Trung Quốc và tham vọng cường quốc thể thao số một thế giới
Đăng ngày: 28/12/2021
Thùy Dương
Bị một số nước tẩy chay ngoại giao Thế Vận Hội mùa đông 2022, Trung Quốc vẫn coi thể thao như một yếu tố thiết yếu cho quyền lực của họ. Trung Quốc đã xây dựng trong suốt thế kỷ 20 một hệ thống chính trị – kinh tế – thể thao mà các mục tiêu về lâu dài là nâng thành tích thể thao lên mức cao nhất, để nước này trở thành cường quốc thể thao hàng đầu thế giới vào năm 2049, dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Trên đây là nhận định của hai nhà địa chính trị về thể thao, Lukas Aubin và Jean Baptiste Guégan, trong bài viết « Trung Quốc, cường quốc thể thao hàng đầu trong tương lai ? », trên trang mạng nghiên cứu The Conversation ngày 12/12/2021. RFI giới thiệu bài viết dưới dạng hỏi đáp.
Bằng cách nào Trung Quốc trở thành một ứng viên nặng ký cho danh hiệu cường quốc thể thao số 1 thế giới ?
Lịch sử của nền thể thao hiện đại ở Trung Quốc trước hết là lịch sử của sự phục thù. Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, phong trào thể thao của Trung Quốc từng do Hoa Kỳ kiểm soát, thông qua Hiệp hội Thanh niên Cơ đốc giáo (YMCA), vốn vẫn tổ chức các chương trình thể thao học đường và các cuộc thi đấu trong nước.
Qua thể thao, Hiệp hội YMCA trên hết tìm cách « truyền giáo » và « văn minh hóa » những người mà họ coi là « người ốm yếu, bệnh tật của châu Á ». Nhưng khi nội chiến nổ ra ở Trung Quốc vào năm 1927, ngày càng có nhiều tiếng nói chỉ trích chủ nghĩa đế quốc Mỹ.
Mao Trạch Đông đã chính trị hóa lĩnh vực thể thao, biến thể thao thành lý lẽ để liên kết sức mạnh quốc gia và giáo dục thể chất. Từ năm 1927 đến năm 1949, giáo dục thể chất và kỷ luật quân đội là một phần không thể tách rời trong kế hoạch của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Ngay sau Cách mạng 1949, Mao Trạch Đông kêu gọi phát triển thể thao, rèn luyện và tăng cường thể chất cho nhân dân. Nhà chức trách Trung Quốc thậm chí còn đi xa hơn khi coi thể thao không chỉ là vũ khí « chống chế độ phong kiến », mà còn là vũ khí « chống đế quốc », phản bác tư tưởng theo đó thể thao bị coi là theo kiểu tư sản Mỹ.
Mao Trạch Đông quyết định chọn lựa mô hình thể thao tốt nhất của các nước Cộng Sản khác, đứng đầu là Liên Xô, từ đó Trung Quốc tăng cường trao đổi thông qua các « chuyến đi thiện chí » trong và ngoài lãnh thổ với các « nước anh em ».
Hệ thống thể thao của Trung Quốc chủ yếu lấy cảm hứng từ mô hình của Liên Xô : các sách hướng dẫn thể thao của Liên Xô được dịch sang tiếng Hoa phổ thông, hệ thống chính trị – kinh tế – thể thao của Trung Quốc trở thành ngành dọc và do Nhà nước quản lý, các hiệp hội và liên đoàn thể thao được thành lập, sự ra đời của bảng xếp hạng thúc đẩy sự vươn lên của các vận động viên đẳng cấp cao. Những vận động viên này có thể được rèn luyện toàn thời gian trong các cơ sở phù hợp.
Trung Quốc dùng thể thao để vươn ra tầm quốc tế như thế nào ?
Song song với phát triển thể thao trong nước, Trung Quốc đã tìm cách gia nhập các định chế thể thao thế giới quan trọng để có thể tồn tại trên trường quốc tế. Ngay từ năm 1952, Mao Trạch Đông đã muốn đưa Trung Quốc gia nhập Ủy ban Thế vận Quốc tế (CIO) để tham gia Thế Vận Hội Helsinki.
