Đồng Euro 20 tuổi: Biểu tượng cho sự ổn định và hòa bình châu Âu
Đăng ngày: 03/01/2022
Minh Anh
Vào thời khắc thế giới bước sang năm mới 2022, khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng thổi 20 ngọn nến mừng ngày đồng Euro chính thức được lưu hành trên thị trường, thay thế đồng franc và 11 đồng tiền quốc gia khác. Hai mươi năm sau, trải qua bao cuộc khủng hoảng, đồng tiền chung duy nhất vẫn còn đang trong giai đoạn tăng trưởng.
Ngược dòng thời gian, ngày 01/01/2002, người dân tại một số nước châu Âu nói lời giã biệt với đồng franc của Pháp, peseta của Tây Ban Nha, hay đồng Mác của Đức… Tổng cộng khoảng 15 tỷ tờ giấy bạc, hơn 50 tỷ đồng kẽm đã được đưa vào thị trường. Sự xuất hiện của đồng Euro đã làm xáo trộn cuộc sống thường nhật của khoảng 304 triệu người dân châu Âu.
Đồng Euro : Nền tảng bảo đảm hòa bình
Nhà kinh tế học Edwin Le Heron, giáo sư trường đại học Khoa học Chính trị Sciences Po tại Bordeaux trong một chuyên mục video của Le Monde nhận định : « Đây cũng là lần đầu tiên các nước có chủ quyền quyết định từ bỏ đồng tiền của mình và cùng viết nên một lịch sử mới về đồng tiền chung châu Âu ». Vào thời điểm đó, năm 2002, Liên Hiệp Châu Âu bao gồm 15 nước, nhưng chỉ có 12 nước là lao vào một cuộc phiêu lưu đầy « táo bạo », chấp nhận đồng tiền chung châu Âu (Ailen, Áo, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đức, Hà Lan, Hy Lạp, Luxembourg, Phần Lan, Pháp, Tây Ban Nha và Ý).
Trên thực tế, đồng Euro đã tồn tại từ 01/01/1999, đã có một tỷ giá chính thức và có thể hoán đổi với đô la, nhưng khi ấy mới chỉ là đồng tiền trao đổi trên thị trường tài chính và giữa các doanh nghiệp. Báo Pháp Ouest-France nhắc lại, cuộc phiêu lưu « lịch sử » này đã được bắt đầu từ 10 năm trước đó, khởi đầu từ việc ký kết Hiệp ước Maastricht giữa 12 nước thành viên thuộc khối Cộng Đồng Châu Âu (Ailen, Anh, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Hy Lạp, Luxembourg, Pháp, Tây Ban Nha và Ý).
Hiệp ước này là nền tảng kiến tạo Liên Hiệp Châu Âu sau này dựa trên ba trụ cột chính : Cộng đồng Châu Âu, Chính sách Đối ngoại và An ninh chung, và Hợp tác cảnh sát và Tư pháp trên phương diện hình sự. Có hiệu lực ngay từ ngày 01/11/1993, Hiệp ước Maastricht còn dự trù nhiều dự án khác, trong số này có việc thành lập Liên Minh Kinh Tế và Tiền Tệ (UEM). Và thế là đồng Euro đã được khởi động !
Nhưng sự hình thành đồng tiền chung đòi hỏi nhiều thời gian hơn dự kiến. Bởi vì theo kinh tế gia Edwin Le Heron, « Trong đồng Euro, có một khía cạnh hoàn toàn mang tính chính trị. Ý tưởng về một nền hòa bình tuyệt đối là nền tảng cơ bản : Ý tưởng cùng nhau làm việc và ngăn chặn thứ chủ nghĩa dân tộc từng dẫn đến biết bao cuộc chiến tại châu Âu. »
Euro : Chiếc cầu nối, biểu tượng cho sự ổn định
Rồi khi có được đồng thuận về nguyên tắc, người ta phải nghĩ đến chọn một cái tên, một biểu tượng, và họa tiết cho đồng tiền mới. Tháng 12/1995, Hội Đồng Châu Âu tại Madrid đã chọn được tên cho đồng tiền chung tương lai duy nhất : Euro – tên rút ngắn của từ Europe. Chữ cái E – chữ cái đầu của Euro và Europe đã được giữ lại làm biểu tượng. Điều này cũng được lấy cảm hứng từ chữ cái « Ɛ » của Hy Lạp. Hai gạch ngang song song mang biểu tượng cho sự bình ổn, đó cũng chính là những gì mọi người kỳ vọng.
Để vẽ mẫu thiết kế cho tờ giấy bạc Euro, Robert Kalina, nhà đồ họa người Áo, người từng lên bản vẽ cho những tờ Euro đầu tiên cho báo Le Monde biết, tất cả các họa tiết có một ý nghĩa quan trọng như thế nào. « Tôi nghĩ đến cây cầu cho ý tưởng hợp nối giữa các nước. Chúng cho phép vượt qua những trở ngại. Trên mặt khác của tờ giấy bạc, có hình ảnh những cánh cửa và cửa sổ mở toang. Người ta có thể đi qua, nhìn xuyên qua và biết đến những trải nghiệm mới. »
Để không tạo nên sự ganh tị, và bảo đảm cho sự bình ổn quý giá của đồng Euro, mọi tờ giấy bạc đều phải giống nhau như đúc. Nhưng để cho bản sắc của mỗi nước được nhìn nhận, các đồng kẽm/kim loại sẽ được thể hiện một cách riêng biệt. Chúng sẽ có một mặt chung đại diện cho giá trị đồng tiền và một mặt mang tính biểu tượng. Ví dụ tại Pháp, người ta sẽ có ảnh của Mariane, Cô gái gieo hạt của nhà điêu khắc nổi tiếng Oscar Roty và hình cái cây được cách điệu hóa trong một hình lục giác.
