Việt Nam “mở” đối ngoại nhưng “bóp” đối nội

Việt Nam “mở” đối ngoại nhưng “bóp” đối nội

Chộn rộn giữa năm cũ đang qua và năm mới sắp đến mà ngồi bàn về triết lý đối ngoại, văn hoá chính trị, cùng với các động thái phản dân chủ một cách bất chấp công luận quốc tế của chính quyền Hà Nội thì thật là “trật chìa vôi”.Bình luận của Gia Cát Tường
2021.12.30

\"ViệtTổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Quốc Hội ở Hà Nội hôm 24/3/2021 AFP

Từ Bắc vô Nam hiện đang sôi lên từng ngày về vụ “kit test” Việt Á, được cho là cơn sóng thần có thể sẽ nhấn chìm uy tín của chế độ. Ấy vậy nhưng dư âm của Hội nghị Đối ngoại đầu tiên trong lịch sử hơn 76 năm tồn tại của nhà nước chuyên chế vẫn còn đó trên nhiều diễn đàn. Giới phân tích nhận thấy có quá nhiều phi lý, bất cập, thậm chí là lệch chuẩn trong chủ trương của TBT Nguyễn Phú Trọng. Một mặt, ông “quyết tâm xây dựng trường phái ngoại giao cây tre” trong một đít-cua dài hơn một giờ đồng hồ. Mặt khác, ông ra lệnh xử nặng những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền. Cả hai “nhật lệnh” này được chính quyền tung ra trong cùng trong một buổi sáng 14/12 [1].

Không phải “đặc sản” của Việt Nam

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra triết lý đối ngoại được cho là mới, nhưng không mấy thuyết phục. Không thuyết phục, vì bản thân cái khái niệm nền tảng “ngoại giao cây tre” vừa không chỉ duy nhất có ở Việt Nam, vừa không độc đáo do Việt Nam nghĩ ra. Thái Lan có hẳn cả một nền “chính trị cây tre”, một “nền ngoại giao cây sậy” nổi tiếng từ trước cả các cuộc thế chiến. Nền “ngoại giao cây tre – cây sậy” của các nhà lãnh đạo Thái nổi tiếng đến mức, chính Thủ tướng Thái đã nhắc nhở Thủ tưởng Phạm Văn Đồng, nhờ tính uyển chuyển chiến lược “mềm như tre” mà Thái Lan đã không phải đánh nhau với các đế quốc to. Câu chuyện “xưa như diễm” ấy không ngờ lại sống lại trong thời điểm hiện nay, được người đứng đầu ĐCSVN coi như một phát hiện ra “tân thế giới”.

Khi đưa ra chủ trương này, TBT không những đã “thuổng” ý tưởng gốc từ Thái Lan, mà chính ông cũng đã lặp lại bản thân mình. Vì cách đây hơn năm năm, tại Hội nghị ngoại giao 29 (tổ chức tại Hà Nội, 22 – 26/8/2016), TBT Trọng cũng từng phát biểu y chang như tại Hội nghị đối ngoại ngày 14/12/2021. Đúc kết về “trường phái ngoại giao” của Việt Nam, mà ông Trọng cho rằng “mang đậm bản sắc cây tre”, thì chỉ đúng với vế đầu “mềm mại mà cứng cỏi”. Những đặc tính còn lại gán cho loài tre là khá khiên cưỡng, như “nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người” – những đặc điểm thuộc tính người – loài tre làm gì có đặc tính đó, kể cả chấp nhận “nhân cách hoá”[2].

Đấy là chưa nói, dùng hình tượng cây tre để nói về sự bất khuất của người Việt Nam là một ý tưởng đã từng được Tổng thống Mỹ Barack Obama tôn vinh khi phát biểu trước 2.000 thanh niên, sinh viên Việt Nam ở Mỹ Đình ngày 24/5/2016. Các thư ký chuẩn bị diễn văn cho TBT, không rõ vì lười đọc, hay họ biết nhưng vẫn bỏ qua sự góp ý chính xác của nhà văn Phạm Viết Đào thời bấy giờ. Tre mạnh bởi đặc điểm sinh thái của nó: luôn liên kết với nhau, tạo nên thiết chế ”lũy tre làng”. Kết cấu sinh thái – sinh tồn này được nhà thơ Nguyễn Duy đúc kết trong bài Tre Việt Nam: “Bão bùng thân bọc lấy thân/ Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm/ Thương nhau tre không ở riêng/ Lũy thành từ đó mà nên hỡi người…”.

