Nhìn lại 10 năm nắm quyền đầy biến động của Kim Jong-un

Nhìn lại 10 năm nắm quyền đầy biến động của Kim Jong-un

\"\"

Nguồn: “Nordkorea: Wie Kim Jong-un unbemerkt sein „Endziel“ erreichte”, WELT, 16/12/2021.

Lược dịch: Nguyễn Xuân Hoài

Kim Jong-un lên cầm quyền cách đây đúng mười năm. Khi đó anh ta bị coi thường, thậm chí bị nhạo báng. Đấy chính lại là điều may mắn cho nhà độc tài còn trẻ tuổi này. Kim Jong-un đã tận dụng sự ngây thơ của phương Tây để thay đổi thế giới.

Jang Jin-sung nhìn thính giả của mình một cách thoải mái nhưng nghiêm nghị. Ông ta từng là cán bộ tuyên huấn và là “nhà thơ cung đình của Kim Jong-il”, người đã đào tẩu sang Hàn Quốc. Vị “cán bộ tuyên huấn ” này có mặt tại Hội trường Clevinga của Đại học Leiden ở Hà Lan. Đó là cuối tháng 9 năm 2014. Ông ta nói chuyện về tình hình Triều Tiên, về hoạt động của chính thể này và nói về hy vọng của ông trong tương lai đối với đất nước. Ông nói: “Tôi nghĩ, không bao lâu nữa chế độ này sẽ sụp đổ. Có thể là năm năm, nhiều nhất là 7 năm, chế độ này sẽ không còn tồn tại.” Hoàn toàn ngược lại, Kim Jong-un, con trai Kim Jong-il, hiện vững như bàn thạch, ông ta là “nhà lãnh đạo tối cao” đang kỷ niệm 10 năm ngày lên nắm quyền của mình, ngày 17 tháng 12.

Tuy nhiên, vào năm 2014, những dự đoán của Jang dường như không quá xa vời. Dự đoán này phù hợp với một bức tranh chung được vẽ lên bởi các nhà phân tích phương Tây kể từ đầu những năm 1990, đó là sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, cái chết của “Chủ tịch vĩnh cửu” Kim Nhật Thành, và tiếp theo là nạn đói năm 1994, mối quan hệ gắn kết giữa Bắc và Nam Triều Tiên vào thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ. Từ đó các chuyên gia liên tục tiên tri về sự kết thúc của Triều Tiên. Nhưng Triều Tiên vẫn tồn tại, Kim Jong-un vẫn còn đó. Làm thế nào mà một thành viên “thế hệ thiên niên kỷ”, người mà ban đầu bị nhiều người coi là không có gì để hi vọng, lại có thể ổn định được chế độ theo một cách như vậy? Sau đây là một vài nguyên nhân.

Thế giới là một mối đe dọa

Triều Tiên coi thế giới trước hết là một mối đe dọa. Triều Tiên vì thế luôn hướng tới sự bảo vệ thường xuyên trước những mối nguy hiểm có thể xảy ra, dù là bên trong hay bên ngoài, dù to hay nhỏ. Đó là lý do tại sao Bình Nhưỡng đã và đang đầu tư vào vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), những thứ không chỉ ngốn rất nhiều tiền mà còn khiến nước này bị thế giới trừng phạt. Tuy nhiên, nếu coi phát triển vũ khí hạt nhân là cần thiết cho sự tồn tại của chế độ thì việc bắt buộc toàn dân nhịn ăn, nhịn mặc, chịu đựng moi sự gian nan trong cuộc sống là điều tất yếu.

Phó Tổng cục trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Ko Yun-ju đã nói với các nhà báo nước ngoài tại thủ đô Seoul vào tháng 6 năm 2017 rằng: “Bắc Triều tiên tin rằng họ chỉ có thể tồn tại nhờ vũ khí hạt nhân, chúng ta phải thuyết phục họ rằng, họ chỉ có thể tồn tại khi không có vũ khí nguyên tử.” Hai tuần sau một cuộc phỏng vấn của chúng tôi tại Cục Thống nhất bị gián đoạn bởi một tin tức nóng hổi, lần đầu tiên Triều Tiên thử nghiệm thành công tên lửa ICBM, loại tên lửa có thể bắn tới Mỹ. Hai tháng sau, nước này lại thử nghiệm quả bom khinh khí đầu tiên. Sự thuyết phục đã không đem lại kết quả.

