Đồi Capitol, Afghanistan, Aukus, căng thẳng Nga-Ukraina : Những sự kiện đánh dấu 2021
Đăng ngày: 30/12/2021
Minh Anh
Những thời khắc cuối cùng của năm 2021 sắp đến. Đây cũng là dịp để nhìn lại tình hình địa chính trị thế giới trong năm qua. Từ cuộc tấn công đồi Capitol, Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan trong hỗn loạn, liên minh quân sự AUKUS hình thành, cho đến căng thẳng biên giới Nga – Ukraina, giới quan sát đều cùng có chung nhận xét : Cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc luôn là nền tảng định hình toàn cục địa chính trị thế giới trong năm nay.
Cuộc tấn công đồi Capitol khai màn năm 2021
Năm 2021 được bắt đầu bằng một sự thay đổi lớn nhất ở Mỹ : Thay người đứng đầu đất nước. Sự kiện này luôn đặc biệt thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Bởi vì, theo nhà nghiên cứu địa chính trị Pascal Boniface, trên trang mạng Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS), « khi Hoa Kỳ thay đổi tổng thống, đó không đơn giản chỉ là chuyện nội bộ nước Mỹ, mà còn là sự kiện chiến lược trọng đại và mang tính toàn cầu, do vị thế địa chính trị quan trọng của nước Mỹ ».
Thế nhưng, lần thay đổi chủ nhân Nhà Trắng năm nay lại không diễn ra một cách êm thắm. Hình ảnh bạo lực từ những người ủng hộ Donald Trump tấn công đồi Capitol, nơi đặt trụ sở Quốc Hội Mỹ, để ngăn cản các nghị sĩ công nhận kết quả thắng cử của Joe Biden đã làm rung chuyển nền dân chủ Mỹ. Ông Boniface nhận định: « Thắng lợi bầu cử của Biden cũng vì thế có những vết tì. Niềm hy vọng của ông hợp nhất một nước Mỹ bị chia rẽ càng trở nên khó khăn hơn trước qyết tâm của những người cuồng Trump, vốn dĩ cho rằng sẽ không có sự hòa giải do việc cuộc bầu cử này đã bị đánh cắp. »
« America is back »?
Việc ông Joe Biden, ứng viên Dân Chủ, trở thành tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, ban đầu, đã mang lại nhiều tia hy vọng cho các nước đồng minh. Người ta mong rằng có thể sang trang những năm tháng chính sách ngoại giao đơn phương bất định của Donald Trump. Chủ nghĩa đa phương rồi sẽ quay trở lại. Hoa Kỳ sẽ khôi phục lại các mối quan hệ đồng minh, bất kể đó là châu Á hay châu Âu.
Nhưng trên thực tế, khi đến châu Âu tuyên bố « America is back », mục tiêu chính của ông Joe Biden chỉ là nhằm yêu cầu các nước đồng minh đi theo Mỹ trong cuộc « thập tự chinh » chống Trung Quốc. Bởi vì, nỗi lo Trung Quốc bắt kịp và soán mất thế ưu việt của Mỹ mới chính là mối bận tâm hàng đầu của Washington. Và đây cũng là chủ đề duy nhất có được sự đồng thuận của lưỡng đảng tại Nghị Viện Mỹ.
Cuộc cạnh tranh gay gắt giữa hai siêu cường hàng đầu sẽ là nền tảng địa chính trị cho thế giới trong những năm, thậm chí nhiều thập niên sắp tới. Vẫn theo ông Pascal Boniface, đó là vì một thỏa thuận từ lâu giữa Bắc Kinh và Washington nay đã bị phá vỡ.
Hoa Kỳ sẽ không bận tâm những gì diễn ra bên trong nội bộ chế độ chính trị Trung Quốc. Chuyện Trung Quốc làm gì ở trong nước đó là chuyện của họ. Nhưng ngược lại, Trung Quốc sẽ không khao khát thế bá quyền toàn cầu. Nhưng thỏa ước này đã bị tan vỡ kể từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền. Người ta không còn ở thời của Đặng Tiểu Bình, theo đó, Trung Quốc phải ẩn mình chờ thời. Tập Cận Bình mạnh mẽ tuyên bố Trung Quốc sẽ là quốc gia hàng đầu hùng mạnh nhất thế giới. Sự trở về của Trung Quốc là hợp lẽ và do vậy Trung Quốc không cần phải che giấu ý đồ trở cường quốc hàng đầu thế giới.
Afghanistan : Một Việt Nam thứ hai cho Mỹ
Chính trong bối cảnh này mà lời hứa « America is back » đưa ra không bao lâu đã bị sứt mẻ. Khi bất ngờ thông báo rút quân khỏi Afghanistan, Hoa Kỳ đã đặt các nước đồng minh trước « sự đã rồi ». Phe nổi dậy Taliban như được mở đường, tiến như vũ bão về thủ đô Kabul, khiến chính quyền do Mỹ và phương Tây bảo trợ sụp đổ một cách nhanh chóng ngày 15/08/2021. Một cú sốc mạnh, một cơn địa chấn cho toàn cầu. Kabul gợi nhắc lại hình ảnh đã từng thấy trong quá khứ : Sài Gòn thất thủ ngày 30/04/1975.
Trên đài France Culture, ngày 05/09/2021, nhà báo Jean-Claude Pomonti, cựu thông tín viên báo Le Monde về Việt Nam, hồi tưởng lại Sài Gòn thất thủ trong hoàn cảnh nào : « Năm 1973, người Mỹ ký kết một thỏa thuận với Hà Nội, những người cộng sản Việt Nam, bao gồm việc trao đổi tù nhân chiến tranh, Hoa Kỳ không tham chiến trực tiếp. Sẽ không còn các cuộc dội bom và sẽ không còn lính Mỹ trên các mặt trận (…) Lính Mỹ được rút đi theo hai giai đoạn : Đó là vào năm 1973, khi họ vừa ký kết thỏa thuận với Bắc Việt và vào năm 1975, khi những cố vấn quân sự cuối cùng được sơ tán. »
Nếu như thất bại chiến lược lần này của Hoa Kỳ ở Afghanistan là dấu hiệu cho sự tái định hình địa chính trị, cuộc chiến chống khủng bố không còn là một thách thức lớn cho Mỹ, mà thay vào đó là Nga và Trung Quốc, thì sự kiện làm nổi rõ một sự cạnh tranh gay gắt giữa hai nền ngoại giao trong cách tiếp cận hồ sơ Afghanistan.
Bertrand Badie, giáo sư danh dự trường đại học khoa học chính trị Sciences Po tại Paris, trong một chương trình phát thanh trên đài France Culture, giải thích :
Ngày nay, người ta có cảm giác là có một sự cạnh tranh giữa hai kiểu ngoại giao. Nền ngoại giao phương Tây vẫn còn bị đóng khung trong một mô hình hai cực. Đó là một nền ngoại giao mang xu hướng phe phái, phân loại thế giới, một bên là những nước bạn bè, đồng minh, khách hàng và bên kia là những kẻ thù. Đương nhiên, tầm nhìn này chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại gần như không thể tránh khỏi.
Ở phía đối diện, chúng ta có một kiểu ngoại giao khác đang được hình thành, cũng không mấy gì đạo đức cho lắm, nhưng có thể nói là láu lỉnh hơn, mà tôi gọi là \”catch-all diplomacies\”, đó là một kiểu ngoại giao \”không bỏ sót điều gì\”. Trong một thế giới như hiện nay, cần phải thiết lập các mối quan hệ ngoại giao với tất cả mọi người, với tất cả những gì tồn tại, và phải thỏa hiệp, cố gắng đi xa hơn nếu có thể, theo cách hướng đến một đồng thuận.
Trong ván cờ này, Nga và Trung Quốc với kiểu ngoại giao thực dụng, là bên thắng thế. Còn các nước phương Tây, do thiếu các lá chủ bài, nay rơi vào ngõ cụt.
AUKUS làm dậy sóng Thái Bình Dương
Đương nhiên, với Hoa Kỳ, Kabul chẳng có tầm quan trọng đáng kể. Trung Quốc mới là điều đáng quan tâm. Chính trong lô-gic này mà một tháng sau cuộc rút quân hỗn loạn ở Afghanistan, Washington ngày 16/09/2021, thông báo thành lập liên minh quân sự AUKUS bao gồm ba nước Mỹ, Anh và Úc, với tầm ngắm là Trung Quốc. Nhưng nước Pháp trả giá đắt cho chiến lược mới của Mỹ, khi bị Úc thông báo hủy « hợp đồng thế kỷ » mua 12 chiếc tầu ngầm để đổi lấy 8 chiếc tầu ngầm hạt nhân công nghệ Anh – Mỹ.
Một đòn giáng chí tử, một « nhát đâm sau lưng » đồng minh đã dẫn đến một khủng hoảng ngoại giao chưa từng có. Paris triệu hồi các đại sứ ở Mỹ và Úc để tham vấn. Sau Afghanistan, giờ đến AUKUS, Paris cũng tự hỏi « liệu còn có thể trông cậy vào Hoa Kỳ nữa hay không ? ».
Đô đốc Alain Coldefy, cựu tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, trong một chương trình của RFI lưu ý rằng vùng châu Á – Thái Bình Dương luôn là mối bận tâm chính của Mỹ. Chính tại nơi này mà Hoa Kỳ có bộ chỉ huy quân sự lớn nhất, có số quân bộ binh, không quân, hải quân đông hơn rất nhiều so với ở châu Âu. Thế nên, theo diễn giải của vị cựu tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, quyết định hủy bỏ hợp đồng của Úc chỉ là một đòn « ngụy trang » nhằm che giấu ý đồ thực sự của Mỹ tại khu vực.
« Trên thực tế, Hoa Kỳ tìm kiếm một căn cứ hải quân cho các chiếc tầu ngầm hạt nhân tấn công của họ ở vùng Nam Thái Bình Dương, họ sẽ có được một căn cứ ở phía bờ Tây nước Úc. Bởi vì việc xây dựng một nền công nghiệp hạt nhân đòi hỏi đến 30 năm, rồi còn phải nhập khẩu thiết bị bảo trì và các kỹ nghệ cho các kỹ sư, sĩ quan những người có thể vận hành các chiếc tầu ngầm. Tất cả các nước khi tham gia đấu thầu đều đặt ra thời hạn là 30 năm. Do vậy, chúng ta thấy rõ là đây chỉ là một trò ngụy trang. Người Úc là món đồ chơi của trò ngụy trang này. Tất cả những điều đó đều nhằm phục vụ cho các lợi ích của Mỹ ».
Mỹ – Trung đối đầu, Nga không muốn nằm ngoài cuộc
Đối đầu Mỹ – Trung trở nên dữ dội, thu hút mọi sự chú ý của thế giới đến mức người ta quên mất còn có một « ông khổng lồ » khác , một cường quốc quân sự khác có khả năng « gây rối » mạnh mẽ không kém : Nga. Những ngày cuối năm, hơn 100 ngàn binh sĩ Nga được dồn về biên giới với Ukraina. Hoa Kỳ và phương Tây lo ngại một cuộc chiến có thể bùng phát giữa hai nước có cùng một nền văn hóa Slave.
Giới quan sát tự hỏi : Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn gì khi dồn quân về biên giới với Ukraina ? Sự việc xảy ra cũng đúng vào lúc năm 2021 này đánh dấu 30 năm ngày Liên Xô tan rã. Khi trở thành chủ nhân điện Kremlin, Vladimir Putin đưa ra các mục tiêu rất rõ ràng : Mang lại cho nước Nga sự vĩ đại và tầm ảnh hưởng xưa kia. Điều này đã được nguyên thủ Nga lần lượt thể hiện qua việc khẳng định tầm quan trọng của Nga trong các ván cờ ngoại giao như tại Syria. Thể hiện sức mạnh trực tiếp như cho sáp nhập bán đảo Crimée từ năm 2014, can dự vào cuộc xung đột vùng Đông Ukraina…
Do vậy, theo quan điểm của nhà địa chính trị học Pascal Boniface, trong một chương trình của RFI, những gì Nga muốn chính là sự tôn trọng và xóa tan sự sỉ nhục. Việc dồn quân ở biên giới Ukraina chỉ là hành động « khoa chân múa tay ». Mục tiêu chỉ nhằm làm suy yếu Ukraina hơn là mở chiến dịch xâm lược, đồng thời buộc Mỹ ngồi lại vào bàn đàm phán nhằm ngăn chặn NATO bành trướng sức mạnh trong vùng ảnh hưởng của Nga.
« Putin cũng như nhiều người dân Nga nghĩ rằng phương Tây đã lợi dụng điểm yếu của những năm 1990, xem việc mở cửa của Liên Xô như là một thế yếu. Tôi không nói là tất cả những sai lầm đều từ phía phương Tây, nhưng hiện tại dường như Nga và ông Putin đã từ bỏ mối quan hệ tốt đẹp với thế giới phương Tây (…).
Tôi tin là ông Putin không muốn tái lập Liên Xô. Ông ấy rất thực tế để hiểu rằng điều đó là không thể. Putin cũng không muốn xâm chiếm Ukraina, vì ông cũng biết rằng họ sẽ bị sa lầy. Nhưng Putin muốn bảo vệ các lợi ích của nước Nga nhiều nhất có thể ; bảo vệ một trật tự, bảo đảm quyền lực của mình vì điều đó bảo vệ cho chính bản thân ông ấy và những người thân cận (…). »