Chủ tịch luân phiên Liên Âu đầu 2022: Ba hồ sơ Pháp có thể thành công

Chủ tịch luân phiên Liên Âu đầu 2022: Ba hồ sơ Pháp có thể thành công

Đăng ngày: 05/01/2022

Trọng Thành

Mười ba năm sau khi đảm nhiệm chức vụ chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu, nước Pháp trở lại cương vị này trong một bối cảnh đầy thách thức. Đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng lên với biến thể Omicron, bầu cử tổng thống Pháp sẽ diễn ra vào đầu tháng 4, căng thẳng địa-chính trị gia tăng đặc biệt với áp lực từ sườn tây của Liên Âu với các đe dọa của Nga, hay tình hình kinh tế đầy bất trắc, với giá nguyên nhiên liệu tăng vọt đe dọa đà phục hồi kinh tế..

Chính quyền Pháp có thể những đóng góp gì đáng kể cụ thể trong thời gian làm chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu nửa đầu năm 2022 ?

***

Quốc gia chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu có quyền hạn gì ?

Chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu là tên gọi tắt của chủ tịch « Hội Đồng các bộ trưởng của Liên Hiệp Châu Âu ». Hội Đồng các bộ trưởng của Liên Hiệp Châu Âu, cũng thường được gọi là « Hội Đồng của Liên Hiệp Châu Âu », là một trong các định chế chủ yếu của Liên Hiệp Châu Âu (EU / UE), cùng với Ủy Ban Châu Âu, Hội Đồng Châu Âu và Nghị Viện Châu Âu. Hội Đồng của Liên Hiệp Châu Âu có nhiều quyền hạn, trong đó đặc biệt đáng chú ý là việc tham gia lập pháp cùng với Nghị Viện Châu Âu.

Hội Đồng các bộ trưởng của Liên Hiệp Châu Âu đại diện cho chính phủ 27 nước châu Âu, trong lúc Nghị Viện Châu Âu đại diện cho các công dân Liên Âu. Theo Hiệp định Lisboa 2009, các thành viên Liên Hiệp Châu Âu cứ 6 tháng một lần, luân phiên nhau đảm nhiệm cương vị chủ tịch Hội Đồng các bộ trưởng của Liên Hiệp Châu Âu.

Kể từ khi Hiệp định Lisboa có hiệu lực, quyền hạn của quốc gia đảm nhiệm chức vụ chủ tịch luân phiên của Hội Đồng các bộ trưởng của Liên Hiệp Châu Âu đã giảm đi nhiều. Nếu như trước đây, quốc gia chủ tịch luân phiên đảm nhiệm vị trí điều hành tất cả các cuộc họp với sự tham gia của tất cả các quốc gia thành viên, ở tất cả các cấp, thì giờ đây không còn như vậy, như nhấn mạnh của Viện Montaigne. Vai trò chủ trì các cuộc họp thượng đỉnh của khối giờ đây thuộc về chức vụ chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, hiện do cựu thủ tướng Bỉ Charles Michel đảm nhiệm.

Người điều hợp dàn nhạc của « 26 cây vĩ cầm » 

Tuy nhiên, theo Hiệp định Lisboa, quốc gia chủ tịch luân phiên của Hội Đồng các bộ trưởng của Liên Hiệp Châu Âu vẫn còn nhiều quyền hạn đáng kể, đặc biệt trong việc sắp xếp các lịch trình làm việc chung của bộ trưởng các quốc gia thành viên Liên Âu trong hàng loạt lĩnh vực chủ chốt. Với tư cách mà quốc gia là chủ tịch luân phiên, Pháp có thể thúc đẩy một số hồ sơ mà Paris cho là quan trọng lên hàng đầu. Đây phải là những hồ sơ vừa quan trọng, nhưng cũng vừa phải có khả năng dễ đạt được đồng thuận. Uy tín của chủ tịch luân phiên Hội Đồng Châu Âu một phần chủ yếu sẽ được đánh giá qua việc này, bởi nếu nhiều hồ sơ đưa ra không đạt kết quả, nhiệm kỳ chủ tịch của nước Pháp sẽ bị coi như là một thất bại.