Khi Kim Jong-un kế vị cha mình là Kim Jong-il vào tháng 12 năm 2011, ít chuyên gia có thể ngờ rằng ông ta sẽ gặt hái được nhiều thành công như vậy. Trong khi Kim Il-sung, người nắm quyền trong 46 năm, đã chuẩn bị hơn 20 năm cho người kế vị mình là cậu con trai là Kim Jong-il, thì mãi đến năm 2010, Kim Jong-un mới chính thức xuất đầu lộ diện. Những bước chuẩn bị đầu tiên cho việc đảm nhận quyền lực của ông ta tuy đã được thực hiện, nhưng khi Kim Jong-il qua đời vì đột quỵ vào ngày 17 tháng 12 năm 2011 trên chuyến tàu hỏa riêng của mình, điều này chắc đã gây một cú sốc đối với Kim Jong-un khi đó mới 28 tuổi.

Vào thời điểm đó, bên ngoài Bắc Triều Tiên, quan niệm phổ biến đều cho rằng nước này đang tiến gần đến sự sụp đổ. Các chuyên gia cho rằng ông Kim còn quá trẻ và thực tế là còn quá ít người biết đến ông ta, đồng thời ông ta có quá ít kinh nghiệm để có thể được chấp nhận làm người lãnh đạo, không chỉ có giới bình dân mà cả giới tinh hoa đều có suy nghĩ như vậy. Ngoài ra, một thế hệ thiên niên kỷ được giáo dục ở Châu Âu sẽ phát triển những ý tưởng hiện đại, tự do và dân chủ. Kim Đệ Tam hoặc sẽ cải cách đất nước mình một cách tốt nhất hoặc sẽ bị sụp đổ một cách thê thảm nhất.

Tuy nhiên, trong số các phân tích nói trên có nhiều phân tích bỏ sót động lực của hệ thống chính trị Bắc Triều Tiên. Khi Kim Jong-un nhậm chức, hệ thống này về cơ bản bao gồm hai phe kình địch nhau. Những người thuộc phe cải cách muốn hiện đại hóa một cách thận trọng nền kinh tế và thương mại, đồng thời dựa vào Trung Quốc. Trong khi đó phe cứng rắn ủng hộ vũ khí hạt nhân và sự cô lập tối đa.

Cùng với Kim, giới tinh hoa này quyết định đời sống hàng ngày về chính trị, kinh tế và xã hội ở Triều Tiên. Ý tưởng là một mình “Lãnh tụ tối cao” đưa ra mọi quyết định như bức tranh mà bộ máy tuyên truyền vẽ ra, nhưng điều này không thể thực hiện được vì thiếu cơ sở hậu cần. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi ông Kim cần thời gian để củng cố vị trí quyền lực của mình.

Trong một Hội nghị của Bộ chính trị Triều Tiên, ông Jang Song-thaek ngồi trên hàng ghế đầu. Điều đó là hiển nhiên vì ông là Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, một cơ quan rất quan trọng (tất nhiên sau người cháu trai của ông là Kim Jong-un) và được coi là người đàn ông quyền lực nhất nhì đất nước. Jang Song-thaek tiếp tục duy trì quan hệ với Trung Quốc với tư cách là thủ lĩnh nhóm cải cách. Nhiều người coi người đàn ông 67 tuổi này là cố vấn cho Kim Jong-un thời trẻ. Ông Jang hoàn toàn không biết điều gì sẽ xảy ra với mình vào một ngày trong tháng 12 năm 2013 sau đó.

Truyền hình nhà nước phát sóng cuộc họp trong một hội trường hoành tráng, nơi hầu hết những người có mặt đều mặc trang phục kiểu Mao cùng một mầu sẫm, giống nhau, một số người mặc quân phục, tất cả đều đeo huy hiệu Kim Nhật Thành phía trái tim của họ. Bất ngờ có hai người đàn ông tiến đến gần Jang. Jang Song-thaek bị bắt trước sự chứng kiến ​​của giới tinh hoa ở trong phòng Hội nghị và tất cả những người xem truyền hình.

