Hun Sen \”tiếp tay\” phá \”Đồng thuận 5 điểm\” của ASEAN về Miến Điện
Đăng ngày: 28/12/2021
Thu Hằng
Mười tháng kể từ sau cuộc đảo chính quân sự ở Miến Điện, hơn 1.340 thường dân đã chết vì bạo lực của quân đội. Gần đây nhất là 35 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, khi chạy lánh nạn đã bị quân đội Miến Điện phóng hỏa thiêu sống trong xe ở bang Kayah.
Cộng đồng quốc tế lên án những tội ác của tập đoàn quân sự. ASEAN không công nhận tính chính đáng của chính quyền tướng Min Aung Hlang. Thế nhưng, mọi nỗ lực gây áp lực có nguy cơ thất bại do kiểu « ngoại giao cao bồi » của thủ tướng Cam Bốt Hun Sen.
Hun Sen cổ vũ độc tài Miến Điện trở lại chính trường khu vực
Cam Bốt sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN 2022 từ ngày 29/12/2021. Nhưng ngay từ đầu tháng 12,chính quyền Phnom Penh đã đi ngược lại hoàn toàn những chủ trương của ASEAN về Miến Điện, trong đó có việc từ chối đại diện chính trị cấp cao của tập đoàn quân sự. « Đồng thuận 5 điểm » (chấm dứt các bạo lực, mở đối thoại xây dựng giữa tất cả các bên, bổ nhiệm một đặc phái viên của chủ tịch ASEAN nhằm thúc đẩy đối thoại giữa các bên Miến Điện, trợ giúp nhân đạo và tổ chức chuyến đi của đặc phái viên và phái đoàn ASEAN tới Miến Điện), được 10 nước Đông Nam Á kiên trì thảo luận, có nguy cơ biến thành tờ giấy lộn.
ASEAN để ngỏ khả năng để Miến Điện tiếp tục tham gia hoạt động của khối thông qua « một đại diện phi chính trị ». Tuy nhiên, thủ tướng Cam Bốt lại tìm cách đưa tập đoàn quân sự Miến Điện trở lại khối và từng bước công nhận tính chính đáng của lực lượng đảo chính này.
Ngày 07/12, thủ tướng Cam Bốt đã tiếp ngoại trưởng Wunna Maung Lwin của tập đoàn quân sự Miến Điện ở Phnom Penh. Một ngày sau, tướng Vong Pisen, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Cam Bốt, hội đàm trực tuyến với tướng Min Aung Hlang và mời người cầm đầu cuộc đảo chính tham dự Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN (ACDFM) lần thứ 19 vào tháng 03/2022.
Cam Bốt dường như đơn phương quyết định bổ nhiệm ngoại trưởng Prak Sokhonn làm tân đặc phái viên của ASEAN về Miến Điện. Không dừng ở đó, ông Hun Sen dự kiến công du Naypyidaw ngay tháng Giêng. Câu hỏi đặt ra là ông Hun Sen đến Miến Điện gặp giới lãnh đạo quân sự cấp cao với tư cách cá nhân, thủ tướng Cam Bốt hay chủ tịch luân phiên của ASEAN ?
Lại đơn phương phá hoại uy tín của ASEAN
Theo ông Charles Santiago, nghị sĩ Malaysia kiêm chủ tịch tổ chức các nghị sĩ ASEAN về nhân quyền (APHR), được trang Al Jazeera trích dẫn ngày 22/12, « ông Hun Sen đơn phương quyết định. Ai trao cho ông quyền đó ? Người đến Miến Điện phải là đặc phái viên ». Nói một cách khác, « ông Hun Sen đang tìm cách phá hoại » cách tiếp cận của ASEAN, dù Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á chỉ đạt được « một số thành công nhỏ, trong đó có việc hạn chế Miến Điện tham gia các cuộc họp của ASEAN » trong năm 2021.
Để giải thích cho kiểu « ngoại giao cao bồi », theo cách gọi của một số nhà quan sát, thủ tướng Cam Bốt lập luận rằng Miến Điện là một « thành viên của gia đình ASEAN », « nếu không làm việc với chính quyền Miến Điện thì chúng ta phải làm việc với ai ? ». Còn chuyên gia Charles Dunst, thành viên chương trình Đông Nam Á của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS), cho rằng ông Hun Sen tỏ ra « tự tin vì nghĩ ông là một tác nhân vì hòa bình, rất nhiều lần ông nhấn mạnh đến kinh nghiệm ở Cam Bốt sau chiến tranh » liên quan đến lực lượng Khờme đỏ vào cuối thập niên 1990.
Liệu ông Hun Sen có sử dụng kinh nghiệm trấn áp xã hội dân sự, giải tán các đảng đối lập ở Cam Bốt để « thuyết phục » và « đồng cảm » với tướng Min Aung Hlang, người đứng đầu tập đoàn quân sự Miến Điện ? Không phải lần đầu tiên Cam Bốt đơn phương hành động trong khối ASEAN. Khi nước này giữ chức chủ tịch luân phiên năm 2012, lần đầu tiên ASEAN đã không ra được tuyên bố chung tại thượng đỉnh, vì Phnom Penh ủng hộ lợi ích của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với nhiều nước Đông Nam Á. Một thập niên sau, vẫn ông Hun Sen đang làm suy yếu uy tín của ASEAN trước cả khi Cam Bốt chính thức nhậm chức chủ tịch.