Biến đổi khí hậu 2021: Thiên tai kinh hoàng hơn, tổn thất nặng nề hơn

Biến đổi khí hậu 2021: Thiên tai kinh hoàng hơn, tổn thất nặng nề hơn

Đăng ngày: 30/12/2021

Trọng Thành

Trái đất bị hâm nóng khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn gấp bội. Nhận định của giới khoa học một lần nữa được chứng minh qua thống kê về tổn thiệt vật chất của 10 thảm họa thiên nhiên lớn nhất trong năm 2021, do một tổ chức phi chính phủ thực hiện. Số thiệt hại thực sự được coi là lớn hơn rất nhiều so với con số 170 tỉ đô la, theo Christian Aid.

Ít nhất 1.075 người chết và hơn 1,3 triệu người phải sơ tán là hậu quả của 10 thiên tai được coi là lớn nhất trong năm sắp qua, theo số liệu của Christian Aid, được công bố ngày 27/12/2021.  Riêng về tổn thất tính thành tiền, theo Christian Aid, tổng số thiệt hại năm qua là 170 tỷ đô la, cao hơn 20 tỉ đô la so với năm ngoái (150 tỉ đô la).

Cụ thể: Cơn bão Ida (cuối tháng 8, đầu tháng 9) gây lũ lụt lớn ở thành phố New York, Hoa Kỳ, gây tổn thất ước tính 65 tỷ đô la. Thảm họa được đánh giá là thiệt hại vật chất đứng thứ hai là trận lũ lớn ở châu Âu hồi tháng 7 (Đức, Bỉ và các nước lân cận), gây thiệt hại 43 tỉ đô la. Cơn bão tuyết Uri ở Hoa Kỳ hồi đầu năm, tấn công xuống tận bang miền nam Texas, gây tê liệt một phần đáng kể mạng lưới điện của bang, gây thiệt hại 23 tỷ đô la.

Bảy thảm họa còn lại xếp theo trật tự thời gian như sau. Lũ lụt ở Úc hồi tháng 3 gây thiệt hại 2,1 tỷ đô la. Đợt giá lạnh cuối tháng 4 ở Pháp tàn phá các vườn nho nổi tiếng (5,6 tỷ). Tháng 5, hai trận bão tấn công vùng Nam Á, bão Yaas ở Ấn Độ và Bangladesh (tổn thất 3 tỷ), bão Tauktae ở Ấn Độ và Sri Lanka (1,5 tỷ). Tháng 7 đến lượt Trung Quốc : bão In-Fa gây tổn thất 7, 2 tỷ, và trận lũ lịch sử tỉnh Hà Nam (Henan), gây tổn thất 17,6 tỷ đô la. Đến tháng 11, bang British Columbia ở Canada gánh chịu trận lũ lớn, gây thiệt hại 7,5 tỷ đô la.

Giữa tháng 12, công ty bảo hiểm Swiss Re đã công bố tổng thể thiệt hại của các thảm họa thiên nhiên trong năm 2021 trên toàn thế giới, ước tính khoảng 250 tỷ đô la, tăng 24% so với năm 2020 (nhiều hơn 70 tỉ so với thống kê của hiệp hội Christian Aid với 10 thảm họa lớn nhất nói trên). 

Hậu quả với nước nghèo gần như không được tính đếm  

Tuy nhiên, trên đây chỉ là các thiệt hại được tính toán theo các hãng bảo hiểm. Những thảm họa được đánh giá là thiệt hại cao nhất xảy ra ở các nước giàu, với cơ sở hạ tầng phát triển hơn và được bảo hiểm tốt hơn. Tổ chức phi chính phủ Christian Aid nhấn mạnh rằng: « nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, tàn khốc nhất của năm 2021 là xảy ra ở các nước nghèo, vốn là các quốc gia đóng vai trò rất ít trong việc trái đất bị hâm nóng », và là nơi hầu hết các thiệt hại không được bảo hiểm. 

Riêng tác động về người, tại Nam Soudan, lũ lụt đã khiến 800.000 người phải tha hương, theo Christian Aid. Và các thiệt hại về kinh tế không thể đánh giá được.

Nhân loại « đang xuống địa ngục », nhưng COP26 mang lại tia sáng le lói cuối đường hầm

Tình trạng thảm họa thiên nhiên do Biến đổi Khí hậu một lần nữa đặt ra câu hỏi : Nỗ lực cắt giảm khí thải của cộng đồng quốc tế hiện nay ra sao với Thượng đỉnh Khí hậu COP26 đầu tháng 11 (tại Glasgow, Anh Quốc) ?

Chuyên gia về Biến đổi Khí hậu và quản lý khí thải, giáo sư Dave Reary, giám đốc Viện Climate Change, Đại học Edimbourg, cảnh báo rất rõ ràng : Nhân loại đang trên đường đi xuống địa ngục, nhưng thượng đỉnh COP26 « mở một lối thoát ».

Hội nghị COP26 vừa qua thành công hay thất bại ? Trước 100.000 thanh thiếu niên tập hợp tại Glasgow dịp thượng đỉnh khí hậu, nhà tranh đấu Thụy Điển trẻ tuổi Greta Thunberg tố cáo hội nghị này chỉ là « một ngày hội của những kẻ giả danh vì môi trường » (greenwashing). Trong khi đó, một số chuyên gia ca ngợi những bước tiến vững chắc, thậm chí « mang tính lịch sử », của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Hãng tin Pháp AFP, ngày 27/12, có bài tổng thuật về vấn đề này, ghi nhận một trong những thành quả đáng kể của thượng đỉnh : Cộng đồng quốc tế thống nhất hướng đến mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,5°C so với thời tiền công nghiệp. Đây vốn là mục tiêu « thứ yếu » trong Hiệp định Khí hậu Paris 2015.

Tuy nhiên, thành quả đó là hết sức nhỏ nhoi. Bởi chỉ trong chưa đầy 10 năm nữa, nhiệt độ Trái đất sẽ vượt qua mức tăng 1,5°C, trong lúc các nỗ lực cắt giảm khí thải là quá ít để thực hiện được điều này. Thượng đỉnh COP26 đã mở ra một lối thoát, một tia sáng le lói cuối đường hầm. Các nỗ lực trong những năm tới liệu có đưa được Nhân loại thoát hiểm ?

Bài Liên Quan

Leave a Comment