Cửa khẩu Việt-Trung: Xuất – nhập khẩu ngưng trệ, tiểu thương điêu đứng
- Bùi Thư
- BBC News Tiếng Việt
8 giờ trước
Không chỉ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị chặn mà hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam cũng gặp khó khăn không kém khiến các tiểu thương \”điêu đứng\” vì không có hàng để bán vào dịp Tết Nguyên Đán.
Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược \”Zero Covid\” trong khi Việt Nam đã chuyển sang \”Sống chung với Covid\”. Và khi tình hình dịch bệnh tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trong những ngày qua, Trung Quốc đã siết chặt hơn các cửa khẩu giữa hai nước.
Chủ một công ty logistics ở TP HCM nói với BBC News Tiếng Việt hôm 4/1: \”Hiện tại hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam bắt đầu rục rịch mở lại rồi nhưng chưa hết công suất như trước nên cả tiểu ngạch lẫn chính ngạch đều ì ạch. Cửa khẩu đóng thì các đơn thường đẩy đồn hàng về tuyến thương mại điện tử giữa Trung Quốc và Việt Nam, dẫn đến ùn tắc như nhau hết.\”
\”Dù mở cửa trở lại nhưng vì lượng hàng dồn nhiều trong các ngày qua nên bây giờ việc thông quan bị quá tải, cuối năm họ kiểm soát chặt chẽ hơn với nhiều cơ chế khó khăn hơn để chống dịch nên mỗi ngày lượng hàng thông quan nó ít hơn.\” người này chia sẻ.
Khó khăn trước Tết Nguyên Đán
Cuối năm, nhu cầu nhập và trữ hàng để bán trước vào sau Tết Âm lịch ngày càng cao nhưng việc nhập hàng hóa từ Trung Quốc về gặp khó khăn khiến nhiều người kinh doanh nhỏ lẻ phải lao đao.
Dọc con đường Võ Văn Tần, Lê Văn Sỹ và Nguyễn Trãi là những cửa hàng quần áo, phụ kiện sầm uất nhất Sài Gòn. Mọi năm, các cửa hàng này đã treo bản quảng bá cho bộ sưu tập mới, hàng mới về. Nhưng năm nay, nhiều cửa hàng có vẻ đìu hiu hơn vì hàng hóa, theo họ vẫn còn \”bị kẹt\” tại cửa khẩu.
Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt, Vũ Ngọc Anh, chủ cửa hàng quần áo trên Võ Văn Tần than thở: \”Sau bốn tháng phong tỏa thì dòng vốn của cửa hàng bị ảnh hưởng nặng nề. Khi Trung Quốc siết chặt chuyện thông quan thì nguồn hàng càng thêm khan hiếm và chậm về hơn so với trước kia. Ví dụ, trước đây chỉ cần 5 ngày là có thể đưa hàng từ Trung Quốc về Việt Nam, bây giờ cần 15, có khi lên đến 20 ngày. Một số đơn vị nhập hàng thậm chí đã ngừng nhận đơn đặt hàng mới từ những kênh kinh doanh nhỏ lẻ như chúng tôi.\”
\”Với tốc độ nhập hàng như vậy, chúng tôi không thể cạnh tranh với các gian hàng nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc trên nền tảng thương mại điện tử như Shopee hay Lazada. Những đơn hàng này bán giá chỉ bằng một nửa giá của chúng tôi mà còn vận chuyển nhanh hơn vì được thông quan chính ngạch.\” Ngọc Anh phân tích.
Là một người kinh doanh lâu năm, Ngọc Anh cũng dự tính về việc trữ hàng cho nhu cầu đột biến trước và sau Tết. Nhưng theo cô, với tình hình đầy biến động như hiện nay, kế hoạch dự trữ hàng hóa rất khó khăn và đầy rủi ro.
\”Chưa kể, những cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ nguồn vốn không mạnh nên khả năng chống chịu trước dịch bệnh rất yếu. Nhập hàng nhiều thì dễ bị tồn hàng, ngâm vốn. Nhập hàng ít thì không đảm bảo doanh thu. Thật sự tiến thoái lưỡng nan và điêu đứng.\” Ngọc Anh nhận định.
Hàng từ Trung Quốc về Việt Nam thế nào?
