Năm lý dẫn đến sự tan rã của Liên Xô
- Kateryna Khinkulova & Olga Ivshina
- BBC Tiếng Nga
6 giờ trước
Vào ngày 25/12/1991, ông Mikhail Gorbachev chính thức thôi giữ chức tổng thống Liên Xô. Sau đó một ngày, hôm 26/12, quốc hội nước này – Xô Viết Tối cao – chính thức công nhận sự độc lập của 15 quốc gia mới, và kết thúc sự tồn tại của Liên bang Xô Viết.
Ngọn cờ đỏ với búa liềm, một thời là biểu tượng của một trong những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, được hạ xuống ở Điện Kremlin.
Ông Gorbachev lên nắm quyền năm 1985, khi ông chỉ mới 54 tuổi. Ông bắt đầu một chuỗi các cải cách để đưa sức sống mới vào một đất nước đang bế tắc.
Nhiều người cho rằng những cải cách này, còn được gọi là Perestroika (tái xây dựng và tái cơ cấu) và Glasnost (mở cửa và tự do ngôn luận), đã dẫn đến ngày tàn của đất nước. Những người khác lại cho rằng không có gì cứu vãn được Liên Xô, vì cơ cấu cứng nhắc của nước này.QUẢNG CÁOhttps://2b537e40ded0bd68aa2914e6ea7086a6.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-38/html/container.html
Trong bài này, chúng tôi xem xét những lý do chính dẫn đến sự tan rã của Liên Xô, những điều có tác động sâu sắc tới cách nước Nga tự nhìn nhận mình và cách nước này duy trì mối quan hệ với phần còn lại của thế giới.
1. Kinh tế
Một nền kinh thế sụp đổ là vấn đề lớn nhất của Liên Xô. Đất nước này đã có một nền kinh tế kế hoạch tập trung, thay vì kinh tế thị trường như ở hầu hết các quốc gia khác.
Ở Liên bang Xô viết, nhà nước quyết định số lượng sản xuất của mỗi mặt hàng (chẳng hạn bao nhiêu xe hơi, bao nhiêu đôi giày hay bao nhiêu ổ bánh mỳ).
Nhà nước cũng quyết định mỗi công dân cần những mặt hàng gì, số lượng bao nhiêu, giá cả hàng hóa cũng như tiền lương người dân nhận được.
Lý thuyết của cách vận hành này là hệ thống này sẽ có hiệu quả và công bằng, nhưng trên thực tế, nó hoạt động một cách chật vật.
Cung luôn không theo kịp cầu và đồng tiền thường không có giá trị.
Nhiều người dân Liên Xô không hẳn là nghèo đói, nhưng đơn giản là họ không thể kiếm được các mặt hàng thiết yếu vì không bao giờ có đủ các mặt hàng này.
Để mua được ô tô, bạn phải có tên trong danh sách chờ hàng năm trời. Để mua áo khoác hay giầy mùa đông, bạn phải xếp hàng nhiều giờ, chỉ để phát hiện khi đến lượt là cỡ của bạn đã hết.
Điều khiến tình hình còn tồi tệ hơn là chi phí lớn cho thám hiểm vũ trụ và chạy đua vũ trang giữa Liên Xô và Hoa Kỳ.
Liên Xô là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa người lên vũ trụ và sở hữu một kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo rất tiên tiến. Nhưng điều đó cũng rất tốn kém.
Liên Xô dựa vào nguồn tài nguyên, như dầu khí,để chi trả cho cuộc chạy đua vũ trang, nhưng vào những năm đầu thập kỷ 1980, giá dầu giảm mạnh và tác động lớn đến nền kinh tế vốn èo uột.
Liên Xô giải tán ngày 25 hay 26 tháng 12 năm 1991?
Cải cách Perestroika của Gorbachev đưa ra một số nguyên tắc thị trường, nhưng nền kinh tế Xô viết khổng lồ quá cồng kềnh nên không thay đổi nhanh được.
Hàng tiêu dùng tiếp tục khan hiếm, và lạm phát tăng nhanh chóng mặt.
Năm 1990, chính quyền đưa ra cải cách tiền tệ làm xóa sạch các khoản tiết kiệm, dù rất nhỏ, của hàng triệu người.
Sự bất mãn của người dân với chính phủ ngày một lớn.
Vì sao điều này vẫn có ý nghĩa ngày nay?
Nạn khan hiếm hàng tiêu dùng để lại tác động lâu dài về cách suy nghĩ của người dân sau thời kỳ Xô viết.
Ngay cả bây giờ – sau một thế hệ – nỗi lo sợ không có hàng thiết yếu vẫn ăn sâu.
