2022, năm \”bản lề\” cho Joe Biden, Tập Cận Bình và Vladimir Putin
Đăng ngày: 31/12/2021
Minh Anh
Chỉ còn vài giờ nữa là năm 2021 đầy biến động sẽ khép lại. Thế giới bước sang năm 2022 được chia theo hai cực : Một bên là Nga và Trung Quốc và bên kia là Mỹ. Theo quan điểm của chuyên gia Philippe Le Corre*, trên tờ Ouest-France, hơn bao giờ hết, cuộc đọ sức giữa hai thái cực, chuyên chế và dân chủ, vẫn sẽ tiếp diễn, mỗi lúc một gay gắt.
Những ai từng kỳ vọng năm 2021 này một sự tái cân bằng có lợi cho một liên minh các nền dân chủ để đối phó với Trung Quốc và Nga có thể thất vọng, « hoài công vô ích ». Đương nhiên, Joe Biden đắc cử, trở thành chủ nhân Nhà Trắng mang lại chút làn gió mới cho các nền dân chủ – từ New York đến Berlin. Nhưng điều đó cũng chưa đủ để tạo thành một lực đẩy đủ mạnh, bất chấp một cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến vì dân chủ được tổ chức hồi đầu tháng 12/2021.
Cùng lúc, Tập Cận Bình và Vladimir Putin được các chế độ độc tài hậu thuẫn không ngừng củng cố quyền lực. Năm 2022, ông Tập sẽ tiếp tục lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc chí ít thêm năm năm nữa. Còn Vladimir Putin thì đang chuẩn bị cho các kỳ bầu cử sắp tới để tại quyền mà chẳng chút gì lo lắng : Bởi vì từ 22 năm qua, chưa có cuộc bầu cử nào là thật sự bất lợi cho ông cả.
Đây cũng chính là điểm khác biệt duy nhất giữa Putin và Tập Cận Bình. Bởi vì, tại Trung Quốc, đảng Cộng Sản kiểm soát đất nước, quân đội, các tỉnh, các doanh nghiệp Nhà Nước, và các nhà lãnh đạo thì được tuyển chọn theo những tiêu chí đối lập với các nền dân chủ phương Tây.
Nếu như mọi việc có vẻ như « xuôi buồm thuận gió » cho bên các nhà lãnh đạo độc tài, thì ngược lại, với Joe Biden, năm 2022, dự báo nhiều khó khăn, nhà nghiên cứu thuộc trường Harvard Kennedy School và ESSEC-Irene viết. Tại Thượng Viện, nguyên thủ Mỹ có một đa số mong manh (51% với điều kiện phó tổng thống Mỹ Kamala Harris có thể thực hành quyền bỏ phiếu). Còn tại Hạ Viện, đảng Dân Chủ cũng chỉ nhỉnh hơn phe đối lập có 8 ghế. Nguy cơ mất đồi Capitole (trụ sở Quốc Hội lưỡng viện) lơ lửng trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới, và như vậy có thể gây khó khăn cho nhiệm kỳ Joe Biden, vào lúc điểm tín nhiệm của ông sụt giảm thê thảm chỉ còn ở mức 42%.
Nhưng nhà nghiên cứu Philippe Le Corre lưu ý : Quyền lực của ông Tập Cận Bình chưa hẳn đạt đến mức một hoàng đế thật sự như người ta đang nghĩ. Tương lai nhiệm kỳ của ông Tập còn phải do ban lãnh đạo đảng Cộng Sản quyết trong những tháng sắp tới.
Trong khi đó, tình hình đất nước cũng không mấy gì sáng sủa : Tăng trưởng chậm, dân số giảm, chính sách « zero Covid » gây bất an cho các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là trong bối cảnh Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh sắp đến gần nhưng bị nhiều nước phương Tây tẩy chay ngoại giao như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Anh…
Nếu như kỳ đại hội thể thao này, trước hết là để dành cho người dân Trung Quốc nhằm thể hiện kỳ tích tổ chức các sự kiện như thường lệ, thì theo ông Le Corre, đây chỉ là một màn ngụy trang. Chưa có lúc nào mối thiện cảm của công luận quốc tế mà Trung Quốc có được đến tận năm 2018 lại sụt giảm mạnh như lúc này. Theo một nghiên cứu của Pew Research, công bố hồi tháng Sáu năm nay, so sánh hình ảnh giữa Mỹ và Trung Quốc, ý kiến tích cực dành cho Mỹ là 61%, còn Trung Quốc chỉ có 27%.
Từ toàn cảnh này, nhà nghiên cứu người Pháp đưa ra kết luận : Cuộc đọ sức giữa một bên là các chế độ chuyên chế – do Trung Quốc và Nga dẫn đầu – và bên kia là các nền dân chủ vẫn sẽ tiếp diễn. Trong cuộc cạnh tranh này, bên dân chủ càng phải cố gắng thể hiện sự hòa hợp !