Vâng, có lẽ ở đây nhà thơ muốn nói về sự cố kết quốc gia, hơn là về chính trị đối ngoại. Tre bao giờ cũng mọc thành khóm, thành bụi, tre không đơn độc; “lũy tre” chịu đựng được gió bão là do bởi các bụi tre luôn phát triển nhờ vào các cấu trúc liên minh, liên kết. Tre sở dĩ đứng vững trước gió bão là do tre có sự “đồng lòng” cao; trước gió bão không bao giờ có hiện tượng: cây thì ngả về đông, cây lại nghiêng sang tây… Không rõ TBT Nguyễn Phú Trọng khi nói đến trường phái “ngoại giao tre” có biết đến đặc tính của tre: sự liên minh, liên kết chặt chẽ với nhau và “nội bộ tre” luôn đồng lòng cao, có thế mới chống được gió bão, như là một đặc điểm sinh tồn? Những đặc tính đó của tre hoàn toàn xa lạ với các đặc điểm của ngoại giao và con người Việt Nam hiện nay.

\"000_Hkg8642158.jpg\"
Hình minh hoạ; Một người bán hàng ngồi trước cửa hàng bán các sản phẩm làm từ tre ở Hà Nội. AFP

Triết lý bổ sung cũng lệch chuẩn

Ngoài “trường phái cây tre”, TBT Trọng còn “phát triển” thêm một vài nguyên lý khác cho đối ngoại Việt Nam giai đoạn tới, như phải “giữ thể diện cho nước lớn” và “mềm nắn, rắn buông”. Xử lý khéo léo quan hệ với các nước là đúng, quan tâm nhiều hơn đến các nước làng giềng và các nước lớn là hợp lý. Nhưng “tôn trọng và giữ thể diện” là cơ bản của văn hóa ứng xử, nó không chỉ cần cho nước lớn, mà cần trong ứng xử với mọi nước, nhất là với nước nhỏ và lạc hậu. Triết lý này không những cần cho quan hệ giữa các quốc gia với nhau, mà cần cho quan hệ giữa con người với con người. Người bề dưới, yếu, nghèo mà tôn trọng người bề trên mạnh, giàu có là chuyện thường tình.

Nhưng người bề trên tôn trọng và giữ thể diện cho kẻ bên dưới, dù họ ở trong tình trạng bất lợi hay thua thiệt thì mới là người có văn hóa. Trong kết nối văn hóa, một xu thế quan trọng của nhân loại, là phải tôn trọng những khác biệt và đối lập. Đấy là cội nguồn của văn hoá khoan dung. Nếu chỉ quan tâm đến tôn trọng những thế lực hơn mình thì dễ rơi vào tình cảnh “đội trên đạp dưới”, một thái độ của những quốc gia không theo chính sách hoà hiếu và khoan dung. [3].

Đáng lưu ý hơn, ông Trọng đòi… “đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị” phải biết… “mềm nắn, rắn buông”. Người Việt chưa bao giờ xem “mềm nắn, rắn buông” là một lối ứng xử tử tế. Tiền nhân khái quát “mềm nắn, rắn buông” để lên án lối hành xử bất nhân, vô đạo nhưng ông Trọng lại công khai bày tỏ mong muốn hoạt động đối ngoại phải theo phương châm này! Có thể do cảm thấy xấu hổ vì chỉ đạo trâng tráo tới mức trần trụi của ông Trọng, chỉ có một số cơ quan truyền thông chính thức tường thuật nguyên xi về chuyện hoạt động đối ngoại phải biết… “mềm nắn, rắn buông”, một số cơ quan truyền thông chính thức đã chủ động lược bỏ chi tiết này. [4]

Khái quát “mềm nắn rắn buông” được nhiều người nghe trực tiếp, còn trong văn bản được công bố sửa lại là “cương nhu kết hợp”. Có thể do TBT lỡ lời nên truyền thông chính thống có báo đăng nguyên văn, có tờ thì lược bỏ. Tuy lược bỏ, nhưng một lời nói ra, khó mà rút lại được (Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy). “Cương nhu kết hợp” là đúng. Còn dùng “nhu chế cương” thì người dùng nó phải thông minh hơn đời chứ không phải “nhu” nào cũng thắng được “cương”. Người chưa đủ thông minh mà “nhu” quá có thể dẫn đến hèn yếu, bị dẫm đạp. Đó không phải là “cương nhu kết hợp” mà là cách hành xử của bọn người cơ hội, kém thông minh nhưng lắm mưu mô. Đó không thể là sách lược ngoại giao chân chính.