Vấn đề là Trung Quốc đã tham gia IOC từ năm 1922 với tư cách Trung Hoa Dân Quốc (ROC) và Ủy ban Olympic Quốc gia Trung Quốc (CNO) đã có từ trước cuộc cách mạng 1949. Vào năm 1951, 19 trong số 25 thành viên của CNO Trung Quốc đã đến Đài Loan và tham gia vào việc thành lập nhà nước Đài Loan. Họ chính thức yêu cầu CIO ra quết định cuối cùng.
Vào cùng thời điểm đó, CHND Trung Hoa cũng đệ trình đề xuất tham gia Thế Vận Hội Olympic. Mắc kẹt giữa « hai nước Trung Quốc », CIO quyết định công nhận các vận động viên từ cả hai vùng lãnh thổ và né tránh vấn đề về vị thế của đôi bên. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cử vận động viên đến Olympic Helsinki. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Olympic, lá cờ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tung bay tại một sự kiện thể thao quốc tế. Để phản ứng, Đài Loan từ chối cử đại diện đến Thế Vận Hội Helsinki.
Hai năm sau, đến năm 1954, CIO là tổ chức quốc tế lớn đầu tiên chính thức công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và « Ủy ban Olympic của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa », nhưng vẫn tiếp tục công nhận chính quyền Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Bắc. Do vậy, hai phái đoàn đã có mặt tại lễ khai mạc Thế Vận Hội Melbourne năm 1956. Thế nhưng, khi nhìn thấy lá cờ Trung Hoa Dân Quốc tung bay ở thành phố Melbourne của Úc, Mao Trạch Đông đã yêu cầu phái đoàn vận động viên Trung Quốc trở về Bắc Kinh và ngừng tham gia Thế Vận Hội. Vì đã không có giải pháp nào để giải tỏa bế tắc, Trung Quốc đã bị loại khỏi phong trào Olympic vào năm 1958.
Giai đoạn mở cửa thể thao của Trung Quốc đã diễn ra như thế nào ?
Từ những năm 1960, giới lãnh đạo Trung Quốc xem thể thao là một phần của ngoại giao nước này và bóng bàn được coi là môn thể thao quốc gia. Năm 1959, vận động viên bóng bàn Rong Guotuan giành chức vô địch bóng bàn thế giới. Đối với Mao Trạch Đông, thắng lợi này là « một loại vũ khí hạt nhân tinh thần » : « Trái bóng bàn tượng trưng cho đầu của kẻ thù tư bản », dùng « cây vợt xã hội chủ nghĩa » để đánh là « ghi được điểm cho tổ quốc ».
Điều này đương nhiên là để củng cố hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới, trong bối cảnh nước này bị các cường quốc Tây phương cô lập và căng thẳng với Liên Xô ngày càng gia tăng.
Thể thao đã trở thành một vecteur ngoại giao tích cực từ những năm 1970. Từ năm 1971 đến năm 1972, khẩu hiệu « Tình hữu nghị trước, thi đấu sau » của Trung Quốc đã được thể hiện thông qua chính sách « ngoại giao bóng bàn » nổi tiếng, sự giao lưu của các vận động viên bóng bàn Mỹ và Trung Quốc đã góp phần vào cải thiện quan hệ giữa hai nước.
Sau khi Mao qua đời, với những cải cách của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc lấy cảm hứng từ phương Tây để phát triển nền thể thao. Đến năm 1979, tại một hội nghị ở Bắc Kinh, chính sách thể thao theo kiểu « đấu tranh giai cấp », đã bị bãi bỏ, thay vào đó là một chính sách thể thao mới nhằm phục vụ « Bốn hiện đại hóa », nhằm rời xa khỏi Cách mạng Văn hóa : Thể thao đẳng cấp cao phải lui bước, nhường chỗ cho việc rèn luyện sức khỏe cho dân chúng.
Thế nhưng, đến năm 1980, bộ trưởng Thể Thao Wang Meng khẳng định Trung Quốc là một cường quốc nghèo, nên phải tập trung toàn lực cho thể thao đẳng cấp cao để cải thiện hình ảnh của đất nước trên thế giới và nâng cao lòng tự hào và ái quốc của người Trung Quốc. Thể thao phải phục vụ cho việc củng cố lòng tự hào dân tộc thông qua việc thắng các quốc gia khác. Khẩu hiệu mới đã rõ ràng : « Thi đấu ! ».