Triệt hạ phe cải cách

Bức ảnh duy nhất về Jang xuất hiện sau đó là cảnh ông ta bị còng tay, bị hai nhân viên an ninh áp tải đến tòa án, tại đây ông ta bị tuyên án tử hình. Các phương tiện truyền thông nhà nước đã công bố một văn bản với lời lẽ phẫn nộ cáo buộc ông ta và bè lũ tội “tham nhũng và có một lối sống trác táng bẩn thỉu”. Đối với giới quan sát thì rõ ràng đây là sự kết liễu tư tưởng cải cách, cũng từ thời điểm này phe theo đường lối cứng rắn lên ngôi.

Hàng trăm người từng là vây cánh của Jang cũng đã biến mất, có thể họ bị xử tử hoặc bị đưa đến một trong những nhà tù khét tiếng nào đó. Mặc dù các cuộc thanh trừng diễn ra khá phổ biến ở Triều Tiên, nhưng cho đến nay việc công khai danh tính một nhân vật cấp cao như vậy và những người thân tín của ông ta là điều chưa từng có. Từ đó, không ai nghi ngờ rằng Kim Jong-un cũng độc tài và quyết đoán không khác gì người cha của mình.

Đối với trong nước thì danh dự của vị “Lãnh tụ tối cao” rất được coi trọng và được kiên quyết bảo vệ, trong khi đó việc truyền thông quốc tế ban đầu miêu tả Kim Jong-un như một gã trì độn bất tài lại hoàn toàn thuận lợi cho Bình Nhưỡng. Điều này cho phép chế độ tập trung hướng tới “mục tiêu cuối cùng”, đó là phát triển kho vũ khí gồm bom hạt nhân cực mạnh và tên lửa xuyên lục địa ICBM. Ý tưởng đằng sau vấn đề này là, một khi Bình Nhưỡng có khả năng này thì sẽ không còn có bất kỳ một sự can thiệp nào của nước ngoài đối với Triều Tiên.

Xét cho cùng thì không ai lại tấn công một quốc gia có thể đáp trả bằng vũ khí hạt nhân. Sự tiếp tục tồn tại mãi mãi của chế độ Kim sẽ được bảo đảm bởi “thanh kiếm công lý thiêng liêng” này. Đối với các nhà ngoại giao cố gắng thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ quan niệm này thì được đáp trả rằng hãy nhìn vào số phận của nhà lãnh đạo Libya Muammar al-Gaddafi và Tổng thống Iraq Saddam Hussein.

Vào thời điểm Kim Đệ Tam nhậm chức, Triều Tiên đã thực hiện hai vụ thử hạt nhân. Mặc dù những điều này gây xôn xao dư luận quốc tế, nhưng người ta đều cho rằng những loại vũ khí này vẫn còn đang ở giai đoạn phát triển. Đã có nhiều trường hợp tên lửa tầm xa bị rơi xuống biển ngay sau khi được phóng đi. Điều này không khỏi gây đàm tiếu trên thế giới.

Một sự đảo ngược đã diễn ra vào ngày 8 tháng 8 năm 2017, một tháng sau khi Triều Tiên phóng thành công ICBM, có thể vươn tới Alaska và Hawaii đúng vào ngày Quốc khánh Hoa Kỳ. Trong một câu lạc bộ chơi golf ở New Jersey, Tổng thống Mỹ Donald Trump khoanh tay ngồi bên bàn, vây quanh là các phụ tá và phu nhân của ông ta, mọi người đang họp bàn về vấn đề nghiện thuốc giảm đau.

Cận kề sự lầm than khôn lường

Máy ảnh phóng to khuôn hình, ông Trump tuyên bố: “Triều Tiên không được đưa ra thêm bất kỳ một sự đe dọa nào chống lại nước Mỹ”, tổng thống chớp chớp mắt như thường lệ. Ông đe dọa: “Chúng sẽ phải đối mặt với bão lửa và sự tức giận mà thế giới trước nay chưa từng chứng kiến.” Thế giới đã trải qua nhiều tháng vô cùng căng thẳng, không ít người lo sợ sẽ bùng nổ một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Remco Breuker, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Leiden, nói: “Tôi nghĩ rằng vào thời điểm đó chúng ta đã ở cận kề với một tai họa khủng khiếp, điều này sau đó đã được xác nhận bởi những người xung quanh John Bolton (Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Trump lúc đó). “Nhờ Trump có phầm mềm dẻo hơn trong khi Kim nhất quyết không chịu lùi bước, nên đã tránh được tai họa này”.

Khi Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới nhận ra được chương trình vũ khí của Bắc Triều Tiên và thấy rằng không thể xem thường thì mọi chuyện dường như đã quá muộn. Không đầy một tháng sau khi Trump lớn tiếng đe dọa thì Triều Tiên đã thử thành công bom khinh khí có sức công phá gấp nhiều lần quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945.

Sự kiện đỉnh điểm diễn ra vào ngày 28 tháng 11: tên lửa liên lục địa Hwasong-15, một loại ICBM, đã được phóng đi. Các kỹ sư và bản thân ông Kim đã vỡ òa sung sướng, chan chứa niềm hân hoan, tự hào. Hwasong phiên bản mới nhất có tầm bắn ít nhất 13.000 km, đủ để vươn tới bất kỳ mục tiêu nào ở Châu Âu hoặc Hoa Kỳ. Triều Tiên đã đạt được mục tiêu mà mình mong muốn. Bắc Triều Tiên đã chứng minh được khả năng của mình. Chương trình vũ khí nguyên tử coi như đã hoàn thành. Giờ là lúc Kim Jong-un tính đến chuyện thu cổ tức.

Cú bắt tay dát vàng

Tháng 6 năm 2018. Hai vị nguyên thủ quốc gia đã gặp nhau tại tòa biệt thự mầu trắng như tuyết ở Singapore. Ông Kim mỉm cười bắt tay Donald Trump. Hai người trao đổi với nhau vài câu xã giao, sau đó Kim Jong-un với cái nhìn đăm chiêu chuyển đề tài. Chuyên gia Breuker nói: “Giờ thì Ban Tuyên huấn của ông Kim có thể nghỉ hưu được rồi. Những gì đã diễn ra ở đây có lẽ trong mơ cũng không đẹp hơn.”

Trước hội nghị thượng đỉnh với Trump, một số hình ảnh mang tính biểu tượng khác đã lan truyền đi khắp thế giới. Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Kim Jong-un tới Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 3/2018 và kết thúc bằng bức ảnh hai nhà độc tài bắt tay nhau với cái nhìm buồn tẻ, nhàm chán.

Một tháng sau, nhiều trang tin phản ánh với sự xúc động và lạc quan trước những bức ảnh Kim Jong-un, người bước qua biên giới giữa hai miền Triều Tiên, tay trong tay và mỉm cười với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Sau đó, ngay trước khi diễn ra cuộc gặp Trump, một phần của bãi thử hạt nhân đã bị nổ tung.

Ngoài những bức ảnh cho thấy Kim Jong-un ngang vai ngang vế với Tổng thống Mỹ, các cuộc phiêu lưu ngoại giao mà Bình Nhưỡng mong đợi đã không mang lại kết quả như họ mong đợi. Cuộc đàm phán về các lệnh trừng phạt quốc tế đã bị đình trệ từ năm 2019 và hoàn toàn chưa có một bước đột phá nào.

Trái lại, tuần trước chính phủ Hoa Kỳ của Joe Biden đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới. Tuy nhiên, đối với Kim Jong-un, điều này không còn thực sự quan trọng. Nỗi lo sợ về một sự thay đổi chế độ đã biến mất, quyền lực của ông ta được bảo đảm. Nhân dân Triều Tiên mới thực sự là người thua cuộc rõ ràng nhất. Giờ đây họ thậm chí cũng khó có thể hy vọng vào một sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Xét theo khía cạnh này thì Kim Jong-un đã có một thành công to lớn. Chế độ của ông đã trở nên vững vàng, chắc chắn hơn, và đã chứng minh chế độ này đủ sức để loại bỏ các phần tử gây rối, khó chịu. Trong những thập niên qua, sự giám sát, theo dõi xã hội đã trở nên tinh vi hơn, và mọi sự chống đối dù nhỏ nhất ở các địa phương đều hoàn toàn không có cơ hội, và bị dập tắp ngay lập tức. Cho dù thông qua đàm phán, trừng phạt hay thậm chí can thiệp quân sự, phương Tây không còn ở vị trí để có thể đạt được sự thay đổi chế độ hoặc giải trừ hạt nhân ở Bình Nhưỡng.

Ảnh:Kim Jong-un đứng trước tòa nhà nuôi trẻ mồ côi ở Wonsan năm 2015

Bài Liên Quan

Leave a Comment