Đây là một tâm lý mạnh và có thể dễ dàng bị thao túng trong các chiến dịch bầu cử.
2. Tư tưởng
Chính sách Glasnost của Gorbachev nhằm mở rộng tự do ngôn luận ở một nước đã có hàng thập kỷ dưới một chế độ đàn áp, nơi người dân sợ không dám nói lên ý nghĩ của mình, đặt câu hỏi hay phàn nàn.
Ông Gorbachev mở lại các tư liệu lịch sử cho thấy mức độ đàn áp thực sự dưới thời Joseph Staling (lãnh đạo Xô viết từ 1924-1953), dẫn đến cái chết của hàng triệu người.
Ông cũng khuyến khích tranh luận về tương lai của Liên Xô và cơ cấu quyền lực của nước này, về chuyện cải cách ra sao để đất nước tiến lên.
Ông thậm chí còn nói đến ý tưởng về một hệ thống đa đảng, thách thức sự thống trị của đảng Cộng sản.
Thay vì chỉ điều chỉnh chút ít tư tưởng Xô Viết, tư tưởng của Gorbachev khiến nhiều người ở Liên Xô tin rằng hệ thống do đảng Cộng sản lãnh đạo – nơi quan chức chính phủ được bổ nhiệm hay bầu qua các cuộc bầu cử không có đối thủ – là không hiệu quả, mang tính đàn áp và dễ có tham nhũng.
Chính phủ của Gorbachev vội vàng đưa một số yếu tố của tự do và công bằng vào quy trình bầu cử, nhưng đã quá muộn.
Vì sao điều này vẫn có ý nghĩa ngày nay?
Tổng thống Nga Vladimir Putin từ rất sớm nhận ra tầm quan trọng của một tư tưởng dân tộc mạnh mẽ, nhất là với một chính phủ không hoàn toàn minh bạch và dân chủ.
Ông ta đã dùng các biểu tượng từ những kỷ nguyên đã qua của nước Nga và thời Xô Viết để xây dựng hình ảnh dân tộc được sùng bái cho nhiệm kỳ của mình: sự giàu có và hào nhoáng của Hoàng gia Nga, chủ nghĩa anh hùng hy sinh cho chiến thắng trong thế chiến thứ Hai dưới thời Stalin và sự ổn định bình yên trong những năm 1970 của kỷ nguyên Xô Viết. Tất cả được nhào trộn kết hợp để làm dấy lên lòng tự hào và yêu nước (và bỏ qua những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày ở nước Nga ngày nay).
3. Chủ nghĩa dân tộc
Liên Xô là một quốc gia có nhiều bang, quốc gia kế tục Đế chế Nga.
Nó gồm 15 nước cộng hòa, mỗi nước trên lý thuyết đều bình đẳng về quyền như các nước anh em.
Trên thực tế, Nga là nước lớn nhất và mạnh nhất, và ngôn ngữ và văn hóa Nga thống trị ở nhiều khu vực.
Cải cách Glasnost khiến nhiều người ở các nước cộng hòa nhỏ thuộc Liên Xô hiểu rõ hơn về đàn áp thiểu số trong quá khứ, trong đó có nạn đói ở Ukraine những năm 1930, việc xâm chiếm các nước vùng Baltic và tây Ukraine theo thỏa thuận hữu nghĩ giữa Xô Viết và Phát xít Đức, và việc cưỡng ép trục xuất nhiều nhóm thiểu số trong Thế Chiến thứ Hai.
Những sự kiện này và một số sự kiện khác dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và nhu cầu có quyền tự quyết.
Ý tưởng rằng Liên Xô là một đại gia đình của các quốc gia bị xói mòn và những nỗ lực vội vàng để cải cách bằng cách cho các nước cộng hòa nhiều quyền tự quyết hơn được coi là quá ít và quá muộn.
Vì sao điều này vẫn có ý nghĩa ngày nay?
Căng thẳng giữa Nga, nước vẫn muốn duy trì vai trò trung tâm và tầm ảnh hưởng của mình, và nhiều nước trong khối Liên Xô cũ vẫn tiếp diễn.
Quan hệ trắc trở giữa Moscow và các quốc gia vùng Baltic, Georgia và gần đây nhất là Ukraine, tiếp tục định hình tình hình địa chính trị ở châu Âu và xa hơn nữa.
4. Đánh mất lòng dân
Trong nhiều năm, người dân Xô Viết được tuyên truyền rằng phương Tây đang \”thối rữa\” và người dân phương Tây sống trong đói nghèo và đau khổ dưới các chính phủ tư bản.
Tư tưởng này bị thách thức từ cuối những năm 1980 khi việc đi lại và quan hệ trực tiếp giữa người dân các nước tăng lên.
Các công dân Liên Xô có thể thấy rằng ở nhiều nước, mức sống, quyền tự do cá nhân và phúc lợi xã hội vượt xa ở nước họ rất nhiều.
Họ cũng có thấy được những gì mà chính quyền của họ đã tìm cách giấu nhiều năm bằng cách cấm họ đi nước ngoài, cấm các đài radio nước ngoài (chẳng hạn BBC World Service) và kiểm duyệt sách báo và phim ảnh nước ngoài vào Liên Xô.
Ông Gorbachev có công kết thúc Chiến tranh Lạnh và ngăn mối đe dọa của một cuộc đối đầu hạt nhân bằng cách cải thiện quan hệ với phương Tây, nhưng một kết quả không định trước của mối quan hệ được cải thiện đó là người dân Xô Viết nhận ra cuộc sống của họ nghèo khổ thế nào so với người dân nước khác.
Gorbachev ngày càng được ưa thích ở nước ngoài trong lúc chịu ngày càng nhiều chỉ trích ở trong nước.
Vì sao điều này vẫn có ý nghĩa ngày nay?
Chính phủ Nga ngày nay đã trở nên rất thông thạo trong việc thao túng các thông điệp truyền thông để có lợi cho họ.
Để tránh có sự so sánh bất lợi với các nước khác trên thế giới, nước Nga thường được mô tả như một đất nước độc nhất cả về văn hóa và lịch sử – môt chiến binh cô độc bị những kẻ xấu vây quanh.
Những thành tích khoa học, chiến thắng trong Thế chiến thứ Hai và di sản văn hóa liên tục được truyền thông sử dụng để nhắc đi nhắc lại thông điệp về tính cá biệt dân tộc, để làm người dân Nga bớt chú ý đến những khó khăn hàng ngày.
5. Sự lãnh đạo
Ông Gorbachev biết là cần có những thay đổi cấp tiến để ngăn sự xuống dốc của nền kinh tế Xô Viết cũng như tinh thần của công chúng, nhưng tầm nhìn của ông về cách làm để đạt được điều này thiếu sự rõ ràng.
Bằng cách chấm dứt Chiến tranh lạnh, ông trở thành anh hùng với thế giới bên ngoài, nhưng trong nước ông bị chỉ trích bởi những người muốn cải cách và cảm thấy ông không chớp thời cơ kịp thời, cũng như những người bảo thủ cảm thấy ông đã đi quá xa.
Kết quả là, ông bị cả hai phe xa lánh.
Phe bảo thủ mở một cuộc đảo chính xấu số hồi tháng 8/1991 để truất quyền ông Gorbachev.
Thay vì bảo vệ cho Liên Xô, cuộc đảo chính không thành dẫn đến sự sụp đổ của khối này. Chưa đầy ba ngày sau, các lãnh đạo đảo chính tìm cách chạy khỏi Liên Xô và ông Gorbachev được đưa về nắm quyền trở lại, nhưng chỉ trong thời gian ngắn.
Boris Yeltsin ở Nga và các lãnh đạo các nước cộng hòa ở các nơi khác của Liên Xô vùng lên.
Trong những tháng tiếp theo, nhiều nước cộng hòa tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập và đến tháng 12, số phận của siêu quốc gia này đã được định đoạt.
Vì sao điều này vẫn có ý nghĩa ngày nay?
Vladimir Putin là một trong những người cầm quyền lâu năm nhất ở Nga.
Một trong những bí quyết để cầm quyền được lâu là đặt nước Nga trên hết, hay ít nhất là có vẻ như vậy.
Trong khi Mikhail Gorbachev bị chỉ trích vì đã đơn phương từ bỏ nhiều vị trí sức mạnh mà Liên Xô khó khăn mới giành được – như vội vàng rút quân Liên Xô ra khỏi Đông Đức, thì ông Putin lại đấu tranh tới cùng cho những gì mà ông ta cho là có lợi cho nước Nga.
Putin từng là sỹ quan KGB (cơ quan tình báo Liên Xô) ở Đông Đức khi Bức tường Berlin sụp đổ, và ông tận mắt chứng kiến sự hỗn loạn khi Liên Xô rút quân.
30 năm sau, ông kịch liệt phản đối việc NATO tiến gần hơn đến biên giới Nga và sẵn sàng thể hiện bằng vũ lực nếu cần, như việc tăng cường đưa quân Nga tới gần Ukraine cho thấy.