Một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của thể thao đối với Trung Quốc trong khi CIO vẫn tiếp tục công nhận Đài Loan : Trung Quốc tái gia nhập CIO vào năm 1979 và lần đầu tiên kể từ năm 1952, Bắc Kinh cử một phái đoàn gồm 24 vận động viên tham dự Thế Vận Hội mùa đông 1980 ở Lake Placid. Cũng trong năm đó, đảng Cộng Sản Trung Quốc nhận định việc Liên Xô xâm lược Afghanistan gây nguy hiểm cho biên giới Trung Quốc và Bắc Kinh đã liên minh với Washington để tẩy chay Thế Vận Hội Matxcơva.
Bốn năm sau, đến năm 1984, trong khi Liên Xô từ chối, 216 vận động viên Trung Quốc đã tham gia Thế Vận Hội Los Angeles. Kết quả là đại diện chính của thế giới cộng sản giành vị trí thứ 4, với trên 32 huy chương, trong đó có 15 huy chương vàng. Khi trở về nước, các vận động viên nhận được một thông điệp chính thức từ Hội đồng Nhà nước: « Các bạn đã đạt được thành công lớn tại Thế Vận Hội Olympic. Thắng lợi ở Thế Vận Hội sẽ giúp xây dựng sự tự tin và tinh thần Trung Hoa ».
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc hào hứng đến mức gọi đó là « sự kiện lịch sử » và « chương mới trong sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc thể thao ».
Chính quyền Trung Quốc đã thể thao hóa toàn dân ?
Thắng lợi nói trên là bước khởi đầu cho quá trình chuyển đổi hệ thống thể thao thành tích cao của Trung Quốc. Mục tiêu là « Thể thao hóa » toàn dân Trung Quốc ngay từ thời thơ ấu, để họ có thể thi đấu trên trường quốc tế.
Ngân sách dành riêng cho thể thao được tăng lên để thu hút các chuyên gia thể thao quốc tế. Ngay sau Thế Vận Hội Los Angeles, khẩu hiệu « Phát triển tinh hoa thể thao và đưa Trung Quốc trở thành siêu cường thể thao thế giới » xuất hiện khắp nơi.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày càng nhận thấy rõ là thể thao sẽ phản chiếu những thất bại và thành công của chế độ ở nước ngoài. Chính vì thế, ngày 15/04/1986, đảng Cộng Sản Trung Quốc đã thông qua dự án cải cách hệ thống thể thao. « Juguo Tizhi » (Cả nước ủng hộ nền thể thao đẳng cấp cao) đã trở thành chuẩn mực ở Trung Quốc. Một hệ thống kiểu kim tự tháp ba tầng được hình thành để phát hiện, đào tạo và phát triển các nhà vô địch.
Nền thể thao cách tân của Trung Quốc hiệu quả ra sao ?
Bất chấp sự đổi mới mang tính hệ thống nói trên, trong một chừng mực nào đó, Olympic 1988 là một thất bại cho Trung Quốc do sự trở lại của Liên Xô và các nước khác trong khối Cộng Cản. Trung Quốc chỉ đạt thứ hạng 11 trong bảng tổng sắp huy chương.
Phương châm « Cả nước ủng hộ nền thể thao đẳng cấp cao » bắt đầu vấp phải sự chỉ trích trong công chúng. Một số người đặc biệt phê phán việc các vận động viên không thể có được niềm vui, Nhà nước can dự vào mọi chuyện, cản trở một số phương thức đổi mới, các vận động viên thi đấu đẳng cấp cao có sức khỏe yếu kém.
Nhìn chung, các thành phần của phong trào thể thao Trung Quốc – nhà quản lý, vận động viên và huấn luyện viên – đều làm mọi cách để nâng cao trình độ. Nhà nước ép các vận động viên đẳng cấp cao tuân thủ một chế độ bán quân sự nghiêm ngặt. Các khu huấn luyện thể thao được tổ chức theo cách để cải thiện tối đa thành tích và khu vực sinh hoạt của các vận động viên nằm tách biệt với cuộc sống của dân thường. Nam, nữ phải ở riêng và không được phép có quan hệ thân mật. Các vận động viên còn được khuyến cáo không nên yêu đương hoặc lập gia đình.
