Vai trò của Gorbachev với Đổi Mới ở Việt Nam từ Đại hội VI năm 1986
4 tháng 1 2022
Một số nhân vật trong ngành lý luận của Đảng Cộng sản VN có thói quen tự khen đảng của họ và lên án Mikhail Gorbachev \”bán rẻ Liên Xô\” cuối 1991.
Tuy thế, nhà lãnh đạo người Nga đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho chính phủ Việt Nam tiến hành \”Đổi Mới\” từ 1986, theo các nghiên cứu quốc tế.
Năm 2017, nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga (1917-2017) ở Hà Nội, một giáo sư lý luận tại Việt Nam nói sai lầm của Liên Xô dẫn tới sụp đổ là \”đưa một loạt những kẻ cơ hội, đặc biệt là Gorbachev lên vị trí cao nhất\”.
Phát biểu của Giáo sư Tạ Ngọc Tấn hôm 26/10/2017 được VTV1 đăng tải, cho thấy đây là quan điểm chính thống của Ban lãnh đạo Việt Nam về sau khi nhìn lại Liên Xô.
GS Tạ Ngọc Tấn còn gọi ông Gorbachev là \”kẻ phản bội Đảng, bán rẻ chế độ Xô Viết vĩ đại\”.
Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thường nói công cuộc Đổi Mới đến từ sáng kiến nội bộ của họ là chính.
Tác động của chính sách perestroika của Liên Xô đối với Đổi mới của Việt Nam:
Nhưng một số sử liệu nước ngoài cho rằng chính sách perestroika (cải tổ), glasnot (cởi mở), cùng nhiều tỷ USD tiền viện trợ của Moscow đã khiến Hà Nội vững tin hơn để cải cách có hạn chế cách điều hành kinh tế kiểu cũ, thực chất là bỏ dần các sai lầm tự gây ra, mà sau được gọi là \”Đổi Mới\”.
Sally Stoecker trong về quan hệ Việt Nam-Liên Xô (Clients and Commitment: Soviet-Vietnam Relations, 1978-88) đăng trên trang Rand Publication Series (12/1989) nêu ra một số đánh giá sau:
1-Quan hệ Việt-Xô gia tăng cả về kinh tế và quân sự sau cuộc chiến Biên giới Việt-Trung
Giai đoạn sau khi Trung Quốc đánh Việt Nam (1979) được đánh dấu bằng các khoản viện trợ kinh tế và quân sự tăng mạnh cho Hà Nội.
Đây là việc tiếp nối \”truyền thống của Liên Xô từ thập niên 1960, nước cấp viện hàng đầu cho (Bắc) Việt Nam\”, với các khoản tăng từ nửa tỷ lên 1 tỷ USD trong thập niên trước Đổi Mới tháng 12/1986\”, bà Sally Stoecker viết.
Sau khi Gorbachev lên nắm quyền (1985), Liên Xô phải hạn chế chi tiêu trong nước (cắt chi tiêu công) và chấn chỉnh lãng phí kinh tế, nhưng vẫn tăng viện trợ cho VN, theo nghiên cứu này.
CHXHCN Việt Nam được Moscow ưu tiên và là một trong ba nước, cùng với Cuba và Mông Cổ, nhận nhiều viện trợ quốc tế nhất của Liên Xô.
Con số thống kê cho thấy thời Gorbachev, ba nước này nhận tới 90% tiền Liên Xô cấp cho các nước thế giới thứ ba.
Moscow cũng hết lòng ủng hộ Hà Nội chống lại Trung Quốc.
2-Viện trợ kinh tế có điều kiện: Liên Xô bắt VN đổi mới vì chi tiêu tiền Liên Xô sai?
Sự hỗ trợ cho Mikhail Gorbachev cho cải tổ kinh tế ở Việt Nam là rất rõ ràng.
Tuy thế, việc chỉ cấp tiền cho đồng minh Việt Nam xem ra không làm Liên Xô hài lòng vì chính sách của Việt Nam quá tệ.
Từ 1980, trước khi Gorbachev lên cầm quyền, phía Liên Xô đã \”tạm treo\” việc giải ngân viện trợ (năm 1981) vì chính quyền CHXHCN Việt Nam \”quản lý sai trái\” (mismanagement).
Chính sách trợ giá cho sản xuất yếu kém, kinh tế mới, cải tạo công thương ở Nam VN được nhắc đến như các ví dụ tệ hại.
