Công luận Đức phản đối dự án LHCA xếp hạt nhân như là năng lượng xanh, bền vững
Đăng ngày: 04/01/2022
Minh Anh
Vài ngày sau khi Ủy Ban Châu Âu công bố dự thảo, được Pháp hậu thuẫn, xem hạt nhân như là nguồn năng lượng « bền vững », chính phủ và truyền thông Đức đã có phản ứng mạnh mẽ. Dự thảo của châu Âu được công bố vào thời điểm nước Đức sắp hoàn tất giai đoạn từ bỏ hạt nhân chuyển sang những nguồn năng lượng tái tạo.
AFP nhắc lại, ngày 01/01/2022, Ủy Ban Châu Âu công bố dự thảo, đề ra một số tiêu chí cho phép dán nhãn một số hoạt động khai thác năng lượng nguyên tử và khí đốt để sản xuất điện như là một nguồn năng lượng « xanh, bền vững ». Dự luật này nằm trong mục tiêu trung hòa khí CO2 của Liên Hiệp Châu Âu đến năm 2050.
Nước Pháp, hiện nắm giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, muốn khôi phục ngành khai thác hạt nhân – nguồn sản xuất điện ổn định và ít thải khí CO2 – đòi hỏi một dự thảo như vậy. Mong muốn này của Pháp cũng được nhiều nước Trung Âu ủng hộ, chẳng hạn Ba Lan, Cộng Hòa Séc, những nước phải thay thế các trung tâm sản xuất điện chạy bằng than đá.
Ngược lại, nước Đức, vốn dĩ chống đối mạnh mẽ hạt nhân, đang trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, vừa kết thúc việc đóng cửa 3 trong số 6 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng, hôm thứ Sáu 31/12/2021. Từ Berlin, thông tín viên Julien Mechaussie cho biết thêm phản ứng từ công luận Đức :
« Trò chơi quyền lực kiểu Pháp », là tít được nhật báo lớn ở thủ đô, Der Tagesspiegel, chọn để mô tả dự luật châu Âu dán nhãn xanh cho điện hạt nhân. Đây là một thông báo gây bất ngờ khó có thể chấp nhận tại một đất nước vốn dĩ đã bước vào giai đoạn cuối của chương trình từ bỏ hạt nhân.
Cấp nhãn xanh cho một nguồn năng lượng, một mặt phát thải rất ít khí CO2, nhưng mặt khác lại tạo ra một khối lượng chất thải rất lớn không thể tái chế, chưa nói đến những rủi ro tai nạn là điều truyền thông Đức khó mà chấp nhận.
Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng thuộc phe Sinh Thái đã bày tỏ sự khó hiểu. Tương tự, phó thủ tướng Đức, Robert Habeck, đã lên tiếng dọa sẽ không ủng hộ dự thảo của Bruxelles. Nếu như ông Olaf Scholz hiện tránh chỉ trích trực tiếp Emmanuel Macron, nhiều cây bút xã luận nhận thấy rõ ràng có bàn tay của tổng thống Pháp trong vụ việc này.
Nhưng chính phủ Đức cũng không thể tránh bị chỉ trích. Buộc phải dựa vào khí đốt để bù đắp cho việc từ bỏ hạt nhân, nước Đức về phần mình cũng đã tìm cách thúc đẩy để xếp loại năng lượng hóa thạch phát thải nhiều khí CO2 này như là nguồn năng lượng bền vững.