Vai trò của nước chủ tịch, nước Pháp trong nhiệm kỳ này có thể ví như việc điều phối cho phép « dàn nhạc của 26 cây vĩ cầm (26 thành viên Liên Âu) » cùng hòa điệu (như hình ảnh ông Eric Maurice, phụ trách văn phòng Bruxelles của Fondation Robert-Schuman, đưa ra). Trong nhiệm kỳ 6 tháng này, nước Pháp không lãnh đạo 26 quốc gia thành viên khác, mà đóng vai trò điều hòa, phối hợp, trong lúc mỗi quốc gia nhìn chung thường cố gắng nhân nhượng ít nhất có thể.

Chính quyền Macron đặt những mục tiêu gì ?

« Châu Âu là một cơ hội đối với nước Pháp », và năm 2022 cũng phải là một năm « mang tính bước ngoặt » với Liên Âu là thông điệp đêm Giao thừa của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. « Châu Âu là con đường duy nhất mà nước Pháp có thể trở nên mạnh mẽ hơn đối mặt với những thách thức toàn cầu ».Vai trò chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp 6 tháng đầu tiên của năm 2022 được thể hiện chính thức qua ba từ « Relance, Puissance, Appartenance » (tạm dịch là « Chấn hưng kinh tế », « Tăng cường sức mạnh », « Hội nhập gắn bó »). Ba chủ trương nói trên hướng đến mục tiêu « cho phép Liên Âu thành công trong cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh và kỹ thuật số » (« Chấn hưng kinh tế »), « nhằm bảo vệ và cổ vũ cho các giá trị và lợi ích của khối » (« Tăng cường Sức mạnh ») và để xây dựng và phát triển một thế giới tinh thần chung của châu Âu, nhờ văn hóa, các giá trị và lịch sử chung (« Hội nhập gắn bó »).

Tuy nhiên, ẩn đằng sau ba từ khóa này là ba lĩnh vực ưu tiên rất cụ thể mà chính phủ Pháp hy vọng có thể gặt hái kết quả cụ thể ngay trong nhiệm kỳ chủ tịch này. Đó là (1) thiết lập một mức lương tối thiểu trên toàn Liên Hiệp Châu Âu, (2) ra được hai bộ luật quy định điều chỉnh lĩnh vực kỹ thuật số, (3) thiết lập « sắc thuế cac-bon » tại các cửa khẩu Liên Âu (căn cứ theo các tác động khí hậu, môi trường) đối với các sản phẩm nhập khẩu vào châu Âu. Ngoài ra còn một lĩnh vực thứ tư được nhấn mạnh liên quan đến một số hướng giải quyết cuộc khủng hoảng về nhập cư, di trú.

Giai đoạn căng thẳng: « Đỉnh điểm lập pháp » của EU, bầu cử tổng thống Pháp

Giai đoạn nước Pháp đảm nhiệm chức vụ chủ tịch luân phiên Liên Âu cũng là lúc Ủy Ban Châu Âu, do chính trị gia Đức Ursula von der Leyen lãnh đạo, đang trong giai đoạn « đỉnh điểm của lập pháp » với khoảng 250 văn bản pháp luật đang trong giai đoạn soạn thảo hay thương lượng giữa các định chế. Nếu không có sự phối hợp tốt với Ủy Ban Châu Âu, các đề xuất của Pháp sẽ khó có thể thành công.

Về phương diện truyền thông, ngày 19/01/2022, tổng thống Pháp có bài diễn văn trước Nghị Viện Châu Âu ở Strasbourg, để trình bày về phương hướng và kế hoạch hành động vì châu Âu của nước Pháp để vận động sự ủng hộ rộng rãi của các nghị sĩ châu Âu. Nhưng trên thực tế các hồ sơ chính, mà Pháp hy vọng đúc kết được ngay trong nhiệm kỳ 6 tháng này, đã được chuẩn bị từ trước. Nói là nhiệm kỳ 6 tháng, nhưng thời gian hành động thực sự của chính phủ Pháp chỉ là khoảng từ 2 đến 3 tháng, bởi ngày 10/04 sẽ là cuộc bầu cử tổng thống vòng 1, và tiếp theo đó là cuộc bầu cử Quốc Hội.

