Nga nhất quyết triệt tiêu tổ chức nhân quyền Memorial bất chấp đả kích từ phương Tây
Đăng ngày: 29/12/2021
Trọng Nghĩa
Một tòa án tại Matxcơva vào hôm nay 29/12/2021 đã ra lệnh đóng cửa Trung Tâm Bảo Vệ Nhân Quyền Memorial, một chi nhánh độc lập của tổ chức phi chính phủ Nga Memorial International vừa bị Tòa Án Tối Cao Nga giải thể vào hôm qua, 28/12. Phán quyết giải thể tổ chức được coi là trụ cột của xã hội dân sự và giới bảo vệ nhân quyền tại Nga đã làm dấy lên phản ứng phẫn nộ từ phương Tây, đặc biệt là từ Pháp, Đức và Mỹ.
Theo hãng tin Pháp AFP, thẩm phán Mikhail Kazakov đã ra phán quyết giải thể, đúng theo đề nghị của công tố viên đại diện chính quyền đã cáo buộc Trung Tâm Bảo Vệ Nhân Quyền Memorial – một tổ chức có tư cách pháp nhân riêng biệt với tổ chức Memorial vừa bị giải thể vào hôm qua – là đã vi phạm bộ luật gây tranh cãi về “các tác nhân nước ngoài” và ủng hộ “khủng bố” cũng như “chủ nghĩa cực đoan”. Đối với đại diện chính quyền, các vi phạm “liên tiếp và trắng trợn” luật pháp Nga của trung tâm đủ để tuyên bố giải thể tổ chức này.
Ngay tại tòa án, ông Alexander Cherkassov, người đứng đầu Trung Tâm Bảo Vệ Nhân Quyền, không ngần ngại tuyên bố: “Nếu chúng tôi bị giải thể, điều đó sẽ khẳng định là việc truy tố vì mục tiêu chính trị đã trở thành một thực tế có hệ thống trong cuộc sống của chúng tôi”.
Phản ứng phẫn nộ từ phương Tây
Ngay từ hôm qua, phán quyết của Tòa Án Tối Cao Nga ra lệnh giải thể tổ chức Memorial International đã bị công luận phương Tây đả kích dữ dội.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã tố cáo một hành vi “xúc phạm” quyền của con người. Trong một thông cáo báo chí, ông Blinken tuyên bố rằng hành động “truy bức” tổ chức bảo vệ ký ức của các nạn nhân các trại cải tạo Gulag (thời Staline) là “một sự xúc phạm đối với các “sứ mệnh cao cả của tổ chức Memorial và chính nghĩa đấu tranh vì quyền con người trên toàn thế giới”.
Về phần mình, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, bày tỏ thái độ độ “phẫn nộ” và “quan ngại” của ông. Trong một thông cáo, người đứng đầu ngành ngoại giao Pháp cho rằng việc giải thể tổ chức Memorial đặc biệt đáng lo ngại cho tương lai của ngành nghiên cứu lịch sử và công cuộc bảo vệ nhân quyền ở Nga, nhất là trong bối cảnh năm nay là “năm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Andrei Sakharov, người sáng lập tổ chức này và là người đoạt giải Nobel Hòa Bình”.
Tương tự như Paris, Berlin cũng cho rằng “không thể hiểu nổi” phán quyết của Tòa Án Tối Cao Nga, một động thái khiến Đức quan ngại vì có tác dụng “bịt miệng nạn nhân các vụ bức hiếp và đàn áp”.