Ngoại giao, nước nào cũng đặt quyền lợi của nước mình lên hàng đầu nhưng phải trên cơ sở hai bên, nhiều bên cùng có lợi. “Mềm nắn rắn buông” là cách chỉ nghĩ đến cái lợi cho mình là chủ yếu, mà là cái lợi trước mắt. Nếu thực sự vì quyền lợi lâu dài của dân tộc mà gặp chuyện quá rắn cũng phải tìm cách gỡ dần chứ sao lại buông. Khi gặp chuyện quá mềm thì cần nâng cao cảnh giác, chứ sao đã vội nắn để thưởng thức chứ không phải để tìm vật sắc nhọn dấu bên trong.

\"2017-11-12T135122Z_158910433_RC1E88F872C0_RTRMADP_3_VIETNAM-CHINA.JPG\"
TBT Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ở Hà Nội hôm 12/11/2017. Reuters

Những phản đề của văn hoá chính trị

Dân tộc Việt Nam có truyền thống “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”. Chẳng nhẽ minh triết ấy chỉ để “mở” về đối ngoại, còn đối nội thì ngược lại sao?! [5]. Vẫn biết não trạng của giới lãnh đạo Việt Nam là nhờ những giá trị về địa-chính trị của đất nước trong lịch sử và đặc biệt là trong cuộc ganh đua giữa các đại cường hiện nay, nên phương Tây buộc phải nương nhẹ Việt Nam về dân chủ và nhân quyền. Điều nghịch lý là một kẻ chuyên quyền như Hun Sen gần đây mà cũng đòi to tiếng tố cáo tình trạng mất dân chủ và nhân quyền của Việt Nam trước thế giới.“ [6].

Những án tù chính chính trị trong mấy tuần nay: Phạm Đoan Trang: chín năm; Trịnh Bá Phương: 10 năm; Nguyễn Thị Tâm: sáu năm. Đỗ Nam Trung: 10 năm. Và còn Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư: mỗi người tám năm. Còn Lê Trọng Hùng và nhiều người khác nữa. Những bản án chính trị khắc nghiệt và bất hợp hiến vẫn tiếp tục được toà án Việt Nam “sản xuất” hàng loạt. Thế giới và một phần dư luận trong nước đã ngay lập tức lên án chính sách “khủng bố trắng” thường dân bằng các bộ luật rừng. Sẽ tiếp tục có nhiều phân tích về câu hỏi tại sao hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn gia tăng đàn áp tiếng nói của bất đồng chính kiến, nhưng lại làm ra vẻ thông thoáng về đối ngoại???

Điều trớ trêu là, chính ông Nguyễn Phú Trọng và ông Phạm Minh Chính vừa mới nhắc nhở gần đây, sự năng động của văn hóa nước nhà – văn chương, chính trị học, triết học, và các bình diện xã hội dân sự – phải phát huy đồng bộ với phát triển kinh tế. Vậy xin hỏi hai ông, tại sao Đảng không mở rộng một không gian tự do cho công dân được có quyền thực thi tự do ngôn luận, phê phán chế độ, đề nghị những khả thể chính trị khác cho quốc gia? TS. Nguyễn Hữu Liêm phải kêu trời: “Thưa hai Ngài, những bản án chính trị gần đây là những cái tát vào mặt quốc dân, là những phản đề của tiêu chí văn hóa và văn minh mà Đảng và các Ngài muốn nhân dân theo đuổi”. [7].

________________

Tham khảo:

1. https://vtv.vn/chinh-tri/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-doi-ngoai-toan-quoc-20211214191140054.htm

2. https://www.bbc.com/vietnamese/forum/2016/09/160901_pham_viet_dao_forum_nguyen_phu_trong

3. http://sngv.thainguyen.gov.vn/tin-doi-ngoai-viet-nam/-/asset_publisher/r9PVC4I8cvh7/content/chu-tich-ho-chi-minh-va-phuong-cham-ngoai-giao-coi-trong-hoa-hieu

4. https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-giao-nguyen-phu-trong/6357364.html

5. https://baotiengdan.com/2021/12/22/thu-ngo-gui-cac-lanh-dao-dang-va-nha-nuoc-viet-nam/

6. https://www.voatiengviet.com/a/phuong-tay-nuong-nhe-voi-viet-nam-ve-nhan-quyen/6366284.html

7. https://www.bbc.com/vietnamese/forum-59726371

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Bài Liên Quan

Leave a Comment