Lương tối thiểu : Dự luật nằm trong tầm tay

Xác định mức lương tối thiểu với các quốc gia thành viên Liên Âu là một hồ sơ nước Pháp vận động từ 2 năm nay, nằm trong chiến lược của nước Pháp nhằm góp phần củng cố một khối EU vững mạnh về mặt xã hội (Europe Social). Nỗ lực theo hướng này của Pháp đã có được thành công ban đầu. Ngày 07/12/2021 (trong nhiệm kỳ Slovenia làm chủ tịch luân phiên Liên Âu), bộ trưởng Lao Động 27 nước châu Âu đã chấp nhận lập trường chung trong việc ấn định « một mức lương tối thiểu phù hợp » tại các quốc gia thành viên EU. Đây là một chủ đề từng được Ủy Ban Châu Âu đưa ra cuối 2020, thông qua một dự luật, hiện đang được thảo luận tại Nghị Viện Châu Âu. Tháng 11/2021, Nghị Viện Châu Âu cũng ủng hộ một biện pháp như vậy. Điều đó có nghĩa là mục tiêu này của nước Pháp là gần như nằm trong tầm tay.

Về lương tối thiểu, việc Hội Đồng của các bộ trưởng (ngành Lao Động) của Liên Hiệp Châu Âu (tức Hội đồng của Liên Hiệp Châu Âu) chấp thuận một phần cơ bản trong nội dung của dự luật mà Ủy Ban Châu Âu đề xuất cho phép Hội Đồng của Liên Hiệp Châu Âu, do nước Pháp làm chủ tịch luân phiên, trực tiếp đàm phán với Nghị Viện Châu Âu ngay từ tháng Giêng 2022, để thông qua một văn bản luật cuối cùng. Một khi luật được thông qua, các quốc gia thành viên sẽ có 2 năm để nội luật hóa quyết định này của Liên Hiệp Châu Âu.

« Thuế cac-bon » : Nỗ lực lần thứ ba của Pháp  

Hồ sơ thứ hai là thiết lập một « sắc thuế cac-bon tại các cửa khẩu của Liên Hiệp » (gọi tắt là MACF), một dự án mà nước Pháp đã vận động từ 20 năm qua. Về nguyên tắc, việc đánh thuế cac-bon được coi là cần thiết và công bằng, để hạn chế khí thải làm hâm nóng Trái đất, và mang lại các nguồn tài chính giúp cho công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh, nhưng trên thực tế rất khó áp dụng.  Một cơ chế đánh thuế cac-bon tại biên giới Liên Hiệp sẽ bảo đảm cho các ngành công nghiệp hướng sang sản xuất « sạch » (phải chịu nhiều ràng buộc nghiêm ngặt tại châu Âu) có thể cạnh tranh thuận lợi hơn với các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, đã hai lần dự luật về thuế cac-bon, do Pháp thúc đẩy, được trình ra trước Nghị Viện Châu Âu, đều thất bại (năm 2009 và 2016).

Lần này là lần thứ ba chính quyền Pháp thúc đẩy dự luật này. L’Express dẫn lời của bà Lucie Mattera, chuyên về chính sách châu Âu của trung tâm tư vấn châu Âu E3G, nếu Hội Đồng của Liên Hiệp Châu Âu ra tuyên bố chính thức ủng hộ dự luật về MACF trước cuối tháng 3, thì đây đã là một thành công với tổng thống Pháp.