Một số nguồn châu Á cho rằng năm 1982, tiền Moscow chi cho Hà Nội, căn cứ vào khoản cam kết chi cho kế hoạch 5 năm một, giảm xuống 730 triệu USD.
Nhưng các nguồn Phương Tây khẳng định tiền không giảm, thậm chí còn tăng lên trên 1 tỷ USD năm 1982, theo nghiên cứu của Sally Stoecker.
Tính ra 1 tỷ USD thời đó – mà Liên Xô viện trợ cho VN bằng ruble, tương đương 2,88 tỷ bây giờ.
Bất đồng về việc chi tiêu tiền của Liên Xô làm sao cho hiệu quả (effective utilisation of Soviet aid) là lý do khiến Gorbachev nhấn mạnh đến nhu cầu buộc lãnh đạo Việt Nam phải đổi cách làm kinh tế.
\”Tự phê và cởi mở chính là các nỗ lực cần thiết để làm bộc lộ ra các yếu kém và tìm ra các biện pháp chỉnh sửa.\”
Tại Đại hội VI của ĐCSVN (cuối 1986) đại diện của Ban chấp hành trung ương ĐCS Liên Xô dự họp báo về Moscow là kế hoạch 5 năm tiếp theo (1986-1990) Liên Xô sẽ còn tăng gấp đôi viện trợ cho Việt Nam so với giai đoạn 5 năm trước.
Đó là các khoản bên ngoài viện trợ quân sự và chi tiêu cho sự hiện diện thường trực của hải quân Liên Xô ở Cam Ranh, và chừng 2500 chuyên gia quân sự tại VN.
3-Các nhân vật mới từ Đại hội VI được Liên Xô ủng hộ
Tại Đại hội VI, các nhân vật như Võ Văn Việt, Nguyễn Văn Linh đã thừa nhận những sai lầm trong quá khứ và được Liên Xô ủng hộ.
Ban lãnh đạo HN nhận rằng chính sách bao cấp thực phẩm (chủ yếu là gạo) của họ đã \”ăn vào một phần lớn viện trợ Liên Xô\”, và ông Võ Văn Kiệt đã nêu ra kế hoạch thay đổi.
Ông Kiệt, người từng phụ trách mảng kế hoạch của chính phủ, cũng nhắc lại ví dụ cải tổ thành công của Trung Quốc.
Từ sau ĐH VI, TBT Nguyễn Văn Linh đã có các trao đổi cao nhất với TBT Gorbachev về đường hướng thay đổi ở VN, và Liên Xô công bố các điều này trên trang Pravda ngày 20/5/1987.
Ông Gorbachev cho biết:
\”Tôi và đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thảo luận chi tiết về các vấn đề phức tạp của hợp tác Việt-Xô…và cùng nhau nhận định rằng các mặt yếu kém của quan hệ này đã hiện ra rõ ràng và không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Chúng tôi đồng ý rằng cơ chế kinh tế và hình thức hợp tác phải tương ứng với nhu cầu và của thời cuộc và tăng tính hiệu quả.\”
Việt Nam trong quan hệ chính trị, ngoại giao khu vực và quốc tế
Về ngoại giao, cũng chính Gorbachev, trong tư duy mới về châu Á (new Asian thinking) đã khuyến khích Hà Nội thân thiện hơn với Asean.
Không phải nước Nga sau này mới quay sang châu Á-Thái Bình Dương. Giống như Vladimir Putin hiện nay xem ra phải dựa vào Trung Quốc, Liên Xô từng có chính sách hướng về châu Á, với VN đóng một vai trò quan trọng.
Sally Stoecker viết:
\”Trong cái nhìn của Gorbachev, thời Brezhnev quá cứng nhắc và bị chiếm trọn bởi quan hệ (đối đầu Đông Tây) với Hoa Kỳ, còn Gorbachev nhìn thấy rằng châu Á mới là nơi có sự năng động có tiềm năng lớn nhất (greatest potential dynamism), và quan hệ liên thuộc giữa các quốc gia là thứ [ngoại giao Liên Xô] cần khai thác.\”
Gorbachev cũng tiên tri rằng ngoại giao của tương lai là giữa các quốc gia liên thuộc (interdepdendent states), chứ không phải là quan hệ ý thức hệ.
Cần chú ý đến các thời điểm quan trọng:
- Chính sách châu Á mới được thông qua tại Đại hội 27 ĐCSLX vào tháng 3/1986.
- Cuối năm đó, Việt Nam mới có Đại hội VI, tung ra chính sách đổi mới, gồm cả cách nhìn thân thiện hơn với các quốc gia từng là thù địch ở Asean.
