Trung Quốc ra quyết định chưa từng có: Nắm con bài chủ đấu Mỹ, thống trị đất hiếm thế giới
Cuộc sát nhập khổng lồ
Động thái thiết lập một thế lực toàn cầu trong mảng đất hiếm chiến lược của Trung Quốc có thể giúp nước này giành được ưu thế và khả năng phản ứng với các thách thức từ bên ngoài trong tương lai, bao gồm cả mâu thuẫn thương mại với Mỹ, SCMP dẫn nguồn các nhà phân tích cho hay.
Trung Quốc thành lập Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc từ động thái sáp nhập nhiều công ty lớn trong lĩnh vực này. Ảnh minh họa
Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc được thành lập sau khi sát nhập các đơn vị từ Tập đoàn Nhôm Trung Quốc, Tập đoàn Minmetals Trung Quốc, Tập đoàn Đất hiếm Cám Châu và hai nhà phát triển công nghệ đất hiếm, cơ quan kiểm soát tài sản nhà nước Trung Quốc tuyên bố mới đây.
Các nhà phân tích tin rằng động thái sát nhập sẽ giúp Trung Quốc duy trì được khả năng cạnh tranh toàn cầu và cho nước này một con bài chủ trong cuộc đối đầu với Mỹ mặc dù nhiều người cũng cảnh báo Trung Quốc không nên “quá tay”.
Tính tới thời điểm hiện tại, vụ sát nhập của Trung Quốc là lớn nhất trên thế giới trong mảng này. Dựa trên số liệu năm 2021, Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc sẽ có hạn ngạch khai thác 52.719 tấn, chiếm 31% tổng sản lượng toàn quốc và hạn ngạch nấu luyện 42.129 tấn, tương đương 29%. Đơn vị này nắm giữ khoảng 62% nguồn cung đất hiếm nặng của Trung Quốc.
“Cuộc hợp nhất này sẽ thúc đẩy tập trung công nghiệp hơn nữa, giúp tạo ra con bài chủ trong cuộc cạnh tranh tài nguyên toàn cầu”, nhà phân tích Yan Yulu của Galaxy Securities nói.
Con bài chủ trong tay Trung Quốc
Đất hiếm bao gồm 15 nguyên tố và giữ vai trò sống còn trong việc sản xuất các thiết bị điện tử thông minh, tuốc-bin gió, xe điện và thiết bị quân sự. Đây là một trong số các nguồn tài nguyên mà Trung Quốc giữ vai trò áp đảo thị trường, trong khi nước này phải phụ thuộc dầu vào Trung Đông và quặng sắt vào Australia.
“Xét trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị toàn cầu và cuộc cạnh tranh tài nguyên ngày càng gay gắt, việc sáp nhập sẽ tăng cường khả năng kiểm soát trong nước”, Yan nhấn mạnh trong một lưu ý nghiên cứu.
“Động thái này sẽ tạo điều kiện cho đất hiếm phản ánh giá trị thực sự của nó và bồi đắp ưu thế chiến lược của Trung Quốc”.
Li Jin, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Tập đoàn Trung Quốc cho rằng việc hợp nhất, thành lập Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc là cần thiết bởi sự thống trị trong mảng sản xuất của Trung Quốc không đảm bảo nước này có thể giữ vai trò chủ động trong định giá.
Giá xuất khẩu đất hiếm trung bình đã tăng 36% so với thời điểm 11/2020 và tăng gấp đôi kể từ đầu năm 2020, SCMP dẫn nguồn dữ liệu thuế quan cho hay.
“Cuộc hợp nhất trước đây thành 6 nhóm đã thất bại trong việc giải quyết những vấn đề như cạnh tranh trong nước và lỗ hổng về công nghệ với các cộng sự nước ngoài ở các lĩnh vực hạ nguồn”, Li nói, “Trung Quốc cần một nhà lãnh đạo công nghiệp để tham gia vào cuộc cạnh tranh quóc tế”.
Hiện ở Trung Quốc vẫn có nhiều tập đoàn lớn tham gia vào ngành công nghiệp này, trong đó có Tập đoàn Đất hiếm Miền Bắc Trung Quốc, Tập đoàn Đất hiếm Quảng Đông và Vonfram Hạ Môn.
Trên phạm vi quốc tế, sự áp đảo của Trung Quốc đối với thị trường đất hiếm đã yếu đi trong vài năm qua. Sản lượng toàn cầu của nước này đã sụt giảm từ 86% (2014) xuống còn 58.3% (2020), theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ.
Trong khi đó, Mỹ đã tăng sản lượng đất hiếm 36% lên 38.000 tấn vào 2020.
Một số nhân vật có quan điểm cứng rắn hối thúc Bắc Kinh vũ khí hóa đất hiếm sau khi chính quyền Trump phát động cuộc chiến thương mại, áp thuế nặng nề đối với hầu hết hàng hóa Trung Quốc hồi năm 2018.
Lệnh cấm xuất khẩu cũng được Trung Quốc đưa ra khi quan hệ với Nhật Bản đi xuống năm 2011. Quyết định này đã đẩy giá cả tăng gấp 10 và khiến Mỹ, EU, Nhật Bản khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới.
Li cho rằng, việc thống trị thị trường đất hiếm là một quân bài chủ, có thể đưa ra trong cuộc đối đầu với Washington.
Trung Quốc đã xuất khẩu 44.830 tấn đất hiếm trong 11 tháng đầu năm nay, tăng 43,3% so với cùng kỳ năm ngoái – theo dữ liệu từ Tổng cục Thuế Trung Quốc.
Theo SOHA