Ngoài ra, một số phương pháp bất hợp pháp cũng được sử dụng để cải thiện thành tích của các vận động viên. Đôi khi, nhà chức trách Trung Quốc khai man tuổi của các vận động viên để họ có thể sớm được cọ sát với các đồng nghiệp lớn tuổi hơn nhằm sớm đạt được cấp độ cao nhất. Việc sử dụng doping cũng trở nên phổ biến ở Trung Quốc vào những năm 1980, với các loại thảo mộc, thuốc sắc truyền thống và « viên thuốc thần kỳ », các kỹ thuật cũng vừa đa dạng, vừa độc đáo.
Trung Quốc đã giành chức vô địch Đại hội thể thao châu Á Seoul năm 1986, nhưng có tới 11 vận động viên Trung Quốc dương tính với doping, làm dấy lên nỗi hoài nghi về các vận động viên Trung Quốc nói chung. Đối với bộ Thể Thao Trung Quốc, không thể để hình ảnh đất nước bị ảnh hưởng ở nước ngoài. Năm 1989, trung tâm kiểm tra chống doping đầu tiên của Trung Quốc đã được CIO công nhận và nhà chức trách đã thúc đẩy « ba nguyên tắc nghiêm túc » : kiểm tra chống doping nghiêm túc, nghiêm cấm việc sử dụng các sản phẩm doping trong thể thao và xử phạt những người sử dụng các sản phẩm nói trên. Trong những năm đầu, các nguyên tắc nói trên vẫn là chưa đủ.
Năm 1993, « đội quân của Ma » – được đặt theo tên của huấn luyện viên Trung Quốc Ma Junren – đã gây chấn động tại Giải vô địch điền kinh thế giới ở Stuttgart, giành được hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Biểu tượng của sự thành công của « Juguo Tizhi », ba vận động viện Trung Quốc Qu Yunxia, Zhang Linli và Zhang Lirong đã đạt được cú hat-trick vang dội trong trận chung kết nội dung 3.000m nữ. Thế nhưng, kiệt sức do các điều kiện tập luyện khắc nghiệt, 9 nữ vận động viên trong đội đã viết thư tố cáo huấn luyện viên, đã buộc họ phải sử dụng doping. Lá thư được tiết lộ vào năm 2015, nhưng ngành thể thao Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến bước.
Sự vươn lên của thể thao Trung Quốc là không thể cản được ?
Mãi cho đến những năm 1990 khi Liên Xô sụp đổ thì Trung Quốc mới leo lên các vị trí cao dần trong bảng tổng sắp huy chương Olympic ; hạng thứ tư vào các năm 1992 và 1996, vị trí thứ ba vào năm 2000, và vị trí thứ hai vào năm 2004. Trong khi thành tích thể thao của Nga kém đi, Trung Quốc vươn lên vị thế của một cường quốc thể thao không thể chối cãi.
Vào ngày 13/07/2001, CIO trao quyền tổ chức Thế Vận Hội mùa hè 2008 cho Bắc Kinh. Đối với nhà chức trách Trung Quốc, đây là một thắng lợi tuyệt đối. Một cuộc thăm dò dư luận vào thời điểm đó cho thấy 96% dân số Trung Quốc ủng hộ quyết định nói trên. Năm 2008, Trung Quốc lần đầu tiên trong lịch sử đăng cai Thế Vận Hội và giành chiến thắng trong bảng tổng sắp huy chương.
Dù đạt thành công không thể phủ nhận này, kỳ Thế Vận Hội đó đã chứng kiến nhiều sự phản đối nhắm vào chế độ Trung Quốc. Thủ tướng Đức Angela Merkel, thủ tướng Anh Gordon Brown và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đều không dự lễ khai mạc Olimpic Bắc Kinh 2008 để phản đối hành vi vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh.
Kể từ đó, thể thao vẫn là một thách thức lớn cho Trung Quốc, quốc gia đang tìm cách vươn lên vị trí hàng đầu trong số các siêu cường thể thao. Tuy nhiên, những tuyên bố tẩy chay Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022 có thể cho thấy là các cường quốc Tây phương sẽ không để Trung Quốc đạt được mục tiêu đó.