Việc Hà Nội phải rút quân khỏi Campuchia cũng nằm trong chính sách lớn về châu Á của Liên Xô thời Gorbachev.
Logic của ông là với việc rút quân đội VN khỏi Campuchia và giảm căng thẳng với Trung Quốc, Liên Xô sẽ giảm được viện trợ cho Việt Nam, tạo điều kiện khả quan hơn cho việc cải thiện quan hệ với Asean và từ đó \”các cơ hội thương mại sẽ mở ra\” (commercial opportunities will unfold).
Trong bức tranh toàn cầu, việc rút quân đội VN khỏi Campuchia sẽ chứng minh cho Phương Tây thấy rằng Liên Xô thật lòng muốn giảm căng thẳng Đông-Tây.
Tháng 7/1987, hai ngoại trưởng VN (Nguyễn Cơ Thạch) và Indonesia (Mochtar Kusumaatmadja) ra thông cáo chung, đánh dấu chuyển biến về vấn đề Campuchia.
Tuy thế, bà Sally Stoecker cho rằng cũng khó có thể nói Hà Nội cuối cùng phải rút quân khỏi Campuchia là vì Liên Xô gây sức ép, hay vì họ không còn chịu nổi gánh nặng quân sự đó mà phải tập trung vào nền kinh tế trong nước.
Cuối cùng, Đổi mới ở VN cũng không đi xa đủ như perestroika ở Liên Xô mà bị \”đóng khung\” hơn, theo Sally Stoecker.
Đảng CSVN có mở ra về kinh tế nhưng vẫn nắm chặt truyền thông, và bác bỏ mọi phê phán nhằm vào chủ nghĩa Marx-Lenin. Vào thời điểm đó, Đảng này cũng tin rằng phải hạn chế quan hệ với Phương Tây.
Bài phân tích của Sally Stoecker dừng lại ở thời điểm cuối 1989 nên chưa ghi nhận các thay đổi sau này tại VN.
Ngày nay, Đảng CS VN đã thành công trong Đổi mới nền kinh tế và mở rộng nhiều phạm vi sinh hoạt văn hóa, xã hội.
Về đối ngoại, không chỉ gia nhập Asean và bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và EU, Việt Nam còn đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các định chế an ninh khu vực, tuy vẫn duy trì chính sách Ba không, bác bỏ liên minh quân sự.
Việt Nam thời \’hậu cộng sản\’
Theo Archie Brown trong cuốn \”The Rise and Fall of Communism\” (2009), cùng tiến trình Đổi mới, Việt Nam đã chuyển hóa từ một xã hội cộng sản sang \”hậu cộng sản\” (post-communist country), giống Trung Quốc.
Điều này đặt ra câu hỏi là Đảng CSVN như thế có còn là \”cộng sản\”, và đang đi theo chủ thuyết gì?
Một số quan chức cấp trung như GS Tạ Ngọc Tấn tiếp tục phỉ báng Gorbachev, như đổ lỗi cho ông về tầm nhìn xa liên quan đến các vấn đề châu Á và toàn cầu của Liên Xô thời gian đó.
Nhưng các lãnh đạo cao cấp hơn ở Việt Nam hiểu được \”câu hỏi Gorbachev\” về cải tổ chính trị là thứ họ không thể chạy trốn, mà chỉ có thể trì hoãn.
Ví dụ, một bài gần đây trên tạp chí Mặt trận Tổ quốc cho rằng Việt Nam cần đổi mới chính trị, nhưng phải làm sau đổi mới kinh tế.
Về \”bài học Liên Xô sụp đổ\”, lãnh đạo VN cho rằng:
\”Mikhail Gorbachev đã tuyệt đổi hóa cải tổ chính trị, không chú ý đúng mức tới cải tổ kinh tế, không lấy cải tổ kinh tế làm căn cứ, cơ sở cho cải tổ chính trị, trong cải tổ chính trị thì giải quyết không đúng quan hệ giữa giai cấp và nhân loại, tuyệt đối hóa cái nhân loại, đánh giá không đúng cái giai cấp trong quan hệ với cái nhân loại.\”
Bài viết hôm 31/08/2021 hứa rằng \”Đảng từng bước hoàn thiện nhận thức về đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị.\”
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nói rằng Việt Nam đang dịch chuyển từ mô hình \”chuyên chính vô sản\” sang Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mà dự kiến sẽ \”hoàn tất\” vào năm 2045.