phải hiểu rõ lĩnh vực này để có thể hướng dẫn khách hàng. Điểm lợi hiệu sách manga ở đây thường chúng tôi là những fan hâm mộ, rất thích đọc manga nữa. »

Để vinh danh nền nghệ thuật thứ 9 này, một bức ảnh cỡ lớn (XXL) nhân vật chính Kaiju trong bộ truyện cùng tên đã được dán một bên tường kính của BNF. Một cách thức để nhìn nhận manga Nhật Bản giờ cũng là một phần của di sản văn học, như lời nhận định của bà Marine Planche, Trung tâm Văn học Quốc gia dành cho giới trẻ, thuộc Thư Viện Quốc Gia Pháp (BNF), trên đài TV5Monde. « Đó cũng là một phần của những điều tạo nên ngành xuất bản sách, một phần của di sản văn học Pháp, có thể sánh ngang vai cùng với bao thể loại khác. Ở đây có một lĩnh vực đang ngày càng được công nhận một cách hợp pháp. »

Bài Liên Quan

Leave a Comment