Về sắc thuế cac-bon ở biên giới, điểm lợi thế là ngay từ khi lên lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu năm 2019, bà Ursula von der Leyen, đã coi việc thiết lập sắc thuế cac-bon này là một trọng điểm trong nhiệm kỳ. MACF được tích hợp như một trong 12 văn bản thuộc cụm dự luật mang tên « Fit for 55 », được Ủy Ban Châu Âu công bố vào mùa hè 2021. « Fit for 55 » là các biện pháp nhằm thực hiện kế hoạch Chấn hưng Xanh (Green Deal), cắt giảm 55% khí thải vào năm 2030. Theo nhiều nhà quan sát, sắc thuế cac-bon ở biên giới Liên Âu là hồ sơ phức tạp hơn rất nhiều so với vấn đề « lương tối thiểu ». Theo nhiều nhà quan sát, nước Pháp khó có thể có được một sự đồng thuận tại Nghị Viện Châu Âu trước cuối tháng 3.

Chủ quyền kỹ thuật số : hai dự luật có thể được thông qua trước hè

Lĩnh vực kỹ thuật số là lĩnh vực đặc biệt quan trọng mà mục tiêu nước Pháp đặt ra có nhiều khả năng thành công. Có hai văn bản luật chính. Thứ nhất là Digital Markets Act (DMA), có mục tiêu chống lại việc các đại tập đoàn kỹ thuật số lạm dụng vị thế để thao túng thị trường. Tháng 12 vừa qua, Nghị Việc Châu Âu đã bật đèn xanh. Văn bản luật quan trọng thứ hai là Digital Services Act (DSA), nhằm điều chỉnh nội dung trên mạng internet (cấm các nội dung phân biệt chủng tộc, cổ vũ khủng bố, khiêu dâm, hay bán hàng giả…) giúp Liên Âu khẳng định chủ quyền nhiều hơn. Hội Đồng của Liên Hiệp Châu Âu đã đạt được đồng thuận về dự luật này trong giai đoạn Slovenia làm chủ tịch luân phiên (nửa cuối 2021). Dự luật DSA dự kiến sẽ được Nghị Viện Châu Âu thảo luận, và bỏ phiếu sơ bộ vào ngày 17/01/2021, trước khi đưa trở lại các quốc gia thành viên.

Về lĩnh vực này, theo truyền thông Pháp, Nghị Viện Châu Âu và Hội Đồng các bộ trưởng của Liên Hiệp Châu Âu đã có quan điểm tương đối thống nhất về hai dự luật này. Trong những tháng đầu năm 2022, nước Pháp sẽ có trách nhiệm đảm đương vai trò điều hợp giữa hai định chế này về hai dự luật này để đúc kết hai văn bản luật cuối cùng trước cuối mùa hè. Hai luật giúp Liên Âu tăng cường chủ quyền về công nghệ số, về truyền thông trên mạng, với nỗ lực của Pháp, có thể sẽ có hiệu lực ngay từ tháng 1/2023.

Bí quyết thành công: phối hợp mật thiết giữa các định chế, các thành viên Liên Âu

Nhìn chung, đóng góp riêng của nước Pháp cho nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên 6 tháng đầu năm 2022 là một nỗ lực được chuẩn bị lâu dài, với sự phối hợp chặt chẽ với các định chế khác của Liên Hiệp, với các quốc gia thành viên khác, bao gồm các quốc gia trụ cột, như Đức, cũng như với bộ ba (trio) các nước đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên trước đó, là Slovenia (nửa sau 2021), Bồ Đào Nha (nửa đầu 2021) và Đức (nửa cuối 2020). 

Bên cạnh, những vấn đề còn gây tranh cãi nhiều trong nội khối, đa số các mục tiêu được nêu ra như những cái đích cần đạt được, đều đã hội tụ được tương đối đủ điều kiện để có thể trở thành hiện thực ngay trong nhiệm kỳ 6 tháng nước Pháp làm chủ tịch luân phiên. 

***

Tổng hợp thông tin từ trang mạng của Hội Đồng của Liên Hiệp Châu Âu, Toute l’Europe (trang mạng thông tin về Liên Âu của nước Pháp và Ủy Ban Châu Âu), Les Échos, Le Monde, La Croix, L\’Express.

Bài Liên Quan

Leave a Comment