Cùng với năm tháng, khu vực đồng tiền chung châu Âu mỗi lúc một lớn dần. Từ 12 nước ban đầu, sau hai mươi năm hình thành, đồng Euro giờ được sử dụng tại 19 quốc gia và trở thành đồng tiền tham chiếu trên cấp độ quốc tế. Hơn bao giờ hết người dân châu Âu gắn bó với đồng Euro. Thăm dò của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu thực hiện cho thấy Euro vẫn luôn được xem như là « một điều tốt » đối với 66% số người được hỏi (2011) và 78% (năm 2021).
Edwin Le Heron giải thích tiếp : « Đối với tôi, Euro là một thành công to lớn trong chừng mực chúng có thể giải quyết một số vấn đề quen thuộc, như cuộc khủng hoảng tỷ giá hối đoái từng biết đến, nhất là cuộc khủng hoảng 1992-1993. Dĩ nhiên đồng tiền bị tấn công ngay khi một nước nào đó vận hành kém. Ở đây, đồng tiền chung giải quyết được vấn đề các nước cạnh tranh lẫn nhau bằng cách hạ giá đồng nội tệ. Đó là dạng cạnh tranh, tranh đua bất chính. Khi người ta muốn hợp nhất thành một thị trường, điều đó sẽ không thực hiện được nữa ».
Đồng tiền chung và những khuyết tật
Hai mươi tuổi nhưng vẫn còn một điều duy nhất mà đồng Euro vẫn chưa thể làm được : Cạnh tranh với đồng đô la Mỹ trong trao đổi mậu dịch quốc tế. Jacques Le Cacheux, giáo sư kinh tế trường đại học Pau nhận định nếu như Euro chiếm giữa « 1/3 và 1/4 trao đổi mậu dịch, thì đồng đô la vẫn duy trì vị thế thống trị trong mọi lĩnh vực ». Patrick Artus, giám đốc nghiên cứu kinh tế cho Natixis, và cũng là cây bút bình luận cho tuần báo Le Point có lưu ý rằng vẫn còn có những khiếm khuyết trong quá trình thiết kế đồng Euro.
Theo ông, « lẽ ra chính sách tiền tệ duy nhất phải đồng bộ hóa chu kỳ kinh tế giữa các quốc gia và thúc đẩy thương mại giữa các nước thành viên », nhưng đằng này, điều ngược lại đã xảy ra. Ông dẫn lời dự báo của giải Nobel Kinh tế Paul Krugman cho rằng các nền kinh tế của khu vực đồng Euro đã bắt đầu bị phân hóa, thay vì là hội tụ như kỳ vọng ban đầu. Ngành công nghiệp tập trung ở những nơi vốn đã phát triển mạnh, tại Đức chẳng hạn, để tận dụng nguồn nhân công có tay nghề cao và giảm chi phí vận tải. Các nước Nam Âu, thì chuyên phát triển các thứ tài sản và dịch vụ không thể xuất khẩu, như ngành xây dựng và du lịch ở Tây Ban Nha.
Cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2007-2008 làm lộ rõ những yếu kém trong việc quản lý đồng tiền chung duy nhất, các đầu tư đến từ những khoản tiết kiệm của người dân phương Bắc đổ vào phương Nam đã không được đặt đúng chỗ. Khi khủng hoảng xảy ra, dòng vốn đầu tư từ phía Bắc đột ngột bị ngắt, buộc các nước Nam Âu tái lập một cách « thô bạo » cân đối ngân sách.
Hệ quả là một cuộc khủng hoảng nợ công bùng phát đổ ập vào các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, và nhất là ở Hy Lạp. Cuộc khủng ở Hy Lạp kéo dài nhiều năm khiến khu vực đồng tiền chung chút nữa tan rã. Điều an ủi là cuộc khủng hoảng đó còn cho thấy rõ một tình liên đới. Lần đầu tiên, các ngân hàng trung ương chấp nhận mua lại nợ công để cứu các nước thành viên. Tình liên đới đó giờ còn khuyến khích nhiều nước khác muốn tham gia vào khối đồng tiền chung như Bulgari, Croatia, Rumani, nhưng ngày vào vẫn chưa được xác định.
Hai mươi tuổi, tương lai nào cho đồng Euro ? Nhiều mối lo vẫn còn đó. Bởi vì, vẫn theo ông Edwin Le Heron, « Mọi vấn đề vẫn chưa được giải quyết hết, còn có chuyện điều phối giữa một đồng tiền chung duy nhất cho 19 nước và 19 chính sách ngân sách quốc gia, vẫn luôn chưa được phối hợp tốt. Người ta nhận thấy là trong cuộc cạnh tranh hiện nay, người ta không thể tái cân bằng ngân sách qua việc hạ giá đồng tiền, do vậy điều đó thường được thực hiện bằng cách phi công nghiệp hóa hay cho thất nghiệp. »
Đồng Euro vẫn tiếp tục phát triển và hiện đại hóa. Vào năm 2023, nhiều tờ giấy bạc mới sẽ được phát hành. Rồi cùng với sự phát triển của công nghệ mới, và trong bối cảnh dịch bệnh, đồng Euro kỹ thuật số sẽ phải ra đời nhằm khẳng định một vị thế trong một thị trường tiền tệ « ảo » đang nở rộ.
Dù vậy, một trong những thách thức chính ngay trong ngắn hạn : Làm thế nào thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế – dịch tễ an toàn trong khi cỗ máy in tiền vẫn đang hoạt động hết công suất nhằm hỗ trợ nỗ lực cứu vãn kinh tế mà không làm cho lạm phát bùng nổ ?