Một chủ doanh nghiệp chuyên vận chuyển hàng Trung Quốc tại Hà Nội nêu tình hình với BBC News Tiếng Việt ngày 5/1:
\”Cuối năm, chiều nhập hàng từ Trung Quốc về vẫn hoạt động nhưng hàng hóa đi rất chậm, nhất là số lượng ít, dưới 100 kg. Bên công tôi đã ngưng nhận hàng mới vì hàng tồn đọng quá nhiều nên chúng tôi phải xử ly các đơn hàng trước đó. Chỉ có đơn đặt hàng vào tháng 12 là về trước Tết còn bây giờ thì thua. Thứ nhất vì Trung Quốc họ vẫn đang gắt gao thực hiện chiến lược Zero Covid nên chuyện thông quan rất ngặt nghèo, từ cả hai phía nhập và xuất khẩu luôn. Thứ hai vì kho bên Trung Quốc họ nghỉ Tết sớm.\”
\”Về chính sách Zero Covid của Trung Quốc bắt các lái xe phải cách ly vì Việt Nam có số ca nhiễm tăng trở lại, tức từ đầu Trung Quốc sang Việt Nam, khi quay lại bên đó phải cách ly từ 7-10 ngày nên thời gian xếp xe, thời gian đi về bị gián đoạn rất nhiều. Bên cạnh đó, họ kiểm hàng rất gắt gao.\”
\”Thêm nữa, hiện tại nhiều cửa khẩu đã đóng, tức bình thường bên công ty tôi đi hàng qua 10 cửa, giờ chỉ còn 5 thì chắc chắn bị ùn tắc hàng. Trong khi thời điểm hiện tại, khách nào cũng muốn nhập nhiều hàng về để bán cận Tết, xuyên Tết và thậm chí trữ hàng cho sau Tết. Vì vậy, hàng hóa ùn lại rất rất nhiều.\” người này chia sẻ.
Chủ doanh nghiệp này còn cho biết thêm, thông thường, hàng ghép lẻ thì mất một tuần để vận chuyển, còn hàng lô trên 100 kg sẽ mất 3-5 ngày. Tuy nhiên, những thời gian quan, hàng lẻ phải mất đến 3 tuần, hàng lô thì 2 tuần mới về tới Việt Nam.
Theo đó, đối với những bên kinh doanh nhỏ, muốn đặt hàng sau tết thì phải đợi tới giữa tháng Hai vì theo chủ doanh nghiệp chuyên vận chuyển trên, phía kho Trung Quốc thường nghỉ Tết dài và còn tùy vào các cửa hàng bên Trung Quốc họ làm việc lại khi nào.
\”Cuối năm tình hình bên nào cũng khó khăn cả, nhiều khách bên tôi than chết đói thực sự và mong muốn bên tôi chịu nhận đơn vì hiện tại bên tôi còn đi được hàng chứ nhiều chỗ khác là chết cứng. Nhưng bên tôi còn quá nhiều đơn tồn đọng chưa giải quyết, nhận thêm thì mất uy tín. Bây giờ những đơn hàng rất lớn, tầm 300-400 ký, có khi cả tấn cũng rất lâu mới về, vì vậy đơn ghép lẻ thì không thể nào nhận vào khoảng thời gian này.\” người này nói.
Chủ doanh nghiệp ở Hà Nội chia sẻ còn nói thêm: \”Nếu làm ăn với bên Trung Quốc nhiều sẽ biết bên họ bùng dịch cũng dữ dội chứ không phải kiểm soát. Họ cho xét nghiệm toàn dân liên tục, sau đó mới êm nhưng cũng có nhiều rủi ro nên chuyện hàng hóa chậm cũng phải chấp nhận.\”
Cán cân quyền lực và kinh tế Trung-Việt
Nêu ý kiến với BBC News Tiếng Việt ngày 5/1, Tiến sỹ Nguyễn Quang A cho rằng việc hàng Việt Nam qua Trung Quốc bị làm khó còn hàng Trung Quốc về Việt Nam vẫn hoạt động cơ bản cho thấy cán cân quyền lực và kinh tế giữa hai nước.
\”Chỉ qua đường chính thức mới giảm được sự bất công này. Cho nên đây chính là cơ hội buộc các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các tiểu thương phải tự thay đổi để cứu lấy mình bằng cách đẩy mạnh chính ngạch, không khuyến khích tiểu ngạch và bắt cả thương lái Trung Quốc. Về vấn đề xuất khẩu, không giải cứu gì nữa cả mà hãy cho doanh nghiệp lẫn tiểu thương thấy phải làm chính ngạch hoặc phải dừng và chịu rủi ro.\”
Ông Stephen Olson, chuyên gia nghiên cứu thương mại cấp cao từ Hinrich Foundation nói với BBC News Tiếng Việt hôm nay 4/1: \”Việt Nam cần chuẩn bị cho sự gián đoạn thương mại [tại cửa khẩu] ít nhất trong 6 tháng tới.
\”Một lời khuyên của tôi dành cho công ty của cả 2 phía [Việt Nam và Trung Quốc] đó là cần chuẩn bị cho sự gián đoạn thương mại này cho đến hết 6 tháng đầu năm, và thậm chí đến cuối năm.\” ông Stephen chia sẻ.
Lý do theo ông Stephen đó là vì Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh sắp diễn ra từ ngày 4 đến 20/2, Đại hội Đảng toàn quốc của Trung Quốc lần thứ 20 vào tháng 11/2022 thì \”rõ ràng ưu tiên của Trung Quốc là tiếp tục theo đuổi chính sách zero-Covid\”.
Tờ The Guardian trích nhận định cảu ông Lynette Ong, Phó Giáo sư Khoa học Chính trị từ Đại học Toronto (Canada) nêu nhận định:
\”Trung Quốc có thay đổi chính sách zero-Covid hay không cần phải chờ đến quyết định từ giới lãnh đạo Trung Quốc trong Đại hội Đảng toàn quốc vào tháng 11.\”