Hai mẹ con nhà tranh đấu đất đai ‘Đả đảo Đảng Cộng sản’ tại phiên toà phúc thẩm
27/12/2021
Nhà tranh đấu vì quyền đất đai Cấn Thị Thêu và con trai bà, Trịnh Bá Tư, bị tuyên y án mỗi người 8 năm tù tại phiên toà phúc thẩm mà họ đã phản đối khi hô vang “Đả đảo Cộng sản” trong khi các luật sư bào chữa cho họ không được tranh luận.
Bà Thêu và ông Tư được đưa ra xét xử tại phiên toà phúc thẩm ở Hoà Bình về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 Bộ luật Hình sự, một điều luật mà các luật sư đã kiến nghị xem xét sự tồn tại của nó trong BLHS ngay tại toà, theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong bốn luật sư bào chữa cho họ hôm 24/12.
Hai mẹ con bà Thêu, đều là những người tranh đấu cho quyền đất đai của làng Dương Nội, bị tuyên án mỗi người 8 năm tù và 3 năm quản chế tại một phiên xét xử sơ thẩm vào tháng 5 năm nay. Họ bị bắt giữ từ tháng 6 năm ngoái sau khi mạnh mẽ lên tiếng phản đối vụ bố ráp gây chết chóc của chính quyền Hà Nội tại làng Đồng Tâm liên quan đến tranh chấp đất đai hồi tháng 1/2019. Phiên toà phúc thẩm hôm 24/12 đã tuyên y án đối với mẹ con bà.
“Cơ quan điều tra cho rằng những người này phát ngôn về những vấn đề của Đồng Tâm là sai trái, không có cơ sở, không đúng sự thật, rồi gây suy yếu lòng tin của nhân dân đối với cơ quan nhà nước, gây hoang mang trong dư luận, và họ cho rằng những hành vi đó là vi phạm pháp luật,” LS Mạnh nói với VOA và gọi đây là vụ “hậu Đồng Tâm” khi đề cập đến cả phiên toà xét xử ông Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm trước đây trong tháng.
Theo LS Mạnh, trong quá trình điều tra và trong cả hai phiên toà xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, bà Thêu và ông Tư vẫn nhất quán bác bỏ quan điểm truy tố cho rằng mình có tội.
Tại phiên toà phúc thẩm, bà Thêu và ông Tư đã “có phần tự bào chữa mạnh mẽ, nêu tranh luận một loạt các vấn đề một cách trực diện, thẳng thắn với những từ ngữ ít được nghi từ trong nước,” LS Mạnh cho biết và cũng nói rằng các luật sư đã kiến nghị với tổ chức đảng và cơ quan lập pháp xem xét sự tồn tại của điều 117 BLHS cũng như điều chỉnh lại chính sách giải toả nhà đất vốn là nguyên nhân của mọi nguyên nhân phát sinh nên vụ án.
Tại phiên toà, các luật sư đã phản đối vì bị cắt bỏ phần đối đáp của họ và bị cáo. Theo LS Mạnh, các luật sư sẽ khiếu nại cách điều hành phiên toà của ông chủ toạ mà họ cho là vi phạm luật tố tụng hình sự.
Trong khi đó những người thân của bị cáo không được tham dự phiên toà và họ thậm chí bị ngăn cản không được đến gần toà án trong ngày xét xử.
“Chúng tôi đến cách phiên toà khá xa thì bị chặn,” chị Trịnh Thị Thảo, con gái bà Thêu, cho VOA biết hôm 27/12. “Sau đó họ sốc nách chúng tôi ép lên xe buýt và nhốt vào một trạm y tế của một phường gần đó từ 8 giờ sáng khi phiên toà chưa bắt đầu đến khi phiên toà kết thúc lúc 4 giờ chiều thì họ mới thả tôi, vợ anh (Trịnh Bá) Phương và hai người dân Dương Nội.”
Chị Thảo cho VOA biết rằng qua những gì các luật sư tường thuật lại từ phiên toà, mẹ chị, bà Thêu, và em trai, ông Tư, đã liên tục hô “Đả đảo Đảng Cộng sản” khi chủ toạ phiên toà đưa ra lời tuyên án sau cùng. LS Mạnh xác nhận điều này với VOA. Tại phiên toà sơ thẩm hồi tháng 5, bà Thêu và ông Tư cũng đưa ra lời phản đối tương tự khi nói rằng họ là “nạn nhân của Đảng Cộng sản.”
Trước đó trong tháng này, một người con trai khác của bà Thêu, ông Phương, bị kết án 10 năm tù cùng 5 năm quản chế trong một phiên toà riêng biệt cùng một nhà tranh đấu đất đai khác, bà Tâm, cùng với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.
Chị Thảo cho biết gia đình chưa được gặp mặt mẹ chị, bà Thêu, anh trai, Phương, và em trai, Tư, kể từ khi họ bị bắt vào ngày 24/6 năm ngoái. Theo chị Thảo, gia đình đã chuẩn bị tinh thần cho việc họ bị kết án nhiều năm tù và sẽ làm “hậu phương vững chắc” trong thời gian họ bị cầm tù cũng như tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng để họ được trả tự do.
Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân quyền quốc tế trong những ngày qua đã lên án việc chính quyền Việt Nam kết án các nhà hoạt động và quyền đất đai vừa bị kết án trong tháng này, gồm cả nhà báo Phạm Đoan Trang và nhà hoạt động Đỗ Nam Trung.
Nói với NPR về các bản án vừa qua, Phó giám đốc phụ trách châu Á của Human Rights Watch, Phil Robertson, cho rằng “Chính phủ Việt Nam đang bảo người dân phải ngồi xuống và câm lặng, rằng họ sẽ không chấp nhận bất kỳ thách thức nào đối với sự cai trị của họ. Họ sẽ không chấp nhận những yêu cầu cho một sự quản trị tốt hơn hay chấm dứt tham nhũng hoặc chấm dứt vi phạm nhân quyền.”