Trung Quốc gia tăng hoạt động đe doạ các nước láng giếng ở Biển Đông trong năm 2021

Trung Quốc gia tăng hoạt động đe doạ các nước láng giếng ở Biển Đông trong năm 2021

Bài phân tích của Lê Đông Hải
2021.12.28

\"TrungHình minh hoạ: Hình chụp của Tuần duyên Philippines hôm 5/5/2021 cho thấy tàu tuần duyên Philippines BRP Cabra (phía trước) đang giám sát các tàu Trung Quốc ở bãi Sabina ở Biển Đông AFP

Lợi dụng những bất ổn xảy ra trên thế giới thời gian qua, Trung Quốc không ngừng các hành động hung hăng trên Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung vẫn đang diễn tiến đến hồi quyết liệt. Chính vì vậy, năm 2021, Trung Quốc đã có hàng loạt hành động gây căng thẳng trên Biển Đông.

Trung Quốc đe doạ tấn công Đài Loan

Trong năm 2021, eo biển Đài Loan căng thẳng ở mức chưa từng có trong vòng hơn 40 năm. Trong bài diễn văn ngày 1/7, nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Trung Quốc, Tập Cận Bình tuyên bố “đập tan” mọi ý đồ ly khai và tuyên bố độc lập của Đài Loan, và nhấn mạnh đến quyết tâm “thống nhất” Đài Loan với “đất mẹ”. Ngay trước ngày 10/10 – Đài Loan coi là ngày Quốc khánh – trong bốn ngày liên tiếp từ ngày 1-4/10, gần 150 chiến đấu cơ, trong đó có một chiếc oanh tạc cơ có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc đã xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan Khâu Quốc Chinh (Chiu Kuo-cheng), ngày 6/10, lên tiếng báo động và cho rằng Bắc Kinh có đủ phương tiện để xâm chiếm “toàn bộ hòn đảo” vào năm 2025. Trong khi đó, ngày 9/10, phát biểu nhân lễ kỷ niệm 110 năm cuộc Cách mạng Tân Hợi, Tập Cận Bình cam kết sẽ thực hiện “thống nhất” Đài Loan trong hòa bình. (1)

Bắc Kinh ban hành một số luật quan trọng liên quan đến biển, nổi bật là Luật Hải cảnh, và Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi.

Ngày 22/1/2021, Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã thông qua Luật Hải cảnh vào ngày 22/1/2021, và có hiệu lực từ ngày 1/2/2021.

Trong luật này cho phép hải cảnh TQ được phép sử dụng vũ khí với những lý do rất mơ hồ như “ngăn chặn và loại bỏ các mối nguy hiểm” hoặc “khi các tàu nước ngoài chống lại lệnh từ lực lượng hải cảnh.” Điều này làm dấy lên nỗi lo việc Trung Quốc sẽ lạm dụng vũ lực trên biển Đông.

Chỉ một tháng sau khi Luật Hải cảnh có hiệu lực, Trung Quốc đã neo đậu hàng trăm tàu cá ở đá Ba Đầu và bãi cạn Scarborough mà giới chuyên gia cho rằng đó là tàu dân quân biển. Theo các chuyên gia, tuy rằng trên bề mặt, hoạt động đó chưa đưa đến nhiều thay đổi hiện trạng, nhưng Luật hải cảnh Trung Quốc đã làm thay đổi cơ cấu an ninh khu vực. (2)

Trung Quốc cũng tuyên bố bắt đầu từ ngày 1/9, Luật An toàn giao thông hàng hải (ATGTHH) của họ chính thức có hiệu lực.

Tương tự Luật Hải cảnh của nước này có hiệu lực từ tháng 1/2021, phạm vi áp dụng của Luật ATGTHH có vấn đề.

Điều 2 của Luật ATGTHH đã mở rộng phạm vi áp dụng của Luật từ “vùng biển ven bờ” thành “các vùng biển thuộc phạm vi quyền tài phán của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” và thuật ngữ này cũng không được định nghĩa trong Luật, do đó, khá mơ hồ có chủ đích.

Việc thông qua luật thiếu chính xác mang tính mơ hồ cho phép nước này có thể thay đổi quan điểm của mình về khả năng áp dụng luật dựa trên các hoàn cảnh vào các thời điểm cụ thể.

Tuy nhiên, tính đến các yêu sách quá đáng cũng như hoạt động thực thi pháp luật của Trung Quốc trước đây, Luật ATGTHH có khả năng được xây dựng để áp dụng đối với tất cả vùng biển và đáy biển: Trong phạm vi “đường 9 đoạn” tại khu vực Biển Đông; mở rộng cho đến Rãnh Okinawa ở vùng biển Hoa Đông; mở rộng ngoài phạm vi đá Leodo (đá ngầm này trong vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc, song Trung Quốc yêu sách) trong vùng biển Hoàng Hải.

Hồi tháng 11, khi các tàu Trung Quốc ngăn cản tàu Philippines tiếp tế cho lực lượng đang đồn trú tại Bãi Cỏ Mây, Trung Quốc đã viện cớ “áp dụng Luật ATGTHH” cho hành động ngăn cản phía Philippines. (3)

\"000_9744K2.jpg\"
Tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu, quần đảo Trường Sa hôm 27/3/2021. AFP

Lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông

Trung Quốc tiếp tục tuyên bố áp dụng Lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương trên Biển Đông từ ngày 1/5 đến ngày 16/8/2021. Phạm vi cấm đánh bắt từ vĩ tuyến 12 độ trở lên phía Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Tuy đây là lệnh cấm đánh bắt cá Trung Quốc tuyên bố hàng năm, song lệnh cấm đánh bắt cá năm 2021 được đưa ra có một số điểm đáng chú ý. Thứ nhất, Trung Quốc kéo dài thời gian cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Thứ hai, lệnh cấm đánh bắt cá này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh cho phép Lực lượng Hải cảnh sử dụng vũ lực khi các tàu nước ngoài bị cho là xâm phạm vùng biển của Trung Quốc mặc dù không hẳn là như vậy.

Đăng ký nhãn hiệu các thực thể trên Biển Đông

Từ năm 2014, chính quyền của cái gọi là Thành phố Tam Sa của Trung Quốc đã gửi hồ sơ cho Chính phủ nước này phê duyệt đăng ký nhãn hiệu của 286 đá, bãi đá, bãi cát và các thực thể đang tranh chấp khác cũng như toàn khu vực Biển ĐôngMỗi một thương hiệu như vậy bao gồm tên thực thể được viết theo kiểu chữ Trung Quốc và được xếp loại theo một trong số 45 loại thương hiệu quốc tế vốn bao phủ tất cả các lĩnh vực từ nhạc cụ đến các dịch vụ pháp lý. Nhiều thương hiệu còn bao gồm cả phần dịch tiếng Anh của tên thực thể và logo minh hoạ cho thấy một cách nhìn nhiều màu sắc đối với thực thể như trong hình. 281 thực thể được đăng ký thương hiệu bởi thành phố Tam Sa phần lớn khớp với danh sách 287 thực thể mà Trung Quốc đã đặt tên và đòi chủ quyền vào năm 1983, và sau đó mở rộng vào tháng tư năm 2020.

\"scstrademark2021.jpeg\"
Các tên thương hiệu và logo của Đá Vành Khăn, Đá Chữ thập, Đá Subi và toàn bộ quần đảo Trường Sa. Hình thương hiệu do Văn phòng quản lý sự vụ Yongxing thuộc thành phố Tam Sa nắm giữ. Analysis by BenarNews

Tăng cường tập trận trên biển Đông

Trong năm 2021, Trung Quốc đã tiến hành hành động tập trận chưa từng thấy. Trong vòng một tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất là, từ 6-10/8, Trung Quốc tập trận trái phép nằm trong khu vực có diện tích lên hơn 100.000 km2, trải dài từ vùng biển ngoài khơi phía đông nam đảo Hải Nam đến vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa. (4)

Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2021, quân đội Trung Quốc đã xúc tiến hoặc lên kế hoạch ít nhất 39 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có 15 cuộc tập trận ở Vịnh Bắc Bộ. (5)

Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) gần đây đã cử một nhóm tác chiến tàu sân bay đi qua eo biển Miyako vào Thái Bình Dương. Các chuyên gia phân tích, vào ngày 18/12, nhận định rằng chuyến đi này của tàu sân bay Trung Quốc có khả năng là một cuộc tập trận thường lệ, có thể bao gồm các cuộc tập trận gần đảo Đài Loan và ở Biển Đông. (6)

Thực hiện chiến lược “Ngoại giao quyến rũ”

Một mặt, Trung Quốc chỉ trích việc tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải và diễn tập quân sự của các nước phương Tây và Mỹ ở Biển Đông, và luôn coi đó là các hoạt động \”phá hoại hoà bình\”, và gây bất ổn cho khu vực.

Mặt khác, Trung Quốc gia tăng các hoạt động lôi kéo ASEAN. Mặc dù trong bối cảnh đại dịch, Trung Quốc vẫn gia tăng hoạt động trao đổi ngoại giao bằng các chuyến thăm, và tiếp đón Ngoại trưởng các nước ASEAN tới Trung Quốc. Ngay từ đầu năm 2021, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm tới bốn quốc gia Đông Nam Á gồm Myanmar, Indonesia, Brunei và Philippines. Cuối tháng 3/2021, Vương Nghị lại có các cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao các nước Singapore, Indonesia, Philippines và Malaysia tại Phúc Kiến, Trung Quốc. Tháng 6/2021, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Đông Nam Á lại đến Trùng Khánh để dự Hội nghị đặc biệt ASEAN-Trung Quốc với Vương Nghị. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên trong vòng hơn một năm qua giữa các đại diện ASEAN với Trung Quốc, và được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác giữa ASEAN và Trung Quốc. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc ngày 8/6 đã ra tuyên bố chung, trong đó cam kết tự kiềm chế nhằm tránh các hành động có thể làm \”phức tạp hoặc leo thang\” tranh chấp ở Biển Đông.

Trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Vương Nghị với đại sứ của 10 nước ASEAN tại Bắc Kinh ngày 14/11, ông ta cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ vắc-xin cho các nước ASEAN cho đến khi đại dịch bị đánh bại hoàn toàn, và Trung Quốc sẵn sàng làm việc với các nước ASEAN để tập trung phát triển và có những đóng góp tích cực cho mục tiêu này.

Ngoài ra, Trung Quốc đang thúc giục các nước ASEAN đẩy nhanh đàm phán để sớm có Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC), mặc dù chính Trung Quốc là bên đang “câu giờ”. (7)

\"AP21159098388155.jpg\"
Hình minh hoạ: Ngoại trưởng TQ Vương Nghị phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với ngoại trưởng các nước ASEAN hôm 7/6/2021 ở Trùng Khánh, Trung Quốc. AP

Gia tăng các hoạt động cản trở hoạt động kinh tế và tự do hàng hải của các nước ASEAN

Tháng 3/2021, hơn 200 tàu cá đã neo đậu tại Đá Ba Đầu và duy trì hiện diện ở đây hàng tuần. Tháng 10, trong một báo cáo của AMTI, có gần 150 tàu Trung Quốc, nhiều khả năng là tàu dân quân biển của Trung Quốc, cũng đã xuất hiện tại cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa.

Trong năm 2021, các tàu hải cảnh và tàu dân quân biển của Trung Quốc tiếp tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước Việt Nam, Indonesia và Malaysia.

Trang Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) cho biết: “Trong vòng bốn tháng qua, các tàu Trung Quốc đã tranh giành và thách thức các hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt của Indonesia và Malaysia tại Biển Đông, những diễn biến dường như đã quá quen thuộc.” (8)

Ngày 4/6, Trung Quốc triển khai tàu hải cảnh CCG 5403 và CCG 5303 tới khu vực mỏ khí đốt Kasawari, ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia khi Malaysia đang lắp đặt giếng khoan tại đây. Tàu Trung Quốc có thể đã duy trì sự xuất hiện ở đây liên tục. Cùng lúc đó, Trung Quốc tiếp tục cử nhiều máy bay chiến đấu và tàu tuần duyên áp sát mỏ khí đốt Kasawari thuộc lô SK316.

Trong tháng 8, tàu Hải cảnh Trung Quốc – Hải Dương 5202 – đã xâm nhập và đe doạ hoạt động khoan thăm dò của công ty dầu khí Harbour Energy tại Lô Tuna nằm ở Biển Natuna của Indonesia.

Ngày 15/11, một lần nữa, Trung Quốc lại có những hành động phản đối hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia ở Biển Đông (9). Lần này, Bắc Kinh đang nhắm vào hoạt động thăm dò dầu khí ở thượng nguồn của công ty khai thác và sản xuất dầu khí (PTTEP) do Thái Lan hậu thuẫn đang hoạt động ngoài khơi vùng biển Sabah (Malaysia).

Da Yang Hao – tàu khảo sát của Trung Quốc – đã được điều đến vùng biển bên trong thềm lục địa của Malaysia để tiến hành khảo sát. Trong báo cáo của mình, Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) cho biết, mục đích rõ ràng của tàu Trung Quốc là nhằm vào tàu West Capella – tàu khoan thăm dò dầu khí không xa lạ đối với hoạt động thăm dò vốn được PTTEP ký hợp đồng từ tháng 7/2021 để khoan ở mỏ dầu Siakap North Petai, lô K của Malaysia.

Tàu Da Yang Hao bắt đầu khảo sát từ ngày 25/9. Đáng chú ý là tàu này cũng hoạt động trong các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Brunei và Philippines. Hành động này rõ ràng cho thấy mục đích trả đũa các hoạt động của tàu West Capella khi tàu Trung Quốc tiến hành ba chuyến thăm trong vòng sáu hải lý của tàu khoan thăm dò dầu khí West Capella.

________________

Tham khảo:

1. https://dantri.com.vn/the-gioi/ong-tap-can-binh-tuyen-bo-se-thong-nhat-dai-loan-trong-hoa-binh-20211009143713253.htm

2. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/chinese-coast-guard-law-has-changed-regional-security-structure-04272021180659.html

3. https://fulcrum.sg/china-and-second-thomas-shoal-for-they-say-but-do-not/

4. https://tuoitre.vn/viet-nam-yeu-cau-trung-quoc-cham-dut-tap-tran-khong-xam-pham-chu-quyen-20210805133905298.htm

5. https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/trung-quoc-tuyen-bo-tap-tran-o-bien-dong-sau-dam-phan-that-bai-voi-my-760055.html

6. https://www.eurasiareview.com/18122021-us-warns-of-aggression-as-china-holds-more-live-fire-exercises-in-south-china-sea/

7. http://www.news.cn/english/2021-11/15/c_1310310390.htm

8. https://amti.csis.org/nervous-energy-china-targets-new-indonesian-malaysian-drilling/

9. https://www.energyvoice.com/oilandgas/asia/364080/ptteps-drilling-offshore-malaysia-stokes-chinas-ire/

Bài Liên